Ly hôn, đồng tính… vẫn còn phải cố gắng!

133

Ly hôn, đồng tính… vẫn còn phải cố gắng!

Chương 11 sách Công giáo trong tự do

Trích sách Công giáo trong tự do (Catholique en liberté, nxb. Salvator, 2019)

renepoujol.fr, René Poujol, 2022-01-07

Cách đây không lâu, bất kỳ một lời mời nào của các giáo dân, giám mục hoặc nhà thần học với huấn quyền để họ thay đổi cách tiếp cận về vấn đề người ly dị tái hôn trong Giáo hội đều bị ghi vào danh sách những người bất đồng chính kiến! Việc một giám mục như giám mục Jean-Paul Vesco (1), người “đầm mình” trong công vụ, bây giờ được bổ nhiệm làm tổng giám mục giáo phận Alger cho thấy mọi thứ đã thay đổi. Và điều này kể từ Thượng hội đồng về Gia đình, cũng như vấn đề về đồng tính. Dù chúng ta vẫn còn lâu mới giải quyết xong!

Ly dị, đồng tính… vẫn còn phải cố gắng!

Ly dị, đã trở thành một hiện tượng chính trong xã hội chúng ta, người công giáo cũng không tránh được. Có quá không khi nói vấn đề này đã thành phổ biến trong tập quán? Đã xa thời Đệ nhất phu nhân Pháp, bà Yvonne de Gaulle loại bỏ những người ly dị ra khỏi nơi làm việc của tổng thống. Năm 2009, báo Pèlerin mà tôi vẫn còn điều khiển trong vài tháng, đã làm một cuộc thăm dò quy mô về những người ly dị tái hôn. Chúng tôi nhờ viện TNS-Sofres định lượng hiện tượng. 37% người công giáo giữ đạo thường xuyên và thường được xem là “nòng cốt” của tín hữu cho biết, họ lo lắng vấn đề này cho chính bản thân hoặc cho người thân, 17% ly dị và sau đó tái hôn. Trong thời gian dài thực hiện các cuộc thăm dò, tôi đã quen đọc các báo cáo khảo sát chứa đầy các số liệu do viện chuyển đến. Nhưng hôm đó, khi đọc tài liệu, tôi cảm thấy chóng mặt. Cuộc thăm dò cho thấy, chỉ có 9% người Pháp có một người con đã ly dị, nhưng tỷ lệ này nơi người công giáo là 12%, nơi người công giáo giữ đạo là 15% và 19% nơi người công giáo giữ đạo thường xuyên. Tóm lại, càng theo đạo công giáo, càng có nguy cơ thấy con mình ly dị.

“Một vùng đứt đoạn lớn cho Giáo hội công giáo ở Pháp.” (Nicolas de Brémond d’Ars)

Tôi tưởng tượng sự ngạc nhiên của các giám mục khi họ thấy các con số trên báo Pèlerin… Có phải các gia đình công giáo có nhiều con hơn nên có nhiều nguy cơ thấy con số ly dị nhiều hơn trong số họ không? Có phải do thực tế chúng ta kết hôn nhiều hơn trong môi trường này và vì thế theo tỷ lệ thì chúng ta ly dị nhiều hơn không? Không có gì trong những chuyện này! Qua điện thoại, Brice Teinturier, nhà chính trị học phá lên cười giải thích cho tôi, rằng độ tuổi trung bình của những người theo đạo công giáo thường cao, theo thống kê, nên có khả năng họ có con ly dị cao hơn các cặp ngoài bốn mươi hơn đang lo việc học cho con cái. Phần còn lại của cuộc thăm dò xác nhận điều mà độc giả chúng tôi không ngừng bày tỏ: nỗi đau khổ khi thấy con cháu sau một lần thất bại trong hôn nhân bị “cấm rước lễ” suốt đời, dù Giáo hội không ngừng nói về sự tha thứ.

Trong một cuốn sách phỏng vấn viết bốn tay, bạn tôi  Michel Wolkowitsky, giám đốc Tu viện Sylvanès, kể giai đoạn ly kỳ trong cuộc đời của ông. Ông kết hôn với một phụ nữ đã ly dị và vừa có đứa con đầu lòng với bà, ông muốn đi xưng tội, ông biết ông không “đúng luật” với Giáo hội. Đường Du Bac, Paris, phản ứng của linh mục như máy chém: nếu ông bỏ người phụ nữ ông đang sống trong tội lỗi thì ông mới được tha tội.  Với điều kiện duy nhất này! Có bao nhiêu cặp vợ chồng tái hôn, sống chung thủy trong kết hiệp mới từ nhiều năm, một ngày nào đó họ nghe những người trong Giáo hội – ngay cả những người công giáo bình thường – nói họ là những cặp ngoại tình? Giáo hội phải thay đổi. Đây là điều mà 70% người công giáo trong cuộc thăm dò của chúng tôi đặt câu hỏi. Và đây là điều mà linh mục Nicolas de Brémond d’Ars, nhà xã hội học đã đồng ý bình luận về những kết quả, cha cảnh báo: “Một vùng đứt đoạn lớn cho Giáo hội công giáo ở Pháp.”

Sự phẫn nộ của Giám mục André Vingt-Trois…

Trong một chuyến đi Rôma, một giám chức của Phủ Quốc vụ khanh Vatican một lần nữa nói với tôi về vấn đề này, Giáo hội không thể và do đó sẽ không nhúc nhích. Thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Êphêsô, được Thánh Isidore thành Seville chú giải đã làm cho điều này trở nên bất khả thi: “Hôn nhân tượng trưng cho sự kết hợp của Đấng Kitô và Giáo hội, hay sự kết hợp của Đấng Kitô và Giáo hội là bất khả phân ly, do đó hôn nhân của con người là không thể phân ly.” Nhưng phép loại suy không đứng vững được vì sự khác biệt về bản chất giữa hai kết hợp này. Và ngoài ra, yêu cầu của các tín hữu không phải là đặt vấn đề về tính bất khả phân ly của hôn nhân, cũng như không đòi hỏi một bí tích hôn nhân cho lần thứ hai, họ muốn ý tưởng về “tha thứ” trở nên có thể tin được bằng cách không lên án họ “suốt đời” không được nhận các bí tích. Trong cuộc thăm dò của chúng tôi, nhà thần học đạo đức đáng kính Xavier Lacroix đã đề xuất cụ thể đền tội bảy năm, phù hợp với truyền thống của Giáo hội sơ khai, điều này cho thấy rõ ràng các lý lẽ bác bỏ về mặt thần học cho sự tiến hóa như vậy không phải không thể vượt qua. Và rồi, với tất cả chân thành, tôi luôn tự hỏi làm thế nào mà sự duy trì đơn giản một mối ràng buộc, dù chỉ mang tính bí tích, trong một cuộc hôn nhân mà từ đó tất cả tình yêu đã biến mất lại có thể thực sự làm chứng cho Tình yêu Thiên Chúa dành cho Giáo hội của Ngài.

Mười năm trước, khi tôi đến với báo Pèlerin trong tư cách là tân tổng biên tập, tôi tìm thấy một dự án thăm dò, cùng câu hỏi về những người ly dị tái hôn, trong lịch trình do ban biên tập soạn thảo. Tôi đã đồng ý. Cuộc thăm dò của Benoỵt Fidelin rất đáng chú ý về sự cân bằng và tính nhân văn của nó. Nó đã tạo lên cơn thịnh nộ của giám mục André Vingt-Trois, lúc đó là tổng giám mục giáo phận Tours, chịu trách nhiệm chăm sóc mục vụ gia đình trong Hội đồng Giám mục Pháp. Tôi được ban giám đốc che chở. Một năm sau, vào dịp Năm Thánh 2000, cũng cùng một nhà báo đã liên lạc với tổng giáo phận Tours, khi đó ngài chưa là hồng y, để yêu cầu phỏng vấn, bà thư ký của ngài giải thích cho nhà báo, rằng về cơ bản “Tổng giám mục” trong tư cách cá nhân đã có cùng suy nghĩ như ông giám đốc báo Pèlerin, nhưng cần phải hiểu rằng: từ bao giờ quan điểm của Rôma vẫn cứ như xưa…

