Vì sao Đức Hồng y Pell về lại Rôma?

323

Vì sao Đức Hồng y Pell về lại Rôma?

americamagazine.org, Gerard O’Connell, 2020-09-29

Đức Hồng Y George Pell chụp lại từ màn hình trong cuộc phỏng vấn phát sóng ngày 14 tháng 4 trên Sky News Australia.

Ngày 30 tháng 9, Đức Hồng y George Pell sẽ về Vatican và có khả năng ngài sẽ ở lại ít nhất cho đến ngày 8 tháng 6, ngày ngài bước sang tuổi 80. Theo một nguồn tin thân cận ẩn danh thì chương trình dài hạn của ngài là về lại Sydney, Australia.

Nguồn tin cho biết: “Việc ngài về lại Rôma được lên kế hoạch từ ba tháng qua. Đây không phải là một quyết định đột ngột.” Nguồn tin xác nhận rõ, việc này không liên quan gì đến việc Hồng y Angelo Becciu từ chức như truyền thông Ý và các phương tiện truyền thông khác nói đến  vì hai người đã có xung đột mạnh về việc cải cách tài chính Vatican. Hồng y Becciu đã ngăn một số sáng kiến của Hồng y Pell.

Một số truyền thông còn cho Đức Phanxicô xin Hồng y Pell về lại Rôma, nhưng không có bằng chứng nào xác nhận tin này. Trên thực tế, ngay khi được trắng án và ra tù vào tháng 4 vừa qua, Đức Hồng y Pell đã nói với hãng tin Sky News Australia: “Tôi nghĩ tôi có thể về Rôma một thời gian.”

Việc Hồng y Pell về Rôma hoàn toàn không liên quan gì đến việc Hồng y Angelo Becciu từ chức như truyền thông Ý và các phương tiện truyền thông khác nhắc lại vì hai người đã xung đột mạnh về việc cải cách tài chính Vatican.

Các nguồn tin cho trang America biết, Đức Phanxicô sẽ tiếp Hồng Y Pell. Dù hai người khác nhau về một số quan điểm thần học và tầm nhìn về Giáo hội, nhưng trong những năm này Đức Phanxicô luôn đứng về phía Hồng y khi ngài thấy Hồng y bị nhiều phương tiện truyền thông cho là có tội. Ngài nhấn mạnh đến quyền giả định vô tội của Hồng Y Pell cho đến khi quá trình xét xử được hoàn tất.

Nguồn tin còn cho biết, sau khi ra tù vào tháng 4, Hồng y Pell “nhận được sự khuyến khích” từ một số giám chức cao cấp của Vatican là ngài nên “về lại Rôma.”

Ngày 29 tháng 6 năm 2017, Đức Phanxicô đã thuận để Hồng y nghỉ “để có thể bào chữa trước các cáo buộc” về tội tấn công tình dục trẻ em.

Hồng y Pell luôn bảo vệ sự vô tội của mình, ngài  về Úc ra tòa để bảo vệ thanh danh và chứng minh mình vô tội. Nhưng ngày 12 tháng 12 năm 2018, ngài bị bồi thẩm đoàn kết tội tấn công tình dục hai em bé giúp lễ (chỉ một người còn sống và ra làm chứng). Ngày 10 tháng 3 năm 2019 ngài bị kết án 6 năm tù với khả năng được ân xá sau ba năm tám tháng ngồi tù. Ngài bị biệt giam 405 ngày cho đến ngày 7 tháng 4 năm 2020, ngài được Tòa án Tối cao Úc tuyên bố trắng án.

Vị hồng y người Úc thẳng thắn luôn là hình ảnh phân cực ở đất nước của mình và ở một mức độ nào đó cũng ở Vatican. Dù được trắng án, ngài vẫn mang ký ức buồn về thảm kịch và bản án tiêu cực này. Tuy nhiên, việc ngài trở lại Rôma được xem như một sự minh oan cho ngài, người luôn khẳng định mình vô tội trước các lời cáo buộc chống ngài. Cũng theo nguồn tin trên cho biết, ngài đang mong chờ được gặp Đức Phanxicô trong các ngày sắp tới.

Việc ngài trở lại Rôma được xem như một sự minh oan cho ngài, người luôn khẳng định mình vô tội trước các lời cáo buộc chống ngài.

Rất nhiều người ở Úc đã tự hỏi làm cách nào Hồng Y Pell có thể ra đi khi có lệnh hạn chế du lịch vì coronavirus. Người ta nghĩ ngài có được phép miễn trừ, nhưng khi được hãng tin SBS News Úc hỏi, cơ quan biên phòng Úc “từ chối bình luận về việc liệu Hồng y Pell có được phép miễn trừ đặc biệt hay không,”

Dù sao thì Hồng y Pell 79 tuổi sẽ khởi hành trên chuyến bay dài 24 giờ từ Sydney đến Rôma ngày 29 tháng 9 và sẽ đến sân bay Leonardo Da Vinci của Rôma ngày 30 tháng 9. Từ đó ngài sẽ đến cơ quan y tế Vatican để xét nghiệm Covid-19. Dù kết quả thế nào, ngài cũng sẽ có vài ngày cách ly trước khi gặp mọi người.

Hồng Y Pell vẫn còn căn hộ ở Vatican khi ngài còn làm bộ trưởng Bộ Kinh tế và vật dụng cá nhân của ngài vẫn còn tại đây. Kế hoạch ban đầu của ngài là về một thời gian ngắn, thu xếp đồ đạc, trả căn hộ và về lại Sydney, nhưng một số giám chức Vatican và bạn bè ở Rôma dường như đã thuyết phục ngài ở lại lâu hơn “vì có lợi cho chính ngài, cho gia đình ngài và cho Giáo hội. ”

Nguồn tin thường xuyên liên lạc với ngài cho biết: “Ngài có thể ở đây cho đến sinh nhật 80 vào tháng 6 năm sau, và cũng có thể ở lâu hơn, nhưng kế hoạch dài hạn của ngài là về lại Sydney, nơi ngài có ngôi nhà và nơi ngài muốn dành thời gian cuối đời để sống ở đó”.

Nguồn tin cho biết thêm: “Sức khỏe của ngài rất tốt, ngài đã sút cân trong tù và sau khi mổ, đầu gối của ngài đã ổn định.”

Hồng y Pell không còn bất kỳ chức vụ hoặc trách nhiệm chính thức nào trong Giáo triều La Mã. Nhiệm kỳ 5 năm ở Bộ Kinh tế của ngài đã kết thúc vào tháng 2 năm 2019 và tháng 10 năm 2018, Đức Phanxicô cũng đã chấm dứt tư cách thành viên cố vấn trong Hội đồng Hồng y Cố vấn.

Trước khi về Úc để ra tòa và bị tù, ngài có chân trong nhiều hội đồng quản trị của một số văn phòng Giáo triều Rôma và được xem là “người đánh lớn”. Niên giám 2019 của Vatican (Annuario Pontifico) đã liệt kê ngài là thành viên hội đồng quản trị của ba cơ quan quan trọng: Bộ Giám mục, Bộ Truyền giáo các dân tộc, Bộ Thánh hiến và Đời sống tông đồ. Với vai trò này, ngài tham gia vào việc bổ nhiệm các giám mục tại các giáo phận trên toàn cầu, ngoại trừ các giáo phận thuộc các Giáo hội Công giáo Đông phương, ngài giám sát các dòng tu nam nữ trên toàn thế giới. Ngài cũng là thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Tân Phúc âm hóa. Nhưng Niên giám của Vatican năm 2020 (làm trước khi ngài ra tù) không liệt kê ngài là thành viên của hội đồng quản trị nào. Nói cách khác, ngài là hồng y nghỉ hưu và không có trách nhiệm cụ thể nào ở Vatican.

Tất nhiên, điều này sẽ giúp ngài có nhiều thì giờ để gặp và nói chuyện với các hồng y và các quan chức Vatican khác, đồng thời viết, diễn thuyết và phỏng vấn, cũng như bình luận về những gì đang xảy ra ở Vatican – những chuyện ngài luôn thích làm. Ngài cũng phải gây quỹ để có tiền trả chi phí pháp lý khá lớn và ngài có thể thực hiện qua một số bài viết của ngài.

Khi ở trong tù, ngài đã viết nhật ký và nhà xuất bản Ignatius Press ấn hành. Cuốn nhật ký dày 1.000 trang kể chi tiết 405 ngày biệt giam (để bảo vệ ngài) và chắc chắn ngài sẽ được chú ý trong suốt thời gian ngài ở Rôma.

Nguyễn Tùng Lâm dịch