Rôma xin các giám mục “làm bước trước” với các tín hữu kitô khác

213

Rôma xin các giám mục “làm bước trước” với các tín hữu kitô khác

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2020-12-04 

Tổng Giám mục giáo phận Paris Michel Aupetit và giáo sĩ quản nhiệm Nhà thờ Anh giáo Mark-Osborne ngày 22 tháng 1 năm 2020.

Ngày thứ sáu 4 tháng 12, Vatican công bố “Cẩm nang đại kết” để giúp các giám mục đối thoại với các tín hữu kitô thuộc các tôn giáo khác. Một lời nhắc mà Rôma xem là thiết yếu khi chương trình đại kết bị đứng hàng thứ nhì trong các quan tâm cho lợi ích  tương quan giữa các tôn giáo.

Làm thế nào để khuyến khích người công giáo đối thoại với tín hữu kitô các tôn giáo khác? Đây là câu hỏi mà Vatican dự định sẽ trả lời trong tài liệu được công bố vào ngày thứ sáu 4 tháng 12. Tài liệu khoảng ba mươi trang được dịch ra nhiều thứ tiếng và gởi cho các giám mục. Cẩm nang do Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hợp nhất Kitô hữu đã bắt đầu cách đây ba năm, đưa ra nhiều “đề nghị thiết thực” để bắt đầu lại cuộc đối thoại.

36 lời khuyên được gởi đến các giám mục vừa nhằm thúc đẩy tinh thần đại kết trong chính Giáo hội công giáo, vừa với các tín hữu kitô khác. Vì vậy, Rôma khuyến khích các giám mục nhận thức được “tính cấp thiết” của việc đại kết bằng cách thực hiện các biện pháp cụ thể như bổ nhiệm một ủy ban thường trực về chủ đề này, hoặc bổ nhiệm người có trách nhiệm lo các việc này trong giáo xứ. Vatican cũng đề nghị nên tổ chức ít nhất một khóa học bắt buộc trong tất cả các cuộc hội thảo về đại kết.

“Làm bước trước”

Dù sao, theo các viên chức của Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Hợp nhất Kitô hữu, người công giáo đừng bao giờ ngại “đi bước trước để gặp gỡ các nhà lãnh đạo các Giáo hội khác”.

Bản cẩm nang khuyến khích hoàn tựu các hành động cụ thể, nhưng cũng không tránh khỏi các câu hỏi khó khăn như sự tham dự vào bí tích của các tín hữu thuộc các giáo phái kitô khác. Trong trường hợp này, Rôma nhắc lại giáo lý: việc rước lễ của các tín hữu không công giáo bị cấm nhưng có  một số ngoại lệ. Và chính trong định nghĩa của những trường hợp ngoại lệ này, các giám mục có một vai trò.

“Sự phán xét của giám mục về điều gì tạo nên ‘sự cần thiết nghiêm trọng’ và về những hoàn cảnh mà việc chia sẻ bí tích đặc biệt này là thích hợp, luôn là một phân định mục vụ, nói cách khác, một phân định liên quan đến việc chăm sóc và cứu rỗi các linh hồn. Trong mọi trường hợp, việc chia sẻ các bí tích không nên được thực hiện chỉ vì lịch sự.”

“Chúng ta phải cố gắng hết sức mình”

Khi đưa ra các lời khuyên này, trước hết  Tòa Thánh mong muốn cổ động các văn bản hiện có, như thư mục về chủ nghĩa đại kết xuất bản năm 1993, hoặc Thông điệp Để tất cả nên một (Ut unum sint) cũng cùng chủ đề được Đức Gioan-Phaolô II ký hai năm sau đó.

Vì sao sau khi công bố một tài liệu như vậy mà không giới thiệu bất cứ điều gì mới? Để bắt đầu lại cuộc đối thoại, Đức Hồng y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục đã trả lời: “Với sự gia tăng của các luồng di cư, các xã hội ngày càng trở nên đa văn hóa hơn và việc đối thoại với các tôn giáo khác là trọng tâm. Tôi tin rằng điều này làm tăng tầm quan trọng của chủ nghĩa đại kết. Vì để được tín nhiệm hơn, chúng ta cần phải cố gắng hết sức mình.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch