Rudy Reichstadt: “Thuyết âm mưu là bệnh lý của nền dân chủ”
la-croix.com, Marie Boëton, 2021-01-15
Ông Rudy Reichstadt, người sáng lập trang Conspiracy Watch chuyên phân tích về thuyết âm mưu
Báo động trong dư luận từ nhiều năm nay về tầm quy mô và mức độ nghiêm trọng của thuyết âm mưu, Rudy Reichstadt – người sáng lập trang Conspiracy Watch chuyên phân tích về thuyết âm mưu kêu gọi xã hội có biện pháp để giải quyết tai họa này.
Báo La Croix Hàng tuần: Trong khảo luận của ông về thuyết âm mưu, Thuốc phiện của những người ngu xuẩn (L’Opium des imbéciles), ông đã viết “thuyết âm mưu quá độc hại cho sự phân định, nhưng cũng độc hại cho nền dân chủ”. Ông nghĩ gì về những hành động gần đây của những người ủng hộ ông Trump ở Washington?
Rudy Reichstadt: Những cảnh tượng đáng kinh ngạc chúng ta vừa chứng kiến ngày 6 tháng 1 trong vụ xâm chiếm và bạo lực giết người tại Điện Capitol, theo một cách nào đó đã được tô màu ngay từ đầu trong lô-gích chính trị của Donald Trump.
Lựa chọn đi đến cực đoan của ông, bằng cách làm những người ủng hộ ông nóng rực lên, khuấy động chuyện bịa đặt về “gian lận hàng loạt” và dứt khoát không chịu thừa nhận thất bại của mình trước đối thủ Dân chủ, trên thực tế là chuyện chúng ta có thể dự đoán được.
Nhưng chúng ta vẫn luôn chưng hửng khi chứng kiến sự ly khai ra khỏi thực tế của một số người. Ngày nay rất nhiều người ủng hộ ông Trump vẫn tin rằng việc Quốc hội chứng nhận chiến thắng của Biden chỉ là giai đoạn của một “kế hoạch” mà ở phút cuối trong một cuộc đảo chánh cuối cùng, ông Trump sẽ thắng thế giống như ông là một tổng thống được bầu thực sự…
Theo ông, thuyết âm mưu có đe dọa trực tiếp đến nền dân chủ không?
Có, theo nghĩa những thuyết âm mưu này làm lòng tin của người công dân vào thể chế bị suy yếu và làm cho bất kỳ cuộc tranh luận hòa bình nào của công chúng là không thể. Khi chúng ta không còn chia sẻ một thực tế chung, không những cuộc tranh luận dân chủ trở thành cuộc đối thoại của những người điếc, mà chúng ta thấy phán quyết của thùng phiếu như một thứ bạo lực không thể chịu đựng được, như thử mọi thứ dường như đều được biện minh.
Nếu chúng ta nghĩ hệ thống dân chủ mang lại quyền lực cho những người tham nhũng và lưu manh, những con rối bị thao túng bởi các thế lực ẩn nấp trong bóng tối, thì việc mong muốn lật đổ một hệ thống cũng gian ác và nói dối đó, thay thế nó bằng một thứ khác là điều bình thường.
Chúng ta thường coi các thuyết âm mưu là chuyện hoàn toàn kỳ quặc. Về phần ông, ông cho rằng người ta thường phớt lờ khía cạnh chính trị của chúng. Như vậy có nghĩa là gì?
Người ta thường nói những kẻ theo thuyết âm mưu chỉ thích “đặt câu hỏi” hoặc “nghi ngờ” cho “sự thật này hay sự thật kia”. Trên thực tế, những gì chúng ta quan sát được, không những sự nghi ngờ của họ chỉ là ngụy biện – kiểu tô son qua loa, để họ không hoàn toàn chịu trách nhiệm về lời nói của mình – nhưng nó cũng rất chọn lọc. Theo nghĩa này, họ có một bài diễn thuyết chính trị cao siêu.
Đối với những âm mưu tưởng tượng mà họ tố cáo, họ tham khảo nhiều hơn về các ám ảnh của họ hơn là về những người mà họ chỉ tay buộc tội. Hơn nữa, điện ảnh gia Claude Lanzmann (1925-2018) đã có câu rất đúng: “Hận thù có từ trước những gì mà nó tuyên bố là bắt nguồn từ đó”. Nói cách khác, chính sự ám ảnh, lòng căm thù, sự giả định về ý thức hệ là tiên quyết, lý thuyết của thuyết âm mưu chỉ là phương tiện để nói lên.
Theo tôi, việc tâm thần hóa hiện tượng âm mưu dường như không phù hợp lắm: ý tưởng cho rằng thuyết âm mưu thực chất chỉ là hình thức của chứng hoang tưởng lâm sàng, thì chỉ có xu hướng xóa bỏ chiều kích chính trị của nó. Nếu thuyết âm mưu là một bệnh lý, thì trên hết nó là một bệnh lý tập thể, một bệnh lý của nền dân chủ.
Có một thuyết âm mưu chung chung tóm gọn trong câu: “Người ta nói dối chúng tôi.” Do đó, tùy vào trách vụ của mỗi người, sau đó là tùy vào sự nhạy cảm chính trị của mỗi người, xác định danh tính cho chữ “chúng tôi” này. Không có gì đáng ngạc nhiên, đây là phản xạ chúng ta thấy ở cả hai thái cực của lãnh vực chính trị – nơi những người – không bị loại ra khỏi trò chơi bầu cử – không thể thuyết phục đủ để giành quyền lực.
Làm thế nào các nền dân chủ có thể phản ứng trước sự trỗi dậy cực mạnh của tâm lý âm mưu này? Họ có nên thích nghi, suy nghĩ lại về hoạt động của mình, phát minh ra các công cụ mới hơn để tham dự nhiều hơn không?
Họ phải bắt đầu bằng cách xem đây là một rủi ro hệ thống. Vào lúc mà thông tin sai lệch lan truyền với một tốc độ nhanh thần sầu và chúng được các phương tiện truyền thông thông đồng khuếch đại, đôi khi có tính cách nhà nước, có mục tiêu rõ ràng là làm mất ổn định nền dân chủ của chúng ta, vấn đề được đặt ra là sau mỗi sự kiện mới, liệu có khả năng mang chiều kích chính trị, không cần biết liệu các thuyết âm mưu có xuất hiện hay không, nhưng là khi nào. Một cách tập thể, trên mức độ Nhà nước cũng như xã hội dân sự, ở tất cả các cấp của nó, chúng ta phải đối diện với vấn đề và thoát ra ngay khỏi loại văn hóa bào chữa vẫn phổ biến quá thường xuyên khi nói đến thuyết âm mưu.
Ông giải thích như thế nào khi người dân không còn hoảng sợ do sự gia tăng cực mạnh của hiện tượng này?
Do mù quáng về tư tưởng, do tự mãn, do thiếu hiểu biết về tình hình và do chúng ta bỏ nhiều thì giờ để xem các biến động do mạng xã hội tạo ra. Cuộc cách mạng số trong hai thập kỷ qua đã dẫn đến việc “bãi bỏ quy định của lãnh vực nhận thức”, như nhà khoa học xã hội Gérald Bronner đã nhận định đúng. Mỗi người trong chúng ta, với chiếc điện thoại thông minh đơn sơ, với kết nối Internet, gần như chúng ta có sức mạnh tương đương với một chuyên gia thông tin … chính xác là chuyên gia mà không cần đào tạo!
Sự dân giả hóa nghề báo và sự xuất hiện của các blog, các phương tiện truyền thông tài tử đã làm cho các nhóm thiểu số hoạt động tích cực nhất những phương tiện chưa từng có để nhân rộng ảnh hưởng của họ trong xã hội. Tất cả những điều này làm dấy lên một loại chủ nghĩa phản-trí tuệ, đặt vấn đề về tính ưu việt của chuyên môn và dựa trên đó là phát triển một loại thuyết âm mưu vừa được toàn cầu hóa vừa đề xuất một loại biến tính các sự kiện trong thực tế.
Hơn nữa, cũng không thể loại trừ việc “hậu-hiện đại” và cùng với nó, ý tưởng cho rằng tất cả sự thật là tương đối, đã chuẩn bị cho một chuyện không thể chống đỡ nổi của những người vẫn còn bám vào sự thật. Nếu các sự kiện là quan điểm, nếu chúng không có giá trị gì hơn là một ý kiến, thì tất cả các “phiên bản” đều có giá trị giống nhau: điều này tạo cho thuyết âm mưu một cơ hội lịch sử.
Gần đây các mạng xã hội lớn như Facebook và Twitter kiểm duyệt một số nội dung của thuyết âm mưu. Điều này có thể thay đổi thế cuộc không?
Về lâu dài, chúng ta sẽ phải xem hiệu quả của những biện pháp này. Dù sao đây cũng là một thách thức lớn vì các người trẻ chủ yếu lấy thông tin từ mạng xã hội. Các thế hệ mới đã xã hội hóa về mặt chính trị qua các mạng như YouTube; tất cả đều nhạy cảm hơn với trí tưởng tượng của thuyết âm mưu này, vì họ đã tiếp xúc ồ ạt với nội dung thuộc loại này thông qua việc dùng các thuật ngữ đề xuất, mà chúng ta biết là chúng làm lợi thế cho các nội dung có tính âm mưu.
Trí tưởng tượng hoang tưởng này không phải là không có hệ quả: nó hiển nhiên tham dự vào cách mà các thế hệ này đại diện cho bước đi của thế giới, quyền lực, sản xuất thông tin và kiến thức khoa học, v.v.
Không phải mọi phê bình triệt để của “hệ thống” dù kinh tế hay chính trị, đều có nguy cơ bị gán cho là âm mưu không?
Luôn có nguy cơ những người thiếu thận trọng, dùng một chữ mang tính tiêu cực với ý xấu. Nhưng đây cũng là những gì xảy ra với những chữ như “phân biệt chủng tộc” hoặc “chủ nghĩa phát xít”, điều này không có nghĩa là chúng ta nên cấm dùng chúng trong vốn từ vựng của mình. Âm mưu không nảy sinh từ những phản biện xã hội hoặc chính trị hợp lý.
Chúng ta phải hiểu: không có chuyện thay thế thuyết âm mưu bằng sự ngây ngô. Thêm nữa, các lý thuyết âm mưu đôi khi tự nó dẫn đến các hoạt động thao túng thực sự.
Tôi có thể nói, chúng ta không thể lao mình vào việc phê phán xã hội đích thực mà tránh một phê phán về thuyết âm mưu. Âm mưu dối trá dẫn thẳng đến sự nhầm lẫn và phi lý. Chúng ta không thể xây dựng bất cứ gì bền vững về mặt chính trị hoặc khoa học trên những cơ sở như vậy. Trong mọi trường hợp, nếu chúng ta gắn bó với dân chủ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: 2020, năm của tất cả các âm mưu