François Cheng: “Không có sự từ bỏ nào từ con đường lão giáo đến con đường kitô giáo”

114

François Cheng: “Không có sự từ bỏ nào từ con đường lão giáo đến con đường kitô giáo”

Nhà hàn lâm Pháp François Cheng, gạch nối giữa Trung Quốc nơi ông sinh ra và nước Pháp, đã trả lời phỏng vấn trên nguyệt san  “Cầu nguyện” vào tháng 3 năm 2020, ông nói về đức tin, quan niệm của ông về cái đẹp và cái chết.

lavie.fr, Francois Huguenin, 2021-10-20

Theo nhà hàn lâm François Cheng, trong cuộc đối đầu với cái ác, không ai có thể tiến xa hơn Chúa Kitô. PATRICE NORMAND / LEEXTRA / LEEMAGE

Ông đã rửa tội năm 1969, nhưng ông không tuyên bố mình là người công giáo cũng không là tín hữu kitô giáo. Ông tuyên bố, ông chọn “con đường Chúa Kitô” điều đó có nghĩa là gì?”

Nhà hàn lâm François Cheng: Tôi không bao giờ phủ nhận khi người ta nói tôi là người công giáo hay kitô giáo. Đơn giản là có một thực tế trong tâm tưởng mọi người, tên gọi này thường mang hình ảnh quá tiêu chuẩn, quá tê cứng. Tôi đến từ rất xa. Tôi cảm thấy cần, thực sự rất quan trọng, để xác định kỹ hơn một hiểu biết và trải nghiệm cụ thể. Không có một tìm kiếm vênh vang nào ngoài tính đặc biệt. Ngược lại, với tất cả lòng khiêm tốn, khẳng định chính xác hơn chân lý của mình, tôi buộc tôi phải có lối sống khiêm nhường, không phô trương, không nhãn mác.

Làm thế nào để ông hóa giải đường lối của lão giáo và của Chúa Kitô?

Tôi đến từ rất xa, cho phép tôi nói. Tôi mang trong mình tầm nhìn về lão giáo, “con đường”, tầm nhìn của một vũ trụ sống đang hình thành, được sinh động bởi khí, bởi “hơi thở thần linh”. Sau này, rất lâu sau này, khi tôi đã biết về những điều kiện cực kỳ khắc nghiệt của con người, khi tôi nghe lời khẳng định của Chúa Kitô: “Ta là đường, là sự thật, là sự sống”, tôi nhận ra ở đó là “con đường nhập thể” mang lại sự thật và sự sống cho con đường lão giáo đã sống trong tôi. Từ con đường lão giáo đến con đường kitô, không có sự từ bỏ nào; một sự cởi mở thực sự được ban, giúp cho tôi có được thăng tiến và thành tựu. “Tôi đã nắm lấy con đường của Chúa Kitô, theo như tôi được biết, đây là công thức đúng nhất.”

Ông đã nói, Chúa Kitô là Đấng “mà cái tốt tuyệt đối đáp trả cho sự dữ triệt để”…

Một ngày nọ, giữa lúc nhân loại bị nghiền nát bởi những điều kiện bi thảm của sự tồn tại trên trần thế, một người nào đó đã đến để thực hiện một hành động tuyệt đối: đối diện với cái ác triệt để nhân danh tình yêu tuyệt đối. Hành động khôi phục phần thiên tính của con người đã được hoàn thành một lần và mãi mãi; không ai có thể đi xa hơn. Thật vậy, không thiếu các nhà lãnh đạo tâm linh  khuyến khích làm điều thiện. Sự khuyến khích của họ, vì thiếu đi hiện thân đến những giới hạn cùng cực này, vẫn là tương đối.

Mặt khác, những người theo chủ nghĩa duy lý chỉ dựa vào lý trí để chiến thắng cái ác. Đó là bỏ qua sự phức tạp của tâm hồn con người. Ngoài lý trí, bộ não của chúng ta điều khiển hai thực thể khác là trí nhớ, chứa tất cả các tác động và trí tưởng tượng, chứa tất cả các xung động. Chỉ có tình yêu đích thực mới có thể đạt tới siêu việt và thay hình đổi dạng được những gì là thảm kịch mà con người mang trong mình.

Ông nói, “Tâm hồn là nơi thể hiện tính độc nhất của con người”. Có phải tất cả tác phẩm của ông là lắng nghe nhịp đập của trái tim, rung động của tâm hồn đó không? Có phải điều này đã làm cho ông viết bằng một ngôn ngữ ngày càng giản dị hơn không?

Cơ sở và đỉnh cao của sự sáng tạo của tôi, nếu tôi có thể nói như vậy, là thơ. Cứ đối đầu với viết lách, cứ đối đầu với thời gian, cứ đối đầu với cắt tỉa, với trần trụi thì tâm hồn bất khả quy của người thi sĩ sẽ đến được với ngôn ngữ thiết yếu này theo như câu thơ sau đây cố gắng xác định: “Lập lòe trong đêm / Khi than hồng thiếu khí / Nhưng vẫn lọc sạch ngàn than / Thành viên kim cương duy nhất.”

Vẻ đẹp có phải là một thực tại của một bản chất thiêng liêng không? Một liều thuốc giải độc cho cái ác không? Bằng dự cảm ông tìm thấy nó ở đâu?

Vẻ đẹp là một dấu hiệu cơ bản mà Tạo hóa cho chúng ta thấy cuộc sống có ý nghĩa. Vũ trụ được tạo ra chỉ có thể hoạt động; đây không phải là trường hợp này. Ở giữa thiên nhiên, bản năng chúng ta hướng tới cái đẹp. Khi làm như vậy, thay vì loanh quanh một cách mù quáng, chúng ta có một hướng đi. Hướng đi này có nghĩa là chúng ta đang đi trên con đường có thể thực hiện được và có thể vượt qua được.

Tạo ấn tượng, phương hướng, ý nghĩa… ba phẩm chất này hội tụ trong ngôn ngữ Pháp qua một từ duy nhất: ý nghĩa. Vẻ đẹp cũng cho chúng ta thấy mọi thứ không phải là không phân biệt, mọi thứ không phải là không đáng giá; nó mang lại cho chúng ta một cảm giác của giá trị. Ngoài vẻ đẹp của thiên nhiên, còn có một vẻ đẹp riêng của con người: vẻ đẹp tâm hồn. Chúng ta hãy học cách đánh giá cao, ở mọi nơi và luôn luôn, các ánh nhìn và các cử chỉ mà trong đó phần tốt nhất của tâm hồn con người bộc lộ ra.

Cái chết đang chờ tất cả chúng ta tiêu biểu cho sự cùng quẫn. Ông cảm nhận nó như thế nào?

Ở mức độ hiện hữu trần thế, chính nhận thức về cái chết đã khơi dậy trong chúng ta động lực hướng tới sự sống, thúc đẩy chúng ta muốn sáng tạo để vượt lên chính mình. Cái chết cũng cho phép thứ trật đời sống đổi mới lại, mang lại cho tất cả sự sống một cơ hội để đến được với sự biến đổi, thậm chí cả sự biến hình. Trên thực tế, cái chết thể xác là một quy luật do chính cuộc sống áp đặt. Sự sống được ưu tiên hơn cái chết, chứ không ngược lại.

Cuộc sống có phải là một sự tình cờ, một hiện tượng phụ không?

Nhiều nhà vật lý thiên văn say sưa ca ngợi vẻ đẹp lộng lẫy của Vũ trụ, đồng thời gọi cuộc sống của chúng ta là “bụi của các ngôi sao”. Một trong các nhà vật lý thiên văn này là ông Stephen Hawking, đã có công khi nói, “Về cơ bản, Vũ trụ này sẽ không thú vị nếu không có một số sinh vật mà chúng ta có thể yêu thích”. Đỉnh cao của Tạo dựng không phải là vũ trụ vật chất, mà là sự sống, là cuộc phiêu lưu duy nhất trong việc trở thành – con đường – mà chúng ta là người dự phần. Nếu không có đôi mắt tỉnh ngộ và trái tim đang đập của chúng ta, tất cả vẻ đẹp lộng lẫy của bình minh và bầu trời đầy sao sẽ trở nên vô ích.

Ông cảm thấy thế nào về thời hạn cuối cùng này?

Tôi mang trong mình quá nhiều tang tóc của những người thân yêu và quá nhiều trải nghiệm cái chết của chính tôi… Tuy nhiên, đã quá nhiều lần xáo trộn trước vinh quang của Tạo hóa cũng đủ để làm cho tôi ngập tràn lòng biết ơn. Lời nói đến trên đầu môi của tôi là: cám ơn!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Cái đẹp đến từ đâu? Lời giải thích sáng rõ của François Cheng