Natalia Trouiller: “Đức Phanxicô yêu các phương tiện truyền thông, nhưng ngài cũng trừng phạt họ nặng”

228

Natalia Trouiller: “Đức Phanxicô yêu các phương tiện truyền thông, nhưng ngài cũng trừng phạt họ nặng”

cath.ch, 2020-12-07

Nhà báo Natalia Trouiller, người dịch sang tiếng Pháp tác phẩm mới nhất của Đức Phanxicô: “Một thời để thay đổi” (Un temps pour changer, nxb. Fammarion) cho biết: “Đức Phanxicô là người khi thương thì cho roi cho vọt và vì “ngài yêu các phương tiện truyền thông, nên ngài cũng trừng phạt họ nặng”,

Cựu nhà báo tại Đài truyền thanh Công giáo Pháp RCF và báo La Vie, nhà văn, cựu giám đốc truyền thông giáo phận Lyon, bà Natalia Trouiller cho biết trong quyển sách được viết với nhà báo người Anh Austen Ivereigh, Đức Phanxicô chỉ trích nghiêm khắc về thái độ bóp méo thực tế vì mục đích kinh tế hoặc ý thức hệ của các phương tiện truyền thông.

“Thông tin xuyên tạc”, “bôi nhọ”, “mê hoặc dân chúng bằng xì-căng-đan”, “văn hóa hậu-sự thật”, “chạy đua theo xếp hạng”, “biến đổi sự việc với mục đích ý thức hệ trục lợi”… chúng ta phải nghĩ gì về lời buộc tội của Đức Phanxicô với giới truyền thông không?

Nhà báo Natalia Trouiller: Tôi so sánh cách ngài đối xử với giới truyền thông với cách đôi khi ngài nói về các linh mục trong Giáo hội. Ngài đã có lời lẽ rất gay gắt với họ, thậm chí có một số cảm thấy ngài ngược đãi và không yêu thương họ. Nhưng thực sự tôi nghĩ, đây là một cách ngài bày tỏ tình phụ tử của mình, có lẽ ngài dùng củ cà rốt và cây gậy. Khi yêu họ, ngài đòi hỏi ở họ rất nhiều trong công việc.

Tình yêu của ngài dành cho giới truyền thông bắt nguồn từ đâu?

Từ “media, truyền thông” có hai nghĩa. Nó vừa được dùng để nói về nghề báo chí và truyền thông, vừa có nghĩa là người trung gian hòa giải. Nhưng Đức Phanxicô đặc biệt chú ý đến những gì là trung gian trong mối quan hệ. Triều giáo hoàng của ngài hoàn toàn tập trung vào ý tưởng gặp gỡ, đi vào mối tương quan với người kia. Và ngài sợ trung gian hòa giải sẽ làm biến dạng mối quan hệ. Ngài lặp lại điều này: hòa giải tốt sẽ làm cho mối quan hệ phát triển, nhưng hòa giải không tốt có nguy cơ làm tổn thương hoặc thậm chí phá vỡ quan hệ. Đó là lý do vì sao ngài đòi hỏi cao với tất cả những người làm trung gian hòa giải.

Tuy nhiên, ngài nhận thức được giới hạn của nó, đặc biệt khi không thể “đụng chạm”. Trong quyển sách, ngài nhấn mạnh “phương thức giao tiếp mà chúng ta cần nhất là chạm vào”. Rồi ngài lưu ý, đây là cảm giác duy nhất mà công nghệ chưa bắt chước được. Nếu ngài yêu các nhà báo, ngài biết không ai có thể nắm bắt đầy đủ những gì ngài nhìn, nghe, cảm thấy và chạm vào.

Ngài chỉ trích giới truyền thông vì đã làm giảm các nội dung thượng hội đồng gần đây về Amazon và thượng hội đồng gia đình, họ chỉ nhắm vào việc phong chức cho các ông đã lập gia đình và việc rước lễ của người ly dị tái hôn. Giáo hoàng có một ngây thơ nào đó chăng, ngài biết các cơ quan truyền thông thường thích các chủ đề này?

Ở đây chúng ta chạm vào chiều sâu trong bí ẩn của Đức Phanxicô. Đây có phải là cách để ngài giảm nhẹ các điều này, để chúng bùng lên trong một làn sóng truyền thông đang lướt qua không? Vì thành thật mà nói: một khi cơn bão truyền thông lắng xuống, những gì còn lại là văn bản của thông điệp kêu gọi giúp đỡ Giáo hội và những người sống đức tin kitô.

Như thế chẳng có gì mới dưới ánh sáng mặt trời kể từ Công đồng Vatican II và “công đồng các cơ quan truyền thông”…

Đúng! Và tôi chắc chắn, nếu chúng ta đi ngược lại thời gian xa xuôi hơn nữa, chúng ta sẽ tìm thấy “công đồng các tờ báo” đã bao trùm Công đồng Trent! Đó là điều mà tôi tin nó vốn có trong đời sống Giáo hội. Mặt khác, chúng ta nên nhìn các mật nghị: không phải không có lý do mà các hồng y buộc phải đóng cửa để bầu chọn giáo hoàng. Đó là việc bảo vệ bản thân khỏi tinh thần thế gian luôn muốn xem vào công việc của Giáo hội.

“Đó là việc bảo vệ bản thân khỏi tinh thần thế gian luôn muốn xem vào công việc của Giáo hội”

Trên thực tế, tôi nghĩ Đức Phanxicô hy vọng giới truyền thông xử lý tốt hơn những gì diễn ra tại các Thượng hội đồng, nhưng ngài biết tinh thần thế gian rình mò và cố gắng làm xao lãng tinh thần của Giáo hội. Hơn nữa, ngài cũng nhận thức được, những cơn khủng hoảng bộc lộ cho thấy trái tim. Ngài thấy câu chuyện phong chức các ông đã lập gia đình, viri probati, này có thể che khuất chương trình nghị sự. Đức Phanxicô là một nhà giao tiếp bẩm sinh. Do đó, ở đây chúng ta có thể thấy một chút chiến lược.

Chắc chắn, nhưng một giao tiếp tốt có làm sáng tỏ các chủ đề để không bị tràn ngập hoặc bị khép kín trong trò chơi truyền thông không?

Tôi không biết nếu Tòa Thánh có để mình khép kín hay không. Bằng chứng là tuyên bố cuối cùng của Thượng hội đồng về vùng Amazon đã không đề cập đến các ồn ào của báo chí về việc phong chức cho các ông đã lập gia đình. Ngược lại, tôi nghĩ chúng ta nên quan tâm hơn đến việc Đức Phanxicô sử dụng khái niệm đối vị. Điều này ngụ ý hai “cực” tương tác trong một căng thẳng sáng tạo và sinh ích. Các đối kháng này, không phải là vấn đề sợ hãi, phủ nhận hay giảm chúng thành những lựa chọn kiểu bên thiện bên ác rạch ròi. Tôi nghĩ Đức Phanxicô mời gọi chúng ta đi đến một hình thức mâu thuẫn được kiểm soát. Các mâu thuẫn này phải cho phép sự phản đối được thể hiện một cách tự do, để đạt được một điều gì đó khác với một cuộc chiến tiềm tàng hoặc một thỏa hiệp nghèo nàn.

Đây là khía cạnh rất thú vị trong tư tưởng của ngài, đáng được áp dụng trong gia đình, nghề nghiệp hay giáo xứ. Theo ngài, cuộc đối đầu không thể tránh khỏi, nhưng phải trở thành cơ hội để nắm bắt.

Đức Giáo hoàng có ý gì khi ngài viết “sự mua chuộc không phải là điều xa lạ đối với một số phương tiện truyền thông nói mình là công giáo, tự cho mình cứu Giáo hội khỏi chính Giáo hội?”

Đó là lời tố cáo thẳng thắn của giới truyền thông công giáo mắc hội chứng “thành trì bị vây”. Chúng ta có thể thấy rõ phong trào cực kỳ quan trọng trong Giáo hội, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và ở Pháp, có khuynh hướng cho rằng Giáo hội đang bị diệt vong – một loại trống tòa không nói tên của nó.

Nơi những người sống trong cảm giác này, người ta không thể phủ nhận tình yêu của Giáo hội, của Chúa Giêsu và khát khao Cứu độ thực sự của họ. Nhưng thảm kịch của họ là họ không bám rễ trong sự tuân phục tuyệt đối  Giáo hội và giáo hoàng. ‘Cứu Giáo hội’ là cám dỗ của một Luther, một Savonarola, một Giordano Bruno, một Giám mục Lefebvre. Tất cả họ sẽ trở thành những vị thánh cải cách vĩ đại nếu họ vẫn ở trong đức vâng lời!

Chúng ta hãy rõ ràng: đức vâng lời đôi khi có vị đắng. Những ai nghi ngờ điều này nên nhìn vào Chúa Giêsu, người đã vâng lời Chúa Cha đã xin Con mình vác thánh giá đến cùng… Đức vâng lời là một phần không thể thiếu trong sự Cứu rỗi của chúng ta.

Trong quyển sách Một thời để thay đổi, Đức Phanxicô định nghĩa một nhà báo giỏi là người ở thục địa. Mô hình kinh tế của báo chí ngày nay không phù hợp với tầm nhìn của Đức Phanxicô?

Rõ ràng là những khó khăn về kinh tế làm cho các nhà báo ngày càng ít được gởi đến thục địa, và điều này đang giảm đi một cách đáng kinh ngạc. Ngày nay, để ‘hiệu quả’ hơn, chúng ta có xu hướng kết hợp hai nguồn tin từ các hãng thông tấn, đôi khi họ lấy từ cùng một nguồn tin.

Còn các mạng xã hội chỉ là mẹo lừa. Twitter giờ đây đã trở thành ngôi nhà chung của những nhà báo không thể rời bàn làm việc được nữa. Nói tóm lại: báo chí phải được cứu và chắc chắn người công giáo có thể làm gì đó bằng cách đầu tư nhiều hơn vào đó.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô: “Chúng ta phải nhìn thế giới bằng con mắt mới” (1/2)

Đức Phanxicô: “Chúng ta phải nhìn thế giới bằng con mắt mới” (2/2)