Tâm sự trong tù của hồng y Pell

207

Tâm sự trong tù của hồng y Pell

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2020-12-11

Các sự việc trong quyển sách viết trong tù sẽ được xuất bản vào ngày thứ ba 15 tháng 12 tại Úc, hồng y George Pell nhìn lại kinh nghiệm của ngài ở Vatican trong chức vụ “Bộ trưởng Kinh tế của Đức Phanxicô”. Ngài cũng nói đến sự gắn bó của ngài với nước Pháp và với Đức Tổng Giám mục Paris Michel Aupetit, người ngài thấy đây là hình ảnh của các “giáo hoàng tương lai”.

Trong các vấn đề tài chính, các nhà lãnh đạo Giáo hội kém khả năng sẽ có nguy cơ rơi vào tham nhũng. Đó là ít nhiều thông điệp được hồng y George Pell gởi trong quyển sách sẽ được xuất bản trong những ngày sắp tới ở Úc.

Ngài viết: “Trong quá trình làm việc trong lãnh vực tài chính của tôi tại Vatican, tôi đã nhận thức được những khó khăn ở đó và ở các nơi khác, và các điều không may có khi xảy ra trên mỗi châu lục. Sự trung thực và thiện chí của cá nhân không phải là lý do để bào chữa cho sự kém cỏi, điều này làm cho tham nhũng dễ dàng hơn nhiều”.

Trong quyển sách Nhật ký trong tù sẽ được nhà xuất bản Ignatius Press phát hành ngày 15 tháng 12 ở Úc, hồng y Pell gom lại các suy tư của ngài được ghi lại qua nhiều ngày trong một cuốn sổ. Quyển sách này là tập đầu gồm các bài viết của vị hồng y trong năm tháng đầu tiên ngài bị giam giữ. Ngài bị tù từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 4 năm 2020 vì nghi ngờ lạm dụng tình dục trẻ em, trước khi được tòa án tuyên bố trắng án.

“Có lẽ ngoại trừ bốn năm sứ vụ của tôi ở Rôma”…

Hơn 350 trang gồm các thư từ mà hồng y nhận được (lên đến năm mươi bức thư mỗi ngày) chiếm một phần đáng kể trong những suy tư của cựu Tổng Giám mục Sydney. Từ phòng giam của mình, nơi ngài được phép đem theo quyển nhật tụng và hai tràng chuỗi, ngài cầu nguyện rất nhiều, suy gẫm về các bài đọc trong ngày và suy nghĩ một ít về những lời buộc tội chống ngài và những phương cách cần có để đối phó.

Ngài cũng đề cập đến các kinh nghiệm ở Rôma của mình, đặc biệt bốn năm ngài được Đức Phanxicô giao trọng trách cải cách tài chính Vatican, ngài là bộ trưởng Bộ Kinh tế. Với những chữ đôi khi rất gay gắt. Ngài viết: “Trong suốt cuộc đời làm linh mục, có lẽ ngoại trừ bốn năm tôi làm việc ở Rôma, tôi luôn được đánh động và được cảm hứng qua phẩm chất và đức tin của những người tôi phục vụ”.

“Một nỗ lực cải cách lịch sử”

Ngài cũng giải thích cách ngài làm việc ở đó, đặc biệt ngài mời các nhà tư vấn bên ngoài, theo một phương pháp đã làm cho ngài có các mối thù ghét ở Rôma. Đáng kể ngài nói đến nhóm 20 “người trẻ có tài năng” của văn phòng McKinsey. Ngài viết: “Họ đã làm việc với chúng tôi trong hơn hoặc ít hơn sáu tháng. Một nhóm đặc biệt, những người thường có thể làm việc ít nhất 10 giờ mỗi ngày, sự đóng góp của họ là vô giá. Tôi sợ rằng họ có thể đã bị xúc phạm và đức tin của họ bị tổn thương, (nhiều người trong số họ là người công giáo) về những gì họ tìm thấy. Nhưng điều ngược lại cũng đúng, khi họ tự hào tham gia vào một nỗ lực cải cách lịch sử”.

Một cách rộng hơn, trong những trang sách này, hồng y Pell cũng phác thảo tầm nhìn của ngài về Giáo hội. Dù phải đi xa những thành ngữ được chính Đức Phanxicô dùng. Ngài viết: “Trong hai thượng hội đồng về gia đình, một số tiếng nói đã lớn tiếng tuyên bố rằng Giáo hội là một bệnh viện và một bến cảng để trú ẩn. Đó chỉ là một hình ảnh và còn lâu mới là hữu ích hoặc quan trọng nhất, vì Giáo hội phải đưa ra cách làm thế nào để không bị bệnh, làm thế nào để tránh bị đắm tàu. Và đó là những điều răn thiết yếu.”

Bình luận về thời sự

Cũng nhân dịp này, hồng y Pell bình luận về các sự kiện thời sự. Ngày 16 tháng 4 năm 2019 khi ngài thức dậy trong phòng giam số 11 của đơn vị 8 nhà tù Melbourne, ngài biết tin về vụ Nhà thờ Đức Bà Paris vị cháy. “Tôi xúc động khi thấy giáo dân quỳ gối cầu nguyện gần đống gạch đổ nát”.

Chính trong dịp này, ngài có dịp báy tỏ lòng gắn bó của mình với nước Pháp, và với Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit, giáo phận Paris. Ngài viết: “Chúng tôi mang ơn Đức Hồng y Lustiger, nguyên Tổng Giám mục Paris, người đã cho thấy Giáo hội có thể đóng góp và tồn tại nhiều như thế nào trong một xã hội tục hóa nặng nề. Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit hiện nay, người từng là bác sĩ, cũng ở trong truyền thống này, tôi hy vọng ngài sẽ sớm được phong hồng y”. Ngài nói thêm: “Với thêm một vài năm kinh nghiệm và khả năng lãnh đạo hiệu năng, ngài có thể là người có khả năng làm giáo hoàng”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Vì sao Đức Hồng y Pell về lại Rôma?