“Chán, cứ việc chán, đừng sợ, luôn luôn sẽ có một cái gì rút ra từ đó”, Triết gia Roger-Pol Droit

323

“Chán, cứ việc chán, đừng sợ, luôn luôn sẽ có một cái gì rút ra từ đó”, Triết gia Roger-Pol Droit

lemonde.fr, Roger-Pol Droit, 2020-03-27

“Không chịu được nữa rồi, phải ở nhà, phải cách ly, phải ở trong bốn bức tường”. Câu này là câu của hàng trăm triệu người bị cách ly vì đại dịch Covid-19. Thật ra đó là câu của triết gia thời cổ đại Sénèque trong Thư gởi Lucilius. Câu này được viết ở Rôma vào thời vua Néron (thế kỷ đầu tiên). Triết gia phái khắc kỷ chán vì ở trong tình trạng cô lập, ông “buồn vì thấy mình bị bỏ rơi”, bị tràn ngập bởi cảm giác trống rỗng, mệt mỏi rã rời, chẳng tích sự gì. Bỗng đột nhiên thiếu ý nghĩa, thiếu năng lực, như thể lò xo khởi động bị hư.

Chúng ta uể oải, chúng ta mệt mỏi

Lúc này rất nhiều người trong chúng ta thấy lỗ hỗng khổng lồ này. Đời sống quen thuộc hàng ngày bỗng bị ngưng, đầu tiên hết chúng ta uể oải, tiếp đó là mệt mỏi. Chẳng mấy chốc các động lực không còn nữa, chán nản xâm lấn, mọi người bắt đầu “ngáp ngáp trước cuộc đời” như nhân vật René của nhà văn Chateaubriand. Còn theo triết gia Pasacal thì chúng ta không thể “ở yên trong một căn phòng”, chúng ta đụng với một chuỗi “phi vật chất” vô nghĩa: chính bản thân chúng ta, không-hành động, có cảm tưởng ở trong tình trạng hư vô…

Khi đó những gì giáng xuống là siêu hình mà chúng ta không nghĩ đến. Đó là “chuyện rầy rà của sự tồn tại”. Flaubert, một cách xuất sắc nói trong ba chữ được nhắc đi nhắc lại trong Những người Hiện đại (Les Modernes): con người là một con vật buồn chán. Cảm nghiệm sự cô đơn của mình, cảm thấy mình bị ném vào một thế giới không ý nghĩa, không cẩm nang chỉ dẫn cách dùng, con người ở trọng tâm chản nản, giữa sự hốt hoảng và chóng mặt, đó là bi kịch của thân phân con người.

Bởi vì chán nản không chỉ liên quan đến hoàn cảnh. Sẽ có một cái gì đó triệt để trong đó, riêng cho tình trạng chúng ta. Triết gia Schopenhauer mô tả đời sống con người dao động như “quả lắc, giữa đau đớn và chán nản.” Hoặc, ham muốn đang rình mò, luôn có tình trạng thiếu thốn và căng thẳng trong lòng, và chúng ta khổ. Hoặc chúng ta chán chê, uể oải lờ đờ, không thật sự thiếu nhưng nhàm chán cũng chộp lấy. Những người tuyên bố không bao giờ buồn chán là những người nói dối.

Trường học của sáng suốt

“Sự nhàm chán tuyệt đối này tự nó chỉ là cuộc sống trần trụi, khi nó tự nhìn nó một cách rõ ràng.” Paul Valéry hình dung triết gia Socrate đã nói như vậy trong một tác phẩm của ông. Nếu chúng ta chú ý đến chuyện này, thì tất cả sẽ đổi ngược. Thay vì bực mình chạy trốn, khó chịu vì bị nhốt kín, chán nản là trường học của sáng suốt, nó đòi hỏi phải suy nghĩ, một bức bách phải sáng tạo. Thay vì xem đây là gánh nặng, nó có thể thành đòn bẩy, thành đệm tung, điểm khởi đầu cho một tương lai đang thai nghén, nếu nghĩ rằng bằng mọi giá không được chán, đó là quá ngây ngô.

Sống không có thời gian chết, luôn bận rộn với một cái gì đó, luôn có một cái gì đó để làm, có một hình ảnh nào đó để xem, một game nào đó để chơi… thì cuộc sống này không có lợi cho nghiền ngẫm để có sáng kiến mới bộc phát, những điều chúng ta chưa biết trước. Thời gian chán không phải là thảm họa. Trái lại có các cảm giác và trực giác khác thường phảng phất, mới đầu không thể nhận ra, nhưng cứ để cho nó đến. Trong sự nhạt nhẽo của bất động, trong cái trống rỗng bao quanh, trong vắng bóng không có dự án nào thì thường làm tăng cho các tia chớp của ngày mai.

Các bạn cứ việc chán, đừng sợ chán. Sẽ có một cái gì đó đi ra. Chúng ta không còn chịu đựng được nữa cái nhà, chúng ta có cảm giác bị khùng, bị lạc hướng? Điều này là bình thường, là con người, là không tránh được. Và cuối cùng là điềm lành cho ngày mai. Bởi vì tư tưởng thoát ra các bức tường. Ngay cả khi chán nản, tư tưởng là phòng chờ. Với tất cả các ý nghĩa của nó nếu bạn muốn.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm:Roger-Pol Droit: “Suy nghĩ lại về cái chết, không bị mê hoặc, không hoành tráng vĩ đại, không trốn tránh, không dửng dưng”

Roger-Pol Droit: “Tha cảm, chia sẻ cảm xúc không trì hoãn, không suy nghĩ vẫn là một chuyện bí ẩn”

Theo triết gia Roger-Pol Droit, coronavirus là cơn sóng thần tinh thần