Ở Assisi, nước mắt của người nghèo là nước mắt của niềm vui
Đức Phanxicô đến Assisi để gặp 500 người nghèo ở thành phố Assisi. Sau một buổi sáng đầy cảm xúc, các người nghèo nói với hãng tin I. Media: “Chúng tôi đã ở bên ngài và ngài ở đó vì chúng tôi.”
Đức Phanxicô gặp 500 người nghèo ở Assisi, thành phố của Thánh Phanxicô | © Keystone / Ảnh AP / Riccardo De Luca
cath.ch, Hugues Lefèvre, I. Media, 2021-11-12
“Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được.” Trong vương cung thánh đường Đức Mẹ Maria Maria các Thiên thần, bài Tin Mừng Thánh Máccô được một thiện nguyện viên trẻ người Pháp chầm chậm đọc lên. “Ngôi nhà của những người thấp bé” làm nhiều tâm hồn se lại. Ngay đằng sau cô là một em bé gái bị khuyết tật nặng, người ta thấy bàn tay em tìm bàn tay cô, người tháp tùng em. Máy quay cận cảnh quay cảnh hai bàn tay đang vuốt nhau được chiếu trên các màn hình lắp đặt trong vương cung thánh đường. Bên cạnh đó là Đức Phanxicô trầm tư.
Những giọt nước mắt của niềm vui. Rất nhiều người đến đây nhân chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô, trước Ngày Thế giới Người nghèo được tổ chức ngày 14 tháng 11. Từ khắp Âu châu, họ đến thị trấn Poverello. Một số đã phải ngồi 24 giờ trên xe buýt… Nhưng ai ai cũng tươi cười. Không thể phàn nàn khi bạn ở bên cạnh giáo hoàng.
Bầu khí ở thành phố Phanxicô
Bảy giờ sáng nay, họ đã có mặt ở tiền sảnh của vương cung thánh đường và làm một hàng rào danh dự. Trong khi chờ Đức Phanxicô đến vào khoảng 9:30 sáng, bầu khí rất lễ hội. Người Tây Ban Nha hát. Trẻ em ngồi trên xe lăn vui đùa. Hiệp hội “Fratelli”, tên do hội Fratello đặt cho những người dễ bị tổn thương, kiên nhẫn chờ trong khí hậu mát dịu của thành phố Umbria.
Một buổi gặp mặt thân mật
Rồi cuối cùng giáo hoàng đến, bầu khí vui nhộn hẳn lên. Chầm chầm, ngài đi trên con đường dài của hội “Fratelli”, thân mật chào hỏi họ, lắng nghe họ, chúc phúc cho gấu bông của em Tristan khuyết tật. Ông Alix Montagne, người đồng sáng lập hiệp hội Fratello xúc động thì thầm: “Bầu khí thân mật lạ lùng, đúng là giáo hoàng của người nghèo gặp người nghèo ở Assisi.”
Sau đó, Đức Phanxicô đi về phía trung tâm vương cung thánh đường, nơi có nhà nguyện nhỏ Portiuncula, ngôi nhà nguyện được Thánh Phanxicô trùng tu và nơi ngài tiếp người nghèo. Ở đó, những người dễ bị tổn thương, những người tháp tùng họ đến để làm chứng kinh nghiệm của họ, và nước mắt vẫn còn rơi ở đây.
Những chứng từ nhói lòng
Đó là chứng từ của một bà người Ý gốc Romania, bà kể lại những thử thách khó khăn của bà sau cái chết của chồng và một căn bệnh bùng phát làm bà phải ngồi xe lăn. Một chứng từ khác của một phụ nữ trẻ người Afghanistan, cô kể, dù thể xác cô ở Ý nhưng tâm hồn cô vẫn còn ở Afghanistan, nơi hiện nay đất nước của cô nằm trong tay người Taliban.
Trong bài đáp từ, Đức Phanxicô cám ơn lòng can đảm và chân thành của những nhân chứng này: “Tất cả những đau khổ này đã không ngăn anh chị em nhìn với đôi mắt đầy biết ơn cho những chuyện nhỏ đã giúp anh chị em có thể cầm cự được.”
Ông André ngoài năm mươi tuổi, có cuộc đời vùi dập ngoài đường phố từ tám năm nay, ông nói: “Tôi không hiểu ngài nói gì vì tất cả đều bằng tiếng Ý, nhưng không sao… Chuyện đó không quan trọng. Tôi thật sự rất xúc động. Chúng tôi đã ở bên ngài và ngài ở đây vì chúng tôi. Tôi biết điều này. Tôi cảm nhận điều này. Tôi như được Chúa viếng thăm. Điều này thực sự không giải thích được.” Tay ông André cầm chặt cây thánh giá nhỏ vô giá: “Đây là cây thánh giá tôi nhận được ngày 17 tháng 10, ngày tôi chính thức vào Giáo hội, ngày rửa tội của tôi.”
Michel, Louis, Véronique, Dalhia, Alọs và Gabriel, họ ở trong nhóm người Pháp và Thụy Sĩ đến cầu nguyện với Đức Phanxicô.
Michel: “Đây không phải là lễ hội của những người thượng lưu”
Ông Michel đến Assisi để gặp Đức Phanxicô Francis | © Hugues Lefèvre / I. Media
Ông Michel 45 tuổi nhận mình có một cuộc sống phức tạp. Ông mắc bệnh tâm thần phân liệt và phải điều trị tại bệnh viện, ông nghiện ma túy đã 35 năm nay. “Bây giờ tôi hết nghiện rồi”. Vài tháng trước ông sống một kinh nghiệm đơn giản, có người giới thiệu cho ông hiệp hội Mađalêna (hiệp hội giúp những người sống ngoài đường phố và các cô gái mại dâm). “Tôi đang ở trong một siêu thị và tôi đề nghị giúp một phụ nữ đang xách túi. Cô là thiện nguyện viên của hiệp hội này và đề nghị tôi đến thăm hội”.
Và ông Michel đến, ông thấy được tình huynh đệ ở đây và tìm lại được đức tin. Ông cho biết: “Tôi rửa tội nhưng không nhất thiết tôi phải đi nhà thờ. Khi 44 tuổi mới rửa tội thì thật kỳ lạ.” Ông rất vui vào nhóm của thành phố Marseille để đến Assisi gặp Đức Phanxicô. “Tôi rất kính trọng Thánh Phanxicô, người lẽ ra sống trong giới thượng lưu nhưng đã từ bỏ tất cả. Cái hay ở đây là nó không phải là lễ hội của những người thượng lưu”.
Lời ông nói với Đức Phanxicô: “Xin cha cầu nguyện để thoa dịu tâm hồn của những người đau khổ”.
Ông Louis: “Tôi đến để nhớ lại cuộc gặp lần cuối với Đức Phanxicô”.
Louis là thành viên của hội Fratello ở Assisi | © Hugues Lefèvre / I. Media
Từng là người vô gia cư ở Paris, ông Louis, bắt đầu hành trình với hội Fratello. Phải nói, nhờ hội Fratello, ông đã gặp Đức Phanxicô năm 2016, đó là bước ngoặt của đời ông. Ông Louis, 54 tuổi cho biết: “Tôi đến để nhớ lại sự kiện tôi đã trải qua. Thực tế, sau cuộc gặp này, tôi đã tìm được công việc. Tôi là tài xế ”
Lời ông nói với Đức Phanxicô: “Xin cha cầu nguyện để thoa dịu tâm hồn của những người đau khổ”.
Véronique và Dalhia: “Đây là một hành trình tuyệt vọng!”
Bà Véronique rất vui với chuyến đi đến Assisi | © Hugues Lefèvre / I. Media
Ngồi bên cạnh Jean, Dalhia và Michelle, bà Véronique vui cười kể chuyến hành trình 24 giờ ngồi trên xe buýt mà nhóm Hiệp hội Tình bạn của bà đã đi từ Paris đến đây để gặp Đức Phanxicô: “Chúng tôi đã cùng hội Fratello đi gặp ngài. Mỗi lần vậy là một hành trình vui thú”. Với bà, đây là dịp để tìm lại Chúa. “Ngài nói với chúng tôi, khi có hai hoặc ba người họp nhau cầu nguyện thì Ngài ở giữa chúng tôi… Với hội Fratello, đây là hiệp thông, chúng tôi đã ứa nước mắt. Đây là sự đơn sơ của Chúa. Chúng tôi là những đứa trẻ của Ngài và chúng tôi muốn ánh sáng của Ngài phản chiếu trên tâm hồn chúng tôi”.
Lời của bà Véronique nói với Đức Phanxicô: “Con có một thư của các nữ tu Thừa sai Bác ái Mẹ Têrêxa muốn chuyển đến cha. Còn con? Một nụ cười… lời cầu nguyện của con và được cha ban phép lành”.
Ông Aloïs: “Một tia sáng sau một năm khó khăn”
Ông Aloïs từ Thụy Sĩ đến để gặp Đức Phanxicô | © Hugues Lefèvre / I. Media
Ông là người Thụy Sĩ , 65 tuổi, ông đến với một nhóm của các bang Vaud và Neuchâtel. Trong số này có những người sống trong tình trạng bấp bênh, tâm lý chao đảo, cô đơn, hoặc vừa ra tù. Ông cho biết: “Khi còn nhỏ tôi mắc chứng bệnh nặng khi ăn dâu rừng, bệnh sán chó (echinococcosis), một loại bệnh vàng da. Bác sĩ cắt đi một nửa lá gan của tôi”, ông nghĩ gần đây ông bị tái phát. Góa vợ năm 2008, tháng 2 vừa qua thân phụ của ông qua đời, ông tâm sự: “Tôi đến đây như niềm an ủi cho một năm thử thách của tôi. Với đức tin, với hội Fratello, một con đường sẽ mở ra. Từ lâu, tôi đã chờ đợi giây phút này.”
Lời của ông muốn nói với Đức Phanxicô: “Xin cha cầu nguyện cho người nghèo, những người không thể gượng dậy, những người đang ở bệnh viện, những sống trong đau khổ”.
Ông Gabriel: “Xin cám ơn Đức Phanxicô thân yêu vì đã là Fratello của chúng tôi!”
Ông Gabriel đã có thể nói chuyện với Đức Phanxicô trước đám đông tụ họp ở Assisi | © Vatican media
Ông Gabriel Barbier, người Pháp, thành viên của hội Fratello, ông vui vì đã nói với Đức Phanxicô trước công chúng: “Xin cám ơn Đức Phanxicô thân yêu vì đã là Fratello của chúng tôi!”
“Tôi là người chiến đấu, như đa số chúng tôi ở đây, tôi đã nếm tuyệt vọng và sự bỏ rơi của thế giới ngày càng trở nên tàn nhẫn, việc tôi đi qua được sa mạc là cơ hội để tôi nhận thức tình yêu của Chúa, dĩ nhiên là sau một bước đột phá! Tôi nghĩ rằng chính trong những tình huống vô cùng bấp bênh và bị bỏ rơi, Chúa mang niềm vui lớn cho những ai biết nghe Ngài, tìm kiếm Ngài. Bởi vì ngài nói: ‘Hãy hết sức hết lòng tìm kiếm Ta thì Ta sẽ cho thấy’. Tôi có muốn ước ao lớn lao ở tuổi 60 là được rửa tội, và Chúa Giêsu đã biến đổi tôi đến mức tôi muốn được nên thánh thiện.”
Đức Phanxicô: “Đã đến lúc phải khôi phục lại tiếng nói cho người nghèo.”
Đối với Đức Phanxicô, người nghèo có tiếng nói của họ | Truyền thông Vatican
Đức Phanxicô xin: “ Đã đến lúc người nghèo phải nói lại tiếng nói của họ, vì đã quá lâu những yêu cầu của họ không được đáp ứng.
“Đã đến lúc chúng ta phải xắn tay áo để khôi phục phẩm giá bằng cách tạo ra công ăn việc làm.
“Đã đến lúc chúng ta phải bàng hoàng trước thực tế các trẻ em bị đói, bị làm nô lệ, bị nguy hiểm trên những con thuyền sắp bị đắm, những nạn nhân vô tội của mọi loại bạo lực.
“Đã đến lúc chúng ta phải phá vỡ vòng xích của sự thờ ơ để khám phá lại vẻ đẹp của việc gặp gỡ và đối thoại.
“Đã đến lúc bạo lực đối với phụ nữ phải chấm dứt (…).
“Đã đến lúc chúng ta phải phá vỡ vòng xích của sự thờ ơ để khám phá lại vẻ đẹp của việc gặp gỡ và đối thoại
“Đôi khi, chúng ta nghe người ta nói rằng chính người nghèo phải chịu trách nhiệm cho sự nghèo đói”, giáo hoàng phẫn nộ trước khi tố cáo “sự bất công của một số luật và biện pháp kinh tế và sự đạo đức giả của những người muốn làm giàu một cách bất xứng”.
“Sự thiệt thòi đầu tiên mà người nghèo phải gánh chịu là về mặt tinh thần.”
“Chào đón có nghĩa là mở cửa, mở nhà, mở trái tim cho người gõ cửa bước vào.
“Tất cả những đau khổ của bạn đã không ngăn cản bạn nhìn với đôi mắt biết ơn về những điều nhỏ bé đã giúp bạn có thể bám trụ.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Assisi: Cô Jennifer, từ địa ngục mại dâm đến ánh sáng
Assisi: Sự ngưỡng mộ và kính trọng của anh Abrhaley dành cho Đức Phanxicô
Assisi: Chứng từ của cô Farzana Razavi, “Xin đừng bỏ người dân Afghanistan một mình”
Hình ảnh buổi gặp với Đức Phanxicô tại Assisi 12-11-2021