Đức Phanxicô ở Canada: “Lịch sử của người bản địa không còn là trang sử trống”

59

Đức Phanxicô ở Canada: “Lịch sử của người bản địa không còn là trang sử trống”

la-croix.com, Malo Tresca, đặc phái viên báo La Croix tại Canada)

Đức Phanxicô đi Canada ngày chúa nhật 24 tháng 7 để xin lỗi về thảm kịch của các trường nội trú bản địa do Giáo hội điều hành từ năm 1831 đến năm 1996. Đối với nhà nhân chủng học Marie-Pierre Bousquet, chuyên gia về các vấn đề bản địa tại Đại học Montréal, chuyến đi của ngài chỉ mới đánh dấu “bước khởi đầu của một quá trình” hướng tới hòa giải.

La Croix: Mong chờ của người bản địa trước chuyến đi của Đức Phanxicô là gì?

Giáo sư Marie-Pierre Bousquet: Các mong chờ rất đa dạng. Một mặt, có những người không muốn biết đến, những người cho rằng đã quá trễ để xin lỗi. Dù sao trong một thời gian dài, những người này mất tin tưởng vào Giáo hội. Nhưng cũng có những người hy vọng sự có mặt của Đức Phanxicô trên đất Canada có thể khởi đầu cho một hành động cụ thể, trên thực tế, bắt đầu bằng lời xin lỗi. Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu của một quá trình.

Các bước tiếp theo trong tiến trình tha thứ, đền bù và hòa giải giữa Giáo hội công giáo và các cộng đồng này sẽ như thế nào?

Sẽ do Giáo hội quyết định, quả bóng ở trên sân Giáo hội.  Và điều này không dễ dàng, vì một số cộng đồng bản địa đã không còn linh mục ở đó… Họ không có nhiều. Kể từ những năm 1970 và khi có những bất bình với Giáo hội, giáo phái Ngũ tuần đã đặt nhiều cơ sở trong những cộng đồng này.

Những thách thức trong chuyến đi của Đức Phanxicô đến Canada là gì?

Các giáo phái tin lành thu hút mạnh vì họ trải nghiệm trực tiếp, nhưng cũng vì họ chủ trương “tái sinh” một đời sống thanh đạm bằng cách cấm rượu hoàn toàn với những người đã nghiện. Trong một số cộng đồng, Giáo hội vẫn còn quan trọng, nhất là trong các lễ lớn như đám cưới, đám tang, lễ rửa tội…, nhưng chỉ người già mới đi lễ thường xuyên. Các buổi tập hợp cũng không còn nhiều.

Dĩ nhiên có những cộng đồng bị tác động mạnh bởi những vụ án khủng khiếp, như lạm dụng tình dục… Một số linh mục hoặc tu sĩ lạm dụng đã tị nạn qua Âu châu. Những người khác bị luật pháp trừng phạt nhưng không phải để phục hồi cho các nạn nhân. Họ có thể được bồi thường bằng tiền, nhưng cuối cùng điều này cũng không khắc phục được bao nhiêu… Cần có các chuyên gia tâm lý đồng hành trong tất cả các quá trình chữa bệnh này. Họ thiếu.

Về cơ bản, nhiều người không mong đợi cụ thể gì nhiều về chuyến đi của giáo hoàng, nhưng họ muốn chuyến đi này mở ra một cái gì đó lâu dài. Không phải với mục đích giúp tất cả mọi người tìm đường đi về với thánh lễ, nhưng xoa dịu một quá khứ đau buồn.

Trong những năm gần đây, các vụ phát hiện những ngôi mộ ẩn danh gần các trường nội trú do các dòng công giáo điều hành từ năm 1831 đến năm 1996 đã gây làn sóng chấn động. Làm thế nào để giải thích bản chất hệ thống của sự ngược đãi này?

Con số chính thức 150.000 trẻ em sống trong các trường này có thể là con số thấp, không đúng với con số thật. Các em được gởi đến 139 cơ sở chính thức được công nhận là “trường nội trú bản địa”. Rất nhiều trẻ em bản địa cũng được gửi đến, vì luật bắt buộc đi học, các em đến những trường mà môi trường không nhất thiết phải tốt hơn… Các em bị tách khỏi cha mẹ, “bị cắt đứt” với văn hóa, ngôn ngữ của các em, để được “văn minh”.

Các trường được các tu sĩ công giáo và tin lành tổ chức chặt chẽ với bộ máy hành chính hiệu quả, với các kỹ năng – nhất là hệ thống bệnh viện – chính phủ liên bang muốn giảm chi phí về phần mình nên đã tự nhiên giao quyền quản lý các cơ sở này cho các dòng tu thông qua “các thỏa thuận chỉ bị bãi bỏ vào những năm 1960.

Như thế chính phủ liên bang có một phần trách nhiệm…

Có, rất khổng lồ. Các nhân viên của các cơ quan Anh-điêng và chính phủ đã đi tìm và gởi các trẻ em này đến các trường nội trú mà không nghĩ đến tình trạng tài chánh, đến tình trạng quá tải của họ… Khi đó họ không đủ phương tiện để nuôi các em, các em phải ngủ trong những ký túc xá rất lớn và sưởi không đủ. Vào thời điểm đó, người dân bản xứ bị nhiễm bệnh lao và không có biện pháp y tế nào được lên kế hoạch. Sau đó, một số trường nội trú đã mất 20%, có trường mất hơn 60% học sinh…

Người bản địa Canada: “Ở trường nội trú, họ muốn giết chết người Anh-điêng trong tôi”

Ngoài những điều này, giáo dục thời đó chủ yếu dựa vào hình phạt cơ thể, điều này không nhất thiết tồn tại trong các cộng đồng bản địa. Các học sinh phải đối diện với sự phân biệt chủng tộc cực kỳ mạnh của xã hội, vì thế vô hình đã dạy cho các em tự ghét bản thân, ghét sự việc các em xuất thân từ “những kẻ man rợ”…

Nhiều người trong cộng đồng đã nói với tôi: “Hôm nay tôi cảm thấy xấu xa dù tôi không bị lạm dụng, không bị bỏ đói, cũng không bị đánh đập. Nhưng khi suốt thời thơ ấu tôi bị nghe mình sẽ “không bao giờ giỏi như người da trắng”… Đó cũng là bi kịch của các trường nội trú.

Với xã hội Canada, chúng ta đang ở đâu về mặt nhận thức, với mức độ thảm kịch mà những dân tộc này đã phải trải qua?

Đây là một điều được cảm nhận rất mạnh, đến mức ngày nay có những người từ chối kỷ niệm Ngày Canada, ngày lễ quốc gia 1 tháng 7, họ cảm thấy họ không thể kỷ niệm ngày ra đời của một đất nước chủ yếu xây dựng trên sự tước đoạt đất đai của người bản địa. Năm ngoái, qua việc khai quật các ngôi mộ của hai trường nội trú – ở Kamloops, bang British Columbia và ở Marieval bang Saskatchewan – đã làm cho mọi thứ trở nên cụ thể.

Chuyến tông du của Đức Phanxicô, ai đã xin người bản địa tha lỗi?

Cho đến lúc đó, chúng ta chỉ mới nói đến sự ngược đãi, lạm dụng tại các trường này  – đặc biệt là từ năm 2008 đến năm 2015, Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada đã làm một công việc khổng lồ -, nhưng sau đó lại thành một công việc hoàn toàn mới. Bây giờ người ta mới quan tâm để hiểu và biết về lịch sử của những cộng đồng này. Ngày nay các cộng đồng này được các phương tiện truyền thông, văn hóa nói đến rất nhiều… Lịch sử của họ không còn là trang sử trống.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Vì sao Đức Phanxicô muốn xin người bản địa Canada tha thứ?

Người bản địa mong Đức Phanxicô lên án “học thuyết” nền tảng của việc khai thác thuộc địa

Đức Phanxicô đi Canada ngày chúa nhật 24 tháng 7 để xin lỗi về thảm kịch của các trường nội trú bản địa do Giáo hội điều hành từ năm 1831 đến năm 1996.