Đức Phanxicô đến thăm cộng đồng bản địa Canada: “Tôi muốn nhiều hơn một lời xin lỗi”
rfi.fr, Alexis Gacon, 2022-07-25
Đức Phanxicô đã gặp các nhà lãnh đạo Bản địa và các học sinh sống sót trong các trường nội trú. REUTERS – GUGLIELMO MANGIAPANE
Ngày chúa nhật 24 tháng 7, Đức Phanxicô đã gặp các nhà lãnh đạo Bản địa và những người sống sót trong các trường nội trú ở Edmonton, Alberta. Chính tại đây đa số các trường này đã được thành lập, trong đó, trong hơn một thế kỷ, trẻ em của các Quốc gia thứ nhất đã bị tách ra khỏi gia đình và bị lạm dụng. Sự có mặt của ngài làm sống lại những vết sẹo và khơi dậy những mong chờ rất cao.
Khi đến phi trường quốc tế Edmonton, ngài được chào đón với âm thanh của âm nhạc bản xứ. Cùng với thủ tướng Justin Trudeau, các nhà lãnh đạo của Quốc gia Thứ nhất và các người sống sót ở các trường nội trú đã chào đón ngài. Phóng viên chúng tôi tại Montreal, ông Alexis Gacon tường thuật sự kiện.
Bà Evelyn Korkmaz đã học mấy năm ở trường nội trú Sainte-Anne, nơi hàng trăm trẻ em bị bạo hành thể xác, bà không nghĩ mình sẽ có thể trao đổi với giáo hoàng khi ngài đến Canada nhưng bà mong ngài hiểu thông điệp này: “Tôi muốn nhiều hơn một lời xin lỗi. Tôi muốn những cử chỉ. Tôi mong công lý, tất cả các tài liệu về trường học dân cư thuộc sở hữu của Giáo hội phải được công khai.”
“Rằng những người có trách nhiệm phải bị đưa ra pháp luật”
Cho đến những năm 1990, khoảng 150.000 trẻ em, người Inuit, Métis, Quốc gia Thứ nhất đã buộc phải đi học ở trường này, phần lớn do Giáo hội công giáo điều hành. Hàng ngàn không bao giờ trở lại. Theo một ủy ban điều tra tiết lộ, trẻ em thường là nạn nhân của lạm dụng và hãm hiếp.
Đó là trường hợp của cựu cảnh sát trưởng Algonquin, Jimmy Papatie. Mới lên năm, ông đã bị tách khỏi gia đình để theo học ở một trường nội trú Québec. Ngày nay, ông vẫn còn đấu tranh để xây dựng lại bản thân. Ông làm chứng: “Việc bị một linh mục trong trường nội trú lạm dụng tình dục thật đau đớn. Đó là một chấn thương lớn trong đời. Nó đã ám ảnh suốt đời tôi, 38 năm sau, tôi hiểu ảnh hưởng của nó đã tác động trên đời sống của tôi như thế nào. Dù giáo hoàng có xin lỗi, nó cũng sẽ không thay đổi cuộc sống của tôi. Tôi rất miễn cưỡng, tôi luôn nói với bản thân, chuyến đi của ngài là bài thực tập quan hệ công chúng để xoa dịu dư luận trong nước. Tôi không bao giờ muốn giáo hoàng đến và xin lỗi, giáo hoàng không phải là người chịu trách nhiệm. Ngài là người đứng đầu Giáo hội nhưng ngài không chịu trách nhiệm trong việc này. Tất cả những gì được mong chờ ở giáo hoàng, đó là tất cả những ai làm tổn thương trẻ em, các nữ tu, các sư huynh phải bị đưa ra trước pháp luật. Những người này dứt khoát phải bị khai trừ ra khỏi Giáo hội, gởi họ đến các trung tâm trị liệu, sau đó sẽ đi tù nếu cần thiết. Những người này không đi tù, đó là điều vô lý. Họ không có cùng đối xử như người dân bình thường”.
Chuyến đi của giáo hoàng bị chần chừ từ lâu do sức khỏe của ngài không tốt. Linh mục Yoland Ouellet, giám đốc quốc gia Hiệp hội Truyền giáo Giáo hoàng Canada vùng nói tiếng Pháp vui mừng vì chuyến đi được duy trì. Linh mục cho rằng chuyến đi sẽ giúp Giáo hội và người dân địa phương hòa giải: “Đó vẫn là một nhiệm vụ trong lịch sử chúng tôi và chúng tôi có trách nhiệm đảm nhận. Đó là cái bóng trong lịch sử tốt đẹp của chúng ta.”
Ngày thứ ba 25 tháng 7, Đức Phanxicô sẽ dâng thánh lễ ở sân vận động Edmonton. 16.000 vé đầu tiên phát trực tuyến đã được dành chỗ sau mười lăm phút.
Ông Jean-François Roussel, phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo Đại học Montreal cho biết: “Đó là một vấn đề cần nhìn nhận với những gì đã xảy ra ở các trường nội trú với đủ loại lạm dụng trong một thời gian dài. Những lạm dụng này đã xảy ra, nhưng trong một thời gian rất dài, chúng ta không nói về nó, và ngay cả với người bản địa, họ cũng không đề cập đến. Nó được gắn với chương trình khử trừ văn hóa, khử trừ ngôn ngữ.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Trước những người bản xứ Canada nỗi đau của Đức Phanxicô
Đức Phanxicô ở Canada: “Lịch sử của người bản địa không còn là trang sử trống”