Phụ nữ công giáo đoàn kết với đấu tranh của bà Anne Soupa

228

Phụ nữ công giáo đoàn kết với đấu tranh của bà Anne Soupa

lemonde.fr, Luc Chatel, 2020-05-29

Việc bà Anne Soupa viết thư ứng cử vào địa vị Tổng Giám mục giáo phận Lyon đã khơi dậy nhiều phản ứng ủng hộ cho đấu tranh của bà để có một Giáo hội có nữ tính, hơn là ủng hộ bà vào chức vụ này.

Ứng cử viên thế vị hồng y Philippe Barbarin ở giáo phận Lyon, ngoại trừ phép lạ thì không có một cơ may nào bà Anne Soupa sẽ ở được chức vị mà những người ở chức vị này không nạp đơn ứng cử, nhưng được Đức Giáo hoàng chỉ định. Nhưng ngược lại, bà có thể dựa vào sự hỗ trợ của nhiều phụ nữ công giáo. Các nữ giáo dân vô danh, giữ đạo hay không giữ đạo, hàng trăm người phản ứng trên các trang mạng xã hội để khen ngợi và khuyến khích bà. Không phải việc đề cử vào chức vị Tổng Giám mục mà họ ủng hộ, nhưng là các xác tín và các đấu tranh, các động lực thúc đẩy bà làm đơn ứng cử, đáng kể là sự hiện diện của phụ nữ trong Giáo hội. Làm thế nào để các phụ nữ khác cũng được tham dự vào lĩnh vực mà các phụ nữ công giáo khác đã có địa vị trong đó.

Như sơ Véronique Margron chẳng hạn, sơ là người được cả bên trong cũng như bên ngoài Giáo hội lắng nghe, sơ là thần học gia Dòng Đa Minh, chủ tịch Hội đồng Nam nữ Tu sĩ Pháp (Corref), sơ đã có những lời thẳng thắn lên án các lệch lạc của thể chế liên quan đến các vụ lạm dụng tình dục. Sơ cho biết: “Bà Anne Soupa đặt ra các câu hỏi rất đúng, đặc biệt là việc thiếu sự đa dạng trong Giáo hội công giáo, và một sự hiện diện thấp của phụ nữ trong các chức vụ trách nhiệm. Tôi hoàn toàn chia sẻ chẩn đoán của bà.” Còn về tiến trình, sơ Véronique Margron nghĩ rằng, “không phải bằng cách bổ nhiệm phụ nữ vào tất cả các vị trí quyền lực mà chúng ta có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng thể chế phức tạp, vì nó mang tính hệ thống và thêm nữa, ở đây có một yếu tố tế nhị để xử lý, đó là yếu tố thiêng liêng, tuy nhiên sơ khích lệ sự tươi mới và hài hước của bà”.

Một cuộc tranh luận là cần thiết

Nhận xét này cũng được bà Marie Mullet-Abrassart chia sẻ, bà là chủ tịch Hướng đạo sinh và Tráng sinh Pháp (SGDF), bà nhấn mạnh: “Tôi thấy bà Soupa rất táo bạo. Bà biết điều này rất khiêu khích, bà có thể bị cười vào mặt, nhưng bà chấp nhận để mở một tranh luận cần thiết cho chỗ đứng của phụ nữ và giáo dân trong Giáo hội”. Năm 2017 khi chỉ mới 33 tuổi, bà Marie Mullet-Abrassart đã là chủ tịch phong trào hướng đạo trong Giáo hội, một phong trào có đến 88 000 thành viên, vì thế bà có một tầm nhìn rộng về vấn đề này. Bà cho biết: “Trong cũng như ngoài Giáo hội, phải giáo dục thanh niên, thiếu nữ nhận trách nhiệm. Bởi vì có những thứ mà hệ thống không cho phép, nhưng cũng có các nỗi sợ riêng của chúng ta và của người chung quanh, dù họ rất để tâm lo lắng, về khả năng có thể đi đến cùng của chúng ta. Khi tôi được đề cử làm chủ tịch phong trào Hướng đạo, người ta thường hay hỏi tôi: ‘Nhưng làm sao bà có thể quản lý được tất cả?’ Người ta sẽ không bao giờ đặt câu hỏi này với chồng tôi.”

“Giáo hội không muốn cố gắng sửa đổi truyền thống của mình vì sợ… thực tế là sợ gì?”

Sợ làm nhiều công trình cùng một lúc và nhất là sợ cải cách Giáo hội công giáo, bà Anne Guillard dường như không biết nỗi sợ này. Bà là nghiên cứu sinh tiến sĩ triết học chính trị tại trường Khoa học Chính trị Paris và thần học tại Đại học Genève, Thụy Sĩ. Năm 2019 cùng với ký giả Laurent Grzybowski, bà viết tác phẩm Một Giáo hội khác là chuyện có thể! (Une autre Eglise est possible! nhà xuất bản Temps Présent), và cùng ba phụ nữ khác trong tuổi ba mươi, bà thành lập mặt bằng kỹ thuật số “nữ quyền và tương tác liên ngành” (Oh My Goddess!), mà dự án đầu tiên là một podcast, “Tin Mừng cho… nàng, lời bao gồm mọi người ngày chúa nhật” (Bonne Nouv. elle, la parole inclusive du dimanche). Chương trình này bắt đầu từ chúa nhật đầu tiên Mùa Vọng đến chúa nhật Phục Sinh, mỗi tuần bà mời một vị khách (nam hoặc nữ) đến giảng.” Bà nhiệt tình cho biết: “Phản ứng đầu tiên của tôi khi nghe bà Anne Soupa muốn ra ứng cử là: ‘Thật phi thường!’. Việc bà ứng cử như thúc đẩy để thay đổi quá trình bổ nhiệm các giám mục mà theo truyền thống là do giáo hoàng chỉ định. Tôi rất thích sự cân bằng được tìm thấy trong sự bất tuân dân sự và thân tình này.” Về cơ bản, “bà Soupa diễn tả rõ ràng, việc phụ nữ đòi quyền của họ phải là chất men của sự giải phóng do Tin Mừng được cấu thành trong một thể chế từ chối không cho họ có phương tiện làm. Người ta có ấn tượng Giáo hội không muốn cố gắng sửa đổi truyền thống của mình vì sợ… thực tế là sợ gì?”

