Biếng nhác, bạn cẩn thận để đừng sa vào

311

Biếng nhác, bạn cẩn thận để đừng sa vào

 Thứ bảy: Biếng nhác, bạn cẩn thận để đừng sa vào

Hoặc làm thế nào để không bị mờ đi bởi mặt tối của xã hội

Trích sách Hãy về sống lại với nội tâm, Jean-Guilhem Xerri, nxb. Cerf.

Lòng tham của chúng ta cần sự chú tâm đặc biệt để nó không biến thành khuynh hướng gây nghiện hoặc tự cô lập. Nhưng có một căn bệnh được các Giáo phụ mô tả mà ngày nay nó có tính cách liên hệ đặc biệt: biếng nhác, kiểu buông thả đời sống nội tâm làm đời chúng ta mất định hướng. Vào một lúc nào đó, chúng ta tất cả đều vướng vào căn bệnh này, ít nhất là một phần.

Bạn sẽ thấy, nó hữu ích!

Hồn tôi thiếp đi vì biếng nhác (Tv 119, 28).

“Chúng ta chưa bao giờ biết đủ những gì chúng ta có. Nhưng khi tôi đọc tác giả Houellebecq, tôi tự nhủ, tôi không phải là người duy nhất như vậy”, một người đàn ông đến văn phòng tham vấn nói với tôi như vậy. “Như vậy đó”, có thể đây là nét biếng nhác đặc trưng ở các nhân vật của tiểu thuyết gia danh tiếng này, họ có rất nhiều triệu chứng của người biếng nhác.

Một xã hội trải qua chứng biếng nhác

Ngày nay chúng ta có thể quan sát nhiều triệu chứng suy nhược thần kinh hàng loạt, có hệ thống hoặc riêng lẻ: mệt mỏi, u uất, làm việc quá sức, hiếu động thái quá, quá hoạt động, bất ổn, buồn chán, trầm cảm, say mê đuổi theo hạnh phúc.

Ngoài ra cũng có thôi thúc muốn thay đổi cuộc sống, nhà cửa, công việc, đối tượng, mất hứng thú với bạn bè, không thể đọc xong một quyển sách, trì hoãn, ý tưởng lang thang vô tận, v.v. Loại suy nhược thần kinh này thường xuyên thúc đẩy chúng ta thay đổi nơi chốn, dù phải mất thì giờ, mất sức. Nó thuyết phục chúng ta, chẳng có gì có ý nghĩa, chẳng có gì đáng giá, đời của mình chẳng hữu ích, chẳng phong phú. Chúng ta không cần biết đến cái ác, chúng ta lo để lo, không trụ yên mà cũng không đi tới. Chúng ta nhúc nhích để khỏi chán, để đánh lừa chính mình. Chúng ta ghét hiện tại và chúng ta khao khát những gì mình không có. Chúng ta có cảm tưởng không bao giờ ở đúng chỗ của mình, không thể tìm thấy nó, thậm chí tự hỏi xem có một chỗ nào cho mình. Ở trong đời sống hàng ngày nhưng lại không hứng thú với nó. Cảm thấy đau đớn về mặt đạo đức, nhưng không biết tại sao, chỉ biết tự buộc tội hay có mặc cảm tội lỗi. Trốn mình trong hiếu động, trong những chuyện vô ích, trong màn hình, với các thú vui giả tạo, trầm cảm hoặc bạo lực.

Chán ngấy, cười nhạo đủ thứ, không còn tin vào bất kỳ điều gì tuyệt đối, để giết thời gian, chúng ta đi du lịch, chúng ta tiêu thụ, chúng ta phân tâm, chúng ta xao xuyến, chúng ta đánh lừa, chúng ta nhồi nhét cho mình những thứ vô ích và hời hợt, chúng ta đinh tai nhức óc với âm thanh và hình ảnh; một số người có công việc thì lại làm quá độ. Nhưng tất cả các chuyện này khó lấp đầy một cuộc sống. Nhiều người cảm nhận điều này. một số đau khổ. Chứng suy nhược thần kinh này có tên: biếng nhác. Đó là căn bệnh của sự quá đỗi, tối thiểu hóa hoặc tối đa hóa. Trong sâu thẳm đó là sự uể oải của đời sống nội tâm.

Một căn bệnh thiêng liêng quen thuộc với các Giáo phụ sa mạc

Các Giáo phụ tìm hiểu rất nhiều về căn bệnh này vì có một số bị. Giáo phụ Évagre mô tả chính xác trong hệ sinh thái tu viện của ngài:

Biếng nhác là tư tưởng nặng nề nhất trong tất cả. (…) Đầu tiên người biếng nhác thấy mặt trời đi rất chậm hoặc gần như bất động, ngày dường như kéo dài năm mươi giờ. Tiếp theo là đôi mắt của họ luôn hướng về cửa sổ, chỉ muốn nhảy ra khỏi tịnh cốc của mình (…). thêm nữa trong lòng họ chán ghét nơi mình ở, tình trạng sống của mình, chán ghét công việc tay chân tay, rồi ý tưởng bác ái biến mất nơi người anh em, không còn ai an ủi họ. Và trong những ngày này, nếu có ai làm phiền não thì sẽ làm họ tăng thêm ác cảm. Khi đó dẫn đến tình trạng ham muốn các nơi khác, nơi họ có thể dễ dàng tìm thấy những gì họ cần, và làm một nghề ít cực nhọc hơn, được trả nhiều tiền hơn; họ nói việc đẹp lòng Chúa không phải là chỗ ở (…). Họ thêm điều này vào ký ức về những người thân và về sự tồn tại trước đây của mình, họ nói cuộc đời dài biết bao, họ đặt mình trước đôi mắt mệt mỏi của biếng nhác; và như người ta nói, biếng nhác dựng lên tất cả năng lượng để người tu sĩ bỏ tịnh phòng của mình và trốn khỏi nhà.

Một bài khác nói cùng nội dung nhưng vui hơn:

Ánh mắt của người đang bị cơn biếng nhác bủa vây cứ nhìn ra cửa sổ. Họ mong có người đến thăm. Cánh cửa cọt kẹt và họ nhảy tưng lên. Họ nghe một giọng nói và họ nhìn ra cửa sổ. Họ không quay lưng cho đến khi bị đờ đẫn mới ngồi xuống. Khi đọc sách người biếng nhác thường ngáp. Họ rất dễ ngủ, họ dụi mắt, duỗi tay và không nhìn vào sách nữa. Lật từng trang sách, họ xem đoạn cuối. Họ đếm từng trang, ước tính số bài, than phiền về thể văn và cách dàn trang. Cuối cùng họ khép sách lại, họ gục đầu trên sách và ngủ, nhưng giấc ngủ không sâu, vì cuối cùng cơn đói đến thức tâm hồn họ dậy và áp đặt mối quan tâm của nó trên họ.

Dĩ nhiên mô tả này phụ thuộc theo môi trường sống được xác định rõ ràng: môi trường các tu sĩ sống ở Ai Cập. Nhưng về sau, truyền thống cũng hiểu biếng nhác đe dọa mọi trạng thái sống. Thánh Tôma Aquinô (thế kỷ 13), Dante (thế kỷ 14), Moravia (thế kỷ 20) và Houellebecq (thế kỷ 21), trong một số tác phẩm, họ mô tả các nhân vật biếng nhác.

Trạng thái biếng nhác phức tạp vì nó ảnh hưởng đến cơ thể và tâm hệ, nhưng cũng vì nó thể hiện qua các hành vi trái ngược nhau: một bên là lười biếng và buồn ngủ, bên kia là hoạt động sôi sục và sốt sắng quá mức. Nó tập hợp lại các trạng thái chán nản, ghét cay ghét đắng, ghê tởm, uể oải. Nó mang lại sự bất mãn sâu đậm và mơ hồ. Biếng nhác dứt khoát là không ổn định. Người biếng nhác không còn thấy ý nghĩa cuộc sống, trở nên cáu kỉnh, tức giận. Họ nghi ngờ tình yêu cho người khác (yêu thương thì ích gì?) Và tình yêu người khác cho mình (không ai yêu mình). Mọi sự giúp đỡ đều bị hiểu lầm. Biếng nhác sói mòn con người. Lo lắng ngày càng chiếm chỗ  nhiều hơn, họ bị ám ảnh do việc đi tìm an toàn và cảm giác mọi thứ đều không thể vượt qua được. Người biếng nhác dễ dàng gán cho các nguyên do bên ngoài làm họ khó chịu để biện minh cho các từ bỏ của mình. Người biếng nhác trở nên rụt rè, hèn nhát, nhàn rỗi. Mọi thứ như ngọn núi đối với họ. Do dự, cảm giác buồn chán, mỗi giây kéo dài như thiên thu. Cuộc sống thành tầm thường, khô khan, vô vị. Họ có cái gì cuộc sống bị bế tắc.

Các Giáo phụ nhấn mạnh một số đặc điểm:

Bất ổn: “Đối với người thích khoái lạc, một phụ nữ thì không đủ. Với tu sĩ bị cơn biếng nhác hành hạ, một tịnh phòng thì không đủ;”

Thái độ không đúng với công việc, ghét việc hoặc làm quá mức: “Suy nghĩ của người biếng nhác ghét công việc tay chân, họ muốn một việc khác nuôi họ tốt hơn và không làm họ cực nhọc”;

Quan tâm quá mức đến cơ thể: “Tưởng tượng tuổi già sẽ rất dài, nghèo đói khổ cực và bệnh tật có thể giết cơ thể”;

Có thái độ buộc tội: “Vu khống chống lại bề trên, biện minh rằng bề trên không nâng đỡ anh em cho đủ và nghiêm khắc với họ”;

Khi nào cũng đi tìm chuyện để giải trí: “Một số sống nhàn cư, chẳng làm gì nhưng làm như có việc”.

Giáo phụ Jean Cassien nói: “Tinh thần giao động không lý do.” Chính xác hơn, không có lý do rõ ràng nhưng có nguyên do sâu đậm, đó là coi thường đời sống nội tâm, coi thường tình trạng đờ đẫn của mình. Nó là một căn bệnh tâm linh riêng biệt, vì nó chạm đến mức độ sâu đậm của con người.

Phương thuốc trước hết là kiên trì và ổn định

Biếng nhác là tương quan giữa Con người với chính mình, chính vì thế tình trạng sẽ được cải thiện qua con đường nội tâm, chứ không qua các giải pháp từ bên ngoài.

Kiên trì

Chiến thắng thói biếng nhác cần thời gian vì con đường có thể rất dài. Một trong các liều thuốc chính là lòng kiên trì. Giáo phụ Évagre tin chắc: “Tính biếng nhác được giải quyết bằng lòng kiên nhẫn.” Đó là con đường dài. Và kèm theo lòng kiên trì là sự  ổn định. Một câu châm ngôn dạy chúng ta:

Một người anh em ở Scété bị chứng biếng nhác, anh đến xin Giáo phụ Moise khuyên nhủ, ngài trả lời: “Con về đi, con ngồi yên trong tịnh phòng, tịnh phòng sẽ dạy con mọi chuyện”.

Điều này có nghĩa khi ở trong giai đoạn biếng nhác, chúng ta không đưa ra một quyết định thay đổi lớn nào, chẳng hạn như công việc, nhà cửa, hay lập gia đình. Khi đó sự phân định sẽ lệch hướng và có thể làm cho tôi không có chọn lựa tốt nhất cho mình. Tôi ngưng bất cứ quyết định nào cho đến khi tôi khỏe hơn.

Sống mỗi ngày như đây là ngày cuối

Các nhà Trị liệu trong sa mạc gọi đây là phương thuốc “ký ức của tử thần.” Không có gì là bệnh hoạn. Chỉ để nhắc lại tôi là người phàm và là người phàm thì phải chết và cái chết của tôi có thể đến bất cứ lúc nào. Không phải là để chuẩn bị một bước nhảy vọt, nhưng giúp tôi sống tốt hơn trong giây phút hiện tại. Nói cách khác, tôi sống mọi sự với chiều sâu mạnh nhất có thể và tôi không lãng phí thì giờ vào những chuyện vô ích và xao nhãng, mà tự trong tâm hồn, tôi không thấy có một chút lợi ích nào. Do đó, một câu châm ngôn đã nói:

Người ta hỏi một Giáo phụ: “Vì sao cha không bao giờ nản chí?”  Ngài trả lời: “Vì ngày nào tôi cũng chờ chết”.

