Agnès Charlemagne: “Đức tin không trao truyền được, đức tin là nhận được”
cath.ch, Ban biên tập, 2021-01-3
Làm thế nào kitô giáo lại ít nói với người trẻ ngày nay? Đây là câu hỏi ám ảnh bà Agnès Charlemagne từ nhiều năm nay. Bà là tác giả quyển sách “Lắng nghe con” (Je t’écoute, nxb. Crer), bà đưa ra các con đường cụ thể để giúp người lớn hướng dẫn các bạn trẻ trong hành trình đi tìm đời sống thiêng liêng của các em.
Bà Charlemagne là thần học gia, nghệ sĩ, nhà đào tạo, nhà thiết kế đồ họa được đào tạo tại Viện Khoa học và Thần học về Tôn giáo ở Marseille. Bà đi khắp nước Pháp để đào tạo nhân viên mục vụ. Bà là tác giả nhiều sách, trong số này có quyển Làm thế nào nói về linh đạo với các trẻ vị thành niên (Comment parler de spiritualité avec les adolescents?, nxb. Salvator).
Trước khi mở quyển sách, độc giả dừng lại ở hình bìa. Ngạc nhiên! Tựa đề “Lắng nghe con” Phụ đề: “Một hướng dẫn nhỏ để truyền lại đức tin giữa các thế hệ.” Đức tin có thể được trao truyền không? Và nhất là, liệu đức tin có truyền được chỉ do lắng nghe không? Bà Agnès Charlemagne cười: “Phụ đề thường là một lối lòe hoặc nói dối. Đức tin không trao truyền được, đức tin là nhận được.”
Agnès Charlemagne, tác giả phương pháp “Con đang ở đâu?” (T’es où?)
Báo Công giáo Thụy Sĩ: Tại sao có phụ đề này?
Bà Agnès Charlemagne: Vì bà biên tập! Bà nói với tôi, những ai muốn chia sẻ đức tin của họ với con cháu đều có trực giác: “Chúng ta phải truyền lại đức tin để người trẻ là người có đức tin”. Thậm chí họ còn nghĩ: “Nếu người trẻ không có đức tin là lỗi của tôi”. Vì thế mới có phụ đề này.
Và không làm cho bà hài lòng mấy…
Cá nhân tôi, tôi thích một cái gì kiểu “Cẩm nang để nhận ngọn lửa sống qua gặp gỡ và đối thoại”. Cùng lúc, quyển sách dành cho những người muốn trao truyền đức tin và điều quan trọng là đến với họ, nơi họ ở. Vì thế phụ đề này cũng không hẳn làm tôi không thích. Nó giúp để hiểu nỗi buồn của cha mẹ và ông bà khi con cái không có đức tin. Và đó là hiện tượng chính: không những đức tin không được truyền đi, mà bây giờ trẻ em lại từ chối nó.
Bà muốn nói gì với các cha mẹ, các ông bà nội ngoại này? Rằng trước hết họ cần phải biết lắng nghe?
Ở Pháp, tôi hướng dẫn các khóa đào tạo cho nhân viên mục vụ tiếp xúc với các bạn trẻ. Họ thường nói với tôi: “Nếu chúng tôi để các bạn trẻ nói, các em sẽ đặt câu hỏi. Nhưng vì chúng tôi không học thần học, nên chúng tôi cảm thấy không có khả năng trả lời các em… ”. Giáo dục của chúng ta đặt nặng vào hiệu suất và thành tích. Một trong những thất bại của giáo dục là ý tưởng, mọi câu hỏi đều có câu trả lời. Ai, tự chính mình, có thể giúp các em đặt câu hỏi thứ hai. Trên thực tế, chúng ta biến những gì là đối thoại thành một loạt các câu loại quizz hỏi đáp! Nhưng, Chúa Giêsu hoàn toàn làm ngược lại. Trong Tin Mừng, Ngài hỏi mọi người: “Con muốn gì? Con muốn Ta làm gì cho con?” Chương đầu quyển sách của tôi có tựa đề “Im lặng”. Đây không phải là một dạng chiến lược; đây chỉ là một cách làm! Bạn phải im lặng để học ở câu hỏi người kia. Và trên hết, đừng trả lời chúng.
“Không những đức tin không được trao truyền, nhưng còn hơn nữa, bây giờ con cái lại từ chối đức tin.”
Thật sao?
Trả lời, đó là làm trệch hướng câu hỏi của chính các em. Đó là cho các em câu trả lời của chúng ta, chứ không phải câu trả lời của chính các em. Đó là làm các em chia trí. Câu trả lời của các em là bước đầu của cuộc hành trình. Nó không mang ý nghĩa gì khi chúng ta cố gắng đưa người trẻ đi trên hành trình của chúng ta.
Đúng hơn là phải đồng hành cùng các em, mời các em tự khám phá, có đúng vậy không?
Trên hết, tôi muốn nói mình phải ở đó. Và tạo thái độ tin tưởng. Điều này rất quan trọng: khi các cha mẹ,ông bà thấy ló ra có một sự lật đổ, họ sẽ lo lắng. Và họ cố gắng trấn an mình: “Ô là la, con đang bỏ đạo. Dứt khoát con phải đi lễ chúa nhật với bố, mẹ…” Khi một đứa trẻ bắt đầu đặt câu hỏi, bạn nói với con, việc con đi tìm là rất thú vị. “Con có một câu hỏi hay; đó là con cá sẽ đưa con đi rất xa.” Chúng ta cũng phải cám ơn con cái: “Cám ơn con, vì nhờ con mà bố, mẹ cũng sẽ tự hỏi câu hỏi này.” Do đó, vấn đề không chỉ là đồng hành với các con mà còn để chính mình được đồng hành với con cái. Rõ ràng là ở thế kỷ 21, các em đặt câu hỏi khác so với trước đây. Điều làm cho cha mẹ cảm thấy mình bị lạc lõng. Họ cảm thấy các câu hỏi như lời từ chối. Trên thực tế, người trẻ ngày nay cũng vào cùng một nhà như những người đi trước, nhưng họ không đi cùng cánh cửa.
Vì sao những gì hiệu quả ở thế kỷ 20 không còn hiệu quả ở thế kỷ 21? Và về cơ bản, nó có thực sự có hiệu quả ở thế kỷ 20 không?
Một câu hỏi rất hay. Mỗi người đều có thể tự đặt cho mình câu hỏi này. Trong quá khứ, các câu hỏi luôn được hỏi theo cùng một cách, và các câu trả lời luôn được trả lời cũng theo cùng một cách. Nó làm thuận lợi cho việc có cảm nhận rất mạnh về công nhận và căn tính: khuôn mẫu đâu cũng giống nhau, với cùng chủ đề, cùng một loại nhạc… Ở giữa khung này, nhờ hành trình nội tâm cá nhân, một câu hỏi mật thiết có thể ló ra. Nhưng những ai không thực hiện được tiến trình này, họ chỉ giữ được cái khung. Một cái khung thiết thực có thể làm cho họ yên tâm. Nhưng trên hết, đó chỉ là lớp sơn. Thế giới ngày nay không còn cùng là thế giới như ngày xưa. Chúng ta đi du lịch như chúng ta thở, chúng ta thường xuyên đối diện với những người, những tôn giáo khác nhau… Chúng ta không còn tìm thấy bên ngoài những gì cha mẹ đã truyền cho chúng ta.
“Nếu cách hình thành họ đã thay đổi, nhưng các câu hỏi của người trẻ không thay đổi.”
Khi bà lắng nghe người trẻ, họ nói gì với bà?
Nếu cách hình thành họ đã thay đổi, nhưng các câu hỏi của người trẻ không thay đổi. Họ hỏi về bạo lực, chiến tranh, ích kỷ, cái chết, sự dữ, phép lạ, ý nghĩa cuộc sống… Đó là những điều rất cơ bản.
Bà có nghĩ kitô giáo có còn điều gì để nói cho các bạn trẻ ngày nay không?
Chúng ta nên đặt câu hỏi một cách khác: điều gì làm cho kitô giáo, một nguồn dồi dào và vĩnh cửu như vậy đã không còn nói được gì với bất kỳ người trẻ nào tôi gặp? Đây là câu hỏi chúng ta phải tự đặt cho chính mình. Chúng ta không thể buộc tội cho người trẻ đã không đáp ứng với nguồn không còn nói được gì với họ.
Tôi xin trở lại câu hỏi của bà: vì sao tôn giáo này không còn nói chuyện với họ được nữa?
Có nhiều yếu tố. Tôi nghĩ ngôn ngữ là rào cản khổng lồ. Ngôn ngữ của Giáo hội đầy những từ khó hiểu, chẳng hạn như lòng thương xót, cứu rỗi hay phục sinh. Ngoài ra, nó lại liên hệ mạnh đến nỗ lực và đau khổ. Đây là điều khó thuyết phục! Hình ảnh cũng vậy: chẳng hạn Chúa Kitô trên thập giá. Nếu bạn nhìn ở phật giáo, họ có nhiều cửa vào rất khác nhau. Ở đây, trước hết là về sự phong phú.
Dĩ nhiên, những ai đào sâu sẽ thấy nỗ lực đòi hỏi là vô cùng lớn. Nhưng những người mới ở bước đầu, họ chỉ cảm nhận được cái gì hấp dẫn họ.
“Chúng ta phải làm cho lời Chúa trở nên hấp dẫn. Điều có ý nghĩa là: Kinh thánh là những câu chuyện nên được kể buổi tối bên lò sưởi, như ngày xưa”
Nếu bà là giám mục, bạn sẽ hành động như thế nào?
Tôi sẽ phát triển phương pháp “Con đang ở đâu?*” một cách rộng rãi hơn. Tôi thấy phương pháp này mang lại kết quả. Chúng ta phải để cho trẻ em hiểu trong câu hỏi của các em, nhận ra một câu hỏi dẫn đến một câu hỏi khác, lắng nghe câu hỏi của bạn bên cạnh mình… Sau đó, các em nhận ra mình có thể đặt một câu hỏi bằng nhiều cách. Trên thực tế, tất cả các câu hỏi này đều hứng thú, nhưng bị cấm kỵ đến mức không bao giờ chúng được đặt ra. Vì thế chúng ta phải giải phóng lời. Đó là khởi đầu để đến gần. Sau đó, phải làm cho lời Chúa thành hấp dẫn: Kinh thánh là những câu chuyện nên kể buổi tối, bên cạnh lò sưởi như ngày xưa. Vì thế chúng ta phải khởi đi từ các câu hỏi của người trẻ, trước khi cho thấy các câu hỏi này là phổ biến và tất cả các nền văn minh đều đã đặt ra.
Các giám mục không làm sao?
Không làm gì hết! Đi đến đâu tôi cũng thấy các giám mục, các linh mục bắt đầu bằng Lời Chúa. Từ khi đó, các lỗ tai đóng lại. Nhất là khi Lời Chúa được trình bày như một chân lý đã thụ đắc, trong khi Lời Chúa trước hết là việc đi tìm biểu tượng. Chúa Giêsu xin nước uống hay đi trên mặt nước… Điều này có nghĩa là gì? Cha mẹ tôi có thể diễn dịch chuyện này theo một cách nào đó, nhưng đó không phải là cách của tôi, thêm nữa, nó lại không phải là cách của các con tôi. Mỗi thế hệ phải đặt phụ đề riêng của mình cho các huyền thoại này. Và sau đó, chúng ta cũng phải giải thích, thực sự đây là những thần thoại! Các giám mục có lý khi tuân giữ nghi thức, thần học và Lời Chúa. Nhưng cũng phải tiếp tục làm việc này để các bạn trẻ thích ứng với.
“Tin Mừng sẽ không biến mất trong một sớm một chiều, sẽ luôn có những nhóm họp nhau chung quanh Lời Chúa.”
Nhưng cùng lúc cũng có không ít bạn trẻ thích những điều chắc chắn. Và ai đặt câu hỏi thì ít đặt hơn các cha mẹ mình…
Về vấn đề này, người lớn chịu trách nhiệm. Vì chúng ta không cung cấp cho các em trẻ này một khung có thể thích hợp với các em, các em chỉ giữ cái khung đã bị áp đặt. Đó là nhu cầu cơ bản của con người để tìm kiếm an toàn. Vì thế phải cho các em một khung an toàn. Chẳng hạn bằng cách nói với các em: “Nếu con cần hỏi, cha, mẹ luôn ở đây để trả lời cho con; cha, mẹ thích thảo luận với con”. Đó là một hình thức an toàn, một cách khác hơn là hình thức: “Đây là điều con phải tin.”
Bà có lo lắng khi thấy di sản kitô giáo được trao truyền quá ít không?
Tôi không bao giờ lo lắng. Lo lắng là nguồn gốc của nhiều thất bại. Ngược lại, tin tưởng mở ra nhiều cánh cửa. Tin Mừng sẽ không biến mất trong một sớm một chiều, sẽ luôn có những nhóm họp nhau chung quanh Lời Chúa. Dù họ là người tin hay không tin. Vì vậy, Lời luôn làm công việc của mình. Chúng ta phải tin cậy vào Chúa Thánh Thần, Đấng biết rõ làm sao để trả lời cho việc đi tìm của chúng ta. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải nhận ra, Chúa Thánh Thần không chỉ nói trong nhà thờ. Cũng không chỉ nói cho những người tin Chúa. Có thể Ngài se nói nhiều hơn với những người không tự cho mình là tín hữu kitô. Ở đây cũng vậy, có một sai lầm không nên mắc phải: các giám mục không nên chờ giáo dân tự cho mình là tín hữu mới nói chuyện với họ. Đức Phanxicô mời chúng ta về vùng ngoại vi. Không phải để thuyết phục những người ở ngoại vi, nhưng để sống cuộc gặp gỡ nơi chợ phiên này.
*Phương pháp “Con đang ở đâu?”
Tác giả Agnès Charlemagne là nhà thần học, nghệ sĩ, nhà giáo, nhà đào tạo: bà làm việc theo nhiều cách để đánh thức đức tin nơi giới trẻ. Lấy cảm hứng từ phương pháp sư phạm của Montessori, bà phát triển một phương pháp để giúp các bạn trẻ trong hành trình tâm linh của họ. Phương pháp có tên “Con đang ở đâu?”, câu này nhấn mạnh đến lời, gặp gỡ và hiểu từ thực tế của bạn trẻ. Một trong các mục tiêu là làm cho người trẻ thấy các câu hỏi của họ tương ứng với những câu chuyện trong Kinh thánh.
Bà cũng là tác giả quyển sách “Lắng nghe con” (Je t’écoute, nxb. Crer) đưa ra các con đường cụ thể để giúp người lớn hướng dẫn các bạn trẻ trong hành trình đi tìm đời sống thiêng liêng của mình.
Marta An Nguyễn dịch