Viết lịch sử

83

Viết lịch sử

croire.la-croix.com, Dominique Greiner, tổng biên tập báo Croire-La Croix, 2022-01-13

Ngày thứ hai 10 tháng 1 – 2022, trong buổi chúc đầu năm các đại sứ ủy nhiệm tại Tòa Thánh, Đức Phanxicô đã chỉ trích “văn hóa hủy bỏ”. Chúng ta có thể dịch cụm từ này là “văn hóa hủy bỏ hay văn hóa tố cáo”. Điều này thể hiện dưới hình thức kêu gọi tẩy chay hay khai trừ một người đã có nhận xét hoặc thực hiện các hành vi bị xem là xúc phạm, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính… Cũng chính sự “hủy bỏ văn hóa” này đã dẫn đến việc hạ tượng ở nơi này nơi kia, những bức tượng của các “danh nhân” vì mặt tối của họ.

Nền văn hóa này đã mang một tầm mức rộng lớn nhờ mạng xã hội. Nó tố cáo những bất công xã hội và chủng tộc mà người thiểu số phải gánh chịu, để mọi thứ được thay đổi. Nó cũng muốn đóng góp vào việc viết nên một lịch sử mang lại công lý cho những người thiểu số thường bị lãng quên trong những sách giáo khoa lịch sử này. Tất cả những điều này không phải là chuyện xấu. Đây không phải là điều mà giáo hoàng chỉ trích. Những gì ngài muốn tố cáo là cách muốn viết lại lịch sử, không bổ túc hoặc sửa chữa những câu chuyện đã tồn tại, nhưng tìm cách áp đặt một tầm nhìn khác về các sự việc.

Đây là cách mà “văn hóa hủy bỏ” lên chiến dịch để loại bỏ khỏi ký ức tập thể những người mà họ xem là bất xứng, không đáng được tôn vinh hoặc ghi nhớ, ngay cả quên đi bối cảnh sống của họ. Vì thế chúng ta đang chứng kiến “sự xây dựng của một tư tưởng duy nhất buộc phải phủ nhận lịch sử”, theo lời của giáo hoàng. Thay vì bổ túc việc viết lịch sử, “văn hóa hủy bỏ” làm nghèo đi. Lịch sử không thể được viết bằng mệnh lệnh, cũng không bằng vũ lực dưới con mắt của các máy quay phim, nếu không chúng ta rơi vào ý thức hệ là cánh cửa mở ra cho bạo lực. Sự thật của lịch sử luôn mang tính chất số nhiều, mang tính hài hòa. Do đó, sự đóng góp của các dân tộc thiểu số khác nhau, với các nhạy cảm của riêng họ là điều đáng được hoan nghênh. Một đa dạng mà “văn hóa hủy bỏ” khó tôn vinh.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch