Gad Elmaleh: “Trinh Nữ Maria là cú sét tình yêu đẹp nhất của tôi”
lefigaro.fr, Clara Géliot, 2022-11-04
Phỏng vấn nghệ sĩ diễn viên hài Gad Elmaleh. Trong cuộc phỏng vấn, ông đề cập đến nhiều đề tài, Đức Mẹ Đồng Trinh, Thánh Vịnh, Thánh Augutinô, Tu viện Sénanque, Lộ Đức, hồng y Lustiger, Đức Phanxicô và phim “Con ở lại một chút” (Reste un peu) của ông.
Gad Elmaleh: “Trinh Nữ Maria là cú sét tình yêu đẹp nhất của tôi”
Phỏng vấn. Trong cuốn phim vừa thực vừa hư cấu, nam diễn viên hài nhập vai như một người thú nhận mình là người công giáo, ông nhìn lại hành trình tìm kiếm thiêng liêng và con đường dẫn ông đến việc rửa tội.
Một số dấu hiệu đã thấy trong tiến trình này như những ngọn nến nhỏ soi đường. Năm 2019, nghệ sĩ Gad Elmaleh nổi tiếng khi dựng vở nhạc kịch cuộc đời của Thánh Bernadette Soubirous diễn ở Lộ Đức. Trong buổi diễn cuối cùng, ông hát lời ca ngợi các nghi thức công giáo trong một hài kịch vừa khôi hài vừa can đảm. Từ nơi hành hương đến lễ phong thánh, khán giả không lạ gì khi thấy diễn viên hài do thái ở những nơi thiêng liêng của người công giáo.
Con ở lại một chút (Reste un peu) cuối cùng đã cho chúng ta thấy: bằng cách đặt mình ở cả hai phía của máy quay, đóng vai chính mình ở giữa gia đình và lấy cảm hứng từ câu chuyện cá nhân, nghệ sĩ Gad Elmaleh đã vén bức màn về đức tin của ông. Gặp người đi tìm chiều sâu và niềm vui.
Figaro. Cuốn phim nói về việc ông trở lại đạo công giáo có phải là cuốn tự truyện không?
Gad Elmaleh. Có những yếu tố tự truyện trong phim, nhưng có những yếu tố hoàn toàn là kịch bản, nhưng tôi muốn giữ bí mật. Điểm bắt đầu là có thật, đó là khi tôi 6 tuổi, tôi cùng đi với chị tôi vào một nhà thờ ở Casablanca, thời đó chúng tôi bị cấm đi. Tôi còn nhớ, tôi đẩy cánh cửa, tôi nghe tiếng động và tôi thấy chùm ánh sáng làm tôi chóa mắt. Vào bên trong, tôi dừng trước tượng Đức Mẹ, tôi như người được nhặt lại, tôi bật khóc. Chúng ta có thể phân tích phản ứng này qua tâm lý, qua phân tâm học, kiến trúc, cảm xúc của trẻ con, nhưng để biết đó là trải nghiệm thần bí hay niềm vui tràn ngập, cuối cùng không quan trọng với tôi, vì tôi chỉ đơn giản có cảm giác đã sống một cuộc gặp gỡ đã làm tôi chấn động và biến đổi. Khi rời nhà thờ, tôi tự hỏi vì sao mình lại bị cấm vào một nơi đẹp đẽ, êm dịu và thoải mái như thế này.
Ông sinh ra trong một gia đình do thái Sepharade khá truyền thống. Ông có nhận giáo dục về tôn giáo ở trường không?
Có, tôi may mắn được học ở một yeshiva, một trung tâm học kinh Torah và Talmud, nơi học sinh học phân tích Cựu Ước. Vì vậy, tôi đã học đọc và viết tiếng Aramanê, ngôn ngữ mà Rashi và Onkelos nói, nhưng Chúa Giêsu cũng nói… Tuy nhiên, trong suốt những năm này, tôi giữ bí mật về trải nghiệm của tôi ở nhà thờ, vì tôi không thể tưởng tượng tôi có thể kể chuyện này ở nhà hay ở trường.
Người do thái và người hồi giáo cùng có truyền thống khuyên chúng tôi không nên vào nơi thờ phượng của người thiên chúa giáo để tránh nguy cơ phạm tội thờ hình tượng một thần khác với thần chúng tôi. Nhưng phần lớn là do mê tín. Vì chuyện này mà nhiều người (như cha tôi) không tham dự các tang lễ tôn giáo. Thật đáng tiếc, các đám tang công giáo quá hoành tráng – trong đoạn cuối vở trình diễn của tôi. Thêm nữa tôi còn làm một hài kịch ngắn về chuyện này, tôi nói, không giống như chúng tôi, các buổi lễ luôn bắt đầu đúng giờ, chương trình chi tiết đã được soạn, micrô hoạt động… Nghiêm túc hơn, tôi nghĩ việc đi nhà thờ củng cố đạo do thái của tôi.
Bộ phim này cho chúng tôi biết lý do ông tham dự vào việc sản xuất chương trình ca nhạc “Bernadette Lộ Đức” được dàn dựng năm 2019…
Khi tôi nói với Gilbert Coullier và Roberto Ciurleo, tôi đang say mê viết về Trinh Nữ Maria và tôi muốn tham gia vào dự án của họ, ban đầu họ rất ngạc nhiên. Nhưng sau đó nhanh chóng họ hiểu tôi đang đi tìm và tôi thích đến vương cung thánh đường và thánh địa nhiều hơn. Lộ Đức là nơi hành hương có thể làm nhiều người chế nhạo, nhưng trên tất cả, Lộ Đức phản ánh một nỗi đau khổ và một tuổi trẻ với thời gian…
Ông có thường xuyên đi tĩnh tâm không?
Tôi có đến tu viện Sénanque và tôi thích quay lại đó, nhưng kể từ khi tôi đọc quyển Ba ngày ba đêm (Trois jours et trois nuits, nxb. Fayard) kể kinh nghiệm của những tác giả lớn, tôi cũng mơ được đi dạo ở tu viện Lagrasse, gần Narbonne, nơi các đan sĩ thường xuyên sống theo quy tắc của Thánh Augutinô.
Ông nói ông hối tiếc về sự khiêm tốn cẩn thận thường quá mức của người sông giáo…
Đúng vậy, tôi ngạc nhiên thấy ở Pháp, đa số người công giáo không sống đức tin của họ cách công khai. Có một hình thức khiêm tốn cẩn thận và kiềm chế mà người do thái và hồi giáo không có. Tôi không biết phải phân tích thế nào, nhưng khi họ sống trong tình yêu và niềm vui, họ nên tự hào mình là người theo đạo!
Mùa hè này khi đến trung tâm Paray-le-Monial ở Paris, tôi chứng kiến một chuyện mà mọi người nên thấy: hàng ngàn người đến với nhau trong vài ngày để làm điều tốt, để yêu thương, giúp đỡ nhau, để cùng nhau suy nghĩ. Vì thế tôi sẽ nói như Đức Gioan-Phaolô II đã nói: “Xin các bạn đừng sợ!” tôi khám phá được niềm vui sâu đậm nhờ đạo công giáo, giáo lý của đạo đã mở trí cho tôi vì nó song song với do thái giáo của tôi. Đó là lý do vì sao tôi muốn kết thúc cuốn phim bằng câu nói của hồng y quá cố Jean-Marie Lustiger, giáo phận Paris: “Đây là cách, trong suốt cuộc đời, tôi cảm thấy tôi đang trở thành người do thái khi chấp nhận kitô giáo, cuối cùng tôi khám phá ra những giá trị của do thái giáo, tôi không phủ nhận chúng”.
Nếu ông gặp hồng y Lustiger, ông muốn nói gì với ngài?
Tôi sẽ hỏi ngài: “Cha có bao giờ sợ không?” Tôi nghĩ đến phản ứng của cộng đồng và của mẹ ngài, người đã chết trong trại tập trung. Nhưng tôi cũng sẽ xin ngài nói về Chúa Giêsu, giải thích cho tôi người này là ai, người do thái trở lại này là ai, và tôi sẽ hỏi ngài nhiều câu hỏi khác, vì dù cho tình yêu và niềm vui tôi nhận được ở đạo công giáo nhưng còn nhiều điều tôi không thể giải quyết được, như Chúa Ba Ngôi chẳng hạn. Người đạo công giáo gọi đó là bí ẩn hân hoan. Cám ơn, nhưng theo tôi “bí ẩn hân hoan” nghe như tên của một món tráng miệng?!
Có cần phải có óc hài hước của người do thái để chọc cười đạo công giáo không?
Nếu có tình yêu, hài hước không quan trọng. Tất cả các van sẽ mở khi chúng ta dịu dàng và hào phóng cười. Và với một độ lùi, chúng ta có thể có một nhận thức khác, một phê phán và đánh giá cao.
Một ngày nào đó ông sẽ dựng một hài kịch “Sự thật nếu tôi nói dối” nơi người công giáo không?
Thật buồn cười vì khi tôi nói tôi muốn làm cuốn phim này, tất cả những người tôi nói chuyện đặc biệt người công giáo đều nghĩ tôi sẽ làm một tác phẩm nhại theo phong cách của Étienne Chatiliez trong Cuộc đời là con sông dài lặng lẽ. Nhưng tôi là người đứng bên ngoài, giống như khi có người nói với bạn: “Tôi đã gặp bố mẹ bạn, tôi rất yêu họ” và bạn trả lời: “Nhưng bố tôi không phải lúc nào cũng như vậy.” Chúng ta không thể che giấu mọi vấn đề, mọi đau khổ: sự im lặng của Giáo hội trong thời quốc xã diệt chủng người do thái, việc người do thái bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha năm 1492, Tòa dị giáo, Isabella the Catholic… tôi nói tất cả những điều này trong phim vì tiếng nói này cũng vang lên trong tôi và nó tôi rèn bản sắc do thái của tôi.
Gần đây ông theo các khóa thần học của Học viện Bernardins. Học tại chỗ như thế này có cần thiết cho việc đi tìm điều thiêng liêng của ông không?
Mọi thứ đều có một câu chuyện, một nguồn gốc, một con đường, và tôi thích lần theo dấu vết của chúng. Tôi không phải là người đọc nhiều, tôi không có một văn hóa văn chương phi thường, nhưng tôi ác cảm với sự gần đúng và tầm thường về trí tuệ, tôi thích tìm tòi và ở gần những người hiểu biết. Hiện tại, tôi đang đọc Maimonide, một trụ cột minh triết của truyền thống do thái, Charles de Foucauld, tôi có dự lễ phong thánh của nhà trí thức này ở Rôma tháng năm vừa qua và tôi đang nghe băng ông Daniel Mesguich đọc Lời thú tội của Thánh Augutinô. Triết gia và thần học gia la-mã người gốc berbère lôi cuốn tôi bằng thi ca và lời than thở của ông, vì nói chung, tôi thích những người thách thức hoặc giận Chúa. Cũng có một số trong truyền thống do thái và tôi rất xúc động vì ý tưởng về Chúa đôi khi làm chúng ta hụt hẫng, lắm khi còn làm chúng ta thất vọng. Nhưng trên hết là Thánh vịnh, một tập sách chúng tôi chia sẻ nhưng chưa được chuyển thể và trong đầu tôi khi nào cũng nghĩ đến các bài Thánh vịnh này. Tôi mơ tổ chức một buổi đọc sách có các bạn do thái, kitô giáo và cả người hồi giáo xung quanh những bài này, vì chúng thật huy hoàng.
Tóm lại, ngoài con đường cá nhân mà tôi kể trong phim, những nghiên cứu này gợi lên một sự hiếu kỳ to lớn mà tôi luôn có về mối quan hệ với tôn giáo và các tôn giáo. Trên thực tế, tôi ngược với những người theo thuyết bất khả tri: giả thuyết về Chúa kích thích và mang lại cho tôi niềm vui. Tất nhiên, khi tôi nói điều này với một người do thái, họ sẽ nói: “Người công giáo tóm được bạn với niềm vui của họ!”
Nếu cuốn phim rõ ràng đề cập đến việc trở lại của “nhân vật” của ông, thì sự dè dặt của ông sẽ ngăn không cho ông nói việc cá nhân ông đi tìm đã đưa ông đi đến đâu. Nhưng trở lại chủ đề đã làm ông chấn động…
Dù ý nghĩa của nó như thế nào, nhưng nó có dạng của một bước ngoặt quyết liệt trong cuộc đời của bất cứ người đàn ông, người phụ nữ nào, cuộc đời trở lại của họ đã làm cho tôi xúc động đến kinh khủng. Đó là lý do vì sao tôi thích đọc những câu chuyện trở lại được viết trong thời Thế chiến thứ hai của những nhà trí thức do thái như Bergson, Edith Stein, Jacques Maritain, Maurice Sachs hoặc triết gia Simone Weil. Tất cả những người trở lại vĩ đại này có người đã không xin rửa tội, nhưng họ đã trở lại với cả tấm lòng.
Về phần ông, có thể nói ông trở lại với cả tấm lòng không?
Tôi sẽ nói về sự lôi cuốn, tò mò, tình yêu, thậm chí là cú sét ái tình với đạo công giáo. Và vì tôi thích ý tưởng nhân rộng nên tôi không muốn để mình bị nhốt trong một ô, tôi muốn cởi mở. Sau này, có thể đời sống sẽ nói cho tôi biết con đường nào phải đi, nhưng chuyện này chỉ tùy thuộc vào tôi. Có một điều chắc chắn là tôi thích ý tưởng kết nối người do thái và người công giáo lại với nhau vì, ngoài bổn phận phải biết nhau, tôi tin chắc chúng ta không thể sống thiếu nhau. Người công giáo gọi người do thái là người “anh cả trong đức tin”, nghĩa là chúng ta trong cùng một gia đình.
Chọn một tôn giáo hay chọn vô thần có cần thiết cho việc bám rễ không?
Đó là khi chúng ta nói về bản sắc. Là người do thái, tôi biết rõ điều này: do thái giáo, ngoài cách giữ đạo hoặc thờ phượng, đó là một bản sắc thực sự – có lẽ còn hơn cả kitô giáo trong lãnh vực này -, đặc biệt là qua cách người do thái gắn liền với lịch sử và quá khứ của mình. Nhưng tất cả những gì thuộc về thứ trật của linh đạo hay đức tin là điều không thể chối cãi: không ai có thể tranh cãi, bình luận hay đánh giá sự cuốn hút mà người đó dành cho một vị thần. Cũng giống như cách khi chúng ta rơi vào lưới tình, đó không phải là về con người mà là về trạng thái. Đức tin không phải là chiến lược.
Ông nói trong phim: “Tôi muốn được rửa tội để được gần với Mẹ Maria hơn. Đức Mẹ như thế nào với ông?
Tượng Đức Mẹ trong vali của ông
Đó là cú sét tình yêu đẹp nhất đời tôi! Đó là biểu tượng làm cho tôi xúc động, nhưng trên hết là những gì Đức Mẹ mang lại cho tôi. Nếu cuốn phim có tên Con ở lại thêm một chút, đó là câu mẹ tôi nói rất nhiều và bà lặp đi lặp lại trong suốt tuổi thanh xuân của tôi, nhưng, ở một khía cạnh nào đó, chính tôi là người cũng nói với Mẹ Maria…
Qua cuốn phim này, ông muốn dành lại quyền “chơi với lửa”. Có một cái gì đó khiêu khích trong câu này không?
Không, vì khiêu khích bao gồm ý rao giảng một cái gì đó sai để tạo phản ứng. Tôi biết rất rõ những gì tôi đang làm với phim này, tôi biết việc trở lại có ý nghĩa như thế nào với người do thái và tôi đã nghe những lời bình luận đầu tiên: một số người do thái nói với tôi “ui, ui, ui, tôi muốn xem phim của bạn nhưng tôi sợ!”; những người khác nói đây đúng là Talmul; người công giáo thì nói “alleluia!”; một vài người hồi giáo thì hoàn toàn thấy mình trong đó… Nhưng tôi không thể nói tôi bình tâm khi tôi phát hành bộ phim hài lãng mạn. Nhưng tôi không nghĩ phải làm cho tác phẩm nghệ thuật của tôi phù hợp với khán giả. Lần này, điều tôi quan tâm là đối thoại trong phim, tôi dựa vào trí thông minh của khán giả để sáng tác. Điều tôi xúc động nhất là khi tôi nghe một người vô thần nói với tôi, họ rất buồn vì cuốn phim cho thấy một người đến được với điều phi lý, thiêng liêng, đức tin, Thiên Chúa hay thần thánh (bất kỳ tên nào chúng ta muốn gọi) vì tình yêu mà không qua một thể chế, một tín điều hay một thẩm quyền.
Ông có là người nhiệt thành bảo vệ chủ nghĩa thế tục không?
Tôi vì dân chủ và rất vui thấy công lý, giáo dục hay y tế không phụ thuộc vào tôn giáo, nhưng điều này làm tôi điên lên khi cho rằng các tôn giáo khác nhau và tất cả các cộng đồng nội tại không tồn tại. Ngày nay, chúng ta sợ sự phức tạp đến nỗi tránh mọi chủ đề gần xa liên quan đến tôn giáo. Trong thời gian cách ly, tôi mong được những người có đức tin soi sáng. Không nói đến các nghi thức, đến tổ chức các buổi lễ, tôi muốn biết nhận thức của họ về con người ngày nay và cảm giác của họ về rủi ro, về thất vọng mà chúng ta đang trải qua. Sẽ rất tốt nếu được chia sẻ suy nghĩ bên ngoài các suy nghĩ của giới chính trị, nhân viên chăm sóc hoặc những người điều hành kinh tế dẫn dắt. Cơ thể và túi tiền, họ quản lý, nhưng tâm hồn cũng phải mang khẩu trang sao?
Năm 2019, ông được mời đến dự buổi tiếp kiến của Đức Phanxicô, buổi tiếp kiến đã diễn ra như thế nào?
Vì tôi chưa bao giờ gặp Đức Gioan-Phaolô II nên đây là lần đầu tiên tôi “trò chuyện” với một giáo hoàng (cười). Cùng với nhóm Bernadette, chúng tôi tặng ngài bài hát chính của vở nhạc kịch. Tôi đặc biệt nhạy cảm với tính nhân văn đích thực, và tôi thực sự xúc động trước lòng tốt tự nhiên của người này. Để dùng chữ của người công giáo hay dùng, đó đúng là giây phút của ơn sủng. Thêm nữa tôi chưa bao giờ để ý đến từ này nhiều như khi tôi để ý đến đức tin công giáo, và những “khoảnh khắc ơn sủng” chúng tôi có thể trải nghiệm trên sân khấu với sự tự phát, ngẫu hứng, với những lúc huy hoàng rực rỡ, đó là những chuyện vượt quá chúng tôi..
Làm thế nào ông gặp linh mục Barthélemy và sơ Catherine mà chúng tôi thấy trong phim?
Nhờ ông Roberto Ciurleo. Khi ông giới thiệu tôi với sơ Catherine ở Lộ Đức, tôi – như người Canada nói – rơi vào lưới tình?! Sơ vui tính, hoạt bát, tươi sáng, quảng đại và vì nữ tu công giáo này rất quan tâm đến do thái giáo nên ngay lập tức, trong mắt sơ tôi không phải là chàng trai xâm nhập vào ‘thế giới công giáo’ nhưng là người sơ có thể trao đổi và có một kết nối thực sự. Sơ Catherine biết bài cầu nguyện kabbalat ngày xa-bát, sơ biết đọc kinh Lekha dodi, sơ hát Shalom Alekhem, sơ biết các kinh cầu nguyện tiếng do thái, như thử phụng vụ do thái cuốn hút sơ, sơ nói về Cựu Ước… Tóm lại, với sơ chúng tôi đi xa hơn và một cách sâu đậm. Thêm nữa, sơ nhanh chóng thành bạn, thành người tâm giao của tôi; chúng tôi thường gởi tin nhắn, các bài về tôn giáo, sơ cầu nguyện cho tôi… và, trong phim, sơ không diễn, sơ là chính sơ.
Còn cha Barthélemy, tôi gặp cha khi đang viết kịch bản. Tôi đang viết với Benjamin Charbit – nhà viết kịch bản rất tài năng mà tôi đặc biệt mang ơn – nhưng tôi cần một tu sĩ có thể giúp tôi viết những cảnh nói về trở lại, và Roberto đã giới thiệu tôi đến với linh mục giáo xứ Boulogne-Billancourt này. Khi tôi gởi tin nhắn cho cha, cha hơi bị ảo giác, ngày hôm trước khi cha đến nhà, cha còn gởi cho tôi tin nhắn, cha nói cha “bị khựng”. Nhưng cuộc gặp theo lẽ kéo dài một giờ thì kéo dài bốn giờ. Cha dạy cho tôi thế nào là giáo lý tân tòng – chữ tôi hay đùa trong phim – và từ chuyến thăm thành cuộc trao đổi, chúng tôi thành bạn với nhau. Và khi chọn ai sẽ đóng vai này trong phim, tôi nghĩ, vì sao lại đi tìm diễn viên mặc áo linh mục và tôi lại thành người chỉ đạo họ mà không nhờ cha đóng chính vai của mình??
Hình thức vừa tài liệu vừa hư cấu có được nghĩ ngay từ đầu không?
Không, phiên bản đầu tiên thực sự là hư cấu. Tôi tên là Joseph, tôi là nhà văn, tôi trở về từ Hoa Kỳ, tôi đã viết về Đức Trinh Nữ Maria và tôi phải lòng cô biên tập của tôi. Nhưng khi Benjamin Charbit đọc và hỏi tôi Joseph là ai, tôi phải nói với anh đó là tên lót của tôi, ngắn gọn, đó là tôi. Khi đó, tôi quyết tâm loại bỏ những gì tôi gọi là “thừa”, những thứ làm tôi xa chính tôi. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản tôi có nghi ngờ về ranh giới giữa hư cấu và thực tế, và tôi thú nhận, tôi thích khi người xem tự hỏi, về cuốn phim do thái này, nó là thịt xông khói hay thịt heo?!
Việc ông đưa cha mẹ và chị của ông vào phim có phải là cách để ông làm vỡ áp-xe không?
Chân thành mà nói, chính xác là như vậy. Đó là điều mà các nhà xã hội học gọi là mô hình làm chủ. Tôi đang đọc quyển Ở lại với do thái? (Rester juif?) của tác giả Yaël Hirsh về trở lại và bà giải thích rõ thói quen mà các nhà trí thức hay nghệ sĩ khi họ đồng hành với hành trình thiêng liêng của một câu chuyện, như cái nạng hay một nghĩa vụ phải đi đến cùng. Nhưng khi đưa các người trong gia đình tôi vào phim, tôi tin ở niềm vui được đóng với cha mẹ tôi, tôi ít có nguy cơ xa với sự thật hơn.
Vì sao Arié, anh của ông cũng là diễn viên, không có trong danh sách diễn viên?
Là diễn viên nhà nghề, tôi nghĩ anh sẽ lấy làm lạ khi tôi nói với anh: “Anh có muốn đóng phim với cha, mẹ, Judith và tôi không?” Nhưng tôi hiểu anh, và phải nói tôi giữ bí mật về tiến trình của tôi, tôi phải trình bày dự án cuốn phim này như cuốn phim về sự khủng hoảng tuổi năm mươi và tôi công nhận, về điểm này tôi đã tóm được cha mẹ tôi một chút (cười).
Nhu cầu này có làm cho ông gần với sự thật được thúc đẩy do những cáo buộc đạo văn ông phải đương đầu năm 2019 không?
Một cách vô thức, chắc chắn. Và theo một cách nào đó, tôi biết ơn những gì đã xảy ra, vì nó đã dạy cho tôi rất nhiều. Tôi đã phân tích các lời phê bình, làm việc với bản thân và tạo một cái gì tinh khiết. Và người ta không thể trách tôi đã mượn câu chuyện này của ai; nếu tôi không sống qua, tôi đã không thể sáng tác!
Trong khi thực hiện, ông có biết cuốn phim này là một tác phẩm can đảm không?
Không, bởi vì can đảm không phải là điều gì người ta phải có trong ý thức. Và nếu có, đó là vì tôi đã làm mà không tự hỏi mình có thích nó không. Mối quan tâm duy nhất của tôi, và đây không phải là một tư thế, là biết nó có cho phép chúng tôi đi tới đàng trước không. Tôi chân thành muốn nó khuyến khích các cộng đồng trao đổi với nhau và hiểu nhau hơn, để chúng ta có thể liên kết người do thái, kitô giáo, hồi giáo trong tình huynh đệ. Lý do là ở Maroc, chúng tôi lớn lên trong sự hòa hợp, chúng tôi biết nhau: các em bé hồi giáo biết các nghi thức của người do thái, và ngược lại. Tôi nhận thức được sự phức tạp của việc này vì tôi không phải là người của chủ nghĩa đại kết, điều mà tôi xem như một thể chế và chính trị – bức hình quy tụ giáo sĩ do thái, giáo sĩ hồi giáo và linh mục thì rất đẹp, nhưng thường người ta chụp sau khi đã có sự cố. Tôi, tôi thích chúng ta gặp nhau bên ngoài các thảm kịch và chúng ta bảo vệ nhau như người anh em.
Marta An Nguyễn dịch
“Cha Barth”, cha xứ của nghệ sĩ Gad Elmaleh ngoài đời và trong phim
Nghệ sĩ hài Gad Elmaleh: “Dự tòng là nghệ thuật đánh võ thiêng liêng”
Con ở lại một chút: Gad Elmaleh nắm được chính vai của mình
Gad Elmaleh kể lại đức tin của ông: “Tôi mơ giây phút chúng ta sẽ thực sự nói chuyện với nhau”