Bernice King: Đức Giáo hoàng và cha tôi hiệp nhau trong cùng một giấc mơ

99

Bernice King: Đức Giáo hoàng và cha tôi hiệp nhau trong cùng một giấc mơ

vaticannews.va, Alessandro Gisotti , 2020-06-20

Đức Phanxicô và bà Bernice Albertine King năm 2018 tại Vatican

Ngày hôm sau Ngày Thế Giới Tự do được các người Mỹ gốc Phi xúc động tổ chức, đặc biệt trong bối cảnh các vụ biểu tình sau cái chết của anh George Floyd, bà Bernice King, con gái của cố mục sư Martin Luther King có cuộc phỏng vấn với truyền thông Vatican về cuộc chiến bất bạo động để đấu tranh cho bình đẳng. Bà nhấn mạnh đến sự hòa hợp đặc biệt giữa ý tưởng của Đức Phanxicô và của Mục sư King, cha của bà.

Tuần này cộng đồng người Mỹ gốc Phi tưởng niệm ngày tuyên bố chấm dứt nạn nô lệ, 19 tháng 6 năm 1865, khi những người lính Liên minh đến Galveston, tiểu bang Texas và tuyên bố chấm dứt nội chiến. Ngày kỷ niệm này được hàng triệu người Mỹ gốc Phi xem là Ngày Tự do, năm nay họ sống ngày này trong bầu khí đặc biệt vì các vụ biểu tình bạo động sau cái chết của anh George Floyd bị một cảnh sát đè nghẹt cổ.

Trong bối cảnh này, báo L’Osservatore RomanoVatican News đã phỏng vấn bà

Bernice Albertine King, con gái của cố mục sư Martin Luther King về dấn thân đấu tranh cho bình đẳng, văn hóa hòa bình và giá trị của tinh thần bất bạo động.

Như cha của bà, bà Bernice là nhà hoạt động tích cực cho nhân quyền, bà là Chủ tịch Trung tâm King Center ở tiểu bang Atlanta, bà thấy có một sự hòa hợp giữa suy nghĩ của cha của bà và của Đức Phanxicô, bà đã gặp ngài hai lần ở Vatican năm 2018.

Nước Mỹ và toàn thế giới đã chấn động về cái chết của anh George Floyd. Bà có nghĩ lần này liệu sẽ có thay đổi gì sau cái chết của nhiều người Mỹ gốc Phi đã xảy ra không?

Bà Bernice Albertine King – Tôi nghĩ thế giới đã quá căng thẳng vì đại dịch Covid-19, và rồi video cho thấy cái chết cay độc và thảm khốc của anh George Floyd đã thật sự thành lời buộc tội nặng nề với nước Mỹ và với thế giới. Khắp nơi trên thế giới, hàng triệu người dường như đã nhận ra – như cha tôi đã nói – rằng chúng ta phải đối diện với tình trạng khẩn cấp khốc liệt của ‘bây giờ’”. Các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức, các hiệp hội tôn giáo hướng về các nhà lãnh đạo da đen để có câu trả lời cho câu hỏi “Tôi phải làm gì để được cứu?” Một số hiệp hội cung cấp nguồn lực đáng kể cho các tổ chức có hoạt động tập trung vào công bằng xã hội và bình đẳng giữa các chủng tộc. Các tổ chức khác tự hỏi làm thế nào để tạo một bầu khí văn hóa dẫn đến sự bình đẳng chủng tộc ở cấp có trách nhiệm điều hành và trong các công ty làm thuận lợi cho việc làm của người thiểu số. Rất nhiều tổ chức trấn áp đang xem lại một số chính sách, một số trong số họ đã bắt đầu suy nghĩ lại về cách dấn thân, về cách tham gia của cộng đồng có thể và nên được thực hiện như thế nào, ngoài việc kiểm soát, và hiểu mối quan tâm của các dịch vụ xã hội. Tôi nghĩ lần này, các phản ứng và các đáp ứng sẽ rộng lớn và nhiệt tình hơn, hơn bao giờ hết sẽ có nhiều người da trắng tham gia vào các cuộc biểu tình. Nếu chúng ta đoàn kết và tập trung chú ý vào các mục tiêu chiến lược, chắc chắn chúng ta sẽ làm việc hiệu quả hơn cho công lý.

Ngoài chủ nghĩa phân biệt chủng tộc “quá rõ ràng” trong các trường hợp bi thảm như trường hợp này, vẫn còn một hình thức kỳ thị khác: kỳ thị trong việc làm, trong giáo dục, trong các điều kiện sống. Ở Mỹ, Covid-19 đã ảnh hưởng đến cộng đồng người Mỹ gốc Phi hơn là cộng đồng người da trắng. Làm thế nào có thể đánh bại được chủ nghĩa phân biệt chủng tộc “vô hình” này?

Tôi muốn nói trước hết, sự từ chối của mọi người khi thấy điều này đã làm cho sự kỳ thị có hệ thống và thể chế này thành vô hình. Nếu chúng ta càng muốn thấy, chúng ta càng muốn thay đổi, thì bản chất hủy hoại và vô nhân của phân biệt chủng tộc sẽ lộ rõ hơn. Tôi nghĩ giai đoạn đầu để chiến thắng là không được nhắm mắt, phải gom lại các thông tin về chủ đề này, biết được gốc rễ, các nguyên do và các biểu hiệu của nạn kỳ thị. Thông tin và giáo dục là giai đoạn thứ nhất và giai đoạn thứ nhì của sự thay đổi xã hội bất bạo động. Sau đó tôi nghĩ chúng ta phải dấn thân làm theo những gì trong quyển sách của cha tôi  Chúng ta khởi đi đâu từ đây: Hỗn loạn hay cộng đoàn (Where Do We Go From Here: Chaos or Community), cha tôi gọi đó là “công việc nhàm chán của chúng ta” : ông nói chúng ta phải “tìm ra cách để tổ chức mạnh mẽ của mình là một quyền lực không thể cưỡng lại được để chính quyền (và các thể chế và hệ thống quyền lực khác) không còn có thể trốn tránh các đòi hỏi của chúng ta”.

Cách đây 57 năm, cha của bà đã có bài phát biểu lịch sử, “Tôi có một giấc mơ”. Giấc mơ này dường như vẫn chưa thực hiện được, nhưng ai cũng nói không thể bỏ giấc mơ này. Cha của bà sẽ làm gì trong tình huống như tình huống chúng ta đang trải qua?

Tôi tin rằng cha tôi sẽ được hướng dẫn bởi triết lý phi bạo lực của ông, phù hợp với con đường đi theo Chúa Kitô. Tôi nghĩ ông sẽ nhắc chúng ta làm thế nào chúng ta lại đi đến chỗ này, lịch sử của bạo lực, phân biệt chủng tộc và tình trạng bất công lại tràn ngập khắp đất nước và trong cái mà ông  gọi là “ngôi nhà của thế giới” này. Sau đó, ông sẽ đến với người trẻ để nâng đỡ họ qua các dấn thân phản kháng của họ, với các chiến lược nâng đỡ cho tổ chức và huy động để thúc đẩy cho sự thay đổi xã hội bền vững và không bạo lực. Tiếp đó ông sẽ yêu cầu “những người có ảnh hưởng” trong các lĩnh vực chính trị, nghệ thuật, truyền thông, giải trí, hệ thống tư pháp hình sự, chăm sóc sức khỏe và giáo dục để đảm bảo sự bình đẳng và công bằng giữa các chủng tộc. Ông cũng sẽ yêu cầu các Giáo hội tuân thủ theo tín ngưỡng của mình, tạo hoàn cảnh công bằng và bình đẳng cho người da màu, cho các cộng đồng bị thiệt thòi về kinh tế, không những chỉ ở Hoa Kỳ, mà trên toàn thế giới. Thêm nữa, như ông đã làm nhiều lần, ông sẽ lặp đi lặp lại bạo lực không thể chữa lành bạo lực, vì đây là vòng xoáy kéo chúng ta xuống thấp.

Martin Luther King, ngày 28 tháng 8 năm 1963 trước Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington, ông đọc bài phát biểu lịch sử “Tôi có một giấc mơ”

Tôi tin chắc, ông sẽ thúc giục chúng ta dùng chính sách bất bạo động, vì đây là chiến lược can đảm, tập trung vào tình yêu và có tổ chức, để xây dựng Cộng đồng Tình yêu và điều này bao gồm việc xóa bỏ cái mà ông gọi là “Ba điều xấu”, phân biệt chủng tộc, nghèo đói và quân phiệt.

Sau cái chết của anh George Floyd, Đức Phanxicô đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ, nhấn mạnh chúng ta không được nhắm mắt trước nạn phân biệt chủng tộc. Và đồng thời, ngài cũng nhắc bạo lực chỉ dẫn đến tự hủy diệt. Những lời này rất phù hợp với lời cha của bà, bà thấy như thế nào?

Tôi đồng ý với Đức Phanxicô: bạo lực chỉ dẫn đến tự hủy diệt. Các phương tiện chúng ta sử dụng phải phù hợp với mục tiêu chúng ta muốn đạt được, và nếu mục tiêu là hòa bình thì chắc chắn chúng ta không thể có được hòa bình bằng các phương pháp bạo lực. Và điều này chắc chắn phù hợp với suy nghĩ của cha tôi. Ông hỗ trợ – vì ông tin điều đó, cũng như tôi – rằng “bất bạo động là câu trả lời cho các vấn đề chính trị và đạo đức quan trọng của thời đại chúng ta”. Trong bài phát biểu cuối cùng của ông – “Tôi đã leo lên đỉnh núi” –  bài ông đọc trước buổi tối ông bị ám sát, ông tuyên bố: “Không còn là vấn đề lựa chọn giữa bạo lực và bất bạo động trong thế giới chúng ta; bây giờ là chọn lựa giữa bất bạo động và không tồn tại.” Chúng ta đã đến điểm này ngày hôm nay. Và chúng ta vẫn luôn còn ở điểm này hôm nay. Chúng ta phải đối diện với sự lựa chọn giữa hỗn loạn và cộng đồng. Nếu chúng ta dùng bạo lực, chúng ta chọn hỗn loạn, điều này cuối cùng sẽ dẫn đến việc tự hủy hoại “ngôi nhà của thế giới”. Nếu chúng ta đi theo con đường bất bạo lực, chúng ta sẽ đi tới trên con đường xây dựng một thế giới công chính hơn, bình đẳng, nhân văn và hòa bình hơn.

Mục sư Martin Luther King đã tuyên bố: “Công lý, trong hình thức tốt đẹp nhất, là tình yêu sửa chữa bất cứ điều gì làm trở ngại cho tình yêu.” Đó là trọng tâm thông điệp bất bạo động của cha của bà. Làm thế nào để xây dựng một “cuộc cách mạng dịu dàng” như Đức Phanxicô gọi nó?

Tôi nghĩ “cách mạng dịu dàng” như Đức Phanxicô gọi, hay “cách mạng các giá trị” như cha tôi nói tùy thuộc vào mức độ mà chúng ta nhận ra, một cuộc cách mạng như thế liên quan đến một quá trình của nhận thức. Chúng ta phải học cách để hiểu chính mình, để hiểu nhau, để hiểu các điều kiện của nhân loại, học cách – để dùng lại lời nói của cha tôi – “sống với nhau như anh chị em” và không cùng nhau chết như những người điên; và học cách phấn đấu để tiêu diệt bất công và vô nhân đạo mà không hủy diệt lẫn nhau. Tôi tin rằng đây là bất bạo động có thể hướng dẫn chúng ta trong cuộc cách mạng này, với phong trào “Bất bạo động Kingian” Trung tâm King Center gọi là “Bất bạo động 365” (Nonviolence365) là một triết lý về suy nghĩ và hành động, bao gồm sáu nguyên tắc và sáu giai đoạn.

Phong trào “Mọi Đời sống Người Da đen là đáng kể” (Black Lives Matte) được cả thế giới tham gia. Nhiều người, đặc biệt là người trẻ phản đối nạn kỳ thị và phân biệt chủng tộc ở nhiều thủ đô châu Âu và cả ở các quốc gia khác. Bà hy vọng gì cho tương lai? Bà có nghĩ chúng ta sẽ có thể tiến một bước trong thách thức của tình anh em không?

Tôi tin tưởng chúng ta sẽ huy động được năng lực để tập trung vào mục tiêu tối hậu này, đó là việc xây dựng một Cộng đồng Tình yêu, đây không phải là không tưởng. Như bà Coretta Scott King, mẹ tôi, đã nói, Cộng đồng Tình yêu là một tầm nhìn thực tế của một xã hội có thể xây dựng được, một xã hội với các vấn đề và với các xung đột của nó, nhưng có thể giải quyết được một cách ôn hòa và không hận thù. Trong Cộng đồng Tình yêu, sự chăm sóc và lòng trắc ẩn hướng dẫn các sáng kiến chính trị, loại bỏ nạn nghèo khổ, nạn đói, cũng như tất cả các hình thức định kiến và bạo lực. Nếu mục tiêu chung của chúng ta, quyết tâm và dứt khoát, thì tôi tin, chúng ta có thể đi con đường bất bạo lực để đến được. Chúng ta có khả năng và niềm đam mê to lớn để thực hiện điều này. Bây giờ chúng ta phải đặt tất cả sức mạnh ý chí để xây dựng một Cộng đồng Tình yêu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch