Pablo Servigne: “Trong ‘Fratelli tutti’, Đức Phanxicô cho thấy một minh triết cá nhân và chính trị”
Ba năm trước, ông Pablo Servigne, kỹ sư nông nghiệp và chuyên gia nghiên cứu sự sụp đổ, đã cùng với với ông Gauthier Chapelle viết quyển sách Tương trợ. Luật khác của rừng (L’Entraide. L’autre loi de la jungle). Ông trả lời phỏng vấn của báo La Vie về Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti của Đức Phanxicô vừa phát hành.
lavie.fr, bài phỏng vấn của nữ nhà báo Marie-Lucile Kubacki, 2020-10-05
Kỹ sư Pablo Servigne. Hình; Jerome Panconi
Điều gì làm cho ông chú ý trong thông điệp mới của Đức Phanxicô?
Kỹ sư Pablo Servigne: Tôi chia sẻ ghi nhận của ngài, rằng thời hiện đại đã trở nên mù quáng và điếc trước tiếng kêu của thiên nhiên, của người nghèo và của những người bị loại trừ, đặc biệt do chủ nghĩa mù quáng ngắn hạn. Ngài đã trích dẫn một số triệu chứng của vấn đề này: bỏ rơi người già, bỏ gốc rễ, bỏ tất cả những gì cho chúng ta cảm nhận thuộc về và an toàn, vốn là các điều thiết yếu cho mối quan hệ xã hội và tình huynh đệ. Cùng với tác giả Gauthier Chapelle, chúng tôi nghiên cứu sâu các cơ chế tương trợ, hợp tác và lòng vị tha trên thế giới. Kết luận là mọi xây dựng trên sự hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong một nhóm là bảo đảm lâu dài. Sự mù quáng ngắn hạn chỉ có thể phá hủy điều đó. Đó là cấu trúc. Một cô bạn nói với tôi: “Chúng tôi đã thành người vô gia cư, thành trẻ mồ côi và thây ma…” Chúng ta thực sự thiếu gốc rễ, thiếu cảm nhận thuộc về, thiếu liên kết với người lớn tuổi, thiên nhiên, những thứ kết nối chúng ta về lâu về dài, và chúng ta đi như những người lạc lõng, nhớn nhác, không mục đích, phá hủy môi trường sống của mình.
Đức Phanxicô đưa ra một phân tích sắc bén về những gì cản trở tình huynh đệ, một chủ đề mà chính ông đã làm việc…
Thật khó để kê ra tất cả các cản trở cho tình huynh đệ nhưng tôi rất ấn tượng bởi suy nghĩ của ngài về tầm quan trọng của mạng xã hội. Tôi vừa xem bộ phim tài liệu Phía sau màn hình phun khói của chúng ta (Thế lưỡng nan xã hội) (Derrière nos écrans de fumée ‘The Social Dilemma’), cho thấy các công ty khổng lồ GAFA (Google, Amazon, Facebook, Apple) và mạng xã hội là công cụ giết chết nền dân chủ như thế nào vì chúng tạo ra bong bóng, trong đó mỗi người củng cố trong suy nghĩ và niềm tin của họ. Sự liên kết với chính mình, không những không làm thuận lợi cho đối thoại mà còn tạo ra chia rẽ và phân cực, như ở Mỹ giữa những người theo hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, và các bong bóng “tin tức ô nhiễm” đầy các thuyết âm mưu. Tất cả những điều này cấu thành tội ác chống lại nền dân chủ. Lô-gích được mạng xã hội nuôi dưỡng đúng là ma túy tấn công xã hội – cộng đồng, tình huynh đệ – bản chất con người để làm lợi cho các công ty lớn và lợi ích riêng tư của họ.
Ông thấy các điểm tương đồng nào giữa suy nghĩ của Đức Phanxicô và công việc của ông?
Tôi thích việc ngài không loại trừ lý tính. Ngài nói, để vun đắp tình huynh đệ phải có lý tính, đức tin và tình yêu. Cùng với tác giả Gauthier Chapelle, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những gì khoa học đã có thể khám phá về tình huynh đệ, sự tương trợ lẫn nhau và lòng vị tha. Chúng tôi đã đi đến kết luận, phong phú lại là môi trường nghịch lý khơi dậy cạnh tranh và chủ nghĩa cá nhân. Ngược lại, trong môi trường khó khăn – một thảm họa chẳng hạn – tinh thần tương trợ và đoàn kết lại tự động phát sinh. Bản chất con người luôn có lòng vị tha và tương trợ, nhưng điều đó chưa đủ: cần có các thể chế phù hợp, để những gì tốt nhất trong chúng ta có thể xuất hiện và trường tồn. Ngày nay, hệ tư tưởng tân-tự do đã phát triển trên một quy mô điên rồ, in sâu sự cạnh tranh và xâm lược như quy luật của tự nhiên và của xã hội trong nền tảng thể chế. Cạnh tranh dẫn đến ngờ vực, co mình, gây hấn và thao túng. Điều này phá hủy cơ cấu xã hội của chúng ta, làm lung lay cảm nhận an toàn và lòng tin tưởng của chúng ta. Con người cảm nhận bất công, một cảm nhận vô cùng độc hại cho tinh thần tương trợ được phát sinh trong nhóm. Sự ngờ vực, bất công và bất an là công thức lý tưởng để phá hủy một xã hội.
Khoa học đã xác minh, những người sống còn qua các cuộc khủng hoảng không phải là người mạnh nhất; nhưng chính những người tương trợ mới là người mạnh nhất.
Một bầu khí khủng hoảng như vậy có thực sự có lợi cho tình huynh đệ không? Chúng ta có thể nghĩ ngược lại, lô-gích của việc mạnh ai nấy chạy sẽ thắng!
Theo nhãn quan trong các thảm họa toàn cầu, không phải thiếu hụt là nguy hiểm – và sự thiếu hụt, chúng ta sẽ thấy trong thế kỷ tới – vì loài người đã trải qua hàng thế kỷ thiếu thốn. Tuy nhiên, điều nguy hiểm trong sự thiếu hụt là nó đi đôi với văn hóa ích kỷ.
Từ hai hoặc ba thế kỷ nay, và đặc biệt là 50 năm vừa qua, chúng ta đã bị đẩy đến các hành vi ích kỷ, điều này mâu thuẫn với khuynh hướng vị tha, và làm cho chúng ta tưởng tượng rằng người kia ích kỷ, do tác động của lời tự nói trước. Nếu chúng ta nghi người anh em mình là người rất ích kỷ, chỉ chờ có khủng hoảng để cướp thức ăn, chúng ta sẽ có khuynh hướng tấn công phòng ngừa, nó chỉ đổ thêm dầu vào lửa! Vì thế trong đầu phải có một nỗ lực để đánh bạt cái gọi là luật rừng cạnh tranh. Để làm được điều này, chúng ta phải xóa mặc cảm cho những người có lòng khát khao tương trợ và vị tha: họ không phải là người ngây thơ, là con gấu bông. Khoa học đã xác minh, những người sống còn qua các cuộc khủng hoảng không phải là người mạnh nhất; nhưng chính những người tương trợ mới là người mạnh nhất.
Dè chừng người anh em, có phải đó là phản xạ… của con người?
Các thí nghiệm kinh tế cho thấy Con người Kinh tế Homo Economicus, sinh vật duy lý và ích kỷ là không tồn tại. Lúc tiếp xúc đầu tiên, con người là vị tha, “thân với xã hội”, nhưng nó vẫn cảnh giác. Dè chừng là bình thường và rất lành mạnh. Nhưng một khi mối liên hệ xã hội đầu tiên được thiết lập, chúng ta sẽ phản ứng theo phản ứng của người kia. Nếu người kia phản ứng một cách ích kỷ, chúng ta cũng làm như vậy và đó là chiến tranh. Nếu người kia phản ứng vị tha, chúng ta phản ứng có đi có lại và đó là hòa bình. Quy tắc đơn giản này là cơ chế ổn định nhất ở cấp độ tiến hóa đối với các cá nhân, và nó cũng có giá trị với các quốc gia. Vấn đề là chúng ta đã đạt đến các thang điểm của ngờ vực, bất công và mất an ninh quá lớn, nó mang tính hệ thống đến mức khó có thể kiềm chế được sự chênh lệch của tiềm năng man dại lớn.
Tôi đọc Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti như một trong những nỗ lực ngoại giao cuối cùng trước khi bùng nổ các cuộc nội chiến và xung đột hàng loạt.
Tại sao?
Các quốc gia bất bình đẳng, một số mạnh hơn, nhiều quyền hơn, một số có quyền bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc, một số không tham gia vào lợi ích chung, v.v., bầu khí bất bình đẳng và bất công này đã tác động đến sự hợp tác quốc tế. Trong thông điệp, Đức Phanxicô đề nghị các giải pháp để hợp tác quốc tế và ngài dám nói đến hòa giải, đến tha thứ và đến phẩm giá. Điều quan trọng là phải hạ vũ khí và bắt đầu đối thoại với những người mà chúng ta đang có mâu thuẫn, để đạt đến “việc xây dựng các bất đồng” (Patrick Viveret). Theo cách nói của nhà xã hội học Marcel Mauss, chúng ta “chống đối mà không giết lẫn nhau”. Tôi đọc Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti như một trong những nỗ lực ngoại giao cuối cùng trước khi bùng nổ các cuộc nội chiến và xung đột hàng loạt.
Sự bất an toàn cầu này có phải là hệ quả của toàn cầu hóa?
Đức Phanxicô nêu lên nghịch lý của toàn cầu hóa: một cách nghịch lý, việc mở cửa biên giới đã tạo ra các co cụm bản sắc, tạo chủ nghĩa vùng, chủ nghĩa dân tộc. Vấn đề là đã mở ra các biên giới mà không bảo vệ các dân tộc, cứ cổ vũ cạnh tranh để cạnh tranh, hậu quả là phá hủy cấu trúc xã hội. Không có công lý và an ninh, là những nhu cầu cơ bản thì người dân đòi đi trở lui với chế độ độc tài, như ngày nay chúng ta có thể quan sát. Béo bở cho chủ nghĩa dân túy. Thông điệp Tất cả anh em rất quan trọng vì Đức Phanxicô nhấn mạnh đến tình yêu, đức tin, cảm xúc cá nhân thúc đẩy chúng ta đến việc giúp đỡ người khác, nhưng ngài cũng nhấn mạnh, điều này là cần thiết, nhưng chưa đủ. Vì thế ngài nhấn mạnh thêm đến khía cạnh chính trị. Ngài mời gọi chúng ta đấu tranh chống các nguyên do cơ cấu của nghèo đói và bất bình đẳng. Khi làm như vậy sẽ thấy mình bị mắc kẹt trong nghịch lý này, vì ngài khẳng định sự cần thiết của một Quốc gia năng động và hiện diện cho những người mong manh, có nguy cơ dựa vào các tổ chức nhà nước độc tài và vào sự giám sát toàn diện. Nhưng tất cả chúng ta đều bị kẹt vào nghịch lý này, và Đức Phanxicô thì không ngây thơ: ngài cho thấy một minh triết cá nhân và chính trị.
Về mặt chính trị, ngài đặt người di cư lên hàng đầu trong các ưu tiên. Ông nghĩ gì?
Điều này làm tôi cảm động, vì tất cả chúng ta đều có thể là những người di cư. Thêm một lần nữa, cuối tuần này vùng Mercantour lại bị một thảm họa. Đường xá và cơ sở hạ tầng sụp đổ, điện, nước uống và viễn thông bị cắt. Tuy nhiên, công việc tương trợ nhau rất mạnh. Một số người dân trong thung lũng này đã đón tiếp người di cư, và bây giờ chính họ là người di cư! Hình ảnh người di cư, người mà chúng ta có thể sợ, người mà chúng ta có thể từ chối khi chúng ta sống trong thoải mái, trên thực tế hình ảnh này cho chúng ta thấy chính sự mong manh của mình, vì các tai ương là toàn cầu, chúng ta có thể là nạn nhân tiếp theo. Các thiên tai sẽ ngày càng khốc liệt và thường xuyên hơn trong thế kỷ 21.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Thánh Phanxicô Assisi, vị thánh lên chương trình hoạt động của Đức Giáo hoàng
Thông điệp Fratelli tutti: không có cách nào thay thế cho đối thoại
Thông điệp Tất cả anh em: bảy lời kêu gọi của Đức Phanxicô
Một vài hình ảnh Đức Phanxicô ký Thông điệp Tất cả là anh em Fratelli tutti ngày 3 tháng 10 tại Assisi.