“Đức Phanxicô phải đối diện với mối liên hệ ngày càng tăng giữa ngai vua và bàn thờ”

152

“Đức Phanxicô phải đối diện với mối liên hệ ngày càng tăng giữa ngai vua và bàn thờ”

Đức Phanxicô trong thánh lễ tại Quảng trường các Vựa lúa ở Floriana, Malta ngày 3 tháng 4-2022

la-croix.com, Iacopo Scaramuzzi, nhà báo Ý, 2022-04-06

Orban, Trump và Putin… Đối với Đức Phanxicô, xu hướng các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy thoải mái công cụ hóa các bản văn thiêng liêng để phục vụ cho hệ tư tưởng là một thách thức thực sự.

 

Cách đây vài năm, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã viết lại Thánh Kinh: “Theo Tin Mừng Thánh Máccô, điều răn thứ hai của Chúa Giêsu là: ‘Phải yêu người như mình vậy.’ Người ta trách chúng tôi không cho phép hàng triệu người từ các lục địa khác định cư ở Âu châu bất chấp đức tin kitô giáo của chúng tôi. Nhưng chúng ta quên phần thứ hai của điều răn, vì điều răn có hai phần: chúng ta phải yêu thương người anh em và phải yêu thương chính chúng ta.”

“Đức Phanxicô phải đối diện với mối liên hệ ngày càng tăng giữa ngai vua và bàn thờ”

Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện với quyển Thánh Kinh trên tay tại Washington vào tháng 6 năm 2020. Patrick Semansky / AP

Donald Trump xuất hiện với cuốn Thánh Kinh trên tay để có cơ hội chụp ảnh trong cuộc đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình Black Lives Matter, nhưng khi hỏi đoạn Tin Mừng nào ông yêu thích, ông không thể trích chính xác được nửa câu. Ông không quan tâm đến sự tha thứ của Chúa, vì ông thấy không có gì cần để được tha thứ…

Việc thoải mái dùng các bản văn thiêng liêng đã tăng lên trong những năm gần đây, với Vladimir Putin, bi-hài  kịch thuần túy nhường chỗ cho bi kịch. Ngày 19 tháng 3 khi cuộc chiến Ukraine đang tiếp diễn, trong cuộc mít tinh tại sân vận động thế vận ở Mátxcơva nhân kỷ niệm tám năm ngày sáp nhập Crimea, tổng thống Nga đã dựa vào Phúc âm Thánh Gioan: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” Lần này câu trích là chính xác, nhưng ý nghĩa của nó lại bị trại đi: ông chủ Điện Kremlin so sánh mình với Chúa Giêsu – Đấng đã nói câu này trong Bữa Tiệc Ly trước các bạn sẽ phản bội, sẽ bỏ rơi, sẽ chối Chúa, trước khi Chúa hy sinh để cứu rỗi nhân loại – những người lính Nga trẻ tuổi bị đưa vào một cuộc chiến chinh phục, mà họ đã không lựa chọn, có lẽ họ còn không nhận thức ra đó là cuộc chiến gì, mà mục tiêu của chính trị không phải là giải phóng, nhưng bắt phải khuất phục, nếu không muốn nói bắt phải chết.

Ngai vua và bàn thờ

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà ngày hôm sau, trong buổi Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 20  tháng 3, Đức Phanxicô một lần nữa lên án chiến tranh bằng cách đề cập đến “sự sống”: “Tất cả những điều này là vô nhân đạo! Thậm chí đó là phạm sự thánh, vì nó đi ngược lại với thiêng liêng tính của sự sống con người, đặc biệt là chống lại sự sống của những người không có khả năng tự vệ, điều phải được tôn trọng và bảo vệ, không được loại bỏ và đứng trên mọi chiến lược!” Chỉ trong vài năm mà Đức Phanxicô phải đối diện với sự trỗi dậy của một hiện tượng cổ xưa nhưng vẫn còn mới: mối liên hệ giữa ngai vàng và bàn thờ.

