Hồng y Czerny: “Tôi thấy chiến tranh trên gương mặt của trẻ em”

48

Hồng y Czerny: “Tôi thấy chiến tranh trên gương mặt của trẻ em”

“Tôi không trực tiếp chứng kiến cuộc chiến – vì tôi không đến những nơi giao tranh – nhưng tôi thấy chiến tranh trên gương mặt đau khổ của trẻ em, phụ nữ và đàn ông Ukraine tôi gặp”. Đây là một trong những hình ảnh chính mà hồng y Michael Czerny, Bộ trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện đã mang về từ chuyến đi Ukraine của ngài.

cath.ch, Ban biên tập, 2022-05-1

 Hồng y Michael Czerny mang an ủi đến cho người tị nạn Ukraine | © Vatican Media

Hồng y Michael Czerny, 75 tuổi, được Đức Phanxicô cử đến Ukraine  tháng 3 năm 2022 để bày tỏ sự nâng đỡ của giáo hoàng và để cho ngài biết tình hình ở đó sau vụ xâm lược của Nga. Hồng y Czerny, tu sĩ Dòng Tên người Canada đứng đầu Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện từ đầu tháng 4 vừa qua, từ Rôma đã trả lời phỏng vấn cho trang Công giáo Thụy Sĩ.

Xin cha cho biết kỷ niệm của cha về hai chuyến đi cha thay mặt giáo hoàng để an ủi và hỗ trợ người Ukraine buộc phải chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh?

Hồng y Michael Czerny: Tháng 3 vừa qua tôi đến Hungary, Slovakia và các ngôi làng Ukraine gần biên giới. Tôi đến thăm các giáo xứ và các trung tâm tiếp nhận người tị nạn của các tổ chức Caritas, Dịch vụ Tị nạn Dòng Tên, Dòng Malta và Cộng đồng Sant’Egidio điều hành.

Tôi đã gặp người tị nạn Ukraine ở đó: tôi đau lòng trước đau khổ, trước sự bất lực của họ. Vì sự sống, những người này đã phải bỏ nhà cửa để chạy trốn, nhưng một cách nào đó họ đã đánh mất cuộc sống vì họ đã phải bỏ lại tất cả những gì họ có và thế giới sống của họ bị  tan vỡ. Tôi nhớ một phụ nữ tuyệt vọng vì bà quên mang theo điện thoại di động trong chuyến bay: bà cảm thấy như mất tất cả các mối liên hệ của mình.

“Có thể đại dịch và chiến tranh đang đánh thức chúng ta” –  Hồng y Michael Czerny

 

Thay mặt cho giáo hoàng, tôi đã an ủi, hỗ trợ, cầu nguyện nói với họ  những lời hy vọng. Tôi ngưỡng mộ công việc không mệt mỏi của các thiện nguyện viên tiếp nhận người tị nạn: họ làm việc không mệt mỏi. Tại một giáo xứ Ukraine, gần biên giới, nơi mọi người dừng chân trước khi rời quê hương, tôi đã rất xúc động trong tấm lòng quảng đại của các linh mục theo nghi thức phương Đông, phần lớn họ kết hôn và có con, nhưng họ quyết định không đi trốn để tiếp tục giúp đỡ, phục vụ giáo dân. Trong tất cả các trung tâm tôi đến thăm, tôi thấy Giáo hội như “bụng người mẹ” có thể cưu mang tất cả mọi người.

Trong hai năm qua, đại dịch là cơ hội để chúng ta học lại nhiều điều, để xây dựng tình huynh đệ chân chính và sửa chữa những bất công, để “chọn những gì quan trọng và những gì chóng qua”, như lời Đức Phanxicô nói năm 2020. Sau đó chiến tranh bùng ra ở Ukraine, nhiều người cảm thấy thất vọng, buồn bã và nản lòng: cha muốn nói gì với họ?

Trước hết, tôi muốn nói với họ rằng chán nản, thất vọng, là những cảm giác dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng ta không thể mất hy vọng. Nếu chúng ta muốn tiến về phía trước, chúng ta cần có một suy tư nghiêm túc về ba mươi năm lịch sử vừa qua của chúng ta. Đúng vậy, ở Âu châu, tôi tin chắc, đáng lẽ chúng ta phải bắt đầu cách đây ba mươi năm, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, để học lại nhiều thứ, sống với nhau bằng cách xây dựng tình huynh đệ, điều chỉnh lại đường lối. Thật không may, chúng ta đã không làm như vậy: chúng ta đã quen với sự thoải mái của mình, chúng ta không suy nghĩ quá nhiều về trách nhiệm của mình. Theo một cách nào đó, người châu Âu chúng ta đã ngủ quên. Có thể đại dịch và chiến tranh đang đánh thức chúng ta.

Giám mục Tonino Bello người Ý đã viết về hòa bình: “Làm sao chúng ta có thể nói những lời hòa bình nếu chúng ta không biết tha thứ? Chúng ta muốn loan báo sự giải phóng Phục sinh nào nếu chúng ta là nhân vật chính của những hoang tưởng ngu ngốc về trả thù, về những quan hệ gia đình hận thù? (…) Không ai được phép đưa ra lý thuyết về bất bạo động hoặc lý do đối thoại giữa các dân tộc hoặc thành tâm nguyền rủa chiến tranh, nếu người đó không sẵn sàng cam kết giải trừ quân bị đơn phương và vô điều kiện, cái gọi là ‘tha thứ’”. Những lời này nói lên với cha suy tư nào?

Trở lại những gì tôi đã nói, hơn ba mươi năm qua, chúng ta đã không thực sự học cách sống với nhau và tha thứ cho nhau, xây dựng hòa bình và hòa giải. Chúng ta quá chậm và quá cứng lòng. “Chứng xơ cứng tim” này, ít nhất là ở Tây Âu thể hiện qua cách chúng ta đối xử với người nước ngoài, khi chúng ta khó lòng tôn trọng các quyền của họ.

Hồng y Czerny gặp người tị nạn Ukraine | © Vatican Media

Hòa bình là công việc hàng ngày trong các gia đình và ngoài đường phố trên các thành phố chúng ta. Chúa Giêsu đã nói: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.”

Mỗi người trong chúng ta đều biết, trong trái tim mình, ai là người mà mình phải hòa giải. Vậy chúng ta hãy hòa giải với người đó. Chúng ta xin Chúa giúp chúng ta thực hiện bước hòa giải. Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu chúng ta chống các nhà lãnh đạo không có khả năng tạo hòa bình và rồi thản nhiên xem những mâu thuẫn cá nhân của mình là chuyện không đáng kể.

Các dự án chính cha dự định xúc tiến khi cha đứng đầu Bộ là gì?

Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, nơi hội tụ chức năng của bốn hội đồng giáo hoàng được thành lập năm 2017. Ưu tiên của chúng tôi là thúc đẩy sự phát triển toàn diện con người dưới ánh sáng Phúc âm và học thuyết xã hội của Giáo hội. Về mặt này, chúng tôi sẵn sàng giúp các Hội đồng Giám mục địa phương để truyền bá các giá trị của công lý, hòa bình, bảo vệ tạo vật và tôn trọng phẩm giá của mỗi người trong giáo phận của họ.

Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục phối hợp công việc của các tổ chức công giáo cam kết đảm bảo sự giúp đỡ cụ thể cho các dân tộc đau khổ nhất, bắt đầu từ Ukraine. Chúng tôi cũng có ý định thực hiện việc đánh giá Bộ đã được dự trù cách đây một năm do hồng y Blase Cupich, giáo phận Chicago đứng đầu theo yêu cầu của giáo hoàng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Hồng y Czerny sẽ trở lại Ukraine để bày tỏ sự gần gũi của giáo hoàng

Hồng y Konrad Krajewski và hồng y Michael Czerny lên đường đi Ukraine