“Tôi sẽ kể cho giáo hoàng biết về sự hy sinh của con trai tôi bị ISIS giết”

217

“Tôi sẽ kể cho giáo hoàng biết về sự hy sinh của con trai tôi bị ISIS giết”

tempi.it, Leone Grotti, 2021-03-06

Phỏng vấn bà Doha, người phụ nữ sẽ nói chuyện trước Đức Phanxicô ở nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ở Qaraqosh. Đây là câu chuyện của bà và những gì bà sẽ kể cho giáo hoàng.

David, 4 tuổi, con trai của bà Doha bị một loạt đạn súng cối do quân khủng bố ISIS bắn chết.

Bà Doha, 37 tuổi, tín hữu kitô nói: “Chúng tôi sẽ kể hết nhưng xin đừng hỏi tôi về buổi sáng hôm đó. Đó là một ngày khủng khiếp và nhớ lại ngày này thì quá đau đớn cho tôi”. Buổi sáng mà bà Doha nói là sáng ngày 6 tháng 8 năm 2014. Quân khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng tiến về thành phố Qaraqosh, trong đêm mọi người đã nghe tiếng đạn súng cối nổ gần thành phố, nhưng không một ai nghĩ rằng nguy hiểm là có thật. Sáng hôm đó, David, con trai 4 tuổi của bà Doha đang chơi trong sân với em họ và con gái hàng xóm. Chính ở sân này, quả bom đầu tiên của quân khủng bố ném xuống thành phố Ninivê, giết chết ba đứa bé tại chỗ.

Cái chết của các em là một cú sốc cho toàn thành phố, vốn vô cùng sợ hãi, họ quyết định bỏ trốn trong đêm ngày 6 rạng ngày 7 tháng 8. Bà Doha gặp khó khăn khi diễn tả, bà tiếp chúng tôi trong căn nhà nghèo nàn chỉ được sưởi ấm bằng một cái lò: “Sự tử đạo của con trai tôi đã cứu các tín hữu kitô ở Qaraqosh. Nếu con tôi không chết, không ai nhận ra được mối nguy hiểm và tất cả chúng tôi sẽ ở lại đây. Và chúng tôi sẽ kết thúc giống như những người yaziđi ở Sinjar: họ sẽ tiêu diệt tất cả chúng tôi”.

Người dân thành phố xác nhận lời nói của bà Doha. Trên thực tế, kể từ khi ISIS xâm lược thành phố Mosul tháng 6 năm 2014, tín hữu kitô của Qaraqosh đã hai lần chạy trốn khỏi thành phố vì lo sợ quân khủng bố đến xâm chiếm. Nhưng khi thấy không có chuyện gì xảy ra, họ quay lại. Đêm 5 rạng sáng ngày 6 tháng 8, dù có những loạt đạn súng cối đầu tiên nhưng ai cũng nghĩ sẽ kết thúc như những lần trước. Thế nhưng sau khi David và hai em bé khác chết, mọi người quyết tâm bỏ trốn.

Ông Adeeb, cha của em David bị ISIS giết tại nhà của ông.

Được đối xử tốt ở Pháp

Sau khi chôn David, bà Doha cùng chồng là ông Adeeb và 4 người con Ainar, Yousif, Diva và Sarah bỏ trốn đến Erbil. Họ chỉ ở một tháng rưỡi tại thủ đô của người Kurdistan ở Iraq, sau đó họ chuyển đến Lebanon và sau khoảng 8 tháng, họ sang Pháp. Ông Adeeb nói: “Chúng tôi không muốn quay lại Qaraqosh: “Quá nguy hiểm, quá nhiều kỷ niệm đau buồn”.

Họ ở lại Pháp trong hai năm ba tháng và có lẽ lần đầu tiên họ nếm được “cuộc sống thực sự phải như thế nào. Chúng tôi đã được đối xử rất tốt, các con tôi nhận được giáo dục tuyệt vời, đặc biệt là với Sarah, đứa con khuyết tật của chúng tôi”. Nhưng khi Qaraqosh được giải phóng, Duha và Adeeb tự hỏi liệu có nên quay về hay không. “Người ta cho chúng tôi biết thành phố không còn quân khủng bố và nghĩa trang đã được mở lại. Chúng tôi nhớ nhà và muốn tin chắc ngôi mộ của con trai chúng tôi không bị hư hại.”

Họ không đối xử với chúng tôi như con người

Vì thế, lấy hết can đảm họ rời Pháp để trở về Qaraqosh. Tại đây, họ thấy ngôi nhà của mình bị hư hại nặng, giống như nhà của mọi người, vì thế họ chuyển đến nhà người chị của ông Adeeb. Nhưng hôm nay, họ hối hận về lựa chọn của mình: “Tôi muốn quý vị viết điều này ra.” Bà sẽ là tín hữu duy nhất phát biểu trước Đức Phanxicô ở nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Trên thực tế, lịch sử của gia đình bà Doha tóm tắt tất cả đau khổ của người dân Iraq. “Nghe thì khó, nhưng chúng tôi đã sai lầm khi về lại đây và hôm nay chúng tôi muốn trở lại Pháp. Ở Iraq, chúng tôi không được đối xử như con người”.

Gia đình mong chờ sự giúp đỡ từ chính quyền, nhưng thay vào đó họ chỉ nhận đau đớn và tủi nhục. Vì không có cơ sở giáo dục hoặc môi trường thích hợp cho người khuyết tật, Sarah, 14 tuổi buộc phải rời lớp học của mình. Ông Adeeb cho biết: “Ở trường, họ đối xử tệ với Sarah, chúng tôi đã đến quận Ninivê để tìm giải pháp và họ nói họ không làm gì được. họ trả lời ‘chỗ của Sarah là ở nhà’. Bây giờ chúng tôi cảm thấy tội lỗi: ở Pháp Sarah sẽ được học hành và họ đối xử tốt với em.”

Người hồi giáo không muốn chúng tôi

Ngay cả việc có được giấy chứng tử cho David cũng là một cơn ác mộng: quá trình này kéo dài, phức tạp và các công chức chính phủ đòi hối lộ để cấp giấy chứng nhận. Ông Adeeb là giáo viên, ông cho biết: “Tôi biết tại sao họ đối xử với chúng tôi như vậy, vì chúng tôi là tín hữu kitô. ISIS có thể đã bị đánh bại, nhưng tâm lý của họ vẫn chưa chết. Họ vẫn còn sống ở đất nước này, đặc biệt là ở Mosul. Chúng tôi không làm gì khác ngoài việc rao giảng yêu thương cho mọi người, nhưng người hồi giáo không muốn chúng tôi: tôn giáo của họ dạy những điều khác với tôn giáo chúng tôi”.

Dù thất vọng và tuyệt vọng, trong trái tim của Duha và Adeeb không hề có hận thù và việc con họ bị sát hại đã không làm đức tin của họ bị suy giảm. Bà Duha nói với lòng can đảm mà chỉ một người mẹ mới có: “Trên thực tế, đức tin còn lớn lên và thậm chí còn lớn lên hơn nữa. Chúng tôi đã mất đi thứ thân yêu nhất trên đời. Ngay cả trước đây, chúng tôi chưa bao giờ bám dính vào tiền bạc, nhưng kể từ khi David chết, chúng tôi hiểu mọi của cải vật chất trên đời này đều không có giá trị gì. Chúng tôi đã lớn lên rất nhiều về mặt thiêng liêng và chúng tôi hiểu đức tin là điều quan trọng nhất”.

Cũng vì lý do này, dù ISIS đề nghị họ ở lại  Qaraqosh nếu họ trở lại đạo hồi, họ sẽ không bao giờ ở lại: “Từ bỏ Chúa Kitô có nghĩa là chết. Vậy tại sao không giết chúng tôi đi vì Chúa Kitô?”

Chúng tôi đã tha thứ

Khi chúng tôi hỏi bà Doha, bà sẽ nói gì với giáo hoàng vào ngày mai khi được tất cả các camera trên thế giới quay, câu trả lời thật đáng ngạc nhiên: “Tôi sẽ nói với ngài, chúng tôi đã tha thứ cho quân khủng bố đã giết con trai chúng tôi. Không phải chúng tôi phán xét họ, nhưng chính Chúa. Chúa đã dạy chúng tôi tha thứ và đó là điều chúng tôi đã làm.”

Kể từ khi con trai của họ qua đời, hai ông bà Doha và Adeeb sống cuộc sống thu gọn, họ thích ở nhà (ở đây chúng tôi tìm thấy bình yên và thanh thản) hơn là đi ra ngoài. Nhưng họ mong gặp giáo hoàng, ông Adeeb nói: “Chuyến đi của ngài là một sự kiện lịch sử. Ngài không đến chỉ cho chúng tôi là tín hữu kitô, nhưng cho tất cả mọi người. Chúng tôi hy vọng sự hiện diện của ngài có thể thay đổi mọi thứ cho người tín hữu kitô mà còn thay đổi cho cả người hồi giáo ở Iraq.” Bà Doha nói thêm: “Lòng tôi tràn ngập niềm vui. Tôi hơi sợ khi được nói chuyện trước Đức Phanxicô, nhưng đó là nỗi sợ xen lẫn hạnh phúc”.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Sự tha thứ của người mẹ ở Qaraqosh: lời chứng làm Đức Phanxicô xúc động

Abdullah Kurdi, người cha của em bé bị chết đuối: “Gặp Đức Phanxicô là món quà sinh nhật đẹp nhất của tôi”