Giáo hoàng sẽ phủ quyết đường lối của Thượng hội đồng Đức?

146

Giáo hoàng sẽ phủ quyết đường lối của Thượng hội đồng Đức?

Ngày thứ bảy, 5 tháng 2, cuộc họp bế mạc của tiến trình thượng hội đồng Đức đã đưa ra một loạt đề xuất cho Giáo hội, gồm cả việc cải cách đạo đức tình dục của Giáo hội Đức. Các nhà quan sát đặt câu hỏi về phản ứng của Vatican và giáo hoàng trước những yêu cầu này, một số trong đó chạm sâu vào học thuyết.

cath.ch, Raphael Zbinden, 2022-02-15

Đường lối Thượng hội đồng Đức muốn thay đổi luân lý tình dục của Giáo hội | ảnh: Giám mục Georg Bätzing, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức gặp những người biểu tình ủng hộ LGBT ở Frankfurt, ngày 3 tháng 2 năm 2022 © KEYSTONE / DPA / Sebastian Gollnow

Theo hãng tin Đức Katholische Nachrichtenagentur (KNA), hai phần ba đại hội toàn thể với gần 230 đại biểu, trong đó có các  giám mục họp từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 2 năm 2022 tại Frankfurt, đã thông qua một số văn bản kêu gọi cải cách sâu rộng trong Giáo hội.

Tài liệu đầu tiên, được gọi là “định hướng” hoàn toàn là thần học. Tài liệu đề cập đến những nguồn qua đó Giáo hội rút ra các sự thật của mình. Ngoài các nguồn đã biết, như Kinh thánh, Truyền thống và Huấn quyền, tài liệu còn đưa ra ba nguồn khác: khoa học thần học, “dấu chỉ của thời đại” và “cảm thức đức tin của dân Chúa”.

Tài liệu thứ hai liên quan đến quyền lực trong Giáo hội. Nếu nó không hoàn toàn đặt vấn đề thứ trật truyền thống nhưng xin giáo dân có một mức độ đồng quyết định lớn hơn. Kể từ nay, Thượng Hội đồng Đức muốn các nguyên tắc dân chủ pháp quyền là thước đo của Giáo hội. Vì thế thể chế sẽ được “sắc phong bởi Thượng hội đồng”.

Hội đồng cũng thông qua một văn bản yêu cầu giáo dân tham gia nhiều hơn vào việc lựa chọn các giám mục.

“Đồng tính không phải là một tội”

Theo nhà báo Ludwig Ring-Eifel của hãng tin KNA, những điểm này thực sự không tạo một vấn đề nào cho Rôma. Ông nhấn mạnh, sự cởi mở với các “nguồn sự thật” khác nhau chắc chắn đã bị Bộ Giáo lý Đức tin (CDF) từ chối vài năm trước đây. Nhưng ngày nay, ông không nghĩ Vatican sẽ phủ quyết.

Các bối cảnh thì rất khác nhau cho các văn bản khác được phê duyệt ở Frankfurt, liên quan đến đạo đức tình dục. Thượng Hội đồng Đức đặc biệt kêu gọi sửa đổi các tuyên bố về tránh thai cũng như về đồng tính trong Sách Giáo lý Giáo hội công giáo, tuyển tập các văn bản xác định giáo lý.

“Việc đoạn tuyệt với học thuyết truyền thống sẽ quá hiển nhiên” Ludwig Ring-Eifel

Một trong hai bản văn được gọi là “hành động” xin giáo hoàng thực hiện một “sự chính xác và đánh giá lại giáo lý về đồng tính”. Bản văn viết: “Vì xu hướng tình dục đồng giới là một phần của bản sắc con người khi được Chúa tạo ra, nó không nên được đánh giá về mặt đạo đức khác với bất kỳ xu hướng tính dục nào khác”. Các thành viên tham dự cuộc họp nhất trí cho rằng không nên có phân biệt đối xử với người đồng tính trong Giáo hội.

Bản văn “hành động” thứ hai gợi ý phát triển sự thấu hiểu “tình yêu vợ chồng” trong Sách Giáo lý, đặc biệt là về việc ngừa thai, vốn chỉ được cho phép một cách rất hạn chế theo giáo huấn Công giáo chính thức. Tài liệu cho biết: “Việc thụ thai một đứa trẻ không bao giờ được và không bao giờ có thể bị xem là điều bất hạnh, nó vẫn là giá trị cao cả mà Giáo hội bảo vệ khởi đi từ lúc thụ thai, dù Giáo hội không đòi hỏi ấn định các phương pháp tránh thai cụ thể”.

Ít có cơ hội được chấp nhận

Nhà văn Ludwig Ring-Eifel cho rằng các nghị quyết mới nhất về đường lối của Thượng hội đồng Đức này ít có khả năng được Vatican chấp thuận. “Việc đoạn tuyệt với học thuyết truyền thống sẽ quá hiển nhiên”.

Cũng có rất ít cơ hội để Rôma tham dự vào các vấn đề liên quan đến việc nới lỏng các quy tắc độc thân cho các linh mục và phong phó tế cho phụ nữ, dù Đức Phanxicô đã nhiều lần cho thấy sự cởi mở với ý tưởng này. Nhưng theo nhà báo của hãng tin KNA thí ít có khả năng Đức Phanxicô sẽ cấp phép đặc biệt cho Con đường Thượng hội đồng của Đức.

Hồng y Gerhard Ludwig Müller, cựu tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin rất phê phán với đường lối của Thượng hội đồng Đức | © Jacques Berset

Cũng vậy, một dự trù bác bỏ cho việc làm phép các cặp đồng tính, được đề nghị trong các văn bản tiếng Đức. Câu hỏi đặt ra ở đây không phải là liệu Rôma có chấp nhận hay không, mà liệu có những biện pháp chống lại các giám mục, những người sẽ cho phép hoặc khuyến khích một tiến trình như vậy hay không.

Hơn nữa cũng không nên mong chờ sự khoan dung liên quan đến việc kêu gọi con đường đồng nghị ủng hộ phụ nữ được nhận chức tư tế. Thật vậy, giáo luật quy định, chỉ cố gắng phong chức linh mục cho một phụ nữ sẽ tự động dẫn đến việc bị vạ tuyệt thông. Do đó, sẽ không có chuyển động nào theo hướng này nếu không có sự thay đổi trong điều khoản này.

 Hồng y Müller chỉ trích “những người bội giáo”

Theo hãng tin KNA, cuộc tranh luận ở Frankfurt “sôi nổi nhưng khách quan”. Nhiều tiếng nói được nói lên để khẳng định luân lý tình dục công giáo đang có hiệu lực, không còn liên hệ với thực tế của nhiều người công giáo. Một số người tham dự chỉ trích thực tế, nó can thiệp quá nhiều vào cuộc sống thân mật của vợ chồng và rằng nó quá tập trung vào tình dục.

Tuy nhiên cũng có tiếng nói bảo thủ hơn, làm dấy lên bóng ma về một “sự mất toàn bộ giá trị của học thuyết hiện tại”. Một số giám mục cảnh báo không nên vi phạm giáo huấn của Giáo hội.

Một tấn công đặc biệt dữ dội của hồng y Gerhard Ludwig Müller, cựu tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin. Trong một phỏng vấn với trang National Catholic Register của Mỹ, ngài nghĩ rằng những người theo đường lối thượng hội đồng “không phải là những người cải cách” nhưng là những người thúc đẩy “sự biến dạng của Giáo hội, sự tục hóa ngôi nhà của Thiên Chúa Ba Ngôi”. Theo ngài, vấn đề mấu chốt là mong muốn thỏa hiệp với thế giới.

Hồng y Müller lập luận, các chức sắc Giáo hội và giáo dân giữ những quan điểm “chống công giáo” này không còn tin ở Phán xét cuối cùng. “Theo họ, chính Chúa phải tự biện minh cho Chúa”. Nhưng hồng y tin rằng phán xét cuối cùng sẽ rất nghiêm khắc với họ, vì họ đã bỏ đạo. “Là người bội giáo, như thế còn có tội hơn là người chưa bao giờ nghe nói về đức tin công giáo”.

Trong khi chờ đợi, cuộc tranh luận vẫn tiếp tục ở Đức. Các đại diện của Giáo hội vẫn còn phải đồng ý với nhau về việc tuân theo các nghị quyết đã được thông qua và cách thức thực hiện các nghị quyết đó.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch