Đức Phanxicô, một giai đoạn mới sắp tới

301

Đức Phanxicô, một giai đoạn mới sắp tới

mondayvatican.com, Andrea Gagliarducci, Vatican, 2020-12-07

Triều giáo hoàng Đức Phanxicô đang chuyển qua một giai đoạn mới. Công nghị 28 tháng 11 vừa qua vừa là bước ngoặt, vừa là động lực mới. Với Đức Phanxicô, động lực này sẽ dẫn đến giai đoạn cuối cho dự án đổi mới Giáo hội của ngài.

Ngay cả những người biết rõ Đức Phanxicô cũng không thể mô tả được chiều sâu của dự án canh tân của ngài. Họ chỉ nói: “Ngài không bao giờ chỉ nghĩ đến ngày hôm nay, ngài nghĩ cho mười năm tới”. Tuy nhiên, kế hoạch chung của Đức Phanxicô có thể suy luận như sau: ngài muốn có một Giáo hội bớt đắc thắng và thêm mục vụ. Nhưng việc buông bỏ chủ nghĩa đắc thắng có thể dẫn đến việc phá bỏ thể chế mà không cân nhắc đến những gì tốt đẹp trong đó. Có thể đến một thời điểm nào đó, ngài sẽ hiểu được sự hữu ích của những thứ thuộc về thể chế mà ngài đã phá bỏ. Tuy nhiên, xây dựng lại chúng không phải là điều dễ dàng.

Nếu đây là cái nhìn chung thì trên thực tế, ngài đã cụ thể hóa tầm nhìn của mình với cách “cứ làm thử, sai thì sửa”  mà không có một kế hoạch làm việc thực sự. Ngay cả linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, được biết đến là một trong những người diễn giải thân cận nhất của ngài, gần đây đã viết một bài để giải thích triều giáo hoàng của ngài chưa mất đi động lực của nó.

Động lực này là gì? Trước tiên, sẽ có cuộc cải cách Giáo triều. Tuy nhiên, việc hoàn thành cải cách Giáo triều sẽ không phải là thời điểm quan trọng vì ngài đã thực hiện nhiều phần của cuộc cải cách: đã có các bộ mới và đang hoạt động, các bộ khác được gom lại và ngài để mọi người rời nhiệm sở sau nhiệm kỳ năm năm. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Mọi thứ sẽ diễn ra theo cách này cho đến khi ngài định hình mọi thứ một cách dứt khoát.

Ngoài cải cách Giáo triều, các cấp bậc cao nhất của Vatican đang trải qua một sự thay đổi thế hệ. Sự thay đổi này sẽ đánh dấu những thay đổi.

Việc phong linh mục Mauro Gambetti lên hàng hồng y là một ví dụ nổi bật. Linh mục Gambetti là linh mục giám quản Tu viện Thánh thiêng Assisi. Tân hồng y Gambetti  được chỉ định làm hồng y phó tế phục vụ ở Đền thờ Thánh Danh Đức Mẹ Maria tại Forum Traianum, một nhà thờ gần Vương cung thánh đường của các Thánh Tông đồ, thuộc Dòng Phanxicô. Nhiệm vụ này rất quan trọng.

Mỗi hồng y phải được liên kết với một nhà thờ ở Rôma vì họ phải là một phần của hàng giáo phẩm Rôma và vì thế kết nối với giáo hoàng, trong tư cách là những cộng tác viên của giáo hoàng. Hồng y có các cấp bậc: họ có thể là hồng y phó tế, hồng y linh mục, hoặc hồng y giám mục. Tất cả các hồng y đều là tổng giám mục, nhưng các cấp bậc có từ một thời xa xưa, khi các hồng y thực sự làm việc ở Rôma.

Một hồng y phó tế có nghĩa là hồng y thực sự làm việc ở Rôma – trong khi các hồng y linh mục chung chung là các tổng giám mục địa phương. Vì tân hồng y Gambetti không có nhiệm vụ hiện nay nên có nhiều khả năng ngài sẽ có một vị trí ở Rôma.

Có nhiều bộ mà người đứng đầu sẽ về hưu. Có tin đồn tân hồng y Gambetti sẽ được bổ nhiệm làm Tổng quản Đền thờ Thánh Phêrô, thay thế hồng y Angelo Comastri bước sang tuổi 77, đã quá tuổi nghỉ hưu hai năm.

Một dấu chỉ của việc bổ nhiệm sắp tới này là Đức Phanxicô đã kêu gọi hoãn bầu cử các thành viên của Tu nghị Thánh Phêrô, linh mục đoàn quản lý Đền thờ Thánh Phêrô dưới quyền của tổng quản. Các cuộc bầu cử được cho là sẽ diễn ra vào cuối mùa hè hoặc trong mùa thu, nhưng Đức Phanxicô xin dời lại sau ngày 11 tháng 1. Hồng y Gambetti có thể sẽ được công bố là tân Tổng quản ngày 8 tháng 12. Cũng có khả năng hồng y Comastri sẽ giữ chức vụ trong thời gian lễ Giáng sinh, để cử hành lễ Giáng sinh tại Đền thờ Thánh Phêrô.

Hồng y Gambetti sẽ có nhiệm vụ làm cho Đền thánh là “nơi cầu nguyện nhiều hơn, ít tính cách bảo tàng hơn” theo định nghĩa của hồng y Konrad Krajewski người phụ trách công việc từ thiện của giáo hoàng. Thật ra sau các lời đàm tiếu, còn có những cuộc thảo luận nội bộ về các nghi lễ được cử hành ở Đền thờ Thánh Phêrô giữa những người bảo thủ và những người tiến bộ.

Đây là những vấn đề nhỏ, nhưng đáng chú ý, để chúng ta có thể hiểu được các giai đoạn hung họa ở Vatican. Đức Phanxicô cũng muốn di sản Đền thờ Thánh Phêrô nằm dưới quyền của một ủy viên, với một quyết định chưa từng có. Quyết định này nảy sinh từ các cuộc thảo luận nội bộ đưa các lời đàm tiếu này đến bàn làm việc của ngài.

Hồng y Beniamino Stella, tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, là một trong những cố vấn thân cận nhất của Đức Phanxicô. Ngài bước sang tuổi 80 vào tháng 8 sang năm và nhiều khả năng Đức Phanxicô sẽ thay thế Hồng y ở vị trí lãnh đạo. Có tin đồn hồng y Angelo de Donatis, đại diện của ngài ở giáo phận Rôma sẽ thay hồng y Stella. Và tân hồng y Paolo Lojudice, tổng giám mục giáo phận Siena sẽ thay thế hồng y De Donatis.

Nếu các tin đồn là đúng thì Đức Phanxicô có thể đạt đến điểm mà ngài mong muốn từ lâu. Ngài đã chọn tân hồng y Lojudice làm đại diện của mình khi hồng y còn là giám mục phụ tá ở Rôma. Tuy nhiên, Đức Phanxicô muốn biết ý kiến của các linh mục quản xứ của Rôma. Khoảng 300 linh mục đã trả lời câu hỏi và 80 phần trăm cho biết hồng y De Donatis là ứng cử viên ưa thích của họ để làm Đại diện cho giáo phận Rôma.

Vì thế Đức Phanxicô đã bổ nhiệm hồng y De Donatis. Có vẻ như ngài đã chân thật nói với hồng y: “Tôi không muốn chọn ngài, nhưng ngài có được sự ủng hộ của 80 phần trăm linh mục, tôi không thể làm gì khác”.

Trong thời gian cách ly vì coronavirus, Đức Phanxicô và hồng y De Donatis đã có cuộc thảo luận căng thẳng. Trong thời điểm nặng nề nhất của đại dịch, Hồng y De Donatis đã quyết định đóng cửa các nhà thờ, và Đức Phanxicô biết và ủng hộ điều này. Sau đó ngài  thay đổi quyết định. Hồng y cũng bỏ quyết định của mình, ngài công khai tuyên bố, mọi quyết định đã được thực hiện với sự đồng ý của Giáo hoàng.

Quyết định của Đức Phanxicô trong việc phong tân hồng y Lojudice được xem là một cách để Đức Phanxicô tái cân bằng quyền lực.

Sau khi bổ nhiệm tân hồng y Marcello Semeraro đứng đầu Bộ Phong thánh, ngài sẽ phải bổ nhiệm các giám chức mới cho các cộng đoàn Giám mục, các Giáo hội Đông phương, Giáo dục Công giáo, và Giáo lý Đức tin. Tất cả các giám chức hiện nay đã trên 75 tuổi.

Các giám chức mới có thể là một ngạc nhiên hoàn toàn. Có tin Giám mục Dòng Tên Daniele Libanori, một trong những giám mục phụ tá của Rôma sẽ được bổ nhiệm làm tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, nhưng điều này đã không xảy ra. Bộ trưởng kế tiếp của Bộ Giám mục có thể đến từ Hoa Kỳ, nhưng đây cũng chỉ là tin đồn. Mọi thứ đều ở dạng “có lẽ”.

Phủ Quốc Vụ Khanh cũng ở trong giai đoạn không chắc chắn. Phủ đã bị trừng phạt vì những bê bối tài chính. Các khoản đầu tư và tài sản của Phủ đã được chuyển giao cho Cơ quan Quản lý Tông tòa. Đây bị cho là một hình phạt vì trước đó có kế hoạch tập trung đầu tư thông qua các quỹ chủ quyền. Tuy nhiên, chỉ có Phủ Quốc Vụ Khanh mới bị chuyển giao quyền di sản của mình, trong khi Bộ Truyền giáo các Dân tộc và Cơ quan Quản lý Nhà nước Thành phố Vatican thì không. Ngay cả các cơ quan của Vatican với ngân sách đặc biệt cũng tránh được việc tập trung hóa này.

Cũng cần nói, đã đến lúc hồng y Parolin phải rời Rôma. Các tin đồn khác nói ngài có thể được bổ nhiệm làm Thượng phụ Venice, cũng như các Thượng phụ Venice trước đây, Angelo Giuseppe Roncalli và Albino Luciani, cả hai sau đó đều được bầu làm giáo hoàng.

Thời điểm bất định đưa ra nhiều dấu chỉ, và việc giải thích các dấu chỉ này khá quan trọng. Sự việc Đức Phanxicô không rút lui trong việc cải cách Dòng Malta, có thể thấy thế qua việc ngài phong tân hồng y Silvano Maria Tomasi làm hồng y phó tế San Nicola ở Carcere. Tân hồng y Tomasi hiện đang phục vụ với tư cách là đại diện của Giáo hoàng ở Dòng Malta và nhà thờ này cũng là nhà thờ của hồng y Canali, nhà cải cách cuối cùng của Dòng Malta.

Đức Phanxicô cũng nói qua những dấu chỉ này. Sau giai đoạn đầu của chuyên gia tư vấn bên ngoài và giai đoạn thứ hai của chuyên gia tư vấn bên trong, Đức Phanxicô bắt đầu giai đoạn thứ ba: ngài trung thành với kế hoạch ban đầu, nhưng ngài cần đến các nhà tư vấn nội bộ (và cá nhân) để kết thúc công việc mà ngài đã bắt đầu.

Cũng không ngạc nhiên khi có một tin đồn khác đang lan truyền: Đức Phanxicô muốn triệu tập một công nghị khác vào tháng hai, đây không phải là công nghị để phong hồng y mới, nhưng là công nghị để trình bày cải cách và tìm kiếm đồng thuận. Đây sẽ là sự thể hiện sức mạnh giữa nhiều lời chỉ trích. Ngài xem các lời chỉ trích này là “sự cự lại”. Trong nhiều trường hợp, nó đã không như vậy. Đã có những lời chỉ trích nhằm ngăn chặn Giáo hoàng phá bỏ mọi thứ vì không phải mọi thứ đều sai. Điều này không quan trọng với ngài, ngài kiên định với mục tiêu cuối cùng của mình và ngài muốn đạt được bằng mọi giá.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Linh mục Gambetti, hồng y trong áo nâu dòng

Augusto Paolo Lojudice, tân hồng y của người vô gia cư

Tân hồng y Tomasi: hiến mình phục vụ cho  người sống bên lề xã hội