Từ nhiệm: “Cánh cửa mở!”, Đức Phanxicô trả lời trên chuyến bay từ Canada về Rôma

156

Từ nhiệm: “Cánh cửa mở!”, Đức Phanxicô trả lời trên chuyến bay từ Canada về Rôma

Đức Phanxicô trả lời phỏng vấn trên chuyến bay từ Canada về Rôma ngày thứ sáu 29-7-2022

Trên chuyến bay từ Canada về Rôma ngày thứ sáu 29 tháng 7, Đức Phanxicô nói đến những hạn chế về thể chất và sự mệt mỏi của ngài khi kết thúc chuyến đi mà ngài liên tục phải dùng xe lăn. Ngài cho thảm kịch ở các trường nội trú người bản địa là “diệt chủng”.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, trên chuyến bay của giáo hoàng, 2022-07-30

Sau năm ngày ở Canada, trên chuyến bay từ thành phố Iqaluit đưa Đức Phanxicô về Rôma ngày thứ sáu 29 tháng 7, ngài nói về những hạn chế thể chất và mệt mỏi của ngài khi kết thúc chuyến đi mà ngài liên tục phải dùng xe lăn. Ngài cho thảm kịch ở các trường nội trú người bản địa là “diệt chủng”.

Làm thế nào để tiếp tục là giáo hoàng dù có những hạn chế rõ ràng về thể chất? Trả lời câu hỏi này, Đức Phanxicô cố gắng đưa ra câu trả lời rõ ràng. Ngài công nhận ngài phải giảm tốc độ các chuyến tông du của mình.

Vì sao sức khỏe của giáo hoàng Phanxicô là trọng tâm của mọi chú ý? “Tôi không nghĩ tôi có thể giữ được nhịp đi đứng như trước,” Đức Phanxicô thừa nhận sau chuyến đi nhiều cố gắng vì phải liên tục phải ngồi xe lăn. Ngày thứ ba 26 tháng 7 khi gặp các chủng sinh ở Edmonton, lần đầu tiên ngài dùng xe đẩy.

“Tôi phải tiết kiệm sức một chút”

Trong cuộc họp báo kéo dài 50 phút, ngài nói đến chuyến đi Kyiv có thể có nhưng ngày tháng chưa được ấn định, và một chuyến đi đến Kazakhstan có thể vào giữa tháng 9. Ngồi trước các nhà báo mà bình thường ngài đứng trước mặt họ, Đức Phanxicô nói về những “hạn chế” về thể chất như ngài đã nói với các nhà lãnh đạo bản địa sáng thứ sáu ở Québec.

“Tôi nghĩ ở tuổi của tôi, với những hạn chế này, tôi phải tiết kiệm sức khỏe một chút để có thể phục vụ Giáo hội. Hoặc ngược lại, tôi nghĩ đến khả năng để mình qua một bên.” Thảo luận cởi mở về khả năng từ bỏ trách nhiệm của mình, ngài nhận xét: “Thành thật mà nói, đó sẽ không phải là thảm họa. Chúng ta có thể thay đổi giáo hoàng. Chúng ta có thể thay đổi. Đây không phải là vấn đề.”

Và ngài nói thêm, nếu từ nhiệm là “cánh cửa mở” thì nó không phải là vấn đề lúc này. Ngài trả lời: “Đó là một trong những lựa chọn bình thường, nhưng cho đến nay tôi chưa bao giờ mở cánh cửa này. Tôi chưa cảm thấy. Ngài khẳng định việc ra đi của ngài không phải là việc của “ngày mai”, nhưng không có gì ngăn cản ngày mốt ngài “bắt đầu nghĩ về nó”. Nếu Chúa nói với tôi, tôi sẽ rút lui.

Chuyến đi Canada? “Một thử nghiệm cho tương lai”

Dù sao thì trong chỗ riêng tư, ngài cũng trả lời nhiều lần, ngài không muốn mổ đầu gối, do hậu quả của việc gây mê toàn thân năm ngoái khi mổ ruột kết. Ngài bình luận: “Chúng ta không đùa, không cười với nó.” Theo thông tin của chúng tôi, sau phẫu thuật tháng 7 năm 2021, ngày bị mất trí nhớ, nên ngài không muốn dùng thuốc gây mê toàn thân nữa.

Một cuộc diệt chủng

Sau “chuyến hành hương sám hối” để xin người bản địa tha thứ cho việc làm của một số người công giáo đã tham dự vào hệ thống trường học nội trú dành cho người bản xứ, ngài công nhận có một “tội ác diệt chủng” trong thảm kịch này. “Tôi đã không nói từ này (trong suốt chuyến đi) vì nó không đến trong đầu tôi lúc đó, nhưng tôi đã mô tả về tội ác diệt chủng. Và tôi đã xin lỗi, xin tha thứ cho quá trình diệt chủng này”. Các nhà báo Canada đặt câu hỏi về “học thuyết khám phá” phát triển vào thế kỷ 15, và từ lâu được xem là một biện minh tôn giáo cho việc thuộc địa hóa. Ngài nói: “Học thuyết này là xấu và không công bằng.”

Tại một số nơi trong chuyến đi, đã có những người giăng bảng hiệu xin bãi bỏ học thuyết này. Nếu nó được Giáo hội chấp nhận trong những thập kỷ sau lần xuất bản đầu tiên, thì vào cuối thế kỷ 15, nó đã được bổ sung vào luật pháp Canada mà chưa bao giờ thực sự bị thu hồi.

Phản ứng trái ngược của người bản địa sau lời xin lỗi của Đức Phanxicô

Ngài nói: “Não trạng chúng ta hơn hẳn và người bản địa là không quan trọng” khẳng định ý muốn “tẩy những gì xấu” trong vấn đề này. Ngài cảnh báo: “Nhưng ngày nay vẫn còn tồn tại chủ nghĩa thực dân,” một chủ nghĩa ý thức hệ thực dân mà ngài đề cập nhiều lần trong chuyến đi và theo ngài, nó là một trong những mối đe dọa lớn đối với xã hội ngày nay.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Suy niệm về lời xin lỗi của Đức Phanxicô

Chuyến đi của Đức Phanxicô đến Iqaluit: chúng tôi để cả đời để chờ giây phút này