Đức Phanxicô tổng dọn dẹp hệ thống tài chánh Vatican

169

Đức Phanxicô tổng dọn dẹp hệ thống tài chánh Vatican

Ngày thứ bảy 3 tháng 7, Vatican thông báo sắp mở phiên tòa để xét xử những người chịu trách nhiệm về các khoản đầu tư liều lĩnh trong những năm gần đây, vụ xét xử gồm cả cựu hồng y Angelo Becciu.

Phiên tòa này – lần đầu tiên – là một phần trong một loạt các cải cách nội bộ để Giáo quyền la mã đặt các quy tắc để tránh các vụ bê bối tài chính. Đôi khi với cái giá phải trả với những cuộc đấu tranh hung bạo trong nội bộ mà báo “La Croix” đã điều tra.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2021-07-03

Đức Phanxicô dự cuộc họp của Viện nghiên cứu các công trình Tôn giáo (Istituto per le Opere di Religione, IOR thường được gọi là Ngân hàng Vatican) tháng 11 năm 2015. AP

Bối cảnh diễn ra vào tháng 3 năm 2019, trong tòa tháp bề ngoài có vẻ thời Trung cổ của Viện nghiên cứu các Công trình Tôn giáo (IOR). Chính tại đây, trong tổ chức có biệt danh là Ngân hàng Vatican, một cuộc điều tra đặc biệt đã diễn ra. Trên bàn làm việc của Hội đồng quản trị Ngân hàng ngày hôm đó là một đơn xin vay tiền. 150 triệu âu kim. Người đứng đơn? Phủ Quốc Vụ Khanh. Cơ quan có trụ sở ở Dinh Tông Tòa do hồng y Pietro Parolin đứng đầu, Quốc vụ khanh là cơ quan có hai chức vụ, vừa Nội vụ vừa Ngoại vụ. Đây chính là cơ quan quản lý tài chính của Vatican, đặc biệt là các khoản đầu tư bất động sản. Và chính xác là vụ trang trải khoản đầu tư vào một tòa nhà ở London mà Dinh Tông tòa đã gởi cho Ngân hàng Vatican một điều tra như vậy.

Theo thông tin của báo La Croix, các nhà đứng đầu tài chánh tỏ vẻ khó chịu. Đầu tiên vì lý do đưa ra, trên cả mơ hồ: “các lý do thể chế”. Thứ nhì, vì trong những năm gần đây, do kết quả của một cuộc cải cách sâu sắc năm 2014 dưới sự lãnh đạo của Giáo hoàng Phanxicô, trên lý thuyết, Ngân hàng Vatican không còn cấp tín dụng nữa. Trong những năm gần đây, hoạt động và cấu trúc của Ngân hàng Vatican đã được tổ chức lại đáng kể: ví dụ, gần 5.000 tài khoản đáng ngờ đã bị đóng sổ năm 2016. Nhưng dưới áp lực, hội đồng quản trị đặc biệt chấp nhận có cuộc kiểm tra. Và hội đồng xin Phủ Quốc Vụ Khanh gởi cho họ các tài liệu biện minh cho yêu cầu điều tra này. Khởi đấu của một đấu tranh quyền lực kéo dài nhiều tháng.

Vì các tài liệu đầu tiên đến Ngân hàng Vatican, bốn bản sao nhét vào phong bì còn lâu mới làm hài lòng các chủ ngân hàng của Vatican. Họ nhanh chóng hiểu đầu tư bất động sản ở London dựa trên một loạt các công ty chồng lên nhau. Tiếp đó là các chuyến đi qua về, trong đó các kiểm soát viên được Ngân hàng Vatican ủy nhiệm sẽ không thể lấy được các tài liệu cần thiết. Thậm chí một trong số nhân viên Ngân hàng có trách nhiệm tổng hợp hồ sơ còn bị đe dọa. Một tháng sau, nhân viên này từ chức.

Từ chối cho vay tiền

Nhiều tuần sau, nhóm Ngân hàng Vatican đi đến kết luận, họ không đủ yếu tố cần thiết để cho vay. Vì vậy, vào tháng 6, Ngân hàng từ chối yêu cầu cho vay. Đó là lần đầu tiên. Tại Phủ Quốc Vụ Khanh, sự ngạc nhiên lớn đến mức, ngay lập tức các nhà lãnh đạo Ngân hàng Vatican được triệu tập để họp với sự hiện diện của hồng y Pietro Parolin và tổng giám mục phụ tá ngoại trưởng Edgar Peña Parra. Lên giọng. Các giáo sĩ, được sự ủng hộ của ông René Brülhart người Thụy Sĩ, chủ tịch Cơ quan Thông tin Tài chính (AIF) lúc bấy giờ, một cơ quan chống rửa tiền của Vatican đã đổ lỗi cho Ngân hàng dùng quyền lực quá mức. Nhưng các chủ ngân hàng vẫn giữ lập trường của họ và từ chối cho vay.

Trong những ngày tiếp theo, ông Brülhart đã gửi một thư cho các nhà lãnh đạo Ngân hàng, trong nỗ lực buộc họ phải thông qua, nói rằng họ không có quyền từ chối khoản vay. Đối với Ngân hàng, đây là giọt nước làm tràn ly.  Áp lực quá lớn, và các nhà lãnh đạo Ngân hàng Vatican quyết định báo cho giáo hoàng biết. Tất cả bắt đầu vào tháng bảy, ai sẽ giao quyền cho tư pháp Vatican điều tra vấn đề trước khi đưa ra công chúng vào mùa thu. Đó là khởi đầu của cái mà sau này được gọi là “vụ London”. Vài tháng sau, vào tháng 11, ông chủ tịch AIF René Brülhart bị hạ bệ. Chính vì việc này mà người ta cho rằng cựu hồng y phụ tá ngoại trưởng Angelo Becciu bị cách chức tháng 9 năm 2020, trong địa vị này, cựu hồng y là người bảo trợ bộ phận đầy quyền lực nhất này, bộ phận phụ trách các vấn đề chung của Giáo hội công giáo.

Yếu tố phát giác

Đối với Giáo triều la-mã, vụ này đóng vai trò như một yếu tố cho thấy loại làm việc như thế này phải bị cấm. Những loại đầu tư thực hiện trong sự mờ ám lớn nhất, thông qua những trung gian mà Vatican giao phó việc đàm phán thay mặt cho họ. Và điều này đặc biệt xảy ra với quỹ đầu tư Centurion Global Funds, nhưng cũng xảy ra với nhiều tòa nhà ở London, trong đó Rôma yêu cầu các doanh nhân đầu tư giùm họ và cũng để gây quỹ cho họ. Đôi khi tỷ lệ cao đến mức phi lý, lên tới 7% cho số tiền vài triệu âu kim. Năm ngoái, sau khi vụ tai tiếng vỡ lở, khoản vay tương tự đó đã được Vatican thương lượng lại, với lãi suất 0,7%… kém hơn 10 lần.

Tổng cộng, ước tính Vatican bị thiệt hại lên đến 450 triệu âu kim. Nhưng theo thông tin của chúng tôi, ban giám đốc ngân hàng Vatican đưa ra một con số cao hơn nhiều: kể từ đầu những năm 2010, Vatican có thể đã mất từ 800 triệu đến 1 tỷ âu kim trong các giao dịch tài chính hoặc các đầu tư bất động sản rủi ro.

 “Vụ này là một tai họa”

Ví dụ ở thủ đô nước Anh, việc mua tòa nhà ở đại lộ Sloane là hoàn toàn thiệt hại. Ở Vatican, thiệt hại ước tính từ 76 đến 150 triệu bảng Anh (từ 88 đến 174 triệu âu kim). Các căn hộ sang trọng, ngay từ đầu, sẽ không bao giờ được thực hiện vì vấn đề giấy phép xây cất. 57 triệu bảng Anh đầu tư đã bị mất một phần. Còn tiền thuê chỉ được 4 triệu bảng mỗi năm, thay vì 8 triệu như kế hoạch. Nhưng những người trung gian bỏ túi 2,5 triệu âu kim.

