Đức Bênêđíctô XVI nói lên bi kịch “nội tâm của người tín hữu kitô”
catholicnewsagency.com, Andrea Gagliarducci, 2022-09-22
Trong một bức thư mới, Đức Bênêđíctô XVI nói lên “bi kịch nội tâm của người tín hữu kitô”.
Trong một bức thư mới, Đức Bênêđíctô XVI ca ngợi câu chuyện của Mẹ Julia, Mẹ đã sống “bi kịch nội tâm để trở thành người tín hữu kitô” và dành trọn đời cho cuộc gặp gỡ thiêng liêng với Chúa Kitô trong việc chầu Thánh Thể và các việc làm khác.
Trong một thư gởi cho tác giả quyển tiểu sử mới, giáo hoàng danh dự viết kinh nghiệm cá nhân của ngài tương tự như những gì Mẹ Julia Verhaeghe đã sống.
Nhà văn, linh mục Hermann Geissler là cựu nhân viên của bộ Tín Lý và là thành viên của gia đình thiêng liêng “Công việc” (L’Œuvre) mà Mẹ Julia đã thành lập và năm 2001 đã được Đức Gioan-Phaolô II chỉ định là gia đình đời sống thánh hiến.
Trong bức thư gởi cho linh mục Geissler, Đức Bênêđíctô XVI không giấu ngài “sợ cuộc sống của ngài có thể ít được quan tâm vì không có một bi kịch nào bên ngoài”. Ngài ca ngợi tác giả đã “biểu hiện được bi kịch nội tâm của việc trở thành người tín hữu kitô, bằng cách viết quyển tiểu sử thật hấp dẫn. Con đường bên ngoài của cuộc đời này, đi từ Bỉ đến Rôma qua Áo và Hungary, với điểm chính là Áo đã nói lên được con đường nội tâm mà người phụ nữ này đi. Bằng cách này, bi kịch đích thực của cuộc sống trở nên hữu hình, trước hết được tìm thấy trong cuộc gặp với Thánh Phaolô và qua Thánh Phaolô là với Chúa Kitô, giúp cho những người khác lần theo dấu vết của ngài. Tất cả bi kịch bên ngoài và bên trong của đức tin hiện diện trong cuộc sống của Mẹ Julia. Sự căng thẳng được mô tả ở đây đặc biệt hấp dẫn vì giống với những gì tôi đã trải qua từ những năm 1940.”
Quyển tiểu sử, có tựa đề “Bà đã phục vụ Giáo hội: Mẹ Julia Verhaeghe và sự phát triển của Gia đình Thiêng liêng Công việc”, khai phá giai đoạn từ năm 1950 đến năm 2001, từ giai đoạn sau Thế chiến thứ hai đến khi Gia đình được công nhận, bốn năm sau khi nhà sáng lập qua đời năm 1997. Quyển sách gồm bốn chương, có các lời chứng, các trích dẫn từ các thư của Mẹ Julia và các tài liệu lưu trữ khác. Ngoài ra, bố cục quyển sách là đời sống và các quyết định của Mẹ Julia liên hệ với tình huống thời bấy giờ, trong đó Mẹ Julia là một quan sát viên chăm chú.
Trong phần giới thiệu, linh mục Thomas Felder và sơ Margarete Binder viết, “những trang sách kể câu chuyện của một phụ nữ không có một văn hóa đặc biệt, không có sức khỏe tốt cũng như không có một phương tiện kinh tế nào”, nhưng, đây là “ngọn lửa bùng cháy trong trái tim Mẹ”. Ngọn lửa này là cơ sở của những cuộc gặp gỡ đã hình thành nên cuộc đời Mẹ: trước hết là gặp Thánh Phaolô; rồi với giáo hoàng Piô XII, người đã hiện ra với Mẹ trong giấc mơ tiên đoán về Công đồng Vatican II; cuối cùng là cuộc gặp với hồng y John Henry Newman, người có liên hệ đặc biệt với “Công việc”. Những cuộc gặp và những mối quan hệ này là một phần của hành trình thiêng liêng hướng tới cuộc gặp với Chúa Kitô. Quyển sách của linh mục Geissler kể lại những cuộc gặp này một cách tế nhị, không giật gân, chứng tỏ lời tiên tri chỉ đến khi chúng ta mở lòng ra để lắng nghe. Từ cuộc gặp với Đức Piô XII nảy sinh một trực giác tuyệt vời: yếu tố nhân bản và nhân bản hóa của Công đồng Vatican II là quan trọng, vượt lên những gì đáng lẽ phải là trung tâm của Giáo hội, đó là thiêng liêng.
Đứng trước tình trạng thế tục hóa ngày càng tăng, Gia đình Thiêng liêng “Công việc” do Mẹ Julia hướng dẫn, nhấn mạnh đến việc chàu Thánh Thể. Đó là thói quen hàng ngày trong mỗi ngôi nhà của Gia đình Thiêng liêng.
Quyển sách cũng mô tả cách Mẹ Julia nhiệt tình cảm nhận và quan tâm với một châu Âu thống nhất khi Brussels chuẩn bị tổ chức Expo 1958. Tầm nhìn của Mẹ luôn là một trong những đổi mới thiêng liêng, một sự trở lại với Chúa Kitô. Có thể không có một bi kịch nào bên ngoài, nhưng sự khuấy động tâm hồn của Mẹ Julia mà Đức Bênêđíctô đề cập là tốt, mở ra để suy ngẫm về các vấn đề của thời đại.
Trong sách của linh mục Geissler, chúng ta cảm nhận được sự ngạc nhiên không ngừng trước huyền nhiệm Chúa Kitô, điều đã làm cho Mẹ dù đã lớn tuổi, đi Đất Thánh và trải nghiệm sa mạc. Cuộc đời của Mẹ Julia được kể lại trong cuốn sách này, là cuộc đời của một phụ nữ biết cách nhìn thời gian của mình, cụ thể chỉ đến từ việc tiếp xúc với Chúa. Đức Bênêđictô đã 95 tuổi, ngài thường nói về nhu cầu tiếp xúc với Chúa và nói rằng gặp gỡ Chúa Giêsu là câu trả lời cho những thách thức của thế giới.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch