Ngày “Tôi thành hồng y”

164

Ngày “Tôi thành hồng y”

Tân hồng y Enrico Feroci trong Công nghị 28 tháng 11 – 2020

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2020-11-28

Cha xứ đơn sơ ở một đền thánh bình dân ở phía nam Rôma, cha là cựu giám đốc Caritas ở Rôma gần mười lăm năm, cha Enrico Feroci, 80 tuổi, được Đức Phanxicô chọn làm hồng y trước sự ngạc nhiên của… chính cha.

Nhìn chăm chú vào bạn qua cặp kính cận trên chiếc khẩu trang màu xanh, ngài lập tức nhắc bất cứ ai đến chào ngài: “Đừng gọi tôi là ‘Eminence’ (trọng kính, cụm từ lịch sự được dùng để nói chuyện với các hồng y). Tôi cảm thấy như bạn đang nói chuyện với người khác. Vài ngày sau khi thông báo, cha Enrico Feroci, 80 tuổi, vẫn có vẻ hơi bàng hoàng.

Khi đón bạn ở ngưỡng cửa chủng viện của đền thánh Thiên Chúa-Tình yêu, trung tâm đức tin bình dân nằm cách Rôma khoảng 20 cây số phía nam, linh mục vừa được Đức Phanxicô nâng lên hàng hồng y trong thánh lễ chúa nhật này ở Rôma cố gắng tóm tắt lại các cảm xúc mấy ngày vừa qua.

Cha kể: “Tôi sắp cử hành thánh lễ lúc 12:30 trưa chúa nhật 25 tháng 10, thì có người bước vào phòng thánh và nói, ‘Đức Giáo hoàng đã phong cha làm hồng y!’ Tôi nghĩ người đó nói đùa để chọc tôi: ‘Hồng y gì? Anh đang muốn nói về lễ hội hóa trang phải không?’. Tôi cười”. Nhưng người đó rút điện thoại ra và đưa tôi xem đoạn trích từ Kinh Truyền Tin của Đức Phanxicô, nửa giờ trước đó, cuối lời cầu nguyện ngài công bố tên 13 tân hồng y. Một tiến trình mà các đương sự không bao giờ được báo trước. “Khi nhìn tin tức, tôi hết hồn, tôi không biết nói gì. Cuối cùng tôi cũng cử hành thánh lễ như phải làm nhưng tôi bị bàng hoàng.”

Vài ngày sau, khi chúng tôi gặp ngài, sự hoài nghi của “tân hồng y” vẫn còn. Và khi cha kể cho bạn nghe những ngày vừa qua, cha vẫn còn thắc mắc: “Đó là một điều hoàn toàn bất ngờ. Tôi hơn 80 tuổi.” Tuổi theo giáo luật các hồng y không còn tham dự mật nghị. “Tôi tự hỏi tại sao Đức Giáo hoàng lại làm điều đó…” Và cánh tay phải của Đức Phanxicô trong việc quản lý giáo phận Rôma đã không thực sự giúp cha hiểu được: “Đây là trò đùa của Chúa!”, cha nói với chúng tôi.

Dù vậy khi chọn linh mục Feroci, Đức Phanxicô đã lựa chọn theo lòng mình, khi linh mục 80 tuổi chia sẻ cái nhìn về Giáo hội và cách ngài sống thiên chức linh mục của ngài. Phải thừa nhận, vì quá 80 tuổi, tân hồng y Enrico Feroci sẽ không bao giờ là cử tri trong trường hợp có mật nghị. Ngài cũng sẽ không tạo sự nghiệp ở Giáo triều. Nhưng chính điều này đã củng cố cho biểu tượng chọn lựa linh mục Feroci, một công dân La Mã mãi mãi. Cha là giám đốc chi nhánh Caritas của thành phố Rôma trong mười bảy năm, cha đã ở Prati Fiscali, một quận ở phía bắc của Rôma ba mươi năm. Cha biết hơn ai hết những khu dân cư của tầng lớp lao động của thành phố, ngày nay tràn ngập những “người nghèo mới” mà các hiệp hội đang hỗ trợ hàng trăm người trong thời đại đại dịch. Cuối năm 2015, cha đã đón Đức Phanxicô đến mở “một cửa thánh lòng bác ái” ở một trong các trung tâm lưu trú của Caritas xung quanh ga Termini.

Năm năm sau, cha không giấu sự lo lắng về hậu quả của vi rút trong tương lai. Cha nói: “Tôi đặc biệt quan tâm đến tất cả những đau khổ mà chúng ta không nhìn thấy, những đau khổ sẽ đến hoặc vẫn còn vô hình, nhưng thực sự là do đại dịch gây ra. Chúng ta hoàn toàn phớt lờ nạn nghèo đói đang đến.” Cha nhấn mạnh: “Sự chia rẽ sâu đậm do Covid tạo ra trong các gia đình. Loại vi-rút này nuôi dưỡng nỗi sợ hãi người khác, người mà tôi xem họ có thể giết tôi”.

Còn về cuộc chiến chống lại nạn đói nghèo, cha Feroci đã chiến đấu suốt đời, ở ngoại ô Rôma cũng như ở Mozambique, đất nước Phi châu mà cha đã tạo mối liên kết bằng cách kết nghĩa với một trong các giáo xứ Rôma của cha. Nhưng chúng ta đừng làm theo khẩu hiệu, vì phục vụ người nghèo là từ đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô. Cha nhớ lại: “Khi tôi còn là cha xứ họ đạo, trong một thánh lễ Giáng sinh, tôi xin một em bé lên bàn thờ. Tôi tặng em bé chiếc bánh ngọt panettone, loại bánh phổ thông của người Ý và chiếc bánh torrone (kẹo nougat phổ biến của Ý), và một món quà khác. Vòng tay của em bé đầy đến mức khi tôi đưa Chúa Hài Đồng cho em ấy, em đã không thể bồng Chúa được nữa. Đó là cách để cho em thấy tất cả sự nghèo khó của chúng ta là ở đó: phải có khả năng đón nhận Chúa. Đó là vấn đề thang bậc của các giá trị.

Một nội dung ngài luôn nhắc, kể cả tại ở đền thờ Thiên Chúa-Tình yêu mà vì Covid nên hiện nay vắng bóng khách hành hương, ngược với thường ngày, giáo dân hành hương luôn đổ về nơi này, nơi từ cuối thế kỷ 18, giáo dân Rôma thường đến cầu nguyện với Đức Mẹ xin Mẹ bảo vệ thành phố của họ khỏi chiến tranh cũng như khỏi đại dịch.

Chính nơi đây cha Feroci chọn ở lại phục vụ sau khi được Đức Phanxicô trao chiếc mũ đỏ hồng y. Cha nói: “Cá nhân tôi, tôi hy vọng vậy, tôi nghĩ sẽ chẳng có gì thay đổi. Tôi luôn sẵn sàng đi phục vụ nơi này nơi kia, nhưng tôi đã lớn tuổi. Và chỗ của tôi là ở đây, ở bên cạnh người hành hương đến viếng đền thánh.”

Khi chào từ giã cha, ai cũng hỏi cha: “Cha muốn chúng con chúc cha gì? Chúc cha may mắn?” Cha bật cười: “May mắn. Tôi không biết. Tôi làm theo ý Chúa từng ngày, phần còn lại chúng ta sẽ thấy sau!”

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: