Chiến tranh ở Ukraine: “Giáo hoàng không thể đặt ngoại giao của ngài phục vụ một Quốc gia”
Hình ảnh đau lòng của người dân Ukraine lắm lúc không biết đi về đâu
Nhiều tiếng nói cất lên chỉ trích sự thiếu kiên quyết của Đức Phanxicô đối với người Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Lời chỉ trích này có chính đáng không? Ý kiến của ông Frédéric Le Moal, sử gia, tác giả quyển Đức Piô XII, một giáo hoàng cho nước Pháp. Điều tra mật nghị năm 1939 (Pie XII, un pape pour la France. Enquête sur le conclave de 1939, nxb. Le Cerf).
famillechretienne.fr, Charles-Henri d’Andigne, 2022-04-29
Ông nghĩ sao khi Đức Phanxicô bị cáo buộc thận trọng quá mức trong cuộc chiến ở Ukraine?
Sử gia Frédéric Le Moal: Đúng vậy, ngài rất thận trọng. Ngoại giao Vatican luôn thận trọng khi có xung đột, đặc biệt khi xung đột ở cường độ cao và liên quan đến các cường quốc, như cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Chắc chắn có một kẻ xâm lược là nước Nga và một kẻ bị tấn công là nước Ukraine, và chắc chắn giáo hoàng không mơ hồ về việc này. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao Vatican luôn hết sức thận trọng để không can dự vào một bên. Vatican tìm kiếm hòa bình, Vatican bảo vệ hòa bình, có nghĩa Vatican muốn nói chuyện với cả hai bên liên quan, chứ không bỏ bên này lấy bên kia. Điều này làm cho cương vị của Vatican trở nên rất tế nhị.
Ông nói có một kẻ xâm lược, một kẻ bị xâm lược, như thế có nguy cơ đặt họ trong vị thế quay lưng nhau?
Tôi không nghĩ vậy. Đó là một cách hiểu sai. Điều mà giáo hoàng muốn nhìn là ngài muốn có quan điểm hòa giải cho cả hai bên. Đó là biểu tượng trong buổi đi đàng thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh ở Rôma khi hai phụ nữ, một người Nga, một người Ukraine, cùng nhau vác thánh giá. Và chuyện này đã làm cho người Ukraine hiểu sai cũng là dễ hiểu. Nhưng giáo hoàng không thể đặt ngoại giao của mình phục vụ cho bất cứ nước nào. Một lần nữa, chính sách ngoại giao của Tòa thánh luôn phục vụ hòa bình. Một hòa bình hòa giải. Đây là đường lối trong chính sách ngoại giao lâu dài của Vatican như chúng ta đã thấy trong suốt thế kỷ 20. Năm 1917 và năm 1919, Đức Bênêđíctô XV bảo vệ một nền hòa bình hòa giải. Đến thời Thế chiến thứ hai, Đức Piô XII cũng vậy. Trong những xung đột của hận thù tuyệt đối, dù hận thù này là hận thù quốc gia hay ý thức hệ, thì đây là một diễn ngôn không được hiểu.
Các cuộc chiến tranh trong thời hiện đại là liên miên: luôn tìm cách tiêu diệt kẻ thù. Cuộc tranh luận hiện tại về cuộc chiến ở Ukraine, nơi Nga bị vạ tuyệt thông không phải do điều này sao?
Tôi nghĩ chúng ta đang ở trong di sản của các cuộc chiến của thế kỷ 20. Cuộc chiến ở Ukraine trên hết là cuộc xung đột địa chính trị. Câu hỏi đặt ra là phải biết Ukraine ở phía nào, Nga hay châu Âu. Nhưng sự hung hăng của Nga đã đánh thức khía cạnh đạo đức, ý thức hệ trong các nền dân chủ phương Tây chống lại Vladimir Putin và nước Nga nói chung. Và điều này đã làm cực đoan hóa cuộc xung đột, mang khía cạnh cái ác manichean cho vấn đề; và đó là vấn đề, vì ngày này hay ngày khác, phải nói chuyện với Putin. Trong bầu khí cái ác này, cương vị của giáo hoàng không vượt qua được.
Giáo hoàng trung lập hay không thiên vị?
Trung lập có nghĩa là không can dự vào các vấn đề quốc tế. Đây là trường hợp Thụy Sĩ. Không thiên vị là không đứng về phía nào. Đó là vị trí của giáo hoàng, một cương vị cho phép ngài đưa ra ý kiến của mình, tuyên bố phán xét, nói điều gì là tốt, điều gì là xấu. Và có khả năng đóng vai trò trọng tài, một vai trò mà giáo hoàng luôn đóng, ví dụ như trong Chiến tranh Trăm năm (1337 -1453) và Đức Lêô XIII đã dùng lại vào cuối thế kỷ 19. Theo định nghĩa, người trọng tài là người không thiên vị, nếu không các phán quyết của họ không đáng tin cậy.
Ông có nghĩ Đức Phanxicô, người bị cho là vượt quá giới hạn, có ở trong truyền thống ngoại giao cao cả của Vatican không?
Về câu hỏi này, thực sự, tôi thấy giáo hoàng Phanxicô ở trong đường hướng phù hợp với tất cả các tiền nhiệm của ngài. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2017, một trong các bài giảng của ngài ở Nhà nguyện Thánh Marta, ngài đã bảo vệ Đức Piô XII, nêu bật những rủi ro khi ngài bảo vệ người Do Thái trong chiến tranh. Vị trí hiện tại của Đức Phanxicô trước chiến tranh ở Ukraine làm cho chúng ta nhớ vị trí của Đức Piô XII. Vì vậy, có, tôi thấy có một liên tục. Điều này được củng cố ở thế kỷ 19 khi thể chế Quốc gia-Giáo hoàng biến mất, và đã giáng một đòn khủng khiếp lên Tòa Thánh, nhưng không thể chối cãi vì như thế lại giúp cho Đức Lêô XIII và các giáo hoàng kế vị ngài xây dựng lại uy tín dựa trên sự không thiên vị.
Đức Phanxicô cũng bị chỉ trích trong mối quan hệ hợp tác với thượng phụ Kyrill, giáo chủ Mátxcơva…
Đúng, đó là lý do vì sao ngài hủy cuộc họp sẽ diễn ra ở Giêrusalem vào tháng Sáu. Cuộc gặp này một lần nữa có nguy cơ bị cả hai bên hiểu lầm, do sự gần gũi của thượng phụ Kyrill với Điện Kremlin.
Trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti, ngài nói không có chiến tranh chính nghĩa. Đó có phải là vấn đề không?
Chúng ta đang đứng trước một tuyên bố đáng suy ngẫm. Truyền thống của Giáo hội, với Thánh Âugutinô và Thánh Tôma Aquinô đã xác định các điều kiện của chiến tranh chính nghĩa. Đặc biệt, cuộc chiến tranh chính nghĩa là cuộc chiến phòng thủ. Sẽ không có trong đầu của bất cứ ai ở Vatican cho rằng người Ba Lan vào năm 1939 không nên tự vệ trước người Đức…
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Tại Vatican, các cuộc tranh luận xung quanh khái niệm “chiến tranh chính nghĩa” trong cuộc xâm lược ở Ukraine