Những gì chúng tôi yêu cầu, thượng hội đồng năm 2015 công nhận là hợp pháp

Những gì chúng tôi yêu cầu vào thời điểm đó, và nhiều người khác cùng với chúng tôi, làm chúng tôi thành những người chú giải thượng hội đồng cho đa số tín hữu, Thượng hội đồng về Gia đình năm 2015 đã công nhận điều đó là hợp pháp, cho phép Đức Phanxicô mở ra mục vụ như chúng ta biết. Năm 2013, ngài đã viết trong Tông hiến Niềm vui Tin mừng: “Các cánh cửa của bí tích không nên đóng lại vì bất kỳ lý do gì. Ba năm sau, ngài cho phép các linh mục mở chúng ra, với phân định. Vòng tròn đã được đóng lại. Khi làm như vậy và bất cứ điều gì những người rút phép thông công về một quyết định mà họ cho là dị giáo, huấn quyền tham gia và hợp thức hóa thực hành vốn đã là của nhiều linh mục, với sự đồng ý của giám mục của họ, nhân danh cảm thức đức tin”.

Có hữu ích không khi nói thêm, người công giáo không phải là những tín hữu duy nhất trên thế giới không? Và cũng từ những đòi hỏi này của Tin Mừng, người tin lành chưa bao giờ cấm người ly dị tái hôn rước lễ vì họ không xem hôn nhân là một bí tích; và người chính thống giáo từ lâu đã phát triển một mục vụ ăn năn và lòng thương xót. Nếu không đặt lại vấn đề nguyên tắc bất khả phân ly của hôn nhân, thì trong bất cứ trường hợp nào, hôn nhân tôn giáo thứ hai không thể xảy ra. Từ phán xét đến lòng nhân từ, đó là con đường mà Đức Phanxicô thành công trong việc dẫn dắt Giáo hội.” Trong bài phát biểu ngày bế mạc Thượng hội đồng, ngài tuyên bố: “Kinh nghiệm thượng hội đồng đã làm cho chúng ta hiểu rõ hơn, những người thực sự bảo vệ học thuyết không phải là những người bảo vệ văn thư mà là tinh thần; không phải ý tưởng mà là con người; không phải công thức mà sự nhưng không của tình yêu và sự tha thứ của Chúa.” Trong quyển sách của ngài với nhà xã hội học Dominique Wolton, ngài cũng nói như vậy với những người sợ tự do của Tin Mừng, những người chỉ thích núp trong xác tín của Giáo luật.

Về vấn đề đồng tính… sự đồng thuận lại có vấn đề hơn.

Trong lần khai mạc mục vụ này, Đức Phanxicô bao gồm cả người đồng tính. Một thực tế còn lâu mới gia nhập vào thế giới công giáo, sự đồng thuận đã được rèn theo thời gian về vấn đề ly dị tái hôn. Ở đây, tôi cũng lại bị tranh cãi nhiều như vào tháng 10  trước khi kết thúc Thượng Hội đồng về Gia đình, để bênh vực báo La Croix trong chuyên mục Padreblog của cha Amar. Nguyên nhân của vụ tai tiếng? Nhật báo công giáo La Croix trong loạt bài “Chân dung các gia đình” đã dành một bài nói về một cặp đồng tính nam tên là Julien và Bruno. Nhưng với Giáo hội, cặp là cặp nam-nữ, không phải là cặp đồng tính, nếu chúng ta tin vào từng chữ của các chỉ thị Rôma bị ảnh hưởng nhiều bởi cha Tony Anatrella, bây giờ đã rơi khỏi bệ thờ của một số hồng y, giám mục dựng lên để tôn vinh linh mục Anatrella, cha đề nghị dùng chữ “đôi, duo” mà theo cha để phân biệt giới tính vắng mặt ở đây.

Liệu chúng ta có thể minh họa rõ hơn khoảng cách trên vấn đề này, mà cho đến nay xã hội vẫn không vượt qua được không? Đối với nhiều người, sự co rúm của Giáo hội về vấn đề đồng tính vẫn không thể hiểu được, ở các quốc gia chúng ta vẫn có xu hướng tầm thường hóa vấn đề này. Kinh thánh – mà người do thái giáo, kitô giáo, hồi giáo quy chiếu – gần như là lời kết án không khoan nhượng với đồng tính được lặp lại trong các sách Công vụ Thánh Phaolô. Không cần phải nhắc lại ở đây những câu trích dẫn mà mọi người ít nhiều cũng biết về sự tồn tại và nội dung, nếu không muốn nói là diễn đạt. Khoa chú giải hiện đại mời gọi chúng ta bối-cảnh-hóa các bài viết này, mà việc đọc chúng ở mức độ đầu tiên dường như không còn thực tế, một vài Quốc gia thế giới hồi giáo lên án tử hình những người đồng tính… như Kinh Thánh yêu cầu. Huấn quyền Giáo hội công giáo từ chối xem lại bối cảnh với lý do cấm, trong mọi lúc và mọi nơi, không có sự thay đổi phong tục hay kiến thức nào có thể đặt lại vấn đề.

Với nhiều người, sự thay đổi trong cách nhìn bắt nguồn từ những năm sida

Trong thế giới phương Tây – nhưng không chỉ trong thế giới phương Tây – đồng tính được cho là một bệnh cho đến năm 1990, khi Cơ quan Y tế Thế giới, WHO, vĩnh viễn loại bỏ nó khỏi danh sách bệnh. Đối với những người khác, nó vẫn là một thứ xấu xa, sa đọa hoặc tội trọng, là đồng tính là có hành vi trái ngược với “chương trình hoạch định tạo dựng của Chúa.” Các ngành khoa học nhân văn lần đầu tiên phổ biến ý tưởng, một người không là đồng tính do họ tự quyết định. Giáo hội lưu ý đến điều này, không lên án những người theo “khuynh hướng” của họ, nhưng chỉ qua hành vi bị cho là “rối loạn nghiêm trọng” và với họ, chỉ tùy thuộc duy nhất vào ý chí tiết dục của họ.

Với một số tín hữu kitô, sự lật ngược đích thực là do họ ý thức, có những người đồng tính sống tình trạng vợ chồng ổn định, yêu thương, chung thủy, mở ra một hình thức xã hội trọng sinh. Về cơ bản, một lối sống, về thực chất không xa so với những gì mà báo cáo của Thượng hội đồng Gia đình đưa ra khi xem “các giá trị gia đình đích thực”, bao gồm cả những hình thức hợp nhất không hoàn hảo: “Sự ổn định, tình cảm sâu đậm, trách nhiệm với con cái, khả năng chịu đựng thử thách”. Cũng văn bản này, bị một số người phản đối gay gắt, nhưng đúng là có một số người, (những người đồng tính) nâng đỡ nhau đến mức hy sinh.

“Chính vì những người như con mà Chúa đã chết trên thập giá.”

