“Người Québec, Canada bây giờ mới bắt đầu mở mắt”

360

“Người Québec, Canada bây giờ mới bắt đầu mở mắt”

lapresse.ca, Gabriel Béland, 2021-06-06

Cựu tộc trưởng Jimmy Papatie, 57 tuổi người Anichinabe, khi lên 6 ông được đưa vào trường nội trú dành cho người bản địa ở Amos, Québec. Ảnh Martin Tremblay, La Presse

Jimmy Papatie là người sống sót. Một trong số hàng ngàn người bản địa đã đi học ở một trong 12 trường nội trú và nhà lưu trú ở Quebec. Ông hy vọng việc khám phá các hài cốt ở làng Kamloops, tỉnh bang British Columbia sẽ là dịp để nhìn lại tình trạng lạm dụng đã xảy ra trong nhiều thập kỷ ở tỉnh bang Québec.

Jimmy Papatie có các bạn người Québec, những người không phải là người bản địa, họ không tưởng tượng được chuyện xảy ra với ông. Họ nghĩ họ đã biết ông. Rồi một ngày, họ biết ông bị tách ra khỏi gia đình, đi học ở một trường nội trú bản địa, ông là nạn nhân bị lạm dụng, ông bị bị tổn thương suốt đời cho đến khi ông mơ sẽ kết liễu nó.

Tất cả bắt đầu ở Amos, ở đây, ở Quebec. Tất cả là vào những năm 1970, gần như mới hôm qua.

Họ nói với tôi: “Tôi không bao giờ biết điều này.” Họ không thể nào tin. Đó là một sự thức dậy quá đau đối với họ. Jimmy Papatie

Ông nói: “Người Québec chỉ mới bắt đầu mở mắt, mở tai và mở miệng. Với tất cả những chuyện vừa xảy ra, nhiều người mới bắt đầu nói về nó”.

Đối với ông, “tất cả những gì xảy ra” là của Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada, đó là vụ Joyce Echaquan, rồi vụ phát hiện hài cốt của 215 trẻ em gần đây ở khuôn viên trường bản địa Kamloops.

Lời nói tuôn ra. Ở Québec, các trường nội trú được mở vào giữa thế kỷ 20, trễ hơn các nơi khác ở Canada. Số lượng ít hơn – tất cả chỉ có 12 – so với hầu hết các tỉnh khác.

Nhưng thực tế các trường nội trú này thuộc quyền quản lý của liên bang và được các tu sĩ điều hành càng ngày càng được nhiều người biết đến. Những lạm dụng cũng đã có ở đây cũng như ở các nơi khác.

Nhiều người dân bản địa Québec đã làm chứng trước Ủy ban Sự thật và Hòa giải.

Các con số thật kinh ngạc: 2.200 người bản địa Québec đã nộp đơn đòi bồi thường vì “lạm dụng tình dục, lạm dụng thể chất nghiêm trọng và các hành vi sai trái khác” theo Thỏa thuận Dàn xếp liên hệ đến các trường nội trú người bản địa.

Sau phiên xử, 89% các yêu cầu  đòi bồi thường này đã được chấp nhận. Nữ luật sư Rainbow Miller, người tháp tùng nhiều nạn nhân trong tiến trình này giải thích: “Có những người chờ đến phút chót mới làm đơn. Họ đã lấy hết can đảm để quyết định nói về những gì họ đã trải qua. Họ sợ tòa không tin. Tôi tin chắc nhiều người không nạp đơn cũng vì lý do này. Những người khác đơn thuần họ không có được thông tin hoặc sống trong rừng. Con số có thể nhiều hơn.”

Lúc 6 tuổi, đã bị bứt ra khỏi gia đình

Ông Jimmy Papatie là một trong những nạn nhân. Ông đến từ làng Kitcisakik, vùng sinh thái động vật La Vérendrye, ông nhớ lại ngày ông vào trường nội trú, lúc đó ông 6 tuổi.

Tôi nhớ chiếc xe buýt đã đến với cảnh sát. Linh mục chỉ ra các em bé nào sẽ rời đi. Chấn thương đầu tiên là khi các nhân viên cảnh sát tách chúng tôi ra khỏi cha mẹ. Jimmy Papatie

Sau hơn hai giờ xe thì ông được đưa đến trường nội trú bản địa Amos. Ông ở đây cho đến khi trường đóng cửa năm 1973.

Ở đó, ông bị một tu sĩ và hai học sinh nội trú lớn tuổi đối xử hung bạo. Ông kể: “Có những học sinh lớn hơn đã lặp lại những gì họ học nơi người tu sĩ này.”

Khi ông về nhà, khi đã là thanh niên, ông không hiểu các câu cha mẹ nói bằng tiếng thổ ngữ Algonquin. Trong báo cáo, Ủy ban Sự thật và Hòa giải nói về “một chính sách diệt chủng văn hóa có chủ ý”.

Ông trở thành tộc trưởng đứng đầu cộng đồng của mình. Ông toát ra hình ảnh một người đàn ông mạnh mẽ, một thủ lĩnh cứng rắn. Năm 2013, ông được chọn làm chứng trước Ủy ban Sự thật và Hòa giải.

Ông nói: “Mọi người không biết tôi đã bị lạm dụng, không biết tôi đã đi tìm cái chết.”

Hài cốt trẻ em ở Québec?

Bà Marie-Pierre Bousquet, giám đốc chương trình Nghiên cứu Bản địa tại Đại học Montreal cho biết, đôi khi vấn đề các trường nội trú ở Québec dưới chiêu đề, tình trạng ở các bang khác còn tệ hơn. Bà lấy làm tiếc vì “người ta thường nói: ‘Ở Québec ít khủng khiếp hơn, chúng ta tốt hơn… Thật nực cười’.”

Theo bà, vẫn còn những “lỗ hổng” của các trường nội trú trên tỉnh bang Québec. Bà dẫn chứng ví dụ về các tài liệu lưu trữ của trường nội trú La Tuque.

Kế đến là vấn đề thi thể các trẻ em. Ủy ban Sự thật và Hòa giải ước tính số trẻ em chết ở 12 trường nội trú Québec là 38 người. Nhưng liệu con số này có bị ước tính quá thấp không?

Vụ khám phá ở trường Kamloops đã nhắc bà Marie-Pierre Bousquet nhớ đến một đoạn bà đọc trong quyển sách của một nữ tu viết năm 1952. Sơ viết ở trường nội trú Fort George gần vịnh James, hàng năm có “hai hoặc ba trẻ em” chết vì bệnh lao.

Nhưng hai, ba em chết hàng năm này ở trường nào? Và kéo dài trong bao lâu? Các em được chôn cất ở đâu? Có phải chúng ta cũng sẽ tìm thấy những thi thể được chôn cất gần trường nội trú cũ ở đó không? Đây là những câu hỏi tôi tự hỏi.  Bà Marie-Pierre Bousquet, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Bản địa tại Đại học Montreal

Ông Jimmy Papatie “quan tâm” đến trường nội trú Amos. Ông nói: “Có lẽ chúng ta nên thực hiện một số tìm tòi.”

Ông nghĩ ông sẽ tiếp tục nói và kể câu chuyện của ông, cũng là câu chuyện của những trường nội trú ở Quebec. Ông nói: “Người Québec cảm thấy như họ mang gánh nặng của những gì mà chính phủ hoặc hàng giáo sĩ của họ đã làm. Nhưng họ không mang chuyện ô nhục.”

“Quý vị mở tai ra. Quý vị mở lòng nhân đạo của quý vị ra.”

Khui một trường nội trú ở bang Nova Scotia

Khu đất của một trường nội trú bản địa cũ ở Nova Scotia sẽ được điều tra sau vụ phát hiện hài cốt của 215 trẻ em tuần trước ở bang British Columbia. Ngày thứ sáu 4 tháng 6, ông Mike Sack, tộc trưởng Quốc gia Đầu tiên của sipekne’katik đã đưa ra bản thông báo: “Chúng tôi vẫn hết lòng với các thành viên của Quốc gia Đầu tiên  tk’emlúps te Secweìpemc ở bang British Columbia, chúng tôi tiếp tục đấu tranh với các tiếng vang của hệ thống trường nội trú người bản địa ở Canada. Bối cảnh về một khám phá tương tự trong cộng đồng của chúng tôi thì thật khó để hình dung, nhưng chúng tôi cần phải đánh giá đầy đủ địa điểm”. Trường Shubenacadie được Giáo hội công giáo của bang Halifax điều hành cho đến năm 1956, đây là trường duy nhất như vậy ở vùng Maritimes.

Việc tìm kiếm sẽ được phó giáo sư  Jonathan Fowler thuộc Đại học Saint Mary phụ trách, giáo sư sẽ cố gắng xác định xem có bất kỳ bằng chứng nào về việc chôn cất tại địa điểm này không, giáo sư sẽ dùng một số kỹ thuật, bao gồm cả radar. Các cuộc tìm kiếm tương tự cũng đã được thực hiện tại cùng một địa điểm vào năm ngoái, nhưng không tìm thấy mộ cũng như hài cốt nào ở đây.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Trường nội trú ở Québec, Canada: Nỗi đau của cả một đời

Kamloops: Đức Phanxicô mời gọi “quay lưng lại với mô hình thuộc địa”

Liên Hiệp Quốc kêu gọi Canada và Giáo hội công giáo điều tra vụ hài cốt của 215 trẻ em được tìm thấy ở Kamloops