Ở gần Đức Phanxicô là một trải nghiệm độc nhất vô nhị với phó tế  Pierre-Paul Deblois

171

Ở gần Đức Phanxicô là một trải nghiệm độc nhất vô nhị với phó tế  Pierre-Paul Deblois

lavoixdusud.com, Serge Lamontagne, 2022-08-10

Một ngày sau thánh lễ tại vương cung thánh đường Sainte-Anne-de-Beaupré, phó tế Pierre-Paul Deblois kể lại kỷ niệm cảm động của thầy, trong tay thầy là chuỗi tràng hạt được chính tay Đức Phanxicô tặng. (Ảnh: Tiếng nói phương Nam – Serge Lamontagne)

Chuyến đi lịch sử của Đức Phanxicô đến Canada vào cuối tháng 7,  lời xin lỗi thay mặt Giáo hội công giáo của ngài với người bản địa và thánh lễ ngài cử hành ở vương cung thánh đường Sainte-Anne-de-Beaupré ngày 28 tháng 7 sẽ khắc sâu trong trí nhớ của nhiều người. Với cộng đồng Bellechasse-Etchemins, Québec, với thầy phó tế duy nhất Pierre-Paul Deblois của cộng đồng, người vinh dự ở sát bên Đức Phanxicô trong thánh lễ, được ngồi bên cạnh ngài.

Đức Phanxicô xin các phó tế giáo phận Québec giúp ngài trong thánh lễ tại đây, hồng y Gérald-Cyprien Lacroix đã mời bốn thầy phó tế, trong đó có thầy Deblois, thầy được hồng y phong phó tế ngày 9 tháng 11 năm 2014. Sau đó hồng y giao cho thầy trách nhiệm đào tạo các phó tế giáo phận trong bốn năm, vì thế khi nhận lời mời này, thầy sống kinh nghiệm chưa từng có thầy sẽ nhớ suốt đời.

Sau đây là tâm sự của thầy:

“Đây là kinh nghiệm sống vừa thể chất vừa thiêng liêng, nhất là với một tín hữu kitô, một phó tế như tôi. Được ngồi bên cạnh người đại diện cho đức tin của thế giới không phải là chuyện bình thường.

Tôi và thầy Guy Boily ở Saint-Jean-Chrysostome được chọn để ở bên cạnh giáo hoàng trong thánh lễ và trong đoàn rước khi vào và khi ra nhà thờ. Chúng tôi ngồi bên cạnh Đức Phanxicô trong suốt buổi lễ, như “thiên thần hộ mệnh”, trước thánh lễ, người chủ lễ đã căn dặn chúng tôi như thế.

Thầy Pierre-Paul Deblois và thầy Guy Boily là hai phó tế được hồng y Gérald-Cyprien Lacroix chọn để tháp tùng Đức Phanxicô trong thánh lễ ngày 28 tháng 7 tại vương cung thánh đường Sainte-Anne de Beaupré.

Nói đúng mật hiệu để vào

Khi biết được chọn để tháp tùng giáo hoàng trong thánh lễ, bốn thầy phó tế phải tuân thủ một loạt các biện pháp an ninh.

Trước hết chúng tôi phải xin Hiến binh Hoàng gia Canada chứng thực và chúng tôi nhận giấy chứng thực vào giờ chót, cũng như thẻ vào phòng thánh khi có giáo hoàng ở đây. Hai ngày thứ tư và thứ năm 27 và 28 tháng 7 là hai ngày dài và đầy cảm xúc.

Ngày thứ tư, chúng tôi đến Trung tâm Videotron lúc 7 giờ sáng, sau đó đến vương cung thánh đường bằng xe con thoi. Chúng tôi chờ 12 tiếng đồng hồ để tập một tiếng đồng hồ. Đó là dịp để gặp tất cả chủ lễ, các chủ lễ của giáo phận cũng như của Rôma. Chúng tôi và các bạn rời vương cung thánh đường lúc 7:30 tối. Một giờ sau, tôi về khách sạn để ngủ giấc ngủ ngắn bốn giờ.

Chúng tôi phải có mặt tại Trung tâm Videotron lúc 3 giờ sáng ngày thứ năm, nên chúng tôi phải dậy lúc 1 giờ 45  sáng. Có hàng ngàn người đến cùng một lúc và sau khi qua thủ tục an ninh, chúng tôi được giao một thẻ ra vào khác, có quyền được ở trong vương cung thánh đường. Với giấy chứng nhận của liên bang chúng tôi được phép ở gần giáo hoàng. Khi đến đây chúng tôi còn chờ thêm sáu giờ trước khi Đức Phanxicô đến.

Sau 30 phút tập, chúng tôi mặc áo phụng vụ và chờ Đức Phanxicô  đến, chúng tôi xếp hàng chào ngài. Khi đến nơi ngài chào từng người, lần lượt bắt tay chúng tôi và tặng chúng tôi tràng hạt ngài đã làm phép.

Sau đó là giờ thánh lễ. Chưa bao giờ trong 100 năm, tôi nghĩ tôi có thể sống kinh nghiệm này. Đó là khoảnh khắc lạ lùng, chỉ ngồi cạnh giáo hoàng là điều độc nhất vô nhị. Dù chúng tôi không có gì đặc biệt để làm. Thầy Guy và tôi cảm thấy rất vinh dự khi được sống giây phút này.

Chuẩn bị trong phòng thánh của vương cung thánh đường trước thánh lễ.

Con người khiêm tốn

Tiếp xúc gần gũi với giáo hoàng cho tôi thấy ngài là người rất khiêm tốn, nhưng đau khổ. Đi một chuyến đi như thế này với người 85 tuổi là một điều gì đó làm cho tôi thật xúc động nhất là lúc cuối, khi ngài xin được đến với đám đông. Chúng tôi và các cận vệ của ngài ở lại, một mình ngài với mọi người, không có bảo vệ bên cạnh. Một người mẹ bản địa bồng đứa con khuyết tật đến với ngài, đó là giây phút thật xúc động.

Các nghi lễ của người bản địa xung quanh ngài thật cảm động, với họ chuyến đi này rất quan trọng. Tất cả những điều này xoa dịu cho nhiều người, nhưng không phải cho tất cả vì vết thương quá sâu đậm không có gì có thể sửa chữa được cho nhiều tổn thương này. Nhưng việc Đức Phanxicô hành hương sám hối cũng là điều đặc biệt cho họ.

Niềm tự hào về vùng của mình

Tôi rất vui với kinh nghiệm này, tôi cảm thấy tự hào cho cộng đồng Bellechasse-Etchemins. Vì tôi là phó tế đầu tiên và vẫn là phó tế duy nhất ở đây, nên tất cả những điều này mang một ý nghĩa đặc biệt với tôi, tôi cảm thấy tôi đại diện cho người dân vùng của tôi. Nếu tôi được ở đây là vì tôi là phó tế và hồng y công nhận tôi hữu ích cho cộng đồng nên giao tôi nhiệm vụ vụ đào tạo các phó tế. Đó cũng là nhân danh đức tin để tôi ở đây và đức tin này đã được cộng đồng, giáo dân Bellechasse-Etchemins truyền cho tôi.

Thầy Pierre-Paul Deblois (ngoài cùng bên phải) bên cạnh giáo hoàng trong thánh lễ tại vương cung thánh đường Sainte-Anne de Beaupré.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Cuộc viếng thăm bất ngờ của Đức Phanxicô làm chúng tôi không kềm được nước mắt