Bí tích bàn thờ và bí tích người anh em
osservatoreromano.va, Massimiliano Signifredi, 2023-11-23
Ngày chúa nhật 19 tháng 11, trước hàng ngàn người vô gia cư, người di cư, người già, người khuyết tật và các thiện nguyện viên cùng đi bên cạnh họ mỗi ngày ở Đền thờ Thánh Phêrô đông nghẹt, Đức Phanxicô lên tiếng: “Người nghèo thì đông. Và khi nghĩ đến số người nghèo đông đảo này, sứ điệp Tin Mừng thật rõ ràng: chúng ta đừng chôn cất của cải của Chúa! Chúng ta hãy phổ biến lòng bác ái, chia sẻ cơm bánh của chúng ta, hãy nhân lên tình yêu thương! Nghèo đói là tai tiếng, là chuyện không tốt. Khi Chúa trở lại Ngài sẽ đòi chúng ta trả lẻ.
Ngày Thế giới Người nghèo được Đức Phanxicô thành lập năm 2017 khi kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót, và được cử hành hàng năm trong các cộng đồng kitô giáo để nói lên tình yêu thương với người nghèo như một nền tảng cơ bản, một ơn gọi để trở thành “dấu chỉ cụ thể hơn bao giờ hết về lòng bác ái của Chúa Kitô đối với những người nhỏ bé và thiếu thốn nhất”.
Trong thông điệp năm nay, Đức Phanxicô nhắc chúng ta “đừng rời mắt khỏi người nghèo”, ngài nhắc đoan 4 câu 7 trong sách ông Tôbia “khi bố thí, con đừng so đo. Với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ”, quyển sách này của Cựu ước ít được biết đến, nhưng đầy sức thuyết phục và khôn ngoan. Khôn ngoan như câu hỏi Đức Phanxicô đặt trong ngày chúa nhật về dụ ngôn các nén bạc: “Tôi có chấp nhận rủi ro trong cuộc sống của tôi không? Tôi có chấp nhận rủi ro với sức mạnh đức tin của tôi không? Là tín hữu kitô, tôi có dám chấp nhận rủi ro hay tôi khép mình lại vì sợ hãi, hèn nhát không?”
Theo Đức Phanxicô, tình yêu dành cho người nghèo là điều cốt yếu, ngài sẽ không chọn danh hiệu Phanxicô và sẽ không dành nhiều tâm sức như vậy để thực hiện ước mơ của mình về một “Giáo hội nghèo và cho người nghèo”. Ở đây là sự tiếp nối của hai mươi thế kỷ lịch sử kitô giáo, đi suốt lịch sử nối Giáo hội với người nghèo. Thực ra, khi các tín hữu kitô quay đi, họ cũng quay lưng với Tin Mừng. Nhưng đến lúc họ được hoán cải (khi họ trở về với Tin Mừng để tiếp tục sống trong cộng đồng tông đồ) thì luôn có sự tái khám phá sinh động về người nghèo, từ Thánh Phanxicô đến Thánh Đa Minh thế kỷ 13, cho đến Thánh Philip Neri và Thánh I-Nhã thế kỷ 16. Về chuyện này, hồng y Yves Congar, một trong những nhân vật chính của Công đồng Vatican II đã nhận xét sâu sắc: “Người nghèo là tài sản của Giáo hội. Họ không chỉ là khách hàng hay người hưởng lợi từ tài sản của Giáo hội: Giáo hội không sống trọn vẹn mầu nhiệm của mình nếu không có người nghèo. Cộng đồng kitô hữu không thể tồn tại nếu không có diakonia, nghĩa là phục vụ bác ái, và điều đó không thể tồn tại nếu không cử hành bí tích Thánh Thể. Ba thực tại này được liên kết với nhau: cộng đoàn, bí tích Thánh Thể, phục vụ người nghèo”.
Vấn đề không chỉ giúp người nghèo mà còn xem người nghèo là người anh em của Chúa Giêsu, do đó họ là thành viên hữu hiệu của Giáo hội. Ngày nay, với sự gia tăng đáng lo ngại về tình trạng nghèo đói, một phần do hậu quả kinh tế của chiến tranh, từ Syria đến Ukraine, và bây giờ ở Đất Thánh, người nghèo bị tiêu diệt – “người nghèo đã trở nên vô hình, tiếng kêu của họ bị bóp nghẹt do sự thờ ơ chung của một xã hội bận rộn và mất tập trung”, như Đức Phanxicô giảng trong bài giảng ngày chúa nhật vừa qua – một câu hỏi đau nhói mà Giáo hội không thể tránh khỏi. Vì về mặt nhân khẩu học, phần lớn trẻ em sống ở miền Nam bán cầu, và cũng vì tình yêu dành cho người nghèo thử thách lòng trung thành của chúng ta với Tin Mừng. Ông Olivier Clément, thần học gia chính thống người Pháp nhận thấy phải kết hợp cầu nguyện với tình yêu cho người nghèo, ông dùng câu nói nổi tiếng của Thánh Gioan Chrysostom về hai bí tích “bí tích bàn thờ và bí tích anh em” mà đời sống người tín hữu kitô dựa trên đó. Năm 2003, ông viết: “Hai bí tích này hoàn toàn không thể tách rời: cả hai đều đại diện cho một bài học lớn lao cho người ngày nay, bị cám dỗ sống theo một kitô giáo có phần tâm thần phân liệt, với nhiều điều huyền bí, nhưng không làm thay đổi cuộc sống của họ”.
Trong những năm gần đây, nhờ lời giảng của Đức Phanxicô, những hành vi thương xót của ngài, việc thiết lập Ngày Thế giới Người nghèo, thành lập bộ Phục vụ Bác ái được ngài giao cho hồng y Konrad Krajewski, chúng ta hiểu rõ hơn tình yêu dành cho người nghèo không chỉ là công việc của một số tổ chức giáo hội hoặc một số “chuyên gia”, nhưng đó là phần quan trọng trong ơn gọi kitô giáo của tất cả những người đã được rửa tội, vì mọi người đều chịu trách nhiệm về thừa tác vụ của lòng thương xót. Điều này chúng ta thấy trong Thượng Hội đồng gần đây, nơi tiếng nói của người nghèo vang lên và được phản ánh về tình yêu dành cho họ, đến gần hơn với gia đình các môn đệ Chúa Giêsu, nơi người nghèo được đặt vào chỗ danh dự và chúng ta đã thấy trong bữa ăn trưa tại Hội trường Phaolô VI được Khách sạn Hilton tổ chức sau thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô.
Ông Massimo, 60 tuổi cho biết: “Điều quan trọng là có ai đó chú ý đến bạn, nhìn thẳng vào mặt bạn và mời bạn đi ăn không phải là khách mời mà là thành viên trong cùng một gia đình,” ông sống trong ‘căn nhà’ tạm bợ bằng thùng giấy, tối lắp nhà, sang dỡ nhà, bây giờ ông bắt đầu nhìn về tương lai với niềm hy vọng nhờ vào lòng hiếu khách của những người làm việc ở Palazzo Migliori, ngôi nhà nương náu Đức Phanxicô dành cho họ, cách hàng cột của Quảng trường Thánh Phêrô một quãng ngắn và được cộng đồng Sant’Egidio điều hành.
Ông Renato, người Mỹ gốc Ý ở Rôma đã trải qua nỗi đau tột cùng khi phải ngủ trên băng ghế cho biết: “Hôm nay là ngày đẹp nhất đời tôi. Tại bàn ăn, Đức Phanxicô khuyến khích tôi tiếp tục thăng tiến và xin tôi cầu nguyện cho ngài”, bây giờ ông tìm được chỗ trú ngụ ở nhà thờ Chúa Chiên Nhân lành đường Lungara: “Không chỉ là chỗ ngủ mà còn là đà tiến để tôi bắt đầu sống lại, nhờ tình bạn của nhiều bạn trẻ, sinh viên đại học Sant’Egidio, nhờ tình bạn của nhiều người trẻ, của các sinh viên đại học ở cộng đồng Sant’Egidio đã giúp tôi tìm được việc làm: người gác cửa khách sạn.”
Và theo Đức Phanxicô, “làm phúc lợi cho việc làm bác ái là mang lại hạnh phúc và phẩm giá cho con người”.
Marta An Nguyễn dịch