Có một tức giận “lành mạnh” không?
lavie.fr, Jacques Arènes, 2020-10-07
Chuyên mục của nhà tâm lý và phân tâm Jacques Arènes trả lời độc giả trên tuần báo La Vie về các câu hỏi thuộc lãnh vực thiêng liêng hay hiện sinh.
Cô Cécilia tức giận… rất tức giận. Ánh mắt cô quắt lên. Cô không biết vì sao cô giận và cố gắng hiểu nó là cái gì. Thoạt nhìn thì nó liên quan đến công việc của cô. Cô rất bực họ. Đôi khi cô còn ghét họ. Nhất là những người có trách nhiệm và kể cả những người khác. Cô thấy họ khinh miệt, kiêu căng, tự phụ và tự mãn. Thật tình cô không hết tức giận, cô không chịu đựng thói đạo đức giả, thói si mê của họ. Phải nói cô làm việc trong một tổ chức phi chính phủ rất đáng trọng, lẽ ra họ phải đứng về phía “tốt” để chăm lo cho những người nghèo trên trái đất. Bên ngoài thì đẹp, nhưng bên trong thì khác: việc quản lý nguồn nhân lực là đáng trách, và những người quản lý dường như ít quan tâm đến những người phải chịu đựng họ trong cơ quan. “Chúng tôi” hài lòng trong tư cách chung, nhìn từ bên ngoài thì rất uy thế và đáng nể, nhưng bên trong lại là một chuyện khác.
Sự tức giận này, tôi đã nghe thấy từ nhiều người làm việc trong các hiệp hội, hoặc nhân viên trong các tổ chức kitô giáo. Không có gì mới dưới ánh sáng mặt trời. Chủ nghĩa pharisêu thì xưa như trái đất, dù ở môi trường tôn giáo hay thế tục hóa. “Hãy làm những gì tôi nói và đừng làm những gì tôi làm” là câu nói tiêu biểu của mọi thời, chứ không phải của nhân vật Tartuffe của nhà văn Molière phát minh ra.
Về phần cô Cécilia, cô biết sự tổn thương là sâu đậm không phải vì những gì đang xảy ra lúc này cho cô, thật ra thì nó đã khá phổ biến, nhưng lý do là những gì đã chất chứa từ rất lâu trong lòng cô. Một mùi hương của tuổi thơ, sự cô đơn, những biến cố gia đình bi thảm đáng lý được giữ riêng thì lại phơi bày trước những người “ở bên phía tốt”. Sự nhục nhã này cô vẫn còn giữ trong mình. Và cô rất nhạy cảm trước cái nhìn hạ cố của những người sống giả tạo với thiện ý tốt.
Vì thế cô Cécilia muốn trả đũa: cô sẽ trả đũa ở đây hay nơi khác? Dù sao cô cần phải dịu xuống. Đó là vấn đề cho sự sống còn về mặt tâm hệ của cô. Lời nói của cô đã được kềm lại, tông giọng mềm mại hơn. Không ai có thể đoán được sức mạnh cơn giận dữ của cô. Nhưng nó lại là liều thuốc độc chầm chậm chích vào người cô. Cô bắt đầu nhận ra điều này. Nhưng, làm thế nào chúng ta có thể vượt lên, khi mà theo cô, những người có lương tâm tốt lại tiếp tục làm cô bực mình, họ nghĩ cuộc sống của họ là tốt nhất, thông minh nhất và đồng thời là đạo đức nhất? Dĩ nhiên cô làm quá vì cô bị một cảm nhận cay đắng và xưa cũ sâu đậm xâm chiếm. Làm việc trên chính mình mang lại lợi ích này, không phải chấp nhận mọi thứ và bỏ con đường của nó. Sẽ có thể phải nói chính xác ở đây và đó là những gì cô phải nói. Và khẳng định điều này một cách mạnh mẽ với người có trách nhiệm. Nhưng cô cũng không được tự hủy bản thân trước sự ngu xuẩn thỏa mãn của một số người, và cũng không để mình bị ngạt thở trong cơn tức giận của mình…
Giận dữ cũng là giận chính mình. Tôi có nên để mình giận không? Tôi có nên chấp nhận không? Đến lúc nào tôi mới phản ứng? Hay ngược lại, trong chừng mực nào tôi tham dự vào sự tự mãn của những người làm điều tốt? Có phải lúc nào cũng đứng trên tảng đá chắc nịch để nói ‘không’ hay không? Hay ngược lại, chúng ta nên kềm lại, nói với những người có vẻ tự tin không? Những người này đôi khi họ cũng có những nghi ngờ, cô Cécilia hy vọng như vậy. Không nghi ngờ gì nữa, cô cũng phải học cách nghi ngờ sự tức giận của chính mình…
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Dấu ấn của số phận
Đau khổ có tránh được không?