Hồng y Kasper: “Con đường Công nghị Đức mắc phải một lỗi từ khi phát sinh”
Hồng y Walter Kasper. © flickr / catholicism / CC BY-NC-SA 2.0)
cath.ch, Maurice Page, 2021-06-13
Hồng y Walter Kasper nói: “Con đường Công nghị của Đức mắc phải một lỗi nghiêm trọng từ khi phát sinh. Vì sao không xem xét các vấn đề quan trọng dưới ánh sáng của Tin Mừng? Chứ không chỉ dưới góc cạnh nhân văn.”
Trong một cuộc phỏng vấn dài được công bố ngày 9 tháng 6 năm 2021 trong bản tin của giáo phận Passau, hồng y Kasper, thường được xem là một trong những người chỉ đạo cánh tiến bộ, đã chỉ trích tiến trình của Con đường Công nghị được khởi xướng ở Đức. Đối với cựu chủ tịch của Hội đồng Giáo hoàng Hiệp nhất Kitô giáo, tiêu chuẩn duy nhất là Chúa Giêsu-Kitô. Không ai có thể đặt nền móng khác.
Khi được hỏi về cảm tưởng của ngài về dư âm của Con đường Công nghị Đức, vị hồng y năm nay đã 88 tuổi đã trả lời rất nhiều: “Nó thực sự không mang lại cho công chúng một hình ảnh đẹp. Tôi rất lo lắng, nhưng tôi cẩn thận trước khi đưa ra nhận định tổng thể cuối cùng. Cho đến nay, chúng tôi đã nghe những tiếng nói đôi khi chói tai của các cá nhân, và những tiếng nói của các nhóm cụ thể phát biểu công khai, nhưng chúng tôi chưa có văn bản quyết định. Để bắt đầu, có thể tốt hơn nếu để cho các ý kiến khác nhau nói ra, không nên lọc. Nhưng điều này vưọt quá khả năng lãnh hội của tôi, vì những đòi hỏi như bãi bỏ chế độ độc thân và truyền chức linh mục cho phụ nữ lại có thể có 2/3 đa số trong hội đồng giám mục hoặc được đồng thuận trong Giáo hội hoàn vũ.”
Sự mất đoàn kết của các giám mục
Theo hồng y Kasper, Con đường Công nghị của Đức dựa trên những đôi chân yếu ớt. Ngài nói: “Đây không phải là một thượng hội đồng cũng không phải đơn thuần là một tiến trình đối thoại. Lúc đầu, đó là một tiến trình đối thoại, sau đó Hội đồng Giám mục lên tiếng, và cuối cùng là giáo hoàng, với những đòi hỏi của Giáo hội hoàn vũ. Ngoài ra, mỗi giám mục được tự do giữ lại cho giáo phận của mình những gì giám mục thấy phù hợp cho giáo phận. Thật khó để tưởng tượng làm thế nào tất cả những điều này lại có thể được quy về một mẫu số chung, trước sự mất đoàn kết rõ ràng của các giám mục Đức.”
“Tiêu chuẩn duy nhất là Chúa Giêsu-Kitô. Không ai có thể đặt nền móng khác”.
Hồng y tố cáo một lỗi nghiêm trọng từ khi phát sinh. “Vì sao Con đường Công nghị không xem xét các vấn đề quan trọng dưới ánh sáng của phúc âm? Dĩ nhiên chúng ta phải công nhận các khám phá gần đây về khoa học nhân văn. Nhưng tiêu chuẩn duy nhất vẫn là Chúa Giêsu-Kitô. Không ai có thể đặt nền móng khác (1Cr 4, 7).
Các vấn đề của Đức không nhất thiết phải là vấn đề chung
Tham vọng của người Đức luôn muốn chỉ đường cho người khác, đây là một ý chính khác của hồng y. “Chúng tôi, người Đức, chúng tôi được thế giới tôn trọng vì đầu óc sáng suốt, có tài năng tổ chức, sẵn sàng cống hiến hoặc thần học của chúng tôi. Nhưng tôi cũng thấy các quốc gia khác đã có phản ứng khó chịu khi chúng tôi tạo ấn tượng rằng chúng tôi muốn đưa họ đi theo phương châm: ‘Thế giới sẽ được chữa lành nhờ bản chất của Đức.’ (Am deutschen Wesen soll die Welt gensen). Khẩu hiệu này được Đức Quốc xã dùng đã tạo ra những hậu quả khủng khiếp mà cho đến nay thế giới chưa thể quên được.”
“Việc bãi bỏ chế độ độc thân và phong chức cho phụ nữ có thực sự là vấn đề của nhân loại ngày nay không?”
Đối với nhiều người công giáo trên khắp thế giới, các vấn đề của Đức không nhất thiết phải là vấn đề chung. “Những người bạn của tôi ở Sant’Egidio, chắc chắn họ không phải là những người mù mờ, họ luôn nói với tôi: ‘Những gì các bạn làm là ngoài lịch sử ‘fuori stria’, bị ngắt kết nối với cuộc sống, thế giới và lịch sử. Việc xóa bỏ chế độ độc thân và phong chức cho phụ nữ có thực sự là vấn đề của nhân loại ngày nay không? Chúng ta không nhất thiết phải hoàn toàn đồng ý với phê phán này, nhưng nó phải làm chúng ta suy nghĩ.”
Một sự mất bản sắc ở cả người công giáo và tin lành
Được hỏi về vấn đề đại kết và đặc biệt là về sự hiệp thông giữa các bên, hồng y Kasper từ chối qua câu trả lời lảng tránh: “Khi tôi nghĩ lại thời thơ ấu và tuổi trẻ của tôi, tôi nhận ra chúng ta đã có những tiến bộ vượt bực từ khi Thế chiến Thứ hai kết thúc, điều hoàn toàn không thể tưởng tượng được vào thời điểm đó. Nhưng dù vậy vẫn còn thiếu tiến bộ, đó không chỉ là do Rôma ngoan cố thiển cận, mà vấn đề này cũng có ở Đức cũng như ở bất cứ đâu khác.
Lý do sâu xa ở nơi khác. Đối thoại đòi hỏi các đối tác có bản sắc riêng và có điều gì đó muốn nói với nhau trên con đường chung của họ. Nhưng ở cả người tin lành và công giáo, tôi thấy một sự mất mát bản sắc đáng sợ. Nhiều người còn không biết cái gì là công giáo, cái gì là tin lành. Họ chưa vượt lên được các khác biệt, thậm chí còn không biết các khác biệt này là gì. Như vậy, chúng ta đang sống trong một giấc mơ mờ mịt và một chủ nghĩa đại kết bề ngoài. Vì nếu các vấn đề này không còn được quan tâm, thì điều này có nghĩa là chúng không còn tồn tại nữa.”
“Sự ‘đa dạng được dung hòa’ và sự ‘thống nhất trong đa dạng’ đã trở thành những cụm từ trống rỗng.”
“Sự ‘đa dạng được dung hòa’ và sự ‘thống nhất trong đa dạng’ đã trở thành những cụm từ trống rỗng.” (…) Sự đa dạng được dung hòa sẽ vô cùng không trung thực nếu chúng ta bằng lòng để lại những khác biệt cơ bản một bên và giả vờ rằng chúng ta đã hợp nhất. Với sự thống nhất trong đa dạng, chúng ta phải tự hỏi: sự thống nhất là cần thiết, vậy sự đa dạng có thể ở đâu?
Không có liên kết hợp chung
Theo hồng y, trong lần họp đại kết Đức Kirchentag tháng 5 năm 2020, đề xuất của một liên hiệp thông chung đã không sáng suốt. Hồng y nói: “Rôma không làm gì lớn chuyện ngoại trừ nhanh chóng dựng biển thông báo dừng lại. Vì thực sự có một số vấn đề cần làm sáng tỏ. Tôi cũng vậy, tôi không có giải pháp cho tất cả các câu hỏi mở. Đó là lý do, theo lương tâm của tôi, tôi không bao giờ có thể đưa ra một lời mời gọi chung về vấn đề rước lễ. Mặt khác, vì tôn trọng quyết định cá nhân của lương tâm của mỗi giáo dân, trong gần 65 năm làm linh mục, tôi chưa bao giờ từ chối một ai đó lên bàn rước lễ.”
Khám phá lại bản chất triệt để của Phúc âm
Hồng y nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng của Giáo hội Đức, đập mạnh với rất nhiều người rời bỏ Giáo hội, quá quan trọng để giải quyết chỉ bằng những cải cách cơ cấu. Sự đổi mới phải đến từ sự trưởng thành bên trong của đức tin, hy vọng và tình yêu. Chúng ta phải đi ra khỏi bối cảnh mù mịt và khám phá lại Tin Mừng trong sự triệt để của nó, vì thế phải trở nên một Giáo hội mới trong tính triệt để của mình, để thu hút các người trẻ cũng như không còn trẻ đang đi tìm một ý nghĩa.
“Trong các thượng hội đồng của chúng ta, chúng ta không thể bỏ qua sự bất công quá trắng trợn của thế giới”
Để làm như vậy, trong một thế giới đang trở nên một nhưng vẫn còn đối đầu mạnh, chúng ta không nên chỉ quay chung quanh các vấn đề và những nhạy cảm của Đức. Không thể có đồng nghị mà không có tình đoàn kết với hàng triệu người đang bị đói kém, những người chạy trốn chiến tranh, bạo lực và thiên tai, những người bị phân biệt đối xử và bắt bớ vì đức tin của mình. Phụ nữ và trẻ em là những người đầu tiên phải chịu đựng khôn xiết trong những tình huống như vậy. Trong các công nghị của chúng ta, chúng ta không thể bỏ qua sự bất công trắng trợn trên thế giới; nó đe dọa hòa bình thế giới, kể cả hòa bình ở đây, ở châu Âu.
Hồng y Kasper kết luận: “Trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti, thông điệp về tình anh em xã hội của mọi người, Đức Phanxicô đã cho chúng ta thấy thế nào là người công giáo của thế kỷ 21. Chúng ta có thể nhận ra thêm một lần nữa khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô trong khuôn mặt của anh chị em chúng ta, những người đang đau khổ”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch