Abdullah Kurdi, người cha của em bé bị chết đuối: “Gặp Đức Phanxicô là món quà sinh nhật đẹp nhất của tôi”

402

Abdullah Kurdi, người cha của em bé bị chết đuối: “Gặp Đức Phanxicô là món quà sinh nhật đẹp nhất của tôi”

cruxnow.com, Elise Ann Allen, 2021-03-09

Abdullah Kurdi, người cha của em bé bị chết đuối: “Gặp Đức Phanxicô là món quà sinh nhật đẹp nhất của tôi từ trước đến nay.” Ngày 7 tháng 3 năm 2021, ông Abdullah Kurdi gặp Đức Phanxicô tại Erbil. (Ảnh: Abdullah Kurdi.)

Ông Abdullah Kurdi, người cha của em bé tị nạn chết cách đây 5 năm đã đánh thức thế giới về thực tế của cuộc khủng hoảng di cư, ông cho biết, cuộc gặp Đức Phanxicô là món quà sinh nhật đẹp nhất tôi chưa từng nhận.

Sau thánh lễ Đức Phanxicô cử hành ở Erbil ngày 7 tháng 3, ông đã được gặp ngài. Trả lời phỏng vấn trang Crux, ông cho biết, chỉ cách đây hai tuần, lực lượng an ninh người Kurd cho ông biết, giáo hoàng muốn gặp ông khi ngài đến Erbil, “tôi không thể tin được.”

Ông nói thêm: “Tôi vẫn không tin điều đó cho đến khi điều này thực sự xảy ra. Nó như giấc mơ thành sự thật và đó là món quà sinh nhật đẹp nhất của tôi từ trước đến nay”, cuộc gặp diễn ra một ngày trước ngày sinh nhật 8 tháng 3 của ông.

Năm 2015, cả thế giới chú ý đến trường hợp thương tâm của gia đình ông Kurdi khi chiếc thuyền của họ bị lật băng qua biển Égée từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp trong cố gắng đến Âu châu.

Ông Kurdi người Syria, vợ Rehanna và hai con trai Ghalib, 4 tuổi và Alan, 2 tuổi, đã phải rời quê hương đang bị nội chiến và sống tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Alan Kurdi (trái) và anh trai Ghalib (phải) này. Ảnh của Tima Kurdi.

Bà Tima, em gái của ông Abdullah sống ở Canada, sau nhiều cố gắng để bảo lãnh gia đình nhưng không thành công, năm 2015, khi cuộc khủng hoảng di cư lên cao điểm, ông Abdullah quyết định đưa gia đình sang Âu châu ở thời điểm Đức cam kết nhận một triệu người tị nạn.

Tháng 9 năm đó, Abdullah được bà Tima giúp đỡ đưa gia đình lên chiếc thuyền đi từ Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ, đến đảo Kos của Hy Lạp. Nhưng khi ra khơi, chiếc thuyền chỉ có thể chở 8 người nhưng đã chở đến 16 người bị lật úp, ông Abdullah đến nơi an toàn nhưng gia đình ông có một số phận khác.

Sáng hôm sau, bức ảnh bất động của Alan dạt vào bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ do nhiếp ảnh gia người Thổ, Nilüfer Demir chụp được đăng trên các phương tiện truyền thông quốc tế và các trang mạng xã hội.

Kể từ đó em Alan Kurdi trở thành biểu tượng toàn cầu cho những rủi ro mà người tị nạn thường gặp trên con đường đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hai năm sau, tháng 10 năm 2017, Đức Phanxicô, người luôn lên tiếng ủng hộ người di cư và tị nạn, đã tặng một tác phẩm điêu khắc Alan cho trụ sở của Tổ chức Lương Nông lương Liên Hiệp Quốc ở Rôma.

Sau khi sự việc xảy ra, ông Kurdi được tặng một ngôi nhà ở Erbil và ông sinh sống ở đây từ đó đến bây giờ.

Từ lâu ông Kurdi đã mơ được gặp Đức Phanxicô, cám ơn ngài đã bênh vực cho người di cư và tị nạn và để tưởng niệm người con trai quá cố của mình, ông cho biết, trong tuần lễ đầu ông không thể nói gì về cuộc gặp xúc động mà ông cho là “phép lạ”, “tôi không biết cách nào để nói lên lời.”

“Khoảnh khắc khi tôi nhìn ngài, tôi đã hôn tay ngài và tôi nói, tôi vinh dự được gặp ngài, tôi cám ơn ngài về lòng tốt và lòng trắc ẩn ngài dành cho gia đình tôi trong thảm kịch này và với tất cả những người tị nạn,” ông nói, có nhiều người chờ để chào ngài sau thánh lễ, nhưng ngài dành thì giờ nhiều nhất cho tôi.

“Khi tôi hôn tay ngài, ngài đang cầu nguyện và ngài giơ hai tay lên trời và nói với tôi, ‘gia đình tôi đang ở trên thiên đàng, đang yên nghỉ trong hòa bình,” ông nhớ lại giây phút đó, khi đó nước mắt của ông bắt đầu trào ra.

“Tôi muốn khóc, nhưng tôi tự nhủ, cố gắng kiềm chế lại vì tôi không muốn giáo hoàng buồn.”

Sau đó ông tặng ngài bức tranh vẽ con trai Alan trên bãi biển như món quà “để với hình ảnh này, ngài có thể nhắc mọi người giúp đỡ những người đang đau khổ, để họ không quên những người này”.

Bức tranh do một nghệ sĩ người Iraq ở Erbil vẽ, được ông Kurdi tặng Đức Phanxicô ngày 7 tháng 3 năm 2021. (Ảnh: Abdullah Kurdi.)

Bức tranh do một nghệ sĩ địa phương ở Erbil vẽ, hai người quen biết nhau. Ông Kurdi cho biết, khi được tin mình sẽ gặp giáo hoàng, ông gọi cho nghệ sĩ và xin họa sĩ vẽ bức tranh “như lời nhắc nhở để mọi người giúp đỡ những người tị nạn đau khổ, đặc biệt là trẻ em.”

Ông Kurdi cho biết: “Năm 2015, hình ảnh con trai tôi là lời cảnh tỉnh cho thế giới, hình ảnh này đã chạm đến hàng triệu trái tim và truyền cảm hứng để họ giúp đỡ người tị nạn,” ông nói, gần sáu năm trôi qua, cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc, và hàng triệu người vẫn sống như người tị nạn, thường là trong những điều kiện không thể tưởng tượng được.

“Tôi hy vọng bức ảnh này sẽ là lời nhắc nhở một lần nữa để mọi người có thể giúp làm giảm đau khổ cho những người gặp khốn khó”.

Sau cái chết của gia đình, ông Kurdi và bà  Tima, em của ông đã thành lập Quỹ Alan Kurdi, một tổ chức phi chính phủ đặc biệt giúp trẻ em tị nạn, cung cấp thức ăn, quần áo và sách vở học tập cho các em. Quỹ đã không hoạt động trong thời gian đại dịch coronavirus, họ hy vọng sẽ sớm bắt đầu tổ chức lại các hoạt động.

Bây giờ ông Kurdi đã lập lại gia đình và có một con trai khác, ông cũng đặt tên là Alan, sẽ tròn một tuổi vào tháng tư.

Ông cho biết, gần đây ông quyết định đặt tên cho con mình là Alan vì trong văn hóa Trung Đông, một khi người đàn ông làm cha, họ không còn được gọi bằng tên của mình nữa mà gọi là “Abu” hoặc “cha của” đứa con đầu tiên của họ.

Bức ảnh này chụp bức tượng bằng đá cẩm thạch tượng trưng cho thảm kịch di cư, Đức Phanxicô đã tặng cho Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) nhân Ngày Lương thực Thế giới, 16 tháng 10 năm 2017. Bức tượng tưởng nhớ Alan Kurdi, em bé 2 tuổi chết đuối ngày 9 tháng 9 năm 2015 khi vượt biển Địa Trung Hải. (Hình ảnh: Andrew Medichini / AP.)

Kể từ sau vụ bi thảm năm 2015, mọi người bắt đầu gọi ông Kurdi là “Abu Alan”, vì vậy khi người con sau này chào đời, ông quyết định đặt tên con theo tên anh của em bé.

Theo ông Kurdi, được gặp Đức Phanxicô không chỉ mang ý nghĩa cá nhân to lớn cho riêng ông, nhưng ông hy vọng đây là dịp để nhắc với thế giới khi cuộc khủng hoảng di cư không còn gây xôn xao như trước thì “đau khổ của con người vẫn còn tiếp tục.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô gặp người cha của em bé Alan Kurdi