presence-info.ca, Louis Cornellier, 2022-10-30
Hình minh họa
Đối với người công giáo, lựa chọn ưu tiên cho người nghèo là “một lựa chọn bắt buộc”, giám mục Pierre Goudreault viết cảm hứng từ Đức Phanxicô.
Chúng ta không thể cho mình là tín hữu kitô nếu chúng ta xem thường người nghèo và không đấu tranh cho phẩm giá của họ. Năm 2013 Đức Phanxicô viết trong tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium: “Nếu không có sự lựa chọn ưu tiên cho người nghèo thì việc loan báo Tin Mừng, vốn là điều đầu tiên của các việc làm của đức ái có nguy cơ bị hiểu lầm hoặc bị chìm trong một đống ngôn từ.”
Giám mục Pierre Goudreault, giáo phận Sainte-Anne-de-la-Pocatière rút ra kết luận cần thiết trong quyển sách Những khuôn mặt của nghèo đói (Les visages de la pauvreté, nxb. Novalis, 2022). Ngài viết: “Đối với người công giáo, lựa chọn ưu tiên cho người nghèo là một lựa chọn bắt buộc.”
Dù nhiều tín hữu kitô dè chừng với chính trị, họ giới hạn đức tin của mình ở chiều kích thiêng liêng và thỉnh thoảng làm từ thiện qua các tổ chức giúp đỡ người nghèo. Chúng ta đừng ngại nói lên điều này, một quan niệm hạn hẹp về đức tin kitô.
Lấy cảm hứng từ các nhà thần học giải phóng Châu Mỹ Latinh của những năm 1960 và 1970, kể từ đó, lựa chọn ưu tiên cho người nghèo đã được chính thức đưa vào học thuyết xã hội của Giáo hội. Nó có một khía cạnh chính trị rõ ràng, như linh mục Dòng Đa Minh người Pháp Alain Durand chủ trương có “một thay đổi trong cấu trúc xã hội áp bức” và quyết tâm giải quyết các “nguyên nhân cấu trúc của nghèo đói”.
Trong tông huấn Niềm vui Tin mừng, Đức Phanxicô khẳng định “không ai có thể thấy mình được miễn trừ không lo cho người nghèo và công bằng xã hội”. Giám mục Pierre Goudreault khẳng định, đòi hỏi của đức ái, vốn là trọng tâm của đức tin kitô giáo phải đi kèm với việc tố cáo “những bất công do các cấu trúc xã hội gây ra đã làm cho một số người hoặc toàn bộ các dân tộc nghèo đi”.
Chính trị của Chúa Giêsu
Người công giáo quá rụt rè, có thể họ không muốn làm chính trị, nhưng họ không thể phủ nhận học thuyết xã hội của Giáo hội, đã cho họ một chương trình để tham gia vào kinh tế xã hội – các vấn đề đạo đức tình dục lại là một chuyện khác – nằm ở bên trái của quang phổ ý thức hệ.
Khi làm như vậy, Giáo hội phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Năm 1987, Đức Gioan-Phaolô II đã viết, khi sống với lựa chọn cho người nghèo, người tín hữu kitô đã “bắt chước cuộc sống của Chúa Kitô”. Linh mục Alain Durand lưu ý, để biện minh cho mối liên kết không thể tách rời giữa đức tin công giáo và người nghèo, rằng “chỉ cần cậy đến Kinh thánh là đủ để khám phá Chúa Cha nhân lành muốn đã nghe tiếng kêu của người nghèo như thế nào”.
Trên cơ sở này, chúng ta thấy sự lừa bịp của một loại thần học chủ trương thịnh vượng. Xu hướng phát sinh từ sự lệch lạc của các giáo phái phúc âm, đã hỗ trợ cho các chính trị gia như Donald Trump hay Jair Bolsonaro, liên kết của cải vật chất với sức khỏe tinh thần và xem nghèo đói là sự trừng phạt từ Chúa. Đức Phanxicô nói năm 2016: “Thật là sai lầm khi nghĩ rằng Chúa cho mình giàu có để chứng tỏ mình là người công chính”.
Chúng ta tất cả đều biết tiêu chuẩn thực sự của người công chính, đã được ghi lại trong phúc âm Thánh Máttêô 25, 35-36. 40:
“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? Đức Vua sẽ đáp lại rằng: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
Phiên bản cập nhật của đoạn trích cảm hứng từ lựa chọn ưu tiên cho người nghèo sẽ viết thêm: Tôi là nạn nhân của hệ thống kinh tế xã hội bất công, và bạn đã hành động về mặt chính trị để chống đối và thay thế nó.
Từ chối sự bất công
Trong Những khuôn mặt của nghèo đói, trước hết giám mục Pierre Goudreault vẽ lên bức tranh của sự nghèo đói hiện đại trong các biểu hiện quốc gia và quốc tế. Tại Québec, năm 2019 có 7,9% dân số sống dưới mức nghèo khổ (10,1% ở Canada). Ở châu Phi, tỷ lệ này là 40%, tức là hơn 400 triệu người; ở châu Á, 42% công nhân là người nghèo, trong đó có hơn 170 triệu người ở Ấn Độ; ở Mỹ Latinh và vùng Caribê, 31% dân số sống trong cảnh nghèo đói.
Có rất nhiều nguyên nhân cho tình trạng không thể chấp nhận này. Giám mục Goudreault đề cập đến những định kiến cụ thể về dân tộc và xã hội (chẳng hạn chống lại người khuyết tật hoặc bệnh tâm thần), nạn thất nghiệp, kinh tế hóa toàn cầu, chiến tranh và dĩ nhiên sự phân bố của cải không đồng đều.
Người tín hữu kitô không thể thờ ơ trước đau khổ này. Giám mục Goudreault viết: “Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo mang mệnh lệnh tối hậu: đó là lựa chọn hàng đầu, một xác tín sâu đậm, một tinh thần đoàn kết không biên giới, một sứ mệnh. Đó là trọng tâm của việc loan báo Tin Mừng, nhằm mục đích làm chứng cho Nước Chúa, nơi thể hiện sự thật, tự do, bác ái, công lý và hòa bình.”
Toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu làm chứng cho đặc tính cốt yếu này. Sinh ra trong khó nghèo, để không mơ hồ về việc “Chúa đơn sơ bước vào lịch sử nhân loại chúng ta, liên đới với những người thấp bé nhất, những người bị loại trừ và những người nghèo khổ. Chúa Giêsu chọn các tông đồ cũng là những người khiêm tốn, ít học ở một vùng bị xem thường, Ngài khuyên các tông đồ sống cuộc sống thanh đạm, tập trung vào việc tìm kiếm sự thật. Và cuối cùng Chúa không còn gì, Ngài chết trên thập giá. Thần học gia giải phóng người Salvador Jon Sobrino viết, “đó là câu trả lời của Chúa cho hành động bất công và tội ác của con người”. Nói cách khác, Thiên Chúa nói không với bất công, bất công đã lên án người nghèo.
Người nghèo và tương trợ
Chúng ta không thể tuyên bố tin vào Chúa của người tín hữu kitô mà xem thường hoặc bỏ qua người nghèo, vì Chúa Giêsu đã là người nghèo để ở với họ. Giám mục Goudreault viết: “Nếu những người kém may mắn được hưởng một vị trí đặc quyền trong trái tim Chúa Giêsu, thì đó không phải là vì họ giỏi hơn người khác, nhưng vì Ngài không thể chịu đựng sự bất công mà họ là nạn nhân.”
Vậy mà quyền năng duy nhất của Chúa trong cuộc chiến chống bất công này lại nhờ chúng ta. Linh mục Alain Durand nói: đừng chờ đợi các thiên thần từ thiên đàng xuống để thiết lập công lý trên Trái đất. Giám mục Goudreault tóm tắt: “Chính nhờ sự hiện diện của chúng ta, cam kết thực hiện công lý và liên đới mà Thiên Chúa hiện diện và hành động có lợi cho người nghèo khổ”. Tất cả chúng ta, trong sâu thẳm, bằng cách này hay cách khác, đều nghèo, với những giới hạn của chúng ta, những vết thương của chúng ta, những thiếu sót của chúng ta, nhu cầu của chúng ta với người khác. Cam kết với người nghèo, theo nghĩa này, không có nghĩa là giúp cho những người thấp kém hơn, mà là tình đoàn kết, ở đỉnh cao của con người mong manh chúng ta.
Tiểu luận khiêm tốn, không có giả thuyết về văn học hoặc triết học, quyển sách của giám mục Pierre Goudreault là lời mời mục vụ để Tin Mừng có một khuôn mặt cụ thể cho Tin Mừng. Thánh Augutinô viết: “Những thứ dư thừa của người giàu là nhu cầu cần thiết của người nghèo. Đó là chiếm hữu tài sản của người khác để có những thứ dư thừa.”
Chúng ta không thể chống lại bất công này mà không làm chính trị. Đó cũng là một cách để là người tín hữu kitô.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Lo cho người nghèo không phải theo chủ nghĩa cộng sản mà là theo Tin mừng