Loại nhà nào các con muốn xây cho Ta?
Ronald Rolheiser, 2020-10-26
Hình minh họa
Điều gì đúng và điều gì không đúng? Chúng ta đấu tranh rất nhiều về các vấn đề đạo đức, thường là với một biện minh cho mình. Và đa số chúng ta rơi vào tình trạng tự cho mình là đúng mỗi khi tranh luận về tội. Điều gì cấu thành tội và điều gì cấu thành tội trọng? Các phái kitô giáo và các trường phái tư tưởng khác nhau dựa trên nhiều loại lý luận kinh thánh và triết học để cố gắng giải quyết vấn đề này, thường là có các bất đồng gay gắt và tạo ra nhiều tức giận hơn là đồng thuận.
Phần nào đó là chuyện hẳn nhiên, vì các vấn đề đạo đức phải tính đến sự bí ẩn của tự do con người, các hạn chế vốn có trong tình huống ngẫu nhiên và số lượng các tình huống tồn tại khác nhau giữa người này với người kia. Trong bất kỳ tình huống cụ thể nào cũng không dễ dàng phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai, thậm chí còn khó hơn để phân biệt đâu là tội và đâu là không.
Dù không có ý định xúc phạm đến các tiếp cận các vấn đề đạo đức một cách kinh điển của các giáo hội và các nhà tư tưởng đạo đức của chúng ta, tôi nghĩ rằng có một cách tốt hơn để tiếp cận lành mạnh hơn, xét đến tự do, đến các giới hạn của con người và hoàn cảnh hiện sinh đặc biệt của từng cá nhân. Cách tiếp cận không phải của riêng tôi, mà là cách tiếp cận được tiên tri Isaia đưa ra, ngài đưa ra câu hỏi này của Chúa cho chúng ta: Các ngươi sẽ xây cho Ta ngôi nhà nào? (Isaia 66, 1) Câu hỏi này là nền tảng cho tinh thần môn đệ và tất cả các lựa chọn đạo đức của chúng ta.
Các ngươi sẽ xây cho Ta ngôi nhà nào? Giáo dân có đức tin nói chung đã hiểu điều này theo nghĩa đen, và vì vậy từ thời cổ đại cho đến ngày nay, họ đã xây đền thờ, nhà thờ chính tòa, vương cung thánh đường, các đền thánh nguy nga tráng lệ để thể hiện đức tin của họ vào Chúa. Điều đó thật tuyệt vời, nhưng lời mời mà tiên tri Isaia nói, trước hết và quan trọng nhất, là loại ngôi nhà mà chúng ta có ý định xây dựng bên trong lòng mình. Làm thế nào để chúng ta giữ hình ảnh và sự giống Chúa trong cơ thể, trong trí tuệ, trong tình cảm, hành động của chúng ta? Loại “nhà thờ” hay “thánh đường” nào trong con người chúng ta? Đó là câu hỏi sâu hơn về lối sống đạo đức.
Vượt lên trình độ sơ đẳng, việc chúng ta có quyết định về mặt đạo đức không còn được hướng dẫn bởi câu hỏi đúng hay sai, điều này có tội hay không. Thay vào đó, nó nên được hướng dẫn và thúc đẩy bởi một câu hỏi cao hơn: Các ngươi sẽ xây cho Ta ngôi nhà nào? Tôi muốn sống hết nhân tính và tư cách môn đệ của tôi ở mức độ nào? Tôi muốn tự phục vụ bản thân nhiều hơn hay tôi muốn quảng đại hơn? Tôi muốn hèn hạ hay cao quý? Tôi muốn tự thương hại hay có tâm hồn cao thượng? Tôi muốn thực hiện các cam kết của mình hoàn toàn trung thực hay tôi cảm thấy thoải mái khi phản bội người khác và chính tôi một cách ẩn giấu? Tôi muốn nên thánh hay muốn tầm thường?
Ở mức độ trưởng thành trong tư cách môn đệ (và trong sự trưởng thành của con người), câu hỏi không còn đặt ra nữa, điều này có đúng không? Đó không phải là câu hỏi của tình yêu. Câu hỏi của tình yêu là, làm thế nào tôi có thể đi sâu hơn? Tôi có thể sống tình yêu, sự thật, ánh sáng và lòng chung thủy ở mức độ nào?
Tôi xin đơn cử một ví dụ đơn giản dễ hiểu để minh họa điều này. Chúng ta hãy xem vấn đề khiết tịnh tình dục: thủ dâm có sai và tội không? Tôi đã từng nghe một giáo sư đạo đức có quan điểm về điều này, ông phản ánh sự thách thức của tiên tri Isaia. Ở đây, trong một cách diễn đạt, ông đã đưa ra vấn đề: “Tôi không nghĩ việc ngữ cảnh hóa câu hỏi này, cũng như các văn bản thần học đạo đức cổ điển là hữu ích, khi nói rằng đó là một rối loạn nghiêm trọng và tội nghiêm trọng. Tôi cũng không nghĩ sẽ hữu ích khi nói những gì nền văn hóa và phần lớn tâm lý học đương đại đang nói, rằng đó là sự thờ ơ về mặt đạo đức. Tôi nghĩ, một cách hữu ích hơn để tiếp cận vấn đề này là không nhìn nó qua lăng kính của đúng hay sai, tội hay không. Thay vào đó, hãy tự hỏi mình câu hỏi: tôi muốn sống ở mức độ nào? Tôi muốn thực hiện đức khiết tịnh, lòng trung thành và sự trung thực của tôi ở mức độ nào? Vào lúc nào trong cuộc đời, tôi muốn chấp nhận gánh thêm căng thẳng mà trong tư cách môn đệ và nhân tính của tôi đòi hỏi tôi? Tôi muốn trở thành người như thế nào? Tôi muốn trở thành người hoàn toàn minh bạch hay người có những thứ phải che giấu? Tôi có muốn sống trong sự tiết độ hoàn toàn không?” Tôi muốn là “đền thờ” nào? Tôi có thể xây loại nhà nào cho Chúa?
Tôi tin đây là cách lý tưởng mà chúng ta nên có, trước các lựa chọn đạo đức trong cuộc đời. Chắc chắn đây không phải là linh đạo dành cho những người có sự phát triển đạo đức quá kém hoặc bị suy giảm đến mức họ vẫn còn đấu tranh với các đòi hỏi căn bản nhất của Mười Điều Răn. Những người như vậy cần trợ giúp khắc phục và điều trị và đó là một trách vụ khác (dù rất cần thiết).
Và một điểm nữa, sự lựa chọn luân lý này đến với chúng ta, cũng như tất cả các lời mời từ Chúa, như một lời mời, chứ không như một mối đe dọa. Chính qua tình yêu chứ không qua đe dọa mà Chúa mời gọi chúng ta vào đời sống và làm môn đệ, Ngài luôn nhẹ nhàng hỏi chúng ta: loại nhà nào con muốn xây cho Ta?
Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm:Vượt lên các sai lầm và điểm yếu