Ukraina: Đức Phanxicô kêu gọi một ngày ăn chay vì hòa bình
cath.ch, I.Media, 2022-02-23
Cuối buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư 23 tháng 2-2022, Đức Phanxicô bày tỏ nỗi đau đớn trước tin tức ngày càng xấu của Ukraina, ngài kêu gọi hòa bình cho Ukraina và xin mọi người dành ngày thứ tư lễ Tro 2 tháng 3 để ăn chay cầu nguyện cho hòa bình.
Từ Hội trường Phaolô VI, Đức Phanxicô lên tiếng: “Bất chấp những nỗ lực ngoại giao trong những tuần gần đây, những kịch bản đáng lo ngại hơn bao giờ đã xuất hiện” khi các lực lượng quân sự Nga được điều động đến các khu vực ly khai ở phía đông Ukraina. Ngài nói: “Giống như tôi, nhiều người trên thế giới đều cảm thấy đau khổ và lo lắng”.
Ngày 21 tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công nhận nền độc lập của hai vùng lãnh thổ ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine – Donetsk và Luhansk – mở đường cho quân đội Nga tiến vào Donetsk. Ukraina đã huy động lực lượng trừ bị của mình.
Đức Phanxicô lên tiếng: “Một lần nữa, hòa bình của mọi người bị đe dọa vì những lợi ích cụ thể”, ngài xin những người có trách nhiệm “nghiêm túc nhìn lại lương tâm mình trước mặt Chúa. Đấng là hòa bình chứ không phải chiến tranh, là Cha của tất cả, không phải chỉ với một số người.” Ngài kêu gọi tất cả các bên liên quan – không nêu tên ai – hãy “kiềm chế, không thực hiện bất kỳ hành động nào có thể gây đau khổ cho người dân thêm, tạo bất ổn chung giữa các quốc gia và làm mất uy tín luật pháp quốc tế”.
Một ngày ăn chay cho hòa bình
Nhận biết chỉ có Chúa mới có thể thay lòng đổi dạ, ngài kêu gọi mọi người, những người có đức tin và những người không tín ngưỡng, cùng cầu nguyện cho hòa bình. Ngài nói: “Trước sự phi lý kỳ quặc của bạo lực, chúng ta đáp lại bằng vòng tay của Chúa, bằng cầu nguyện và ăn chay,” ngài xin mọi người “dành ngày thứ tư Lễ Tro để ăn chay cầu nguyện cho hòa bình. Tôi đặc biệt xin anh chị em hết lòng cầu nguyện và ăn chay trong ngày này. Xin Nữ Vương Hòa bình bảo vệ thế giới khỏi sự điên cuồng của chiến tranh.”
Trong thời gian gần đây, ngài đã nhân rộng lời kêu gọi đối thoại trong khu vực đang gặp khủng hoảng. Ngài 26 tháng 1, ngài tuyên bố là Ngày cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraina. Trong buổi Kinh Truyền Tin ngày 12 tháng 12 năm 2021, ngài cảnh báo: “Vũ khí không phải là con đường.” Và thêm một lần nữa, trong buổi Kinh Truyền Tin ngày 13 tháng 2, ngài bày tỏ lại mối quan ngại của mình.
Theo Tổng giám mục chính của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Sviatoslav Shevchuk, sự leo thang căng thẳng ở biên giới Nga-Ukraine không chỉ là hậu quả của việc sáp nhập Crimea và cuộc chiến ở Donbass diễn ra từ năm 2014, mà là một phần của sự gia tăng tổng thể trong sự cạnh tranh giữa NATO và Nga.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô đau buồn khi các dân tộc theo kitô giáo nghĩ đến chiến tranh