Ukraine: cuộc phiêu lưu lạ lùng của em Hassan, 11 tuổi
Quảng trường Namestie Eugena Suchona, trung tâm Bratislava, ngày 12 tháng 3, vài ngày sau khi Hassan đến. © Patrick Chauvel
parismatch.com, Nicolas Delesalle, phóng viên báo Paris Match tại Ukraine, 2022-03-25
Ukraine Hassan, em bé 11 tuổi một mình vượt biên giới Ukraine để đến Slovakia đoàn tụ với gia đình.
Chuyến tàu rời ga Zaporizhia, để lại bà Yuliia Pisetska đứng khóc trên sân ga. Hassan, đứa con trai 11 tuổi của bà rời Ukraine một mình để đến Slovakia, nơi có các chị của em đã ở đó. Hai mẹ con đến sớm sáng 2 tháng 3 để không bị hụt chuyến tàu di tản. Những trận đánh nhau ngày càng gần. Nhà máy điện hạt nhân gần đó chìm trong biển lửa. Hassan đội mũ lưỡi trai màu xanh lam, mặc áo khoác, đeo ba lô trong đó hộ chiếu được cất kỹ. Đầu tiên, hai mẹ con len trong đám đông, xoay sở để Hassan leo lên toa xe. Hassan có số điện thoại trên tay và đi một mình đến Slovakia, nơi có các anh chị em chờ em. Khi mẹ nói, “con phải đi một mình”, em quá sợ, em không chịu. Nhưng bà Yuliia không nhượng bộ, bà nói với con: “Con phải đi một mình vì mẹ không thể để bà ngoại ở nhà một mình, bà đã 84 tuổi lại bị bệnh, không ai chăm sóc. Mẹ đã suy nghĩ: hoặc mọi người ở lại đây và sẽ gặp nguy hiểm, hoặc phải xa con để con đến một nơi an toàn.”
Bài đọc thêm: Quảng trường Thánh Phêrô cầu nguyện cho Ukraine với Đức Phanxicô và với thế giới
Vì thế để cứu con, bà quyết định phải xa con. Năm 2012, sau khi chồng bà qua đời ở Syria, bà rời Aleppo bom đạn, bà đem 5 đứa con đi trốn. Khi đó Hassan 1 tuổi; Zakariia, con trai đầu của bà 11 tuổi. Để đưa gia đình đến nơi an toàn một lần nữa, bà Yuliia lên kế hoạch: Zakariia hiện đang sống ở Slovakia, năm 2019 anh có học bổng đại học và có thể giúp các em. Bà quyết định gởi ba người con Kenana, 17 tuổi, Luna, 16 tuổi và Muhammad, 15 tuổi ra đi. Các con bà nói được tiếng Nga, tiếng Ukraina, tiếng Ả Rập và tiếng Anh. Các con sẽ nghiên cứu lộ trình, báo tin cho mẹ biết tin. Bà yên tâm, vì mới đầu Slovakia còn miễn cưỡng nhận người tị nạn, nhưng bây giờ họ thay đổi suy nghĩ và họ được huy động.
Một người cứu hộ nói với chúng tôi: “Chuyện này có thể xảy ra cho bất cứ ai. Một tuần sau Hassan, chúng tôi rời Ukraine và đi con đường cũng giống như em Hassan đã đi.” Việc đến trại nhận người tị nạn kết thúc có hậu như trong các bộ phim của Mỹ. Kiệt sức vì chờ đợi vô tận, vì lạnh, vì sợ, người tị nạn đã bỏ lại tất cả, kể cả người thân yêu. Hàng chục tình nguyện viên làm việc hết mình để giúp họ, pha cà phê đưa đến lều cho họ trong lạnh giá dưới ánh đèn dịu như máng cỏ Giáng sinh. Một cảnh tượng kỳ lạ là khuôn mặt khép nép, lo lắng, sợ hãi. Nhưng lòng tốt còn lạ hơn tội ác. Tôi không biết vì sao chúng ta lại bị cuốn hút bởi cái xoàng xỉnh của nỗi kinh hoàng, trong khi người phụ nữ trẻ này chạy từ gia đình này sang gia đình khác, mang nụ cười đến cho các em bé ở đây, an ủi người đàn ông ở kia, đó là bí ẩn tuyệt đối làm chúng tôi thắc mắc.
Bài đọc thêm: “Những em bé này có thể sẽ không bao giờ về lại Ukraine”
Khi tàu chuyển bánh, Hassan muốn khóc. Nhưng là fan của “Dragon Ball Z” nên Hassan nén lòng: “Con tự nhủ, con là đàn ông, đàn ông thì phải mạnh, thì không được khóc.” Em rất nghiêm túc kể cho chúng tôi khi chúng tôi gặp em ở Bratislava, em gặp bốn anh chị em của em, họ bao quanh em tạo sợi dây ngọt ngào, từ nụ cười, từ từng cử chỉ, từ từng vòng ôm.
Từ trái sang phải, Zakariia, 20 tuổi, sinh viên sinh học ở Slovakia, Luna, 16 tuổi, Muhammad, 15 tuổi và Kenana, 17 tuổi, Hassa ở giữa © PATRICK CHAUVEL
Ngày 2 tháng 3 chuyến đi dài của Hassan bắt đầu. Em giữ điện thoại di động bên mình, em sợ bị đánh cắp. Pin yếu. Đó là sợi dây nối kết em với gia đình. Hassan sợ mọi thứ. Trong hai mươi bốn giờ, em ở trên bờ vực của một cuộc tấn công hoảng loạn. Tàu đông nghẹt, 300 người chen chúc nhau trong từng toa. Hầu như chỉ có phụ nữ và trẻ em, vì kể từ khi ban hành thiết quân luật, đàn ông từ 18 đến 60 tuổi bị cấm rời Ukraine. Zaporizhia là thị trấn đại học có hàng ngàn sinh viên Maroc, Tunisia hay Nigeria cũng bỏ chạy và hòa vào đám đông Ukraine.
Trong khoang của em, không ai nói tiếng Nga hay tiếng Ukraine. Hassan không hiểu tiếng Ả Rập hay tiếng Pháp. Em lạc lõng trong chính đất nước mình, bị cô lập trên hòn đảo của mình. Tàu tránh các vùng nguy hiểm, ngừng lại rồi lăn bánh chầm chậm. Các phút kéo dài hàng giờ và các giờ kéo dài hàng thế kỷ; thời gian quay quanh em. Chúng tôi biết rất rõ, chúng tôi đi cùng chuyến tàu. Chúng tôi thấy sự điên cuồng của man rợ, của thịnh nộ, của sợ hãi, của sống còn, cứu được ai thì cứ, mỗi người chỉ biết lo cho chính mình. Trên tàu, không ai giúp Hassan cho đến khi đến Lviv, chuyến đi dài 24 giờ. Hassan không ăn, em giải thích với chúng tôi: “Con quá lo.” Còn bà Yuliia thì lo thắt ruột: “Bốn ngày đi đường của Hassan tôi già đi mười tuổi. Tôi quá lo! Con trai đầu Zakariia nâng đỡ tinh thần tôi, con nói: “Mẹ phải tin vào Hassan. Hassan thông minh và trưởng thành, Hassan sẽ đến nơi và chúng con sẽ gặp em!”
Bài đọc thêm: “Đây không phải là công thức thần diệu”: bài giảng của Đức Phanxicô trong buổi hiến dâng nước Nga và Ukraine cho Đức Mẹ
Hassan không ngủ. Em sợ. Đó là câu em hay nhắc trong chuyến đi của em. Trước khi đến Lviv, cuối cùng em bắt chuyện với hai đứa trẻ khác nói tiếng Nga: “Đó là kỷ niệm đẹp nhất của con”, em cười một tuần sau đó. Ở Lviv, Nastia, một cô bạn của Zakariia đến đón Hassan.
Hassa ngủ một đêm ở nhà Nastia, sau đó cô đưa em ra ga để đi Oujhorod, gần biên giới. Một chuỗi dài tình tương trợ được thiết lập. Các tình nguyện viên đến gặp em, rồi giao em cho các tình nguyện viên khác và sau ba ngày di chuyển, Hassan gặp cảnh sát hải quan. Bây giờ là nửa đêm ngày 4 tháng Ba. Hassan đưa tay ra. Cảnh sát nhìn số điện thoại ghi trên đó. Zakariia trả lời và nói cho cảnh sát biết, nếu cậu bé đó có đôi mắt sáng là em của tôi, em vừa rời một đất nước chiến tranh để đến đây với tôi. Ban đầu, nhân viên hải quan nghi ngờ, vì dù trong cảnh hỗn loạn của chiến tranh, thì chúng tôi cũng khó tin một em bé 11 tuổi vượt biên giới một mình. Họ giải thích vấn đề hành chính này cho Zakariia, anh kể cho họ nghe hoàn cảnh gia đình, vì chiến tranh, vì nhà máy điện hạt nhân bị tấn công, vì bà ngoại ốm yếu, bà mẹ bị giằng xé phải cứu ai… rốt cuộc phải để Hassan đi một mình. Các nhân viên hải quan choáng váng, và họ đóng con dấu lên hộ chiếu cho Hassan. Hassan qua biên giới ban đêm. Ngày hôm sau, sau các cố gắng của các thiện nguyện viên, Hassan ở trong vòng tay anh chị em ở Bratislava.
Ở Bratislava, Hassan khám phá một đất nước mới
Tại Zaporijjia, bà mẹ thở phào nhẹ nhõm: “Tôi rất biết ơn người dân Slovakia vì lòng hiếu khách của họ. Khi nghe tin Hassan đã đến nơi, biết các con tôi an toàn, tôi nhận ra tôi không còn sợ. Tôi không còn sợ bất cứ điều gì, tất cả những gì quý giá nhất trên đời của tôi đã được cứu. Phần còn lại , không có gì là quan trọng. Tôi sẽ sống như thế nào nếu không có các con tôi, chúng là ý nghĩa của cuộc đời tôi. Tôi biết mình đã quyết định đúng.”
Ở Bratislava, chàng trai trẻ khám phá một đất nước mới. Zakariia đưa các em đi xem thành phố, quá yên tĩnh với Muhammad, em đang mơ New York, Paris hoặc London. Luna không còn nghĩ đến tương lai: “Tôi chỉ muốn ở bên những người tôi yêu quý, bất kể ở đâu.” Kenana mỉm cười khi vuốt bàn tay em mình: “Đã có quá nhiều căng thẳng trong cuộc sống chúng tôi. Tôi cũng vậy, tôi chỉ muốn ở bên gia đình, vật chất không còn quan trọng. An toàn, gia đình, đó là tất cả những gì quan trọng.” Zakariia nói: “Tôi hy vọng chúng tôi sẽ không bao giờ chạy trốn một đất nước chiến tranh nữa.”
Có lẽ một ngày nào đó mẹ Yuliia của các em sẽ gặp các con mình ở đây, khi cuộc chiến dừng lại và bà có thể đưa người mẹ ốm yếu của mình đi. Hassan ngoan ngoản ngồi nghe các anh chị nói. Trong gương mặt của em pha trộn tò mò giữa trí tuệ già dặn và sự vui tươi của lứa tuổi của em. Khi được hỏi sau này em mơ làm gì, em cười: “Trước đây, con sẽ nói con mơ làm thật nhiều để giúp gia đình; nhưng bây giờ, thành thật mà nói, con không biết con sẽ làm gì. Con mệt.”
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: “Âm nhạc là vũ khí duy nhất của tôi”: để chống lại chiến tranh, các nghệ sĩ Ukraine kháng cự qua bài hát