Khi hai cơ thể của giáo hoàng bây giờ là một
fr.aleteia.org, Damien Le Guay, 2023-01-06
Trước khi chôn ở hầm mộ dưới vương cung thánh đường Thánh Phêrô, thi thể của Đức Bênêđictô XVI được quàn với khuôn mặt trần. Triết gia Damien Le Guay, chủ tịch Ủy ban Đạo đức Tang lễ Quốc gia Pháp nhìn qua cách quàn này là biểu tượng của một phương pháp sư phạm về tình phụ tử giữa người chết và người sống.
Giáo hoàng đã chết. Lần đầu tiên người kế nhiệm ngài nhận chức vụ. Nhưng theo truyền thống, khi một giáo hoàng qua đời, ngài bị phơi bày, thi thể của ngài quàn cho mọi người đến viếng cho đến ngày tang lễ. Quàn trong áo lễ màu đỏ – màu của Cuộc Khổ nạn – nhưng khuôn mặt và bàn tay để lộ. Điều này không thể không làm cho chúng ta thắc mắc về cách này, không sợ bị giả tạo, không phiền hà khi quàn người chết trong sự cứng nhắc của xác chết với làn da trắng cứng như đá cẩm thạch. Dĩ nhiên đây là cách quàn của xác chết, tay khoanh lại với tràng chuỗi, mũ miện giáo hoàng trên đầu. Dàn dựng có tổ chức này là cách để nói hai cơ thể của giáo hoàng bây giờ là một. Joseph là giáo hoàng. Bênêđictô XVI là giáo hoàng danh dự. Và bây giờ, kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2021, hai cơ thể là một, dù thể chế giáo hoàng bây giờ là thể chế Phanxicô. Giáo hoàng, giống như hoàng gia, có những hiện thân liên tiếp. Nhưng, vào lúc chết, hai thân thể của Joseph-Bênêđictô đã đến trước mặt Chúa trong uy nghiêm và trong tâm hồn khó nghèo. Chúa của Joseph – người luôn có đức tin riêng. Chúa của Bênêđictô – người là cộng tác của Chúa trên trái đất, người đứng đầu Giáo hội nhiệm thể của Ngài.
Một người như mọi người
Tại sao, quàn xác chết theo cách này? Chúng ta cần nhớ, tháng 9 vừa qua, trước bốn tỷ người xem truyền hình tang lễ hoành tráng của nữ hoàng Elisabeth II, chậm rãi kéo dài hơn một tuần, mọi chuyện đều ngưng lại ở Vương quốc Anh, tôn trọng một nghi thức có từ thời xa xưa, quàn nữ hoàng Anh nhưng không bao giờ để lộ khuôn mặt đã chết của bà. Tất cả được thực hiện xung quanh quan tài bà. Khuôn mặt người chết chỉ dành riêng cho gia đình, những người thân thiết trong đời sống của gia đình bà. Khuôn mặt thuộc về phạm vi tư nhân, trong khi chiếc quan tài thuộc về phạm vi công cộng. Còn với Đức Bênêđictô XVI, ngài không có con cái, gương mặt đã khuất của ngài thuộc về gia đình của ngài, gia đình mới của người ngài, gia đình của những người tin vào Chúa Giêsu Kitô. Việc công nhận gia đình mới bằng đức tin chứ không bằng huyết thống là một hành vi của kitô giáo. Khi được hỏi về mẹ và anh em mình, Chúa Giêsu nói (Lc 8:21): “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành.” Giáo hội của tín hữu là một gia đình. Và giáo hoàng là người đứng đầu, tôi tớ của tất cả mọi người và là giáo hoàng tối cao, dù đã chết, cũng thể hiện chính mình trong cái chết.
Ngài là người đứng đầu, người đứng đầu Giáo hội, ở trên ngai Thánh Phêrô, nhưng ngài đã chết, và chết như mọi người.
Lý do thứ hai để thể hiện cái chết: dù là giáo hoàng, ngài cũng là người và phàm là người thì phải chết, chết như tất cả mọi người, không ai tránh được dấu ấn của xác chết. Giáo hoàng là là người như mọi người, khi ngài chết, ngài cũng chết như mọi người. Chắc chắn ngài là người của đức tin, ngài tin sống lại, ngài là nhà thần học cao cấp, luôn có thể đương đầu với thế giới với những trách nhiệm của mình và với kitô hữu trước Tin Mừng, nhưng cái chết của ngài là cái chết của con người, nhân bản của ngài như nhân bản mọi người khác. Và những ai nghi ngờ điều này, tin một số phận đặc biệt dành riêng cho những tôi tớ cấp cao, trong “mùi thánh thiện” trước khi được phong, thì việc quàn xác chết này sẽ đưa ngài về lại với số phận chung. Ngài là người đứng đầu, người đứng đầu Giáo hội, ở trên ngai Thánh Phêrô, nhưng ngài đã chết, và chết như mọi người.
Cái chết, một bằng chứng được chia sẻ
Lý do thứ ba: cái chết là một thử thách của đức tin. Đức tin không tránh được cái chết, không đến để biến nó thành niềm vui trước hạnh phúc đã hứa, nhưng ở đó để giúp gia đình chịu đựng nỗi buồn, đau đớn, thống khổ và mất mát. Chúng ta nhớ lại sự kinh ngạc của nhà văn Dostoyevsky khi trong chuyến đi thăm Bâle, ông thấy bức tranh “Chúa Kitô chết trong mồ” của Hans Holbein vẽ năm 1521. Theo lời vợ ông kể lại, ông đã hãi sợ, rã rời. Và trong tác phẩm Chàng ngốc, nhân vật hoàng tử Mychkyne khi xem tác phẩm này đã tự hỏi liệu “người tín hữu kitô có thể mất đức tin khi nhìn bức tranh này không”! Như thế có cả ngàn lẻ một cách để tránh thử thách. Nhưng cái chết là đó. Đúng ở đó. Cái chết là điều tất yếu được chia sẻ. Làm thế nào để xử lý cái chết và không phải không có nó? Đó là minh triết của việc quàn thi hài một giáo hoàng, thể hiện cho thấy, với và trong bí ẩn của tâm hồn, hy vọng của thế giới bên kia.
Chúa Kitô chết trong mồ của Hans Holbein (Kunstmuseum, Bâle). Flickr / Ghi công 2.0 Chung (CC BY 2.0)
Lý do cuối cùng: trong tất cả các thể chế, Giáo hội không sợ chết. Giáo hội không che giấu cái chết. Chúng ta không được nói “điều cấm kỵ về cái chết” đã giáng xuống các xã hội phương Tây với mong muốn che giấu cái chết, che giấu người chết khỏi con mắt của đồng bào chúng ta và giảm tang tóc đến mức tối thiểu! Tuy nhiên, Giáo hội không bị ảnh hưởng về việc lo lắng cho sự giả dối này. Và đây là bằng chứng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Bài học cuối cùng của Đức Bênêđictô XVI