Bạn yêu Giáo hội nhưng đôi khi bạn cũng ghét?
Bạn yêu Giáo hội nhưng đôi khi bạn cũng ghét? Có một từ để chỉ cảm giác đó, và có thể nó là tốt cho bạn
americamagazine.org, Adam A.J. Deville,
Adam A.J. DeVille là phó giáo sư khoa tâm lý học và thần học, giám đốc khoa học nhân văn tại Đại học Thánh Phanxicô. Ông là tác giả của quyển sách: Tất cả những gì bị giấu phải được tiết lộ: giải thoát Giáo hội khỏi các vụ lạm dụng tình dục và quyền lực (Everything Hidden Shall Be Revealed: Ridding the Church of Abuses of Sex and Power).
Khi trải qua một năm đại dịch, chúng ta đã thấy có một số người suy nghĩ về các thói quen mới họ áp dụng và những chuyện họ học được khi bỗng nhiên họ có quá nhiều thì giờ. Về phần tôi, tôi nhận thấy – sau hơn hai chục năm cố gắng đọc các khảo luận, tôi đã có thể tiến bộ khi đọc các bài vở của nhà phân tâm học gây tranh cãi người Pháp Jacques Lacan, ông thường cố tình làm khó hiểu. Nhưng đối với tôi, đây như cái mốc ông phát minh ra, đó là thuật ngữ hainamoration (yêu ghét).
Một số ý tưởng của Lacan không thể đến được với tất cả mọi người, trừ những độc giả tâm huyết nhất của ông, nhưng nghĩa đen của chữ hainamoration có một khái niệm dễ hiểu: “yêu ghét” (hateloving). Ý tưởng này chắc chắn là phổ quát. Những người chúng ta yêu cũng là những người chúng ta ghét (đôi khi); những người yêu mến chúng ta cũng có lúc họ ghét chúng ta. Bất cứ ai đã kết hôn hoặc đã từng là cha mẹ, anh chị em hoặc bạn bè đều có thể chấp nhận yêu ghét.
Điều nhà phân tâm học Lacan mô tả càng ngày càng có nhiều người công giáo cảm nhận về Giáo hội, nhất là sau báo cáo về cựu hồng y McCarrick công bố năm ngoái và cuộc khủng hoảng các vụ lạm dụng tình dục đang diễn ra. Ông Lacan là người lớn lên theo đạo công giáo và anh của ông là tu sĩ dòng Biển Đức nổi tiếng ở Pháp.
Điều nhà phân tâm học Lacan mô tả càng ngày càng có nhiều người công giáo cảm nhận về Giáo hội.
Chúng ta không thể không yêu Giáo hội vì Giáo hội là của Chúa Kitô. Nhưng một cách hợp pháp và tự nhiên, chúng ta có thể không yêu Giáo hội trong một số lãnh vực: một sự thúc đẩy của chính trị theo chủ nghĩa phục thù, một nơi ẩn náu cho những kẻ lạm dụng và một trong những thể chế cuối cùng trên hành tinh hầu như không có cơ chế hiệu quả để các nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm. Nhà thờ đó chúng ta ghét, và chúng ta ghét là đúng.
Nhưng làm thế nào có thể và đúng chỉ để ghét một cái gì đó, dù đó là Mẹ Giáo Hội? Như tôi đã giải thích, trong các tài liệu về phát triển và lâm sàng đã khẳng định rõ, trẻ em cần học cách căm ghét để sự phát triển lành mạnh của chúng không bị hư hại. Việc có được khả năng ghét một cách “tốt” đánh dấu một mốc phát triển quan trọng. Ngược lại, việc không có khả năng căm thù cũng như không có khả năng từ bỏ hận thù đúng lúc và đúng cách, cũng không phải là điều thích hợp. Thông thường, những hận thù tồn tại lâu ngày sau khi chúng có ích cho sự phát triển trở nên bị kìm nén và quay lại chống chính bản thân, dẫn đến chứng khổ dâm nội tâm.
Việc có được khả năng ghét một cách “tốt” đánh dấu một mốc phát triển quan trọng của trẻ em.
Dĩ nhiên, cái mà chúng ta gọi là thù hận có thể dễ dàng tuột xích, trở nên phi lý và hủy hoại bừa bãi – không chỉ đối với một cá nhân mà đôi khi đối với cả một cộng đồng, như khi có sự căm thù về chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc hoặc chủ nghĩa dân tộc.
Nhưng chúng ta đừng quá sớm đề cập đến các nguy cơ của thù hận, trước khi chúng ta suy nghĩ đủ về việc sự thù hận thường bắt đầu với một mục đích tích cực như thế nào. Một điều tôi đã học được trong công việc lâm sàng là lòng căm thù của chúng ta, cùng với sự tức giận của chúng ta, thường là những phương tiện bảo vệ mà mỗi chúng ta cần vào một thời điểm nào đó để sống còn sau một chấn thương. Trên thực tế, lòng căm thù và sự tức giận của chúng ta là những hàng rào nội tại để chúng ta tự bảo vệ. Chúng ta phải tôn trọng chúng, thậm chí còn phải biết ơn chúng.
Tuy nhiên, chúng ta có thể và phải nhận ra khi nào hận thù và giận dữ trở nên không tốt. Có lẽ cách đơn giản nhất để nhận ra điều này là khi chúng ngăn cản, không cho chúng ta được tự do để đối phó với hoàn cảnh thay đổi. Ở giai đoạn này, chúng ta cần tìm cách vượt lên chúng để chúng đừng gây hại vì chúng chẳng giúp ích gì cho chúng ta.
Chính đây là nơi chúng ta chia sẻ hận thù với người khác (có thể là nhà trị liệu, cha giải tội, người linh hướng hay bạn bè) để không chuyển nó sang trạng thái bệnh lý và kinh niên. Phương pháp được gọi là “cởi mở suy nghĩ,” được các Tổ phụ, Mẫu phụ sa mạc có sáng kiến đầu tiên, sau này được nhà phân tâm học Sigmund Freud áp dụng, và rất quan trọng. Cách thực hành phân tâm học cổ đại và hiện đại này, đảm bảo để chúng ta không sợ tiết lộ những hận thù, cảm xúc lẫn lộn và hoang mang của chúng ta. Việc tiết lộ như vậy không phải là “phương pháp chữa trị” cho hainamoration mà là phương tiện duy trì nó hoạt động cho đến khi có thể có một giải pháp thỏa đáng hơn. Ít nhất, nó ngăn chúng ta cố gắng kìm nén sự thù hận của mình.
Chúng ta có thể chuyển sự tức giận và thất vọng của mình thành những mục đích tốt đẹp, và chúng có thể giúp ích cho Giáo hội.
Còn với sự căm ghét của chúng ta với Giáo hội, chắc chắn chúng ta không nên dẹp nó. Điều này sẽ không phục vụ tốt cho chúng ta. Trên thực tế, những người đã rời bỏ Giáo hội có thể họ sẽ cởi mở hoàn toàn nếu trước hết chúng ta tạo cơ hội cho họ công khai và tự do nói lên lòng căm thù của họ.
Một khi chúng ta làm được điều này, chúng ta sẽ làm gì với năng lượng tạo ra do lòng căm thù mang lại? Đây là khi các giám đốc tâm linh, các nhà trị liệu thông thái đều khuyên chúng ta phải định hướng đúng lòng căm thù của chúng ta, điều khiển nó, hoặc dùng một thuật ngữ phân tâm học: làm thăng hoa nó.
Hành động thăng hoa quen thuộc với chúng ta: hăng say dọn dẹp tủ lạnh, dọn ga-ra hay nhào lại bột sau khi bị thất bại hoặc đánh nhau với một người trong nhà hoặc bị chủ chỉ trích. Bằng cách này, chúng ta có thể biến tức giận và thất vọng thành những mục đích tốt đẹp và có thể giúp đỡ Giáo hội, nơi cần các thiện nguyện viên tràn đầy năng lượng để dọn dẹp đền thờ của Chúa, điều luôn là cần thiết mãi mãi.
Một trong những bài viết đầu tiên quan trọng nhất, Freud thậm chí còn khuyên chúng ta nên làm thăng hoa lòng căm thù đối với bất kỳ chứng rối loạn thần kinh hoặc tình huống nào, để chúng ta có thể dùng năng lượng tiêu cực này để chống lại nó. Với sự bình tĩnh đáng ngưỡng mộ, ông trấn an các nhà trị liệu rằng phản ứng phòng thủ tức giận của bệnh nhân trong và đối với liệu pháp “chỉ là những hành động trầm trọng cần thiết và tạm thời, và người ta không thể thắng kẻ thù vắng mặt hoặc ngoài phạm vi hoạt động.”
Ông kiên trì nhấn mạnh, bệnh nhân cần phải kiềm chế tức giận và căm thù phòng thủ để đối diện trực tiếp và sau đó can đảm chiến đấu với “các hiện tượng bệnh tật của mình. Bản thân căn bệnh hẳn không còn làm cho họ xem thường được nữa, mà phải trở thành kẻ thù xứng đáng với dũng khí của họ, một phần trong nhân cách của mình, làm nền tảng vững chắc cho sự tồn tại và từ đó bắt nguồn những thứ có giá trị cho cuộc sống tương lai của mình.
Đây chính là cách chúng ta phải hướng lòng căm thù với Giáo hội ngày nay: bằng cách sử dụng nó để phục vụ việc chữa lành căn bệnh lạm dụng tình dục, hãy nhận thức rằng sự tức giận và ghê tởm là những phản ứng thích nghi và dễ hiểu, không thể để nó trở thành sự thù địch mãi mãi. Để giúp ngăn chặn sự cứng lòng này, người công giáo có thể vận động và thực hiện các cải cách để ngăn chặn các vụ lạm dụng trong tương lai.
Cuối cùng, khi nỗ lực thanh tẩy đền thờ của Chúa, chúng ta phải cầu nguyện để sự khinh thường của chúng ta được Thần Khí thăng hoa. Chúng ta phải để lòng căm thù biến thành tình yêu thương để Giáo hội có thể sẵn sàng cống hiến hơn, theo những lời cao cả của nhà thần học Origen người Alexandria “không có gì là không xứng đáng với sự uy nghi của Chúa”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch