Đừng khóa các cánh cửa của chúng ta
Ronald Rolheiser, 2020-07-27
Trong quyển sách Bí mật (The Secret) của linh mục Rene Fumoleau có một bài thơ mang tên Tội lỗi. Fumoleau, một linh mục truyền giáo với Người dân Bản địa ở Bắc Canada, cha đã xin một nhóm người lớn tuổi nêu ra những gì họ xem là tội lỗi xấu xa nhất. Và đây là câu trả lời của họ:
Mười người Bản địa thảo luận với nhau,
Và sau một lúc, Radisca giải thích cho tôi:
“Chúng ta đã thảo luận và tất cả chúng ta đều đồng ý:
Tội lỗi xấu xa nhất con người có thể làm
là họ khóa cửa của họ lại”.
Có lẽ đó là lúc sự cố này xảy ra và đặc biệt tại ngôi làng Người bản địa này, chúng ta luôn có thể để cửa mở mà vẫn an toàn, nhưng đây không phải là lời khuyên đúng cho đa số, chúng ta chỉ cảm thấy an toàn khi các cửa đã được khóa và khi hệ thống an ninh điện tử đã được bật lên để bảo vệ các cánh cửa. Tuy nhiên, các bậc cao niên Người bản địa này có lý, xét tận cùng, họ đã nói về một điều gì đó sâu sắc hơn cái chốt an ninh bên ngoài cánh cửa của chúng ta. Khóa cửa nhà mình thực sự mang ý nghĩa nào?
Như chúng ta biết, có rất nhiều loại cửa chúng ta khóa và mở khóa để người khác ra vào. Jean-Paul Sartre, nhà hiện sinh nổi tiếng người Pháp đã từng viết: Địa ngục là nơi người khác. Mặc dù điều này có thể rất đúng về mặt cảm xúc vào một lúc nào đó, nhưng nó là phản đề cho bất cứ một sự thật tôn giáo nào, đặc biệt là sự thật kitô giáo. Trong tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới, rốt cùng ở với người khác là thiên đàng; vĩnh viễn sống một mình mới là địa ngục.
Đó là sự thật được xây dựng trên chính bản chất chúng ta. Là con người, chúng ta là thành phần của xã hội; có nghĩa là chúng ta được xây dựng theo cách, dù chúng ta luôn là cá nhân, riêng tư và đặc trưng nhưng cùng lúc, chúng ta luôn là xã hội, cộng đoàn và liên đới phụ thuộc nhau. Chúng ta được xây dựng để cùng ở với người khác, ở một mình không mang một ý nghĩa nào cũng không phát triển. Thật vậy, chúng ta cần nhau đơn giản để tồn tại và để sống lành mạnh. Còn nhiều hơn nữa, chúng ta cần nhau vì tình yêu và ý nghĩa, vì không có những chuyện này, đời chúng ta không có một mục đích nào. Ở một mình là loại chết tệ hại nhất.
Điều này cần phải được nhấn mạnh ngày hôm nay, vì cả trong xã hội cũng như ở các nhà thờ, đa số chúng ta đóng một số cửa theo cách vừa hủy hoại vừa thực sự không có tinh thần kitô giáo. Đâu là vấn đề của chúng ta?
Cách đây hai mươi năm, giáo sư khoa học chính trị Đại học Harvard Robert Putnam đã quan sát sự tan vỡ của cộng đồng trong nền văn hóa chúng ta và đặt tên cho nó bằng cụm từ dễ nhớ Chơi Bowling một mình (Bowling Alone). Theo giáo sư, gia đình, khu phố và cộng đồng nói chung của chúng ta đang tan vỡ vì chủ nghĩa cá nhân quá độ trong văn hóa. Hơn nữa, chúng ta làm việc một mình, đi trong nhịp điệu đặc thù của riêng mình hơn là đi theo nhịp của cộng đồng. Rất ít người chống lại đánh giá này.
Tuy nhiên, với những gì chúng ta đấu tranh ngày hôm nay, nó còn đi xa hơn chủ nghĩa cá nhân mà Putnam sáng suốt đưa ra rất nhiều. Trong chủ nghĩa cá nhân quá mức mà Putnam mô tả, chúng ta một mình trước sân bowling nhưng chủ yếu vẫn ở trong sân chơi, tách biệt nhau nhưng không bị khóa. Vấn đề của chúng ta đi sâu hơn. Nói một cách ẩn dụ, chúng ta đã khóa nhau ra khỏi sân chơi bowling chung. Điều này có nghĩa là gì?
Ngoài chủ nghĩa cá nhân cô lập, ngày nay chúng ta đấu tranh trong gia đình, trong cộng đồng, trong quốc gia và trong nhà thờ với một con quỷ loại khác, có nghĩa là với các cánh cửa bị khóa trong cay đắng. Về mặt chính trị, trong nhiều quốc gia, bây giờ chúng ta phân cực đến mức các bên khác nhau không có một đối thoại văn minh, tôn trọng nhau. Người kia là “địa ngục”. Điều này cũng đúng trong gia đình, trong các bữa ăn ngày lễ Tạ ơn hoặc Giáng sinh, chúng ta phải cẩn thận tránh nói xa nói gần những chuyện gì đang xảy ra trong nước và chúng ta chỉ có thể ở cùng bàn với nhau nếu biết giữ riêng quan điểm chính trị của mình.
Đáng buồn thay, điều này bây giờ lại xảy ra trong nhà thờ, nơi các cái nhìn khác nhau về thần học, giáo hội và đạo đức thường dẫn đến sự phân cực rất mạnh đến mức mỗi nhóm thần học và giáo hội bây giờ vẫn ở đằng sau cánh cửa bị khóa chặt của nó. Ở đó, không có sự mở ra cho người khác, và tất cả các cuộc đối thoại đích thực được thay thế bằng sự hủy hoại lẫn nhau. Cuối cùng việc thiếu tinh thần cởi mở này được các người Bản địa xem là tội lỗi xấu xa nhất trong tất cả, các cánh cửa bị khóa của chúng ta. Vậy thì địa ngục thực sự đúng là người khác. Triết gia Sartre phải mỉm cười.
Sự hoạt động của sự dữ thật thú vị. Các Tin mừng cho chúng ta hai từ riêng biệt của sự dữ. Đôi khi sự dữ được gọi là “quỷ” (Diabolos) và đôi khi gọi là “satan” (Satanas). Cả hai đều mô tả sức mạnh tà ác chống lại Chúa, lòng tốt và tình yêu trong cộng đồng. “Quỷ” hoạt động trong chúng ta chia rẽ người này người kia, phá vỡ cộng đồng vì ghen tương, kiêu ngạo và tự do giả tạo; Trong khi đó “Satan” làm việc theo cách ngược lại. Satan liên kết chúng ta lại theo cách bệnh hoạn để làm cho các nhóm chúng ta quỷ hóa nhau, đóng đinh nhau, nhiệt tình bám nhau qua những loại cuồng loạn và ý thức hệ không lành mạnh dẫn đến dê tế thần, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, hận thù nhóm, hận thù loài. Dù đó là satan hay quỷ, cuối cùng chúng ta sẽ đứng sau cánh cửa bị khóa, nơi những kẻ bên ngoài bị cho là địa ngục.
Vì vậy, đúng là “tội lỗi xấu xa nhất chúng ta có thể làm là khóa các cánh cửa của mình”.
Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Một vài bí mật nên biết