Điều chưa từng có, người tu sĩ không những đồng minh với chính trị mà còn lấp đầy cho khoảng trống chính trị. Khắp nơi trên thế giới, các chính trị gia xuất hiện, họ lấp nỗi đau khổ do cảm giác mất mát khi đối diện với toàn cầu hóa, suy giảm kinh tế và văn hóa, hoang mang trước bối cảnh xã hội đang thay đổi quá nhanh, họ cố gắng đến gần với kitô giáo, với biểu tượng, với ngôn ngữ của tôn giáo. Đây là những người theo chủ nghĩa tân dân tộc, chủ nghĩa dân túy, như chúng ta có thể gọi bất cứ tên nào. Những chủ nghĩa rất khác nhau, nhưng bất ngờ lại thống nhất với nhau để chuyển qua tôn giáo, xem đây như một thứ trật xã hội, một dấu hiệu để nhận dạng, nhưng lại không có nội dung đức tin.

 Chính thống giáo ủng hộ chính sách của Putin

Ở Nga, trong bối cảnh hoang mang của những năm 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ, Boris Yeltsin đã phát động một “cuộc thi tìm kiếm cho quốc gia một ý tưởng”: không ai chiếm giải vì không có một khái niệm thuyết phục nào được đưa ra. Putin tìm thấy nó, hay tái khám phá nó: chính thống giáo. Ông thổi tôn giáo vào chiến lược chính trị của ông, kết nối với trí tưởng tượng lịch sử của đất nước mình, ông tìm thấy một đồng minh củng cố quyền lực cho ông, thượng phụ Kyrill của Mátxcơva và của tất cả người Nga. Ông thừa hưởng một đế chế bị tổn thương, ông muốn khôi phục lại niềm tự hào bị đánh mất.

Thượng phụ Kyrill, lá bài chủ suy yếu của Điện Kremlin

Ukraine là mảnh ghép cuối cùng của dự án tân đế quốc. Quê hương chính thống giáo Nga, nơi “Nước Nga rửa tội” năm 988, cuộc chiến, cuộc xâm lược Ukraine đối với Putin, không thể không có chiều hướng thiên sai. Như thượng phụ đã nói: “Chúng ta tham dự vào một cuộc chiến không mang ý nghĩa vật chất nhưng mang ý nghĩa siêu hình.” Vì vậy cuộc chiến mang một ý nghĩa khải huyền, được xem như cuộc đối đầu giữa Đông và Tây, của một xã hội truyền thống và nền dân chủ suy đồi, của các giá trị kitô giáo và thế tục hóa. Các hình ảnh thiêng liêng không thoát khi nhập ngũ. Thượng phụ Kyrill đã tặng một biểu tượng Đức Mẹ Maria cho ông Viktor Zolotov, người đứng đầu lực lượng vệ binh quốc gia Nga, nhưng ông không độc quyền: bên phía người Ukraine, họ truyền hình ảnh “Thánh Javelin”, Mary Mađalêna hôn một FGM -148 Javelin, bệ phóng tên lửa xách tay chống xe tăng của Mỹ được sử dụng để chống lại người Nga.

Chiến tranh ở Ukraine: “Lời hùng biện tôn giáo là báng bổ”

Đức Phanxicô thấy rõ rủi ro trong cách tiếp cận này. Nếu chiến tranh là cuộc chiến của tôn giáo, thì không còn chỗ cho thương thuyết, cho lý trí, cho nhân loại. Tin Mừng bị trích và bị phản bội cùng một lúc. Đức Phanxicô nói trong lần nói chuyện với thượng phụ Kyrill qua video truyền hình: “Có một thời trong Giáo hội, chúng ta nói đến chiến tranh thánh và chiến tranh chính nghĩa. Ngày nay, chúng ta không còn có thể nói như vậy nữa. Nhận thức của kitô giáo về hòa bình đã phát triển.”  Bằng cách dâng hiến nhân loại, cách riêng là nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria ngày thứ sáu 25 tháng 3, Đức Phanxicô cố gắng đảo ngược ít nhất hình ảnh của một chiến tranh biểu tượng. Ở thời buổi tôn giáo bị chính trị lợi dụng, ngài muốn phá bỏ cơ chế này để phi thần thánh hóa chiến tranh và tôn vinh hòa bình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Chiến tranh ở Ukraine, tội ác chiến tranh