Đối diện với đại dịch, triết gia Edgar Morin mời gọi thay đổi cuộc sống và con đường

254

Đối diện với đại dịch, triết gia Edgar Morin mời gọi thay đổi cuộc sống và con đường

Edgar Morin, nhà xã hội học, triết gia, cựu chiến binh kháng chiến, nhà nghiên cứu, nhà văn, ông là một trong những trí thức Pháp vĩ đại nhất thế kỷ 20. Ông xem việc cải cách tư tưởng là cần thiết để xây dựng một thế giới mới, và mời gọi chúng ta đừng đánh mất khả năng làm nên điều kỳ diệu.

vaticannews.va, Hélène Destombes, Vatican, 2021-09-17

Ông sinh ngày 8 tháng 7 năm 1921 trong một gia đình do thái. Là người yêu thơ, trong những thập kỷ gần đây, ông đã tham gia vào những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nước Pháp, ông mồ côi mẹ năm 10 tuổi, sống trải qua nhiều cuộc chiến tranh và khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội.

Kể từ khi đại dịch coronavirus bắt đầu, ông đã có những suy ngẫm về các bài học của cuộc khủng hoảng đã đẩy thế giới vào tình trạng bất ổn, và về những thay đổi cần thiết để xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ hơn.

Gặp gỡ tại Rôma với người đã trăm tuổi nhưng vẫn luôn say mê về con người, về những thăng trầm của đời người, ông vẫn giữ được khả năng ngạc nhiên trước điều kỳ diệu và mê hoặc.

Phỏng vấn nhà triết học và xã hội học Edgar Morin

Ông thấy cuộc khủng hoảng Covid hiện tại ảnh hưởng đến toàn thế giới như thế nào?

Triết gia Edgar Morin: Đại dịch mang tính lan truyền mạnh này đã tạo một hiện tượng toàn cầu đa chiều, không chỉ liên quan đến sức khỏe mà còn cả cuộc sống hàng ngày với những hạn chế, đặt vấn đề về mối quan hệ với nơi làm việc và thay đổi cách sống mà chúng ta đã có trước đây. Ngoài ra, vấn đề khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng toàn cầu hóa cho chúng ta thấy thế giới chưa có được sự đoàn kết.

Cuộc khủng hoảng này buộc cái mà tôi gọi là “một tư tưởng phức tạp”, có khả năng kết nối các khía cạnh khác nhau và không tách sức khỏe ra khỏi kinh tế, tâm lý, thậm chí khỏi tôn giáo. Tất cả các khía cạnh của cuộc sống con người đều bị ảnh hưởng. Vì thế nó đòi hỏi một tư tưởng rất rộng, không đơn phương, và đó là điểm chính.

Cũng cần phải tránh xa lối suy nghĩ một chiều, nghĩ rằng Lịch sử đang tiến triển và từ bây giờ có thể dự đoán được cho các năm 2030 hoặc 2050 mà không tính đến các bất ổn to lớn. Có một triều đại của tư duy một chiều, tư duy chỉ thuần nhắm đến số lượng, chỉ nhìn nhân loại qua phép tính, trong khi phép tính không hiểu gì về cảm xúc và cuộc sống thực của chúng ta. Do đó, lối suy nghĩ theo ý mình không đủ để suy nghĩ về thế giới và về chính chúng ta, mà còn không đủ để suy nghĩ về đại dịch.

Sự thay đổi mô hình nên là gì?

Cải cách kiến thức là cần thiết. Chúng ta không chỉ thay đổi cuộc đời mà còn phải thay đổi con đường của mình. Chúng ta không chỉ phải từ bỏ việc tiêu thụ những đồ vật vô ích vốn chỉ có giá trị trong tưởng tượng mà phải quay về với điều cốt yếu, về những gì là con người, nghĩa là các mối quan hệ, cách chúng ta cùng chung sống. Có một cải cách cuộc sống cần được đưa ra, mà rất tiếc là nó vẫn chưa được đưa ra.

Cải cách chính trị là cần thiết. Phải đưa vấn đề sinh thái to lớn vào chính trị: cuộc chiến chống ô nhiễm, chống suy thoái đất, các loại sinh học đa dạng bị tàn phá, chống biến đổi khí hậu. Tất cả điều này có thể cung cấp việc làm, huy động lực lượng và tạo ra một nền kinh tế, hơn thế nữa, nó sẽ mang tính xã hội và sẽ làm giảm sức mạnh to lớn của lợi nhuận trên thế giới ngày nay. Chúng ta có những vấn đề lớn và đại dịch phải đánh thức chúng ta. Thật không may, nó vẫn chưa đánh thức được.

Trong nhiều thập kỷ, ông đã quan sát con người với bóng tối và ánh sáng của nó. Ông có tin vào khả năng suy nghĩ lại cách sống, cách tiêu dùng, cũng như cách tương tác của con người không?

Một cách tiêu dùng nào đó đã xuất hiện rất chậm nơi một thiểu số nhỏ dân số, với việc từ bỏ tất cả những gì gây ô nhiễm, nhưng nó bắt đầu một cách rải rác. Không có một sức mạnh chính trị nhất quán nào có thể đưa ra một quan điểm như vậy và giúp người dân được đào tạo rộng rãi. Chúng ta đang trong giai đoạn đầu của những gì có thể là xem là một cuộc cải cách cuộc sống.

Đức Phanxicô trong lời mừng sinh nhật trăm tuổi của ông đã nói lên mong muốn của ông là xây dựng một xã hội công bằng hơn và nhân văn hơn. Theo ông chìa khóa để đạt được điều này là gì?

Những điểm đầu tiên nằm ở nhận thức về vận mệnh chung của cả loài người trong thời toàn cầu hóa, tức là hiểm họa hạt nhân, hiểm họa cuồng tín điên cuồng, hiểm họa thống trị thế giới phi lợi nhuận. Nhân loại đang ở trong giai đoạn lịch sử đầy hiểm nguy và đồng thời cũng đầy lời hứa của kỹ thuật hoặc khoa học. Nhưng ngay cả những lời hứa cũng có hai mặt. Những lời hứa cổ xúy cho ý tưởng, mà theo tôi là rất tệ, làm chủ thiên nhiên và làm chủ thế giới đã thống trị vào nền văn minh phương Tây. Và thuyết siêu nhân, lấy các khái niệm hiện tại về công nghệ, máy tính, trí tuệ nhân tạo để tạo ra một mẫu người được cho là bất tử, người sẽ thống trị thế giới và các hành tinh. Đó là cả một điên rồ!

Ngày nay, chúng ta không được tạo siêu nhân, nhưng tạo con người được cải thiện từ những cội nguồn tốt có trong chúng ta. Chúng ta không ở điểm này. Nhận thức về vận mệnh của cộng đồng sẽ là một yếu tố cơ bản để hướng tới một thế giới khác, vì ở thời điểm đó, các quốc gia có thể liên kết với nhau và chúng ta có thể đi đến những gì còn là giấc mơ, nhưng có thể, đó là hòa bình trên trái đất. Vì vậy, có một tập hợp các điều kiện sẽ cho phép đi trên con đường này. Chúng ta phải tiếp tục bước đi với những vấn đề, những xung động luôn xảy ra, những thứ mà tôi gọi là sức mạnh tình yêu Eros sẽ ngày càng chiếm vị trí của thần chết Thanatos. Phải củng cố tình yêu hơn là củng cố cái chết.

Ông sống cuộc đời với thi ca. Có phải thơ đã giúp ông vượt qua nhiều thử thách mà ông đã trải qua?

Thơ không chỉ là những bài thơ tôi thích và vẫn còn đọc, thơ nuôi dưỡng tôi và điều này rất quan trọng. Có chất thơ cho cuộc sống. Những gì các nhà siêu hiện thực nói về thơ, nó không chỉ là một thứ viết ra mà còn là một thứ để sống, tôi cảm nhận được sự thật sâu sắc đó. Trong nhận thức của tôi về con người, tôi thấy cuộc sống của chúng ta phân cực giữa văn xuôi và thơ. Văn xuôi là những thứ chúng ta làm vì ràng buộc, chúng ta không làm vì thích, chúng ta làm vì nghĩa vụ tồn tại, trong khi thơ thực sự là để sống và sống là để nở hoa, là xã giao, là để chiêm ngưỡng, đó là sự ngạc nhiên và niềm vui của âm nhạc du dương, niềm vui của một mối quan hệ yêu thương lãng mạn, cũng như niềm vui của một phong cảnh đẹp hoặc một trận đấu bóng đá.

Thơ của sự sống luôn giúp giao cảm với người khác hay giao cảm với thế giới, với vạn vật. Và chúng ta quên rằng có rất nhiều người chỉ biết văn xuôi mà đáng lý họ xứng đáng đến với thơ. Tôi không bao giờ tìm kiếm hạnh phúc. Hạnh phúc đến một cách tình cờ, nhờ tập hợp những điều kiện mà ban đầu tôi không ngờ tới. Và niềm hạnh phúc này có thể kéo dài vài tháng, vài năm, nhưng cuối cùng nó cũng tan theo cái chết của những người thân yêu. Hạnh phúc qua những giây phút tuyệt vời này không lâu dài. Nhưng thơ là thứ mình có thể nuôi dưỡng cả đời và nó mang lại cảm giác hạnh phúc.

Văn hào Dostoyevsky cho rằng cái đẹp có thể cứu thế giới. Ông có nghĩ rằng thơ có thể cứu thế giới không?

Thơ có thể cứu thế giới nếu thơ thực sự được áp dụng vì thơ mang nét đẹp từ chính bên trong của nó.

Ngày nay, chúng ta có thể rút ra những nguồn nào để phục hồi cuộc sống của mình?

Các nguồn thì rất nhiều vì sự mê hoặc đến từ việc sống thơ mộng. Nó cũng có thể được trải nghiệm qua các mối quan hệ với những người khác khi những mối quan hệ này mãnh liệt, cởi mở, tràn đầy tình anh em và tình yêu thương. Tôi tin chúng ta cũng phải vun trồng văn hóa: văn học, âm nhạc, thi ca, mỹ thuật. Vì thế các cội nguồn tiềm ẩn trong con người chúng ta, điều kỳ diệu tự nó đã thể hiện từ thời thơ ấu.

Vấn đề lớn là cuộc sống có những tàn ác, những khủng khiếp. Ví dụ, khi chúng ta nhìn vào những gì đang xảy ra ở Afghanistan ngày nay, chúng ta không thể kinh ngạc thán phục, trái lại chúng ta có cảm giác khủng khiếp. Hiện tại ở Pháp, phiên tòa xét xử những kẻ khủng bố đã thực hiện một vụ thảm sát kinh hoàng năm 2015 ở nhiều nơi ở thủ đô Paris (Bataclan, St-Denis…). Đó là một điều khủng khiếp đánh dấu bạn, ngay cả khi bạn không muốn trả thù, điều mà tôi chưa bao giờ có, mình vẫn có một cảm giác cay đắng tột cùng. Nhưng nếu chúng ta có thể kinh ngạc thán phục, chúng ta sẽ thu hút được sức mạnh để nổi dậy chống lại những sự tàn ác này, những nỗi kinh hoàng này. Vì vậy, chúng ta không được đánh mất khả năng ngạc nhiên trước điều kỳ diệu và mê hoặc.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Edgar Morin: “Cái chết, tôi kìm nén nó khi tôi sống”

Lời mừng sinh nhật triết gia Edgar Morin 100 tuổi của Đức Phanxicô