Thường xuyên có một sinh hoạt cụ thể

Các Giáo phụ luôn khuyên chúng ta nên có một công việc, một hoạt động cụ thể như làm mộc, làm việc nhà, làm vườn, may vá, hoạt động thể thao, một cái gì đó thực tế (chứ không ảo), có bắt đầu và có kết thúc. Đó là để hạn chế nhàm chán, xu hướng nhàn rỗi, thì giờ của “bộ não sẵn sàng” cho chiếc xe đạp tinh thần nhỏ bé. Hoạt động này sẽ giúp tôi tập trung, giúp tôi hiện diện trong thực tế.

Giữ khoảng cách với những gì kéo chúng ta xuống thấp

Cần tránh những chuyện vô ích, sao nhãng, tin đồn thất thiệt, tin xấu, những cuộc trò chuyện kéo chúng ta xuống thấp.

Giáo phụ Jean Cassien khuyên: “Hãy ở trong tịnh phòng của mình, đừng quan tâm đến các tin đồn. Có nghĩa là không nuôi dưỡng mình bởi các tin tức bệnh hoạn, các mạng xã hội bạo lực, các chương trình làm suy nhược, nhưng chọn những gì nâng cao tâm hồn, những cuộc gặp gỡ tốt đẹp, yên bình, hy vọng. Nếu, nếu, chuyện này tồn tại..

Các Giáo phụ tin vào một Chúa ban Sự sống, họ xem tất cả các phương thuốc này là cần thiết, hữu ích nhưng nó chỉ chữa lành một phần. Theo họ, chỉ có ơn Chúa có được qua lời cầu nguyện mới có thể hoàn tất được việc điều trị.

Để mình được tháp tùng

Nếu cuộc chiến chống lại chứng biếng nhác mang tính cá nhân, thì một lúc nào đó chúng ta cũng cần có cái nhìn từ bên ngoài.

Khi tôi vừa vào sa mạc ở một thời gian, tôi bị chứng biếng nhác bủa vây. Tôi tìm đến Giáo phụ Moise, người giàu kinh nghiệm nhất trong các Giáo phụ, tôi nói với ngài, hôm qua tôi bị chứng biếng nhác dày vò, tôi kiệt sức và chỉ được giải thoát khi trên đường đi đến Giáo phụ Paul. Nghe vậy, Giáo phụ Moise trả lời: “Thật sự con chưa giải thoát được, con chỉ lệ thuộc nó nhiều hơn. Vì thế con phải biết, như kẻ đào ngũ, nó sẽ tấn công con mạnh hơn nếu con không chiến thắng nó bằng lòng kiên trì, thiền định và làm việc”.

Những gì tôi giữ lại từ kinh nghiệm của các nhà trị liệu trong sa mạc

Đời sống nội tâm của tôi có thể bị tác động trong chính sức sống của nó, đến mức bị uể oải biếng nhác. Các biểu hiện của trạng thái có thể đa dạng, nhưng luôn quá độ, tối thiểu hoặc tối đa. Tìm gốc rễ, neo sâu vào gốc rễ, trường kỳ, dấn thân vào những việc cụ thể sẽ giúp cho tôi rất nhiều.

Đề nghị

Một người anh em nói với Giáo phụ Arsene: “Suy nghĩ của con dày vò con: bạn không thể ăn chay, không thể làm việc. Ít nhất bạn đi thăm các anh em bị bệnh, vì như thế là bác ái.” Nhưng Giáo phụ thấy đây là lời đề nghị của quỷ nên ngài nói: “Con đi về, ăn, uống, ngủ nhưng không rời tịnh phòng của con.” Ngài biết, tác động của lòng kiên trì sẽ làm cho người tu sĩ kiện toàn mình trong tịnh phòng.

Sự ổn định và kiên trì là sự bám rẽ cần thiết trong một không gian và thời gian; trong trường hợp này là tịnh phòng. Và đối với tu sĩ, tịnh phòng là trái tim, là mảnh đất nội tâm. Như thế cuộc chiến được tiến hành là cuộc chiến hiện diện với chính mình và với thực tế chung quanh mình. Thực chất là đứng vững, là trụ lại. Ngày nay chứng hiếu động thái quá, căng thẳng, buồn bã, bất ổn, chán nản được giải thích bằng các lý do tâm lý hoặc xã hội và được hưởng các chữa trị. Tuy nhiên các thực tế nội tâm này không thể giảm thiểu. Chúng cũng góp phần vào cuộc chiến thiêng liêng được diễn ra một cách bí ẩn nhất trong phần thân thiết nhất của con người.

Bài tập cá nhân

Sự uể oải sức sống nội tâm cùng với chứng nghiện có thể là “căn bệnh tâm linh của thế kỷ”. Chúng ta nhớ lại các Giáo phụ đã nói về chuyện này và năm biểu hiện chính của nó:

– bất ổn nội tâm (cần nhúc nhích, cần thay đổi liên tục);

– quan tâm quá mức đến sức khỏe và cơ thể;

– chán ghét công việc hoặc ngược lại, làm việc quá sức;

– coi thường các dấn thân (mọi thứ dường như “quá” và chúng ta chỉ làm cái tối thiểu hoặc ngược lại, đánh mất ý nghĩa của chừng mực và làm quá lố);

– chán nản chung chung, đặt câu hỏi về điều gì là cần thiết.

Không nên bằng mọi giá muốn biết chúng ta có tất cả các triệu chứng này hay không (vì sợ, vì mặc cảm tội lỗi hoặc thích khổ) nhưng bình thản tự hỏi về những gì có thể (hoặc không có thể) liên kết với những gì tôi đang sống lúc này. Và để rồi sau đó nhận ra các điểm ổn định trong cuộc sống, nơi chốn hoặc người nâng tôi lên cao, các hoạt động giúp tôi tốt và làm cho tôi hiện diện cụ thể hơn trong đời sống. Để có thể chọn lựa lại…

Câu châm ngôn để suy niệm

Một ngày nọ chúng tôi hỏi một cô giúp việc, cái gì giúp cô đứng vững mà không hề gặp ai, đồng thời lại chống được tính biếng nhác. Cô trả lời: “Từ rạng sáng cho đến giờ thứ chín, tôi vừa xoay chỉ vừa cầu nguyện từ giờ này qua giờ kia. Những giờ còn lại, trong đầu tôi nghĩ đến các thánh tổ phụ, các tiên tri, các tông đồ, các thánh tử đạo. Sau đó, tôi ăn cơm và trong các giờ khác, tôi kiên nhẫn chờ, sẵn sàng cho giờ cuối đời của mình, được nuôi dưỡng bởi hy vọng hạnh phúc”.

Trong lời châm ngôn này gần như có tất cả các phương thuốc chống lại sự uể oải của đời sống nội tâm: kiên trì, làm việc, thiền định, nhớ đến cái chết.

Chứng biếng nhác được chữa lành bằng sự ổn định, cẩn thận và kiên trì làm mọi sự. Đặt cho mình một thước đo trong mọi công việc và đừng bỏ dở nó cho đến khi hoàn thành. Sau đó là cầu nguyện liên lỉ với một ít lời và chứng biếng nhác sẽ ra khỏi người bạn.

Người ta kể về Giáo phụ Paul, để chứng tỏ nếu không có hoạt động cụ thể thì đời sống nội tâm không vươn lên, Giáo phụ đã làm việc, mặc dù ngài không cần làm để sinh sống, nhưng ngài làm để không phân tán tư tưởng, kiên trì ở trong tịnh phòng và thắng được chứng biếng nhác.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm:

Làm thế nào để tạo ra một môi trường thăng bằng

Đoàn kết và bình an

Thiền, bạn sẽ thực hành

Cảnh giác nội tâm, bạn sẽ phát triển

Từ các bệnh có nguồn gốc tâm linh của bạn, bạn chẩn đoán

Lòng tham của bạn, bạn kiểm soát nó