Bà Monique Hébrard cũng cho “thật là phi thường!”, bà là ký giả và là người viết khảo luận, là người tiên phong trong cuộc đấu tranh để phụ nữ có một chỗ tốt trong Giáo hội. Bà cho biết: “Tôi biết Anne, bà có sở trường tạo chú ý. Việc ứng cử vừa phi lý vừa phi thường, vì người ta không ứng cử để làm giám mục. Từ bốn mươi năm nay tôi đã đấu tranh về các vấn đề này, về sự thiết yếu phải nói lên mọi thứ đã không chuyển động. Chúng ta vẫn đang ở trong tình trạng chủ nghĩa giáo sĩ thiêng liêng hóa, trong sứ vụ linh mục thừa kế nhiều nghi thức lương dân và của một nhân chủng học kỵ ghét phụ nữ hơn là thừa kế Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô.”

Trong công việc của mình, bà Anne Soupa có thể tin tưởng vào tiếng tăm của các phụ nữ đại kết khác như nữ mục sư Nathalie Nehlig của Liên hiệp các Giáo hội Tin lành các thành phố Alsace và Moselle: “Tôi chỉ có thể cổ vũ bà trong cuộc đấu tranh này. Hãy kiên trì!”

Dị giáo

Tất cả sự hỗ trợ này chắc chắn sẽ giúp cho bà Anne Soupa tương đối hóa các chỉ trích hung hăng mà bà là mục tiêu, đặc biệt trên mạng xã hội. Từ phía các ông như cha tuyên úy quân đội viết trên trang Facebook của một nhà xuất bản công giáo, cho bà là “người ngu ngốc”, một trong các người ủng hộ cha này cho bà là “người loạn óc.” Về phía các bà cũng có người tức giận, họ không ngần ngại cho bà là “dị giáo hay quỷ.”

Một cha tuyên úy quân đội viết trên trang Facebook của một nhà xuất bản công giáo, cho bà là “người ngu ngốc”, một trong các người ủng hộ cha này cho bà là “người loạn óc.”

Đứng trước sự thù địch của những người theo truyền thống và trọng lực riêng của tổ chức xưa cổ và phân cấp Giáo hội, một số phụ nữ kêu gọi có các phương pháp khác với phương pháp bà Anne Soupa chọn: cân nhắc, kiên nhẫn và phù hợp hơn để có thể đáp ứng được các khả năng có thể áp dụng được. Bà Monique Hébrard lo ngại: “Nếu ngay ngày mai chúng ta quyết định phong chức linh mục thì sẽ có ly giáo. Có một điểm mà chúng ta có thể đi tới, đó là sự chia sẻ của lời. Chẳng hạn để phụ nữ giảng.” Về phần mình, bà Marie Mullet-Abrassart khen ngợi, hiện nay có nhiều phụ nữ điều khiển các phong trào mạnh trong Giáo hội như các cơ quan Cứu trợ Công giáo, Vùng đất Đoàn kết, Phong trào nông thông của Giới trẻ công giáo. Bà cho biết, năm 2018 sau khi báo La Croix đăng một diễn đàn trong đó bà kêu gọi sự cần thiết phải chuyển đổi tận căn, Giáo hội phải dành chỗ cho phụ nữ, người trẻ, giáo dân ở mọi nơi, mọi cấp bậc. Và sau cú sốc các vụ lạm dụng tình dục của các linh mục, hàng chục tổ chức công giáo đã tụ họp lại trong cấu trúc chung Các hứa hẹn của Giáo hội (Promesses d’Eglise), bây giờ họ thường gặp các giám mục để đi tới trên một vài chủ đề, trong đó các chủ đề như “vai trò của phụ nữ”, “phẩm giá bình đẳng của những người được rửa tội”, hoặc “chiến đấu chống các vụ lạm dụng tình dục.” Bà ghi nhận: “Tôi nghĩ mọi thứ đang chuyển động và vì tôc độ quá chậm nên làm cho nhiều người bực bội.”

Về phần mình, sơ Véronique Margron cảm hứng từ một lối rất xưa cổ trong việc chỉ định các giám mục có từ các thế kỷ kitô giáo đầu tiên, theo đó đề nghị được tiến hành bằng sự hoan nghênh của giáo dân. Sơ vừa cười vừa nói: “Dĩ nhiên chúng ta không tái tạo nó một cách y hệt, vì như thế sẽ khá kỳ cục và lại củng cố cho một thiếu sót hiện nay, đó là nhân cách hóa quyền lực, nhưng lại dành trọn chỗ cho các cộng đoàn tín hữu. Tại sao chúng ta không suy nghĩ đến một tổ chức mà cộng đoàn địa phương gồm giáo dân và linh mục được hỏi ý kiến, không phải về tên hay chân dung máy móc lý tưởng của một giám mục, nhưng là về nhu cầu thật sự của giáo phận? Điều này sẽ hữu ích cho những người chúng ta sẽ đề cử. Nếu chúng ta có thể tạo ra một thủ tục như vậy, thì đó là điều tuyệt vời!”

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Bà Anne Soupa, muốn kế vị hồng y Barbarin ở Tòa giám mục Lyon, nước Pháp