Là nhà báo, trong những năm 1980, tôi là nhân chứng đau buồn cho những trường hợp này, có nhiều bệnh nhân sida bị gia đình bỏ rơi, kể cả những gia đình công giáo, họ chết trong cô đơn, với ánh mắt của người đàn ông hay phụ nữ yêu thương, chia sẻ cuộc sống với họ trong giây phút họ trút hơi thở cuối cùng. Trong một thăm dò thực hiện hai mươi năm của báo  Pèlerin, tôi đã thu thập được nhiều lời chứng này, chắc chắn là chứng cớ khá tiêu biểu cho thái độ của nhiều gia đình công giáo:

“Ngày tôi tiết lộ với mẹ tôi, tôi đồng tính, khi đó mẹ tôi ngồi ở phòng khách ngôi nhà ở Breton của chúng tôi. Trên tường treo cây thánh giá bằng gỗ. Mẹ tôi quay sang tôi, chỉ vào tôi và nói, “con có ý thức, chính những người như con mà Chúa đã chết trên thập giá không?”

Làm sao chúng ta không ngạc nhiên khi thấy cả thế giới công giáo chống lại hôn nhân cho tất cả mọi người năm 2013, có thể được cho đó là sự kỳ thị đồng tính sâu đậm, gây ra những phản ứng thù hận đáp trả không? Vào năm 2004, sau một bài báo dù sao cũng uyển chuyển của tuần báo chúng tôi, tôi nhận lá thư sau như tiếng kêu đau khổ: “Ông, tà phái của ông và đạo sư nằm liệt giường của ông (Gioan-Phaolô II) muốn dạy chúng tôi điều tốt và điều xấu, đủ rồi, quá lắm rồi! Hôm nay tôi là người pê-đê, một con gà chết và tôi khinh ông.”

Một tông huấn hậu thượng hội đồng không có gì để nói với những người đồng tính

Vì thế tông huấn của Đức Phanxicô có thể chào đón những người đồng tính đến với các bí tích, những bí tích mà các cộng đồng kitô hữu được nhận. Nhưng lại không công nhận tính hợp pháp các kết hiệp này. Mở ra với các bí tích, và như thế trong các bí tích này là phép rửa tội. Vì cách đây không lâu – nhưng chúng ta có nên nói về quá khứ không? – một số giáo phận, kể cả giáo phận Paris, từ chối các tân tòng là người đồng tính công khai, sống như vợ chồng, với lý do họ không từ bỏ cuộc sống vĩnh viễn trong tội lỗi. Ở những nơi khác, các hiệp hội gia đình gây áp lực lên các giám mục để không tiếp nhận người đồng tính vào mục vụ chăm sóc gia đình.

Mở ra như vậy… nhưng vẫn còn rụt rè! Văn bản hậu thượng hội đồng của Đức Phanxicô cho cảm nhận không “nghe thấy” người đồng tính và không nói chuyện với họ. Chỉ là nhắc lại họ được Chúa yêu thương và họ có chỗ đứng trong Giáo hội. Sự chú ý mục vụ duy nhất nhắm vào gia đình của họ – cha mẹ hoặc con cái – những người mà bản văn mời gọi đồng hành với đức ái. Nhưng dù sao cũng có vẻ hơi ngắn. Dĩ nhiên Giáo hội chấp nhận nhìn xã hội trong thực trạng của nó, tránh nhân lên những lời kết án mà chúng ta có thể thấy dưới thời Đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI. Nhưng không bao giờ Giáo hội nhận ra mình bị đặt vấn đề đến “tận đáy” bởi hiện thực đương đại này hay hiện thực đương đại kia.

Chắc chắn Đức Phanxicô không thể đi xa hơn, về vấn đề người ly dị tái hôn hay người đồng tính, như ngài đã giao cho các Nghị phụ thượng hội đồng giải quyết. Bằng chứng ngài hoàn toàn tôn trọng tiến trình thượng hội đồng, ngược với một số người kiện cáo chống lại ngài. Bây giờ cũng như hôm qua, tín hữu giáo dân, nhưng cả các phó tế và linh mục mong muốn các đường hướng được nhúc nhích, rằng cánh cửa hé mở không còn là cánh cửa hé mở.

1- Jean-Paul Vesco, Tất cả tình yêu đích thực là bất khả phân ly (Tout amour véritable est indissoluble, Ed. du Cerf 2015)

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Nhưng, ai là “anh em” của tôi trong đức tin?