Vatican: khủng hoảng trong Bộ Truyền thông (1-2)

155

Vatican: khủng hoảng trong Bộ Truyền thông (1-2)

cath.ch, I. Media, 2021-05-27

Một nhà báo Vatican nói: “Ngài được chờ như một người cha”. Chuyến thăm dự trù có một bài phát biểu ngắn với thính giả của Đài phát thanh Vatican và sau đó là giai đoạn hỏi-đáp với các nhóm. Chuyến thăm các văn phòng truyền thông ngày thứ hai 24 tháng 6 của Đức Phanxicô cho thấy một sự bất an sâu đậm trong cơ quan này. Cuộc điều tra.

Giáo hoàng chỉ trích “chủ nghĩa duy chức năng” của các cấu trúc truyền thông Vatican | © Vatican media

“Đáng lý phải là ngày vui”. Khi đến thăm Bộ Truyền thông kể từ ngày thành lập năm 2015, Đức Phanxicô đã đáp lại sự mong chờ lâu ngày. Sự xuất hiện của ngài, nhân dịp kỷ niệm hai ngày sinh nhật quan trọng, 90 năm thành lập  Radio Vatican và 150 năm thành lập báo  L’Osservatore Romano là để mang lại sự an ủi cho nhân viên đã cố gắng làm việc trong hoàn cảnh của mình, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch.

Lúc 9 giờ sáng, Đức Phanxicô vào trụ sở Palazzo Piô của Bộ Truyền thông. Sự chào đón dành cho ngài rất nồng nhiệt, nhưng ngài có gương mặt của những ngày không vui và những lời đầu tiên ngài phát biểu trên micrô của đài có tác dụng như một nhát búa: “Có rất nhiều lý do đáng lo cho nhật báo L’Osservatore Romano hay Radio Vatican”. Và để công khai xoáy mũi dao vào vết thương: “Chúng ta đến được với bao nhiêu người?” Ngắn gọn, ngài xin họ nghiêm túc xem lại công việc.

Một lúc sau, ngài tiếp tục bản cáo trạng của mình trong phòng họp Marconi, ngài từ chối tham dự buổi trao đổi như dự trù. Ngài nói: “Tôi thấy tòa nhà này tổ chức tốt và tôi thích (…) Vấn đề bây giờ là làm sao để hệ thống rộng lớn và phức tạp này hoạt động”, một lần nữa, ngài nêu ra “chủ nghĩa duy chức năng” làm tê liệt sự sáng tạo và chủ động.

Trong các văn phòng hiện đại của Palazzo Piô, mọi người sững sờ khi ngài so sánh như “trái núi đẻ ra con chuột”. Các phản ứng đầu tiên rất rõ ràng, họ nói “điện giật”, “phũ phàng”, “không thể hiểu nổi”, thậm chí “sỉ nhục.”

Các tin đồn về việc từ chức của người đứng đầu Bộ

Ngay cả những người lạc quan nhất cũng công nhận lời của giáo hoàng đã thực sự tạo “bất an.” Trong ban biên tập, một vài người khóc. Họ biết có một cái gì đã vỡ giữa giáo hoàng và giới truyền thông của ngài, một nhà báo Vatican phân tích: chúng tôi thấy đây là lời xác nhận khắt khe.

Buổi chiều, có tin đồn ông Bộ trưởng Paolo Ruffini từ chức, cũng như ông Andrea Tornielli, giám đốc biên tập. Một số người cho rằng, chuyến thăm đúng là một sự “không thừa nhận”, một “cái tát vào mặt.”

Theo một nguồn tin, “vào buổi tối, gần như ông Ruffini đã viết đơn từ chức.” Vào cuối ngày, trong buổi chiếu phim do Vatican tổ chức, ông có đi ngang qua ngài nhưng ông không trao đổi với ngài. Một số người “rất sợ” sự ra đi của người đứng đầu Bộ và các hệ quả kéo theo và theo một nguồn tin đáng tin cậy, một vài “kẻ thù” trong nội bộ mong điều này.

Một đêm trôi qua. Sáng hôm sau dường như gió xoay chiều. Người ta thì thầm, không có chuyện ông Paolo Ruffini “từ chức bây giờ.” Được ông Andrea Tornielli hỗ trợ, bộ trưởng người Ý 64 tuổi này triệu tập những người có trách nhiệm của Bộ, họp một buổi họp lâu với họ vào buổi sáng.

Ông nói với họ “khía cạnh tích cực” của dư âm ngày hôm qua, theo một vài người thân cận, ông “nuốt nhục” như một “chiến binh can đảm.” Mục đích của ông là mang hy vọng đến cho các nhân viên bị “lung lay”, thậm chí “hoàn toàn mất tinh thần” vì chuyện của ngày hôm qua. Tuy nhiên dù cơn bão đã qua nhưng hoài nghi vẫn còn.

Một thể chế quá “công chức”?

Dù nhiều người ngạc nhiên, nhưng cú đấm này là chặng cuối của nhiều năm thất vọng của giáo hoàng. Kể từ năm 2015, và sau cuộc cải cách lớn của ngài, dường như ngài không hài lòng với hình thức truyền thông của Bộ. Sau khi ngài bổ nhiệm ông Paolo Ruffini đứng đầu Bộ vào tháng 7 năm 2018, kế nhiệm giám mục Lucio Adrian Ruiz và giám mục Dario Vigano (cả hai vẫn còn hoạt động trong cơ quan của Tòa thánh), ngài tiếp tục nghi ngờ tính hiệu quả của cơ quan đã không thành công để tiếp cận với một lượng lớn khán giả. Chắc chắn, trong cái nhìn của ngài, trước khủng hoảng sức khỏe, báo L’Osservatore Romano chỉ in 5.000 báo giấy mỗi ngày, với khoảng sáu mươi nhân viên, trong đó có hai mươi nhà báo.

Năm 2019, một hồng y cao cấp, thân cận với giáo hoàng nói với hãng tin I. Media, Đức Phanxicô nhận thấy truyền thông của ngài “quá cứng nhắc và không đủ chuyên nghiệp”.

 Quá nhiều người có trách nhiệm

Một người có trách nhiệm truyền thông lấy làm tiếc: “Giáo hoàng không hiểu vai trò giao tiếp của mình, ngài nghĩ đó là những kẻ thù của ngài.”

Một tình huống khó hiểu đối với ngài, vì những người điều hành là những người do chính ngài bổ nhiệm.

Tuy nhiên, vẫn theo nguồn tin này, nếu hình thức của những lời khiển trách là “tàn bạo” thì theo họ, lời khiển trách cơ bản là hợp lý. Ông thừa nhận, “với rất nhiều người có trách nhiệm, hoạt động của Bộ mất đi sự rõ ràng. Thêm nữa, một số nhà quan sát cho biết, kể từ khi ông Paolo Ruffini làm bộ trưởng, ông Andrea Tornielli làm giám đốc biên tập, ông Andrea Monda làm giám đốc báo L’Osservatore Romano, và ông Matteo Bruni làm giám đốc phòng họp báo, các mối quan hệ nghề nghiệp có thể khó khăn và cạnh tranh.

 “Có vấn đề minh bạch trong việc quản lý”

Nhưng theo ông phân tích, thể chế này yếu đi do sự kém cỏi của một số quan chức “không có kiến thức về giao tiếp” hơn là do chủ nghĩa duy chức năng”, ông nói thêm: “Nếu những người có khả năng được bổ nhiệm thì chắc chắn sẽ hoạt động tốt hơn”.

Ông nói thêm: “Những người có khả năng trong bộ không có cơ hội giúp cải thiện mọi chuyện vì một số người kém khả năng đe dọa họ.” Tệ hơn nữa, nhân viên phàn nàn về hành vi lợi dụng, thậm chí bi ngược đãi, từ một trong số họ nói ra.

Về phần mình, một nhà báo ở Vatican News lấy làm tiếc: “Có vấn đề minh bạch trong công việc quản lý.” Ngoài ra, ở một số ban biên tập còn có “chủ nghĩa thần phục giáo hoàng” làm hại cho công việc báo chí. “Điều này ngăn họ hiểu, giáo hoàng không còn muốn họ chỉ nói ‘amen‘ với những gì ngài làm và ca tụng một cách ngu xuẩn triều giáo hoàng.” Theo ông, “thực sự có một loại tâm thần phân liệt ở đây và góp phần vào việc điều hành nội bộ rất bất bình đẳng”

Một tu sĩ Dòng Tên thân cận với giáo hoàng làm dịu lại: theo cha, các khó khăn mà các nhà truyền thông gặp có thể giải thích bằng cuộc cải cách mà giáo hoàng mong muốn vài năm trước đây. Cha thừa nhận: “Họ ở trong cuộc cải cách này, dù họ đã đi một chặng đường dài. Việc họ tiếp tục đi trong quá trình này là chuyện bình thường, đó là một quá trình nhân bản. Tất cả chúng ta đều gặp khó khăn khi thay đổi thói quen của mình”.

Một “khủng hoảng căn tính”  nơi các biên tập viên?

Vấn đề là khủng hoảng đang diễn ra ở Bộ cho thấy các khó khăn sâu đậm vẫn còn. Những người làm việc ở đây chỉ đơn thuần là những người truyền đi lời nói chính thức hay họ là những nhà báo độc lập? Lời yêu cầu của giáo hoàng đòi hỏi họ trong chuyến thăm vừa qua – “chấp nhận rủi ro và không xin phép” – có phù hợp với bản chất công việc của họ không?

Câu hỏi được đặt ra. Vì hàng ngày, các biên tập viên làm việc khi biết rằng bài viết của họ xuất hiện trước con mắt mọi người – thế tục, giáo hội và ngay cả ngoại giao – như lời chính thức của Tòa thánh. Văn phòng Quốc vụ khanh canh chừng để không có thông tin nào từ các kênh truyền thông chính thức gây nhiễu một hồ sơ ngoại giao gai góc.

Trong một môi trường như vậy, liệu công việc báo chí sáng tạo và táo bạo có thực sự khả thi không? Bên trong cỗ máy, một số không ngần ngại nói về một căng thẳng không thể giải quyết được, mà cuối cùng, tạo một “khủng hoảng căn tính”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Một lời mời nhìn về tương lai

Đức Phanxicô chấn chỉnh các nhân viên truyền thông của Vatican

Bài tiếp theo, Vatican: truyền thông song song của Giáo hoàng Phanxicô (2-2)