Cô Jessica, tị nạn ở Lesbos: “Tôi luôn ngẩng cao đầu”

30

Cô Jessica, tị nạn ở Lesbos: “Tôi luôn ngẩng cao đầu”

Năm năm sau chuyến thăm đầu tiên đến đảo Lesbos của Hy Lạp, ngày chúa nhật 5 tháng 12, Đức Phanxicô trở lại đây để thăm người tị nạn như ngài đã hứa với họ. Trong số này có cô Jessica, người mẹ trẻ người Congo, cô kể cho báo La Croix hành trình lưu vong đến “nhà tù lộ thiên” này.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, phóng viên đặc biệt tại Lesbos, Hy Lạp), 2021-12-05

“Tôi tên là Jessica và tôi 23 tuổi. Ngày 5 tháng 1, như vậy là đã 2 năm tôi sống ở Lesbos. Daniela sinh ra ở đây hai mươi tháng trước. Tôi đã bị từ chối bốn lần để có được giấy tờ, tôi không cách nào có.

Bài đọc thêm: Tiếng kêu của Đức Phanxicô ở Lesbos: “Chúng ta đừng để nền văn minh chết chìm, hãy chấm dứt vụ đắm tàu này!”

Tôi rời Cộng hòa Dân chủ Congo vì một người bác muốn gả tôi cho một người đàn ông lớn hơn tôi nhiều tuổi. Từ Kinshasa, nơi tôi sống, tôi đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng máy bay. Tôi đã có visa. Khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, lúc đầu tôi làm việc trong một nhà máy sản xuất quần jean. Công việc rất khó khăn. Phải đứng làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, có một chút nghỉ rất ngắn vào giữa ngày.

Rồi tôi rơi vào vòng bán dâm để có tiền. Đó là lý do vì sao tôi mang thai, tôi không bao giờ biết ai là cha đứa trẻ. Sau một vài tháng, tôi bị đuổi ra khỏi nhà, và đó là khi tôi quyết định đến Hy Lạp, nơi tôi nghe các bạn tôi kể.

Khi tôi quyết định đi, tôi không còn tiền. Khi đó tôi thuyết phục một người đàn ông lấy điện thoại của tôi và đưa tôi đi. Chúng tôi đi ban đêm, trên chiếc thuyền nhỏ tạm bợ, có ba mươi người trên thuyền. Nước tràn vào. Tôi đã hoảng sợ. Cuộc vượt biển kéo dài sáu giờ. Chúng tôi đến ngày 5 tháng 1 năm 2020. Tôi đã mang thai được 6 tháng. Tôi nhanh chóng nộp đơn xin tị nạn nhưng bị từ chối. Sau đó tôi nhờ một luật sư người Hy Lạp, nhưng ông không tin câu chuyện của tôi.

“Tôi luôn cầu nguyện xin Chúa lòng lành đưa tôi ra khỏi đây”

Trại Lesbos đã cháy một thời gian gần đây. Điều kiện sống ở đây vô cùng khó khăn. Ở đây, chúng tôi chỉ có nhu yếu phẩm cơ bản, chỉ những gì thật cần thiết. Cả con tôi nữa. Người tị nạn có thể rời trại một số ngày, với điều kiện phải mang thẻ của mình. Tùy thuộc vào số thẻ, chúng tôi có quyền đi ra ngoài vào ngày này hoặc ngày kia.

Nếu có chuyện gì tốt đẹp xảy ra sau chuyến đi của giáo hoàng, nó sẽ luôn như vậy. Tôi hy vọng giáo hoàng có thể mang lại sự thay đổi, đặc biệt tình trạng của các gia đình mà phụ nữ đơn thân nuôi con. Còn tôi, tôi không biết tương lai. Nhưng tôi sẵn sàng đi bất cứ đâu có hòa bình, tự do, có cơ hội làm việc và con tôi được đi học.

Về phần còn lại, tôi không biết. Nhưng tôi vẫn ngẩng cao đầu. Tôi là người chiến đấu. Tôi luôn cầu nguyện xin Chúa lòng lành đưa tôi ra khỏi đây. Đây là nhà tù lộ thiên. Tất cả những gì chúng tôi thấy là bầu trời. Chúng tôi không thể làm việc, chúng tôi không thể đi đâu. Sau khi giáo hoàng rời đi, tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi. Mặc dù ngài không phải là Chúa, nhưng ngài có lời để nói.”

Marta An Nguyễn dịch