lapresse.ca, Stéphane Laporte, 2020-05-30
Từ nhiều tuần nay cả thế giới chỉ nói một chuyện: đại dịch. Từ sáng đến chiều và cả đêm khuya, chúng ta chỉ nói chuyện này. Từ trang đầu đến trang cuối, chúng ta chỉ đọc chuyện này. Bất cứ chủ đề nào: chính trị, kinh tế, nghệ thuật, thể thao, thời tiết, luôn là đại dịch. Bình thường. Nó đang là thảm họa của cả thế giới mà. Và chúng ta có thể là nạn nhân sắp tới, bất cứ lúc nào. Không phải người bên cạnh, không… có thể là chúng ta.
Không có gì khác có thể chạm đến chúng ta. Chúng ta ở trong thế sống còn. Hàng chục, hàng chục sự kiện khác ngày trước là tiêu đề của báo chí, bây giờ vẫn xảy ra nhưng nó ở chế độ ‘riêng’, ngoài tư tưởng của chúng ta. Tất cả tan biến trước coronavirus.
Sáng thứ ba tôi thả bộ trên trang Twitter. COVID, COVID, COVID, COVID… lại COVID! Bỗng, một câu Tweet của một người đang tức giận quá đỗi. Tôi bấm vào video. Bên trái tôi thấy chiếc xe có mang biển số cảnh sát POLICE. Bên mặt là đầu của một người, khuôn mặt dính vào làn ranh trắng của con đường, cổ bị đầu gối của một cảnh sát nghiền nát.
Ảnh: DARNELLA FRAZIER, ASSOCIATED PRESS
George Floyd bị chết chiều thứ hai 25 tháng 5 sau khi bị quật ngã xuống đất trong ít nhất 10 phút, bất động, bị cảnh sát dí đầu gối trên cổ.
Giữa các bình luận của người đứng xem, người ta nghe tiếng người đàn ông lặp đi lặp lại: “Tôi không thể thở, tôi không thể thở.” Người cảnh sát tiếp tục dí. Ồ. Quá nặng. Tôi tự nói, mình đang chứng kiến cảnh bắt giữ tàn bạo của cảnh sát. Nghi can bất động, cảnh sát rất đông, trong phút chốc họ đưa nạn nhân lên xe. Ồ không. Video tiếp tục quay cảnh này. Đầu gối luôn dí trên cổ. Người qua đường lên tiếng. Không ai can thiệp. Người cảnh sát không buông tay. Tôi cảm thấy chóng mặt. Tôi nhận ra tôi đang nhìn một người giết một người. Còn những người đứng xem họ làm gì? Vì sao họ chỉ nhìn, cũng như tôi? Họ, họ còn ở đó. Trong sự thật. Tại sao họ không… họ không… họ không gọi cảnh sát!? Bởi vì cảnh sát ở đó, cảnh sát. Vì sao họ không đi cứu nạn nhân? Vì chính họ cũng là người bị đầu gối dí lên cổ. Họ không thể làm gì. Họ chỉ quay phim. Họ chỉ có thể báo động cho chúng ta. Quý vị nhìn xem, sự thù hận vừa tác động.
Cũng không hẳn là thù hận. Còn tệ hơn. Đây là xuẩn ngốc. Người cảnh sát bỏ tay trong túi. Ông ta không ở trong tư thế tự vệ hợp pháp. Ông ta không hoảng lên. Ông ta không nổi giận. Ông dí một người như chúng ta dí con côn trùng. Theo phản xạ. Bởi vì đó là những gì chúng ta làm. Nạn nhân rên vì không thở được, người cảnh sát không nghe. Không quan tâm. Vì sao phải nghe nạn nhân? Một con côn trùng không nói được. Người cảnh sát nhìn đi chỗ khác. Dửng dưng. Tay cho vào túi.
10 giờ sáng, tôi vừa thấy một người đang chết. Trên điện thoại của tôi. Trong một bức hình nhỏ. Vụ việc xảy ra hôm trước, nhưng trong lòng tôi, nó vừa xảy ra. Tôi không nghĩ tôi xem hình ảnh này. Nhưng nó đó. Tôi thanh thản. Không có ai ở cách tôi hai mét. Và chỉ một cú nhấp, tất cả màu sắc cầu vồng bị xóa mờ. Chỉ còn lại màu đen và màu trắng. Và màu trắng làm tôi sợ.
Tôi nổi loạn, tôi thất vọng, tôi phẫn nộ, tôi ghê tởm. Giống như khi tôi xem bộ phim tài liệu về nước Mỹ vào những năm 60. Nước Mỹ của phân biệt chủng tộc. Của kỳ thị. Vào cuối phim tài liệu, tôi có thể tự an ủi, đây là 60 năm trước. Bao nhiêu là não trạng đã thay đổi. Barack Obama đã được bầu làm tổng thống. Những chuyện khủng khiếp như vậy sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Nhưng không. Nó không thay đổi. Hoặc hầu như không. Chết lặng.
Điều làm tôi xáo trộn nhất trong cảnh này, ngoài cảnh đầu gối dí trên cổ là bàn tay trong túi. Bàn tay trong túi của người làm chủ công việc của mình. Của người kiểm soát. Của quyền lực. Của quyền lực cực mạnh. Không thể đánh bại. Không thể chạm đến được. Bộ đồng phục đúng màu. Màu da cũng vậy. Thanh thản. Quý vị nhìn xem, tôi không cần dùng đến tay để khống chế tội phạm. Chỉ dùng đầu gối là đủ. Dễ dàng. Thêm nữa, ông có thể điều khiển lưu thông, vẫn giữ nguyên tư thế: “Cứ đi, cứ đi, không có gì phải xem. Nghiệp vụ bình thường. Nếu quý vị biết bình thường là như thế nào. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi làm món thịt nướng. Khi nói đến thịt nướng, các bạn, chúng ta ăn ở đâu bây giờ?”
Đầu gối dí trên cổ, tay trong túi, chưa bao giờ quyền uy tối thượng được minh họa đúng như vậy. Vừa khiêu khích. Vừa bất công. Vừa mất cân đối.
Đã đến lúc Người Da Trắng bỏ tay của họ ra khỏi túi. Mỗi lần tôi đối diện với những cảnh kinh tởm như thế này, chắc chắn Người Da Trắng là tôi, tôi không thể thấy tôi nơi những người tấn công này. Tôi ở bên cạnh các nạn nhân. Tôi ở bên cạnh Người Da Đen. Như vậy là tốt. Nhưng dù muốn hay không, tôi vẫn là Người Da Trắng, người may mắn ít gặp hiểm nguy bị đối xử như vậy. Chúng ta phải hành động với quyết tâm cao như quyết tâm của cộng đoàn người da đen tố cáo. Cuộc chiến chống kỳ thị không thể chỉ do một mình các nạn nhân đương đầu. Những người làm chứng cũng phải đương đầu. Bởi vì họ có vũ khí để chiến đấu. Coronavirus tấn công tất cả mọi người. Đen, Trắng, Vàng, Đỏ, người giàu người nghèo, đàn ông đàn ba và những người khác. Toàn hành tinh được huy động. Bao gồm tất cả chúng ta. Và chúng ta hoạt động. Tốt nhất có thể.
Nếu tất cả chúng ta đều quan tâm đến cái chết của George Floyd ở Minneapolis chiều thứ hai vừa qua thì mọi sự may ra có thể sẽ thay đổi. Vấn đề là nó chỉ làm phiền chúng ta chỉ chút thời gian của câu tweet. Và sau đó cuộc sống vẫn tiếp tục, bởi vì chính chúng ta, chúng ta không bị nguy hiểm.