Là tiếng nói của Đức Phanxicô trong chuyến đi Canada
ispx.org, Marcel Caron, 2022-08-09
Cách đây mười mấy ngày, tôi trải qua một kinh nghiệm tuyệt vời trong đời! Từ ngày 24 đến ngày 29 tháng 7, tôi được đặc ân phiên dịch cho Đức Phanxicô trong chuyến tông du của ngài đến Canada. Trong 6 ngày, tôi là tiếng nói của ngài!
Ngày 15 tháng 6, tôi nhận tin chính thức tôi được chỉ định thông dịch cho ngài trong chuyến đi Canada của ngài. Như thế tôi sẽ ở bên cạnh ngài gần như mọi lúc để dịch các buổi nói chuyện của ngài. Ngoài ra tôi được yêu cầu dịch luân phiên cho bài phát biểu đầu tiên và cuối cùng của ngài; nhưng đã có một thay đổi vào giờ chót, tôi sẽ dịch tám trong số chín bài nói chuyện của ngài trong chuyến đi này.
Và thế là tôi lên đường đi Edmonton ngày 22 tháng 7, ngài sẽ đến đây ngày 24 tháng 7. Trong những tuần trước, tôi chuẩn bị bằng cách đọc các bài báo khác nhau về mục đích chuyến đi hòa giải với các dân tộc Quốc gia Thứ nhất, Métis và Inuit, để mở con đường hàn gắn và hy vọng. Tôi cũng đã biết các cuộc gặp của ngài với các phái đoàn bản địa khác khi họ đến Rôma mùa xuân năm nay. Tôi nhận ra chuyến đi hành hương sám hối này có khả năng là một ngày mới cho các anh chị em thổ dân chúng tôi và cho sự “sống chung” của tất cả người dân Canada.
Khi đó là 4:15 sáng, khi đi về cánh cửa lên tàu, tôi thấy trong tiệm sách gần đó quyển tiểu thuyết Gió vẫn còn nói (Le vent en parle encore) của Michel Jean, nhà báo, nhà văn gốc người Innue. Quyển tiểu thuyết này mô tả nỗi kinh hoàng và đau khổ người dân bản địa đã sống trong các trường nội trú qua cuộc đời của các nhân vật Virginie, Marie và Charles. Năm tháng trôi qua, 77 năm sau, nỗi đau ấy vẫn còn dữ dội như lúc đầu.
Tôi đọc xong trang cuối khi máy bay đáp xuống Edmonton… và tôi bị choáng ngộp. Tôi tự nhủ đây là tiểu thuyết, chắc chắn sẽ có nhiều trang phóng đại… Tuy nhiên, trong suốt tuần, tôi nghe, thấy, chạm vào những câu chuyện không còn là những trang tiểu thuyết, mà là những phần đời đã mãi mãi bị tổn thương, bị bầm dập qua các kinh nghiệm họ sống trong trường nội trú. Họ không còn là nhân vật tiểu thuyết mà là những anh chị em bản xứ; tên của họ là Gérald, Wilton, Rosanne hoặc Marie-Anne.
Ngày 25 tháng 7, Đức Phanxicô đến Maskwacis, cách Edmonton khoảng 100 cây số để có cuộc gặp đầu tiên với người bản xứ. Tại đây ngài sẽ dành thì giờ cầu nguyện ở một nhà nguyện nhỏ. Trên các bức tường nhà nguyện, thanh niên bản địa giơ cao một băng dài màu cam có ghi tên các trường nội trú và tên học sinh đã chết ở đây. Hơn 4000 tên… mỗi tên có một câu chuyện, một gia đình, một cộng đồng. Đức Phanxicô đi dọc nhà nguyện, ngài dừng lại cầu nguyện, đọc tên, tưởng nhớ. Ngài đi chậm rãi như thử để ngấm tất cả nỗi đau này. Cuối cùng, ngài cầm giải băng và hôn.
Sau đó, chúng tôi đến nghĩa trang Maskwacis, nơi chỉ có một mình Đức Phanxicô cầu nguyện trong im lặng. Sau những phút dài, chúng tôi tiếp tục đi bộ để đến nơi gặp nhưng không dừng lại nơi trước đây có trường nội trú. Đức Phanxicô được các nhà lãnh đạo bản xứ địa phương ra đón và tất cả đi bộ đến nơi gặp.
Các bài hát, điệu múa truyền thống, các bài diễn văn chính thức mở đầu cho những lời đầu tiên Đức Phanxicô nói với người bản địa trên đất Canada. Người ta mang đến cho ngài một micrô, còn tôi đến chiếc micrô còn lại. Mọi người xúc động vì con người và địa điểm, vì tiếng nói, vì im lặng, tôi dịch lời ngài ra tiếng Anh. Những lời mang nặng ý nghĩa.
“Tôi xin cám ơn anh chị em đã mang tôi vào trọng tâm của tất cả những chuyện này, đã trút bỏ gánh nặng trong lòng anh chị em, đã chia sẻ ký ức sâu đậm này với tôi. Hôm nay, tôi ở đây, trên mảnh đất mang ký ức của tổ tiên, mang vết sẹo còn mở. Tôi ở đây vì bước đầu tiên trong chuyến đi hành hương sám hối này giữa anh chị em là để nói lại lời xin anh chị em tha thứ với tất cả tấm lòng, tôi vô cùng đau buồn: Tôi xin được tha thứ cho những việc mà đáng tiếc, nhiều tín hữu kitô đã làm, tâm lý thuộc địa của các cường quốc đã áp bức các dân tộc bản địa. Tôi đau lòng. Đặc biệt, tôi xin anh chị em tha thứ cho cách mà nhiều thành viên của Giáo hội và các nhà dòng đã hợp tác, thậm chí là thờ ơ, qua các chương trình phá hủy văn hóa, cưỡng bức đồng hóa của các chính phủ thời đó, dẫn đến hệ thống trường nội trú cho người bản địa.”
Những lời này, Đức Phanxicô sẽ lặp lại trong suốt chuyến đi của ngài. Nhưng hơn cả lời nói là những cử chỉ, những ánh nhìn, những lắng nghe, những giây phút im lặng, những giọt nước mắt và nhất là một tình thương dịu dàng và nhân ái tạo nên nhịp cầu với anh chị em bị tổn thương. Hy vọng bước mới này để gặp người kia sẽ tạo một bình minh mới của chữa lành “làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ”.
Sau một tuần trôi qua, tôi tin giọng nói của tôi cũng có thể mang lại an ủi và can đảm. Đây không phải là lời nói của tôi, nhưng nó mang trọng âm của tôi, cảm xúc của tôi, mong muốn của tôi đến được với người kia trong trái tim mật thiết nhất của họ. Hy vọng anh chị em bản địa không những nghe tiếng nói của tôi mà còn là lời của Đức Phanxicô, người mời gọi chúng ta lắng nghe tiếng vọng của Đấng Tạo Hóa, Đấng đang nói với mỗi người con của Ngài, cho họ biết phẩm giá của họ là con cái của Chúa Cha vĩ đại biết bao, và họ đã được yêu thương đời đời như thế nào!
Vẫn còn rất nhiều điều để nói về tuần này. Bao nhiêu cuộc gặp đáng nhớ, bao nhiêu gương mặt rạng rỡ khi Đức Phanxicô đến gần giáo dân, bao nhiêu niềm vui trên đường phố Québec khi chiếc xe giáo hoàng đi qua, bao nhiêu chữa lành đã có… Mỗi người đều có cuộc hành hương nội tâm riêng của mình trong chuyến tông du này. Cuộc hành trình vẫn chưa kết thúc! Khi tôi rời Iqaluit, khi nhiệm vụ của tôi với tư cách là người phiên dịch cho Đức Phanxicô sắp kết thúc, tôi có thể nói “sứ mệnh đã hoàn thành”. Nhưng sự thật đơn giản là công việc chỉ mới bắt đầu. Là tiếng nói của giáo hoàng cũng có nghĩa là mang thông điệp của ngài về hòa bình, hòa giải, chữa lành và hy vọng… mỗi ngày!
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Ở gần Đức Phanxicô là một trải nghiệm độc nhất vô nhị với phó tế Pierre-Paul Deblois