Tiếng nói của chúng ta quan trọng vì nó đi ngược dòng

179

Tiếng nói của chúng ta quan trọng vì nó đi ngược dòng

paris.catholique.fr, Priscilia de Selve, 2020-06-10

Phỏng vấn Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit, giáo phận Paris

Ngày 27 tháng 6 sắp tới, bảy chủng sinh sẽ được thụ phong linh mục ở giáo phận Paris. Chỉ còn một thời gian ngắn trước ngày lễ vĩ đại này, Đức Tổng Giám mục giáo phận Paris, Michel Aupetit, xác định lại định nghĩa của chức thánh ở thế giới hiện nay.

Paris Notre-Dame – Ngày 27 tháng 6 sắp tới, bảy chủng sinh sẽ được thụ phong linh mục ở nhà thờ St-Sulpice, quận 6. Không nhà thờ chính tòa, không giáo dân, chỉ hạn chế với một ít người thân. Một sự thanh bạch như thế này có khó sống không?

Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit – Tôi đã gặp một trong các chủng sinh sắp chịu chức này để biết họ sống trong trong hoàn cảnh này như thế nào và họ mong muốn gì. Tất cả đều mong được chịu chức chung. Đó là dấu hiệu đẹp cho tinh thần sống chung anh em giáo sĩ với nhau. Nhưng nếu họ bị tác động thì người khác cũng bị. Trong thời gian bình thường, khi có lễ chịu chức thì sẽ có vào khoảng 400 linh mục về tham dự. Nhưng với ngày 27 tháng 6 này thì không thể được. Các tu sĩ nam nữ sẽ không về đông được. Gia đình cũng chỉ tham dự tối thiểu. Đúng, rất thanh đạm: cũng như các lễ khác: đám cưới, tang lễ… Tất cả đã sống kinh nghiệm này trong thời gian này, các chủng sinh cũng vậy.

Trọng tâm của chức thánh có phải là làm theo ý Chúa? Đối diện với cuộc sống, đối diện với ngịch cảnh không?

Đó là tất cả những gì chúng ta phải làm. Một số người thích dời lại ngày cưới vì họ muốn có một ngày lễ cho gia đình…  Nhưng cái gì là quan trọng? Còn đối với các linh mục, đó là họ được chịu chức. Đã bảy năm nay họ chờ giây phút này. Nếu đây là một ngày lễ lớn thì càng tốt. Mà nếu không được thì không sao. Điều quan trọng là nhận được ơn này từ Thiên Chúa và ngay bây giờ sống với ơn đó. Từ mùa hè này họ sẽ được dâng thánh lễ cho dân Chúa. Đó là những gì chúng tôi được trao ban để sống, lúc khắc khổ trong năm nay.

Lời khuyên nào cha muốn khuyên các linh mục trong thời gian không thuận lợi để dâng hiến này?Và cho người mà thường khi không hiểu rõ sự tận căn trong lựa chọn của họ?

Chính xác, sự tận căn này là một ví dụ trong một thế giới không tận căn, giống như tình huynh đệ trong thế giới cá nhân chủ nghĩa… Chúng ta luôn hơi lệch một chút. Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta, “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian” (Ga 17, 15-16). Ngay từ đầu, chúng tôi biết, là tu sĩ thánh hiến, chúng tôi ở trong tình trạng nghịch lại. Làm như vậy chúng tôi buộc thế giới phải đặt câu hỏi. Theo hình ảnh của chính Chúa Kitô, Đấng không phù với những gì dân chúng mong chờ ở Đấng Thiên sai. Những gì chúng ta phải nói về Tin Mừng làm cho chúng ta lệch với mọi người. Trong một xã hội cá nhân khi ai “cũng lo cho bản thân mình” thì tình huynh đệ vượt các biên giới thông thường.

Nhưng đó có phải là một đức tính để có tiếng nói chống dòng nước thủy triều không?

Tiếng nói của chúng tôi quan trọng vì nó là dòng nước ngược. Nếu chúng tôi nói giống như mọi người thì không ai nghe chúng tôi. Nhưng nếu mình lệch mà không cố tình lệch hoặc không khiêu khích thì chắc chắn người ta sẽ nhìn mình. Họ có thể bức bách chúng tôi, nhưng họ nhìn chúng tôi. Nếu họ đặt câu hỏi về chúng tôi, về lối sống, về con người thì điều đó có nghĩa chúng tôi đang ở đúng cương vị của mình. Nhưng rõ ràng là chúng ta không nên mong chờ sự tán thành của thế giới. Và thật tuyệt khi chúng ta có thể nói, chúng ta làm việc cho ân sủng hoạt động mà không hy vọng thấy thành quả trước mắt mình. Chúa đã nói “kẻ này gieo, người kia gặt” (Ga 4, 37). Sự tin tưởng hoàn toàn này gọi là đức tin.

Cha được chịu chức ở giáo phận Paris cách đây 25 năm. Cha có lời khuyên nào cho các linh mục tương lai?

Điều đầu tiên là nhìn, quan sát và chiêm ngưỡng. Đó là lời tôi khuyên không phải chỉ dành riêng cho các linh mục tương lai mà cho các cha xứ mới nhậm chức và cả tân giám mục. Khi chúng ta đến một nơi nào, chúng ta mang theo ý tưởng, quá khứ và các câu chuyện của mình, đôi khi chúng ta muốn thay đổi tất cả. Nhưng không. Đầu tiên hết là nhìn, chiêm ngưỡng những gì Chúa đã làm qua những người đi trước. Và sau một, hai năm chúng ta thiết lập những điều mới.

Làm thế nào có thể định nghĩa ý nghĩa của chức thánh ngày nay?

Đối với tôi, dường như chức thánh là cái gì luôn tồn tại: chỉ có một chức thánh duy nhất, vì chỉ có một, duy nhất một thầy thượng cả, đó là Chúa Giêsu Kitô. Là người được rửa tội, chúng ta tham dự vào chức thánh của Chúa Kitô. Là linh mục thừa tác, chúng tôi cho cuộc sống, miệng lưỡi, bàn tay, cái đầu, tâm hồn cho Chúa Kitô để Chúa Kitô nắm lấy chúng tôi và nói: đây là cơ thể của Ta. Vì, không phải là người linh mục nói, nhưng là Chúa Kitô nói. Chức tư tế thừa tác trước hết là sự từ bỏ con người mình, ý chí mình trong bàn tay của  Chúa. Điều này cũng đúng với chức tư tế của những người đã được rửa tội, nhưng đặc biệt với linh mục, để Chúa Kitô chiếm trọn cuộc sống của mình. Trong thánh lễ, khi đọc kinh cáo mình hay khi dâng Mình Thánh Chúa là chính Chúa Kitô tha thứ, chứ không phải tôi, vì tôi là ai, một linh mục, có thể tha thứ cho người khác? Chính Chúa Kitô đã chiếm trọn chúng ta, nhưng các khoảnh khắc này tưới tẩm phần còn lại cuộc đời chúng ta, đánh dấu toàn bộ con người chúng ta bằng dấu ấn thiêng liêng: linh mục được đánh dấu trên tay, giám mục được đánh dấu trên đầu, các dấu hiệu của Chúa Kitô trong các chức vụ khác nhau của chức thánh. Thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi (Gl 2, 20). Việc phong chức thay đổi chúng ta, tước bỏ cuộc sống chúng ta. Có những nhiệm vụ mà tôi không chọn, nhưng tôi chấp nhận từ bỏ mình để theo ý Chúa, nhưng nghịch lý là điều này đã mang lại cho tôi một tự do phi thường.

Một số linh mục tương lai cho biết thật khó khăn để đáp trả tiếng gọi của Chúa, nhưng sau đó lại có một bình an tâm hồn to lớn cho việc chấp nhận này.

Bực bội là một dấu hiệu tốt. Vì không phải tự nhiên khi bỏ cả một cuộc sống của mình, dự trù hôn nhân, lập gia đình, tất cả những gì theo thứ trật những chuyện Chúa muốn. Ông Môsê, tiên tri Giêrêmia, tất cả các tiên tri lớn đều bực bội. Vì đây là tiếng gọi. Chúng ta bắt đầu bằng từ chối rồi sau đó mới thích ứng với tiếng gọi này. Đó là điều quan trọng. Chính khi thích ứng với tiếng gọi làm cho chúng ta cảm thấy bình an và một niềm vui sâu đậm. Tôi có thể làm chứng về niềm vui tôi đã trải qua, sau khi không thể chiến đấu với Chúa. Một ngày nọ, trong phòng ăn của tôi, tôi quỳ xuống và nói với Chúa: “Xin ý Chúa thể hiện.” Và tôi biết thế là xong. Đời tôi không còn thuộc về tôi. Tôi cảm nhận có một niềm vui không tả, không phải là một niềm vui bình thường, không phải niềm vui tùy thuộc các sự kiện bên ngoài. Từ đó niềm vui này không rời bỏ tôi.

Marta An Nguyễn dịch