Nhằm mục đích chống Giáo hoàng: Nhóm bảo thủ trở lại công việc với hai quyển sách

524

Nhằm mục đích chống Giáo hoàng: Nhóm bảo thủ trở lại công việc với hai quyển sách

lanacion.com, Elisabetta Piqué, 2020-08-10

Đức Phanxicô chào đám đông trong buổi Kinh Truyền Tin ở Quảng trường Thánh Phêrô chúa nhật vừa qua. Nguồn: AFP

Các quyển sách có tên Giáo hoàng tiếp theo, The Next Pope của hai tác giả không bao giờ che giấu sự bất đồng của họ với Đức Phanxicô và dự đoán mật nghị tiếp theo.

Cuộc tấn công vào Vatican vẫn tiếp tục. Dù đã bị thất bại trong nỗ lực đầu tiên làm “đảo chánh” chống lại giáo hoàng vào tháng 8 năm 2018, khi cựu sứ thần Carlo Maria Vigano tại Hoa Kỳ, được sự ủng hộ của một nhóm siêu bảo thủ giàu có của Hoa Kỳ cáo buộc Đức Phanxicô che đậy cựu hồng y Mỹ McCarrick, đòi ngài phải từ chức, bây giờ, cũng cùng một nhóm “truyền thông” trở lại công việc. Hoạt động mới của họ được lên kế hoạch tỉ mỉ qua hai quyển sách được phát hành gần đây ở Mỹ, thật kỳ lạ, hai quyển đều có cùng tựa: Giáo hoàng Tiếp theo. Được viết bởi hai tác giả không bao giờ che giấu sự bất đồng của họ với Đức Phanxicô, giáo hoàng đến từ tận cùng thế giới, họ tìm cách dự đoán mật nghị sẽ bầu người kế vị Đức Jorge Bergoglio và tạo ảnh hưởng trên ngài.

Một quyển sách là của nhà văn nổi tiếng George Weigel, nhà sử học và học thuật công giáo có uy tín, người viết tiểu sử về Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II – mà ông là bạn thân -, trong quyển sách, ông phân tích tình trạng Giáo hội hiện tại và đưa ra chân dung giáo hoàng kế tiếp. Theo linh mục John Strynkowsk, chân dung mà Weigel phác thảo có thể dễ dàng tóm tắt như sau: “không phải Giáo hoàng Phanxicô”, linh mục người Mỹ John Strynkowsk từng làm việc nhiều năm ở Vatican, trong một bài đăng trên tạp chí Dòng Tên Mỹ America Magazine, linh mục viết: “Quyển sách là một chút chỉ trích tinh tế về Giám mục đương nhiệm Rôma. Trong 133 trang sách, tôi đếm được ít nhất có 62 lần tác giả dùng động từ ‘phải’ để nói về những gì vị giáo hoàng kế tiếp sẽ làm.”

Tác giả kia là nhà báo người Anh Edward Pentin, phóng viên của National Catholic Register, phương tiện truyền thông của mạng lưới Công giáo Bắc Mỹ EWTN, nhóm theo chủ nghĩa truyền thống và giống như tác giả Weigel, tác giả Pentin luôn chỉ trích Đức Phanxicô, ngoài việc ông nói một khả thể từ nhiệm, ông còn trực tiếp đưa ra một danh sách và “các bản tin” của 19 vị có thể làm giáo hoàng.

Trong số họ có nhiều hồng y bảo thủ mà trong những năm gần đây đã là mũi nhọn của phe đối lập Đức Phanxicô, như hồng y Raymond Leo Burke người Mỹ – cựu Chánh án Tông Tòa, hồng y người Đức Gerhard Muller – cựu Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin – và hồng y Phi châu Robert Sarah, Bộ trưởng Bộ Phụng tự.

Hai tác phẩm, được các nhà Vatican học giải thích là cuộc tấn công mới vào giáo hoàng, được nhà xuất bản IgnatiusSophia Institute Press phát hành, các nhà xuất bản công giáo Bắc Mỹ liên quan mạnh đến lãnh vực kinh tế bảo thủ, được giới kinh doanh và truyền thông rất có ảnh hưởng thành lập, các nhóm này liên kết chặt chẽ với Đảng Cộng hòa – họ không đồng ý tầm nhìn về Giáo hội của Đức Phanxicô.

“Giáo hoàng Che-Guevara”

Nhờ số tiền đóng góp hàng triệu đôla cho Vatican, nhóm này đã có nhiều ảnh hưởng trong cung điện Vatican ở hai triều giáo hoàng trước đây. Nhưng mọi thứ đã thay đổi với Đức Phanxicô: một giáo hoàng quá chú tâm đến người nghèo, quá tiến bộ, còn bị cho là “dị giáo” vì đã chăm sóc mục vụ toàn diện cho người đồng tính, cho người đã ly dị tái hôn. Và các quan điểm “xanh”, các bài giảng về biến đổi khí hậu, quan điểm chống án tử hình và các tư tưởng về kinh tế của ngài, tất cả những chuyện này nằm trong giáo huấn xã hội của Giáo hội, nhưng với họ đây là tảng đá trở ngại chính cho lợi ích của họ, họ cho ngài là người cộng sản, một “Giáo hoàng Che-Guevara

Ông Juan Vicente Boo, nhà Vatican học kỳ cựu  của báo Tây Ban Nha ABC từng là phóng viên ở Mỹ trong nhiều năm tuyên bố: “Thực tế là không có dấu hiệu của việc kết thúc triều giáo hoàng, nhưng một giáo hoàng 83 tuổi và sức khỏe tốt, người cai quản giáo triều Vatican với tinh thần độc lập hơn các vị tiền nhiệm của ngài, tựa đề hai quyển sách Giáo hoàng tiếp theo mà nhiều người công giáo Mỹ nghe giống như ‘người vợ sau’ trong một hôn nhân êm đềm, không có dấu hiệu ly dị”.

Ông nói tiếp: “Mỗi người theo cách riêng của mình, các tác giả của cả hai quyển sách đều có ý định hướng cho các hồng y cử tri về việc họ nên bỏ phiếu cho ai khi bước vào Nhà nguyện Sixtine”, ông lưu ý, trên thực tế, bước khởi đầu ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Giáo hoàng tiếp theo, đồng thời làm suy yếu giáo hoàng hiện tại, là việc khởi động dự án “Báo cáo Mũ đỏ” năm 2018 ở Trường Đại học Kinh doanh Công giáo America Busch School of Business được tỷ phú Tim Busch tài trợ.

Với rất nhiều tiền, nhóm này đang nghiên cứu cuộc sống và công việc của các hồng y cử tri, làm hồ sơ thông tin của từng người để dùng khi cần. Mục đích là để đảm bảo người kế vị Đức Phanxicô theo đúng ý của họ. Ông Juan Vicente Boo nói: “Nhóm gồm mười cựu nhân viên điều tra của FBI, những người sau đó được bổ sung bởi các chuyên gia CIA.”

“Ngài chỉ cười với tất cả những chuyện này vì ngài biết, chỉ có Chúa Thánh Thần là người chỉ định ai sẽ là giáo hoàng tiếp theo chứ không phải các người vận động hành lang”. Nguồn: AFP

Ngoài việc phát hành hai quyển sách có cùng tựa, điều gây ồn ào nhất trong các tuần gần đây là hồng y bắc Mỹ Timothy Dolan, Tổng Giám mục giáo phận New York, người có mối quan hệ chặt chẽ với kênh EWTN và không hề gần gũi với cái nhìn về Giáo hội của Đức Phanxicô – giống như hầu hết các giám mục Bắc Mỹ -, hồng y Dolan không có ý tưởng nào hay hơn là gởi cho tất cả thành viên hồng y đoàn quyển sách của tác giả Weigel kèm theo một bức thư. Bên cạnh việc bị cho là có ý xấu, hành động của hồng y Dolan 70 tuổi được một số hồng y giải thích đây là nỗ lực để mình có chỗ đứng trong vai trò “đại cử tri” trong lần mật nghị tiếp theo, có nghĩa là người hướng dẫn người khác khi cánh cửa nhà nguyện Sixtine đóng lại.

Ông Micheal Sean Winters, giám đốc biên tập báo National Catholic Reporter – một tuần báo công giáo tiến bộ – đã không giấu sự bất bình trước điều mà ông gọi là “hoạt động gian lận của dự án tân bảo thủ” ở đất nước ông. Ông nói: “Sự chống đối của hồng y Dolan và tác giả Weigel đối với Đức Phanxicô giống như hành vi của một đứa trẻ bị lấy mất đồ chơi”, ông nhắc lại, hồng y Dolan, vào thời của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI là người rất được ngưỡng mộ, “một ngôi sao đang lên”, thậm chí còn được xem là người có thể làm giáo hoàng; và tác giả Weigel luôn được xem là người phiên dịch tin cậy nhất của triều giáo hoàng Đức Gioan-Phaolô II và là giáo dân duy nhất có quyền vào khu vực giáo hoàng. Nhưng đối với họ, mọi thứ đã thay đổi với việc bầu chọn Đức Phanxicô, đó là lý do vì sao họ chờ phục hận trong lần mật nghị sắp tới.

Còn môi trường chung quanh giáo hoàng thì họ  giảm thiểu cuộc tấn công và cho biết ngài không quan tâm đến việc phát hành hai quyển sách mới này, một nguồn tin thân cận của ngài cho biết: “Ngài chỉ cười với tất cả những chuyện này vì ngài biết, chỉ có Chúa Thánh Thần là người chỉ định ai sẽ là giáo hoàng tiếp theo chứ không phải các người vận động hành lang”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch