Lời cầu nguyện buông bỏ của Thánh Charles de Foucauld được ra đời như thế nào? 

326

Lời cầu nguyện buông bỏ của Thánh Charles de Foucauld được ra đời như thế nào?

 

Hình minh họa © Ciric – Jean-Michel Mazerolle

fr.aleteia.com, José Luis Vázquez Boau, 2018-09-14

Lời cầu nguyện buông bỏ của Thánh Charles de Foucauld là một trong những lời cầu nguyện đẹp nhất được viết trong thế kỷ 20.

Khi ở tu viện Trappe, Akbes, Syria (1890-1896), Thánh Charles de Foucauld đã viết lời cầu nguyện cá nhân của ngài trong loạt bài suy niệm Phúc âm về cuộc nói chuyện riêng tư của tâm hồn với Chúa. Chú giải câu Phúc âm Thánh Luca 23: 46 “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”, ngài viết: “Đây là lời cầu nguyện cuối cùng của Thầy yêu dấu chúng ta… và lời cầu nguyện này cũng là lời cầu nguyện chúng ta… Nhưng đây không phải là lời cầu nguyện cuối cùng mà là lời cầu nguyện mọi giây phút trong đời chúng ta”.

Lời cầu nguyện buông bỏ của Thánh Charles de Foucauld

Lạy Cha, con xin buông bỏ con trong tay Cha;

xin Cha làm cho con những gì Cha muốn.

Dù Cha có làm gì cho con, con cũng xin tạ ơn Cha.

 

Con sẵn sàng tất cả, con chấp nhận tất cả.

Để ý Cha thực hiện trên con,

và nơi mọi tạo vật của Cha,

Lạy Cha, con chẳng còn ước ao điều gì hơn nữa.

 

Con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha.

Lạy Cha, con dâng linh hồn con cho Cha với tất cả tình yêu từ trái tim con, vì con yêu Cha,

và với con, nhu cầu yêu thương là hiến mình, là đặt đời con trong tay Cha, không giữ lại gì cho con và với một lòng tin tưởng vô bờ, vì Cha là Cha của con.

Lời cầu nguyện đơn sơ này được các môn đệ của Thánh Charles de Foucauld đọc mỗi ngày.

Phó thác cho Chúa Quan Phòng

Vậy Thánh Charles de Foucauld dựa vào linh đạo nào để nói lên tâm hồn ngài… Theo linh mục sử gia Jean-François Six, “lời cầu nguyện buông bỏ” có nguồn gốc trực tiếp từ quyển sách Phó thác vào Chúa Quan Phòng (L’Abandon à la Divine Providence) được nhiều người cho là của linh mục Dòng Tên Jean-Pierre de Caussade (1675-1751), linh mục sử gia viết như sau:

“Khi nói về quyển sách của cha De Caussade, Charles de Foucauld cho rằng, tác phẩm này đã đánh dấu sâu đậm cuộc đời ngài và chúng tôi biết ngài viết lời cầu nguyện theo con đường này” (Các Mối Phúc ngày nay, Les Béatitudes aujourd’hui, Jean-François Six, nxb. Du Seuil).

Vậy nội dung chủ đạo con đường thiêng liêng của Cha De Caussade là gì? Quyển sách của linh mục thần học gia Adrian Sosa Nuez, Phương pháp tiếp cận thần học theo khái niệm Chúa quan phòng (Aproximación teológica al concepto de Divina Providencia) nghiên cứu sâu về câu hỏi này.

 Buông bỏ để được hướng dẫn

Theo giáo sư Adrian Sosa, buông bỏ hoàn toàn và tuyệt đối vào sự quan phòng của Chúa là lý do chính để sống của cha Jean-Pierre de Caussade và là điểm chính được nói lên trong quyển sách để giúp hướng dẫn các linh hồn. Trong khảo luận này, ngài đưa ra hai khía cạnh khác nhau của việc phó thác cho Chúa Quan Phòng: “thứ nhất, đó là đức tính chung và cần thiết cho mọi giáo dân; thứ nhì, đó là trạng thái thích hợp cho những linh hồn đã có kinh nghiệm cụ thể theo ý Chúa”.

Vì vậy, lý do chính của các bài viết của cha De Caussade là truyền bá “những gì cần thiết và rất quan trọng, hãy buông mình để đến với Chúa vì Chúa Quan Phòng đã hoạch định cho chúng ta và trên thực tế, Ngài đã cho chúng ta”. Theo cha De Caussade, “hành động của Thiên Chúa là liên tục trong lịch sử nhân loại và đó là lý do vì sao Thiên Chúa không ngừng tham dự vào lịch sử này, nên chúng ta có thể nhận đó như một Lịch sử Cứu độ”.

Theo cha De Caussade, “Tất cả các hành động và khoảnh khắc của các Thánh là Tin Mừng của Chúa Thánh Thần, nơi linh hồn là tờ giấy, đau khổ và hành động là mực… Những quyển sách mà Chúa Thánh Thần soi dẫn cho chúng ta ngày nay là những quyển sách sống. Mỗi linh hồn thánh thiện là một quyển sách, và tác giả trên cao này, theo thời gian thực sự đã mạc khải cho công việc nội tâm của tất cả các tâm hồn.”

 Thông minh thiêng liêng hay thông minh thần thánh

Thật thú vị khi thấy cách cha De Caussade đề cập đến điều mà ngày nay chúng ta gọi là thông minh thiêng liêng: “Được trí thông minh thần thánh soi sáng, thông minh thiêng liêng đồng hành với con người ở mọi giai đoạn, và dẫn con người ra khỏi những con đường sai lầm đã đi do thiếu hiểu biết”. Vì thế, trong trạng thái này, linh hồn “không làm gì cho ước muốn riêng của mình. Nó chỉ biết để mình được Chúa lấp đầy và đặt mình vào tay Ngài để phục vụ như Ngài muốn”.

Sự quan phòng của Chúa qua hành động của Ngài, chiếm hữu linh hồn để “trong tất cả những điều mà các linh hồn này làm, họ chỉ cảm thấy chuyển động bên trong hướng dẫn họ, mà không biết tại sao”. Cuối cùng, tác giả nhấn mạnh đến sự tương đồng trong các bài viết của cha De Caussade với Công đồng Vatican II, vì cả hai đều khẳng định, “ơn gọi nên thánh và phẩm giá kitô được tìm thấy trong phép rửa tội, bí tích làm cho chúng ta trở thành người tín hữu kitô”.

Nhưng cha De Caussade, không phủ nhận quyền năng thánh hóa của các bí tích, ngài mở rộng và làm phong phú tầm nhìn về sự thánh thiện khi nói về “bí tích của giây phút hiện tại”. Đó là “những điều mà Chúa gởi đến cho chúng ta mọi lúc và chúng ta có thể dùng để đến gần Ngài. Vì thế không một ai đã được rửa tội, dù theo công giáo hay không, cảm thấy bị loại ra khỏi lời mời gọi của cha De Caussade về sự quan phòng của Chúa.

Và đó là khía cạnh cuối cùng của “bí tích của giây phút hiện tại” mà chân phước Foucauld sẽ khám phá nhờ cha De Caussade như Antoine Chatelard, tiểu đệ Chúa Giêsu đưa ra trong quyển sách Charles de Foucauld, con đường dẫn đến Tamanrasset (Charles de Foucauld, le chemin vers Tamanrasset), trong một bức thư do Foucauld viết cho người cha tinh thần Huvelin (1669), chúng ta thấy “chính xác việc thực hành linh đạo của giây phút hiện tại ngài đã khám phá ra ở cha Caussade.”

Cụ thể, Foucauld viết: “Ngày nào có cái khổ của ngày ấy; chúng ta hãy làm những gì tốt nhất trong giây phút hiện tại! Trong tất cả những khoảnh khắc đến và hình thành sự sống, chúng ta hãy tận dụng ơn sủng hiện tại, những phương tiện mà Chúa ban cho; không gì tốt hơn để chuẩn bị hưởng những ân sủng trong tương lai và đón nhận chúng cho bằng tận dụng tốt những ơn sủng trong hiện tại.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Nhà thơ Mỹ Charles Wright: Foucauld và tôi