Có chuyện gì tốt từ Okarche Oklahoma không, câu chuyện của chân phước tử đạo Stanley Rother
Ronald Rolheiser, 2022-11-07
Có các vị thánh là chưa đủ, chúng ta cần những thánh của thời đại mình! Đây là câu nói khôn ngoan của triết gia Pháp Simone Weil. Các thánh thời trước có nhiều điều để chúng ta học hỏi nhưng chúng ta nhìn vào sự tốt lành, đức tin và hy sinh quên mình của họ, chúng ta ngưỡng mộ dễ hơn là theo gương họ. Đời sống và hoàn cảnh của họ dường như quá xa với đời sống và hoàn cảnh chúng ta đến mức chúng ta dễ dàng tách khỏi họ.
Vì thế tôi muốn nêu lên vị thánh của thời chúng ta, linh mục Stanley Rother (1935-1981), cậu bé nông thôn ở Oklahoma đã trở thành nhà truyền giáo ở với người nghèo tại Atilan, Guatemala, và cuối cùng đã tử đạo. Đời sống và những đấu tranh của ngài (có lẽ cũng là đấu tranh can trường phi thường để đi đến cùng) chính là điều mà chúng ta dễ dàng thấy giống chúng ta.
Stanley Rother là ai? Ngài là linh mục quê ở Oklahoma bị bắn chết ở Guatemala năm 1981. Ngài đã được phong chân phước tử đạo, và sẽ sớm trở thành người đàn ông đầu tiên sinh ra tại Hoa Kỳ được phong thánh. Tôi xin nói qua đời của ngài.
Stanley Rother sinh ra trong gia đình nhà nông ở Okarche, Oklahoma, là con đầu trong bốn người con. Thuở nhỏ, cha giúp việc trong nông trại gia đình, và trong cả cuộc đời và đời mục vụ, cha vẫn là một nông dân hơn là học giả. Lớn lên và làm việc giúp gia đình, cha thường xới đất, sửa máy và đào giếng hơn là đọc sách các học giả Aristotle và Tôma Aquinô. Và điều đó lại rất tốt cho cha khi truyền giáo giữa người nghèo, dù không mấy thuận lợi cho cha trong những bước đầu theo ơn gọi linh mục.
Những năm đầu của cha ở chủng viện rất chật vật. Cố gắng học triết học (bằng tiếng la-tinh) để chuẩn bị cho khóa thần học thực sự là quá sức với cha. Sau vài năm, chủng viện khuyên cha nên về, rằng cha thiếu năng lực học thuật để theo đuổi chức linh mục. Về lại nông trại, cha đến gặp giám mục và cuối cùng cha vào chủng viện Núi St. Mary ở Maryland. Dù ở đây cha không giỏi về học thuật nhưng cha phát triển mạnh nhiều mặt khác, làm cho ban điều hành chủng viện ấn tượng đủ để tiến cử cha được phong chức.
Về lại giáo phận của mình, cha dành những năm đầu đời linh mục chủ yếu để làm những việc tay chân, sửa chữa một cơ sở bỏ hoang mà giáo phận được thừa kế và biến nó thành trung tâm phục hồi. Rồi năm 1978, cha được mời tham gia đội ngũ truyền giáo của giáo phận, mở một sứ mạng truyền giáo ở Guatemala. Mọi nền tảng và nhân cách của cha bây giờ quá lý tưởng cho công việc này, nhưng ngược đời thay, một người chật vật khi học tiếng la-tinh, bây giờ lại có thể học một ngôn ngữ khác, tiếng Tz’utujil của người bản xứ mà cha phục vụ, và trở thành một trong những người biên soạn bảng chữ cái, từ vựng và ngữ pháp cho họ. Cha phục vụ về mặt bí tích, nhưng cũng liên hệ với mọi người về mặt con người, giúp họ trồng trọt, tìm nguồn lực cho họ, và thỉnh thoảng dùng tiền túi cho họ. Cuối cùng, cha trở thành người bạn và lãnh đạo đáng tin cậy của họ.
Tuy nhiên, không phải mọi chuyện đều lý tưởng. Tình hình chính trị ở đó cực kỳ tệ, bạo lực khắp nơi, và bất kỳ ai bị xem là đối lập với chính quyền đều có nguy cơ bị dọa dẫm, bắt cóc, tra tấn và sát hại. Cha Stanley đã cố tránh dính đến chính trị, nhưng làm việc với người nghèo lại bị xem là hành động chính trị. Có thời điểm, một vài giáo lý viên của cha bị tra tấn và giết hại, và không ngạc nhiên khi bản thân cha cũng nằm trong danh sách phải tiêu diệt và nhiều người thúc cha rời Guatemala để bảo đảm tính mạng. Trong ba tháng về lại gia đình ở Oklahoma, cha dằn vặt suy nghĩ về chuyện có nên quay lại Guatemala, dù biết nếu quay về là đồng nghĩa với cái chết. Quyết định này đặc biệt khó khăn, vì dù cha nghe có tiếng gọi quay lại Guatemala, nhưng cha lo cái chết của mình sẽ làm đau lòng cha mẹ già.
Thôi thúc bởi câu nói của Chúa Giêsu: mục tử không bỏ chạy khi đàn chiên của mình gặp nguy hiểm, cha quyết định quay về Guatemala. Bốn tháng sau, cha bị bắn chết ở khu nhà truyền giáo nơi cha sống, cha đã chống cự đến cùng với những kẻ tấn công để khỏi bị bắt đi và trở thành “người mất tích”. Ngay lập tức, cha được công nhận là bậc tử đạo và xác của cha được đưa về Oklahoma mai táng, cộng đoàn Atitlan giữ trái tim của cha và biến căn phòng nơi cha tử đạo thành nhà nguyện.
Đã có nhiều sách viết về cha và tôi xin đề nghị hai quyển sách này: quyển tiểu sử chi tiết là quyển Người Mục tử không bỏ chạy (The Shepherd Who Didn’t Run) của Maria Ruiz Scaperlanda. Quyển tiểu sử thánh thiện là quyển Tình yêu ở vùng đất đáng sợ (Love in a Fearful Land) của Henri Nouwen.
Chúng ta có thánh bổn mạng cho mọi dịp và mọi việc. Vậy thánh Stanley Rother là quan thầy cho ai và điều gì? Cho tất cả chúng ta, những người bình thường ở trong những hoàn cảnh cần có can đảm phi thường.
J.B. Thái Hòa dịch
Bài đọc thêm: Một Thiên Chúa, một hệ thống dẫn đường, một con đường cho tất cả chúng ta