Một quan chức cấp cao của Vatican cho biết: “Vụ này là một tai họa.” Nếu Vatican quyết định thanh lý ba tòa nhà có vấn đề càng nhanh càng tốt, thì các nhà lãnh đạo, đầu tiên là giáo hoàng đã quyết định nắm ngay lấy cái khó để giải quyết. Chắc chắn, Đức Phanxicô nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình, và ngay từ năm 2013, ngài đã tăng đặc quyền cho  Cơ quan Thông tin Tài chính, AIF. Ngài cũng đã khởi xướng một cuộc cải tổ Ngân hàng, bổ nhiệm hồng y người Úc George Pell, người có phương pháp kiểm toán dựa vào các chuyên gia tư vấn bên ngoài, đã làm cho hồng y Pell bị thù hằn sâu nặng trong chính Vatican. Nhưng vụ London đã đẩy Đức Phanxicô, tháng 11 năm 2019, giao chìa khóa Kinh tế cho người đáng tin cậy, linh mục Dòng Tên Tây Ban Nha Juan Antonio Guerrero Alves để linh mục dọn dẹp Giáo triều. Linh mục Alves tốt nghiệp kinh tế, triết học và thần học.

Đấu tranh để minh bạch và chống tham nhũng

Sứ mệnh giao cho linh mục Alves có thể được tóm gọn trong hai từ khóa: chống tham nhũng và làm minh bạch. Với bốn mươi nhân viên trong nhóm của mình, linh mục Alves thiết lập các quy tắc nội bộ. Tăng cường giám sát tài chính, phối hợp với các cơ quan tài chính quốc tế, thành lập quy tắc mua sắm công cộng, chỉ định kiểm toán viên chịu trách nhiệm kiểm toán ngân sách của các bộ…

Từ đây đến cuối năm 2021, Ban Kinh tế phải công bố một bộ quy tắc mới liên quan đến vấn đề cụ thể về đầu tư bất động sản. Tài liệu dự kiến sẽ được đệ trình trong những tuần tới cho Hội đồng Kinh tế, nơi quy tụ các hồng y có trách nhiệm giám sát các cải cách tài chính.

Nhưng Ban Kinh tế có một đặc thù khác cho sức mạnh của mình: Ban không phụ thuộc vào Phủ Quốc Vụ Khanh. Chính từ sự độc lập này mà ngày 25 tháng 8 năm 2020, giữa hai đợt dịch Covid, Đức Phanxicô đã ra lệnh chuyển giao toàn bộ quyền quản lý 110 triệu âu kim của Quốc vụ khanh qua Cơ quan Quản lý di sản Tông tòa (Apsa), một trong những cơ quan quản lý ngân sách của Giáo triều. Giáo hoàng gia hạn các dịch vụ thay đổi này phải xong trước ngày 1 tháng 11. Nhưng, ngày Lễ Các Thánh đến và không có gì xảy ra.

Vì thế Đức Phanxicô kiên quyết không để ban quản trị khất thời gian, bốn ngày sau ngài triệu tập năm quan chức chính liên quan đến thay đổi này: hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, tổng giám mục phụ tá Edgar Pena Parra, tổng thư ký chính quyền Vatican giám mục Fernando Vergez, chủ tịch Apsa Đức ông Nunzio Galantino và cha Antonio Guerrero Alves. Ngoài ra Đức Phanxicô thúc giục các người cầm đầu Phủ Quốc Vụ Khanh phải thực hiện việc chuyển giao này trước ngày 1 tháng hai. Điều này cuối cùng đã được thực hiện dưới sự bảo trợ của “ủy ban chuyển giao và kiểm soát” được thành lập đặc biệt.

Ngoài việc áp đặt các quy tắc mới, những người ủng hộ cải cách nhấn mạnh, đây đúng là “thay đổi văn hóa” và có thể cần đến cả một thế hệ. Nhưng tính hợp pháp dần dần đã có con đường của nó ở Vatican, kể cả việc đưa tin siêu đa phương tiện về các vụ bê bối bất động sản được xem là một bất công với một ban quản trị đặt trọng tâm vào giáo hoàng và Giáo hội. Một nguồn tin của Vatican lưu ý: “Từ lâu bí mật đã là quy tắc duy nhất, là phương pháp quản lý được cho là để bảo vệ chúng ta khỏi các vụ bê bối. Nhưng vụ London chính xác cho thấy ngược lại. Trên thực tế, chính sự minh bạch sẽ cứu chúng ta.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đầu tư tài chính: Cuộc điều tra ở Vatican tiết lộ sự việc

Vụ án Becciu, dấu hiệu cho thấy thời thế đã thay đổi ở Vatican

Hồng y Parolin hứa sẽ ra làm chứng tại tòa nếu